Báo Los Angeles Times ngay trang nhất in hình diễn hành tại Sài Gòn với cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một lá cờ đã bị Hà Nội cho xóa sổ kể từ năm 1976; đăng một bài của Peter H. King về cảm xúc của John Devitt, 51 tuổi, cựu chiến binh chiến trường VN, mang một mô hình tượng đài tử sĩ Mỹ Cuộc Chiến VN bằng phân nửa bức tường đá đen ở Washington DC đi khắp Hoa Kỳ; một bài kể về Dam Trần, người đã bỏ 2 người con lại VN khi gia đình ông rời VN để vào Mỹ 5 năm trước; một bài của David Lamb viết từ Sài Gòn, ghi nhận là các nhà ngoại giao Mỹ tại VN tránh né các lễ hội; một bản tin về các buổi lễ tưởng niệm tại Little Saigon.
Báo Orange County Register để riêng một section 16 trang nhan đề “The Struggle to Forgive,” viết về nữ tài tử Kiều Chinh, chia làm 11 chương, mở đầu bằng hình ảnh bà bị một số cư dân Little Saigon phản đối sau khi hoàn tất chuyến đi VN để khánh thành ngôi trường tiểu học thứ 8 mà hội từ thiện Vietnam Children’s Fund của bà và một số người Mỹ đã xây tại VN.
Các chương kế tiếp lần lượt kể chuyện bà Kiều Chinh “mang 6 va-li về VN nhưng hành lý nặng nhất lại trong tim,” cảnh bà đến thăm mộ bố mẹ, mô tả địa điểm nơi hội xây trường và những gian nan khi vượt qua thủ tục hành chánh; nỗi kinh hoảng khi bà bị móc túi mất 2,000 đô la tại Chợ Đồng Xuân, Hà Nội, và vài hôm sau thì công an bắt được 4 tên móc túi, nói rằng nếu bà ký giấy một giấy xác nhận thì công an sẽ trả lại tiền cho bà và rồi tống bọn trộm vào tù có thể tới 6 năm. Bà từ chối ký tên, “vì tôi không muốn bất kỳ ai bị tổn thương.” Bà nói không muốn đưa ai vào tù, ngay cả người đã trộm tiền của mình, “Tất cả những người đàn ông tôi yêu đều ở trong tù. Đó là lý do vì sao tôi không ký giấy. Tôi không thể. Nó sẽ ám ảnh tôi.”
Bà đến thăm người thân, trong đó có bà cô là nhà thơ nữ Ngân Giang, đã trong lứa tuổi 80s, người than phiền rằng bà bị người ta đồn là bà là tình nhân của Hồ Chí Minh chỉ vì “Ông Hồ không bao giờ cảm ơn ai cả, nhưng ông viết tặng cô một bài thơ mà lại viết trên lụa, thế là cứ đồn thôi. Nhưng không đúng vậy.”
Nơi Chương IX, vào Sài Gòn, bà thăm ông anh ruột, để hiểu ra lý do vì sao ông anh ở lại Hà Nội trong đêm di tản vào Nam của bà khi ông bố đẩy bà lên phi cơ và quay lại tìm cậu con trai. Hóa ra chỉ vì ông anh lãng mạn gặp 1 khẩu súng, và trốn bố để đi theo kháng chiến chống Pháp. Hậu quả lại bi thảm: cha của bà Kiều Chinh bị CSVN tống vào tù năm 1960, và rồi bắt ông anh bà năm 1965. Khi người cha chết, cả nhà ông anh phải bán chiếc xe đạp duy nhất mới có tiền chôn bố.
Về Quận Cam, một đài phát thanh liên tục chụp mũ bà Kiều Chinh là Việt gian, cho rằng việc xây trường cho trẻ em VN là tiếp tay cho Hà Nội có phương tiện tẩy não trẻ con. Từ một nữ tài tử nổi tiếng nhất Miền Nam VN, và rồi trở thành niềm hãnh diện của cộng đồng Việt hải ngoại sau khi đóng nhiều phim Hoa Kỳ, trong đó nổi bật nhất là “The Joy Luck Club,” bà Kiều Chinh trở thành mục tiêu để một số người tố giác bà là ”...kẻ phản bội... Bà đã bán đứng cho bọn cộng sản để gầy dựng lại sự nghiệp điện ảnh đang mờ dần.” Bà cảm thấy “như cộng đồng đang chống lại bà.”
Chương XI, nhan đề “Into the Future” (Hướng Về Tương Lai), ghi lại đêm ứng cử viên Tổng Thống John McCian tiếp xúc với cộng đồng Việt tại thương xá Phước Lộc Thọ, được lời mời của ban vận động lên nói lời chúc mừng, bà bước lên khán đài và bị một số người la hét “Bọn Cộng Sản!” Thêm nhiều tiếng la hét tương tự. Bà chấn động, và được một người trong ban vận động của McCain dìu xuống.
Buổi sáng hôm sau, khi phóng viên Register tới thăm, và nhìn thấy da mặt bà “Kiều Chinh nhăn như loại giấy rice paper.” Bà giải thích với phóng viên rằng bà hiểu vì sao nhiều người trong cộng đồng không vượt qua nổi quá khứ cay đắng, nhưng bà sẽ không để điều đó ngăn trở bà. “Thế hệ của tôi sẽ biến mất. Thế hệ sắp tới sẽ nhìn lại những vấn đề này, và họ sẽ là những người đưa ra các phán đoán. Tôi tin vào tương lai.”
Vài ngày sau, bà Kiều Chinh mặc chiếc áo dài tới dự Đại Hội Phim Newport Beach để trình chiếu “Catfish in Black Bean Sauce,” một phim trong đó bà đóng vai một bà mẹ VN tới California để gặp 2 người con mà lần cuối bà gặp là khi Sài Gòn thất thủ - những kinh nghiệm mà chính đời bà đã trải qua.
Khi những dòng cuối phim chạy lên, khi ánh sáng bật lên, khán giả đứng lên vỗ tay hoan hô khi bà Kiều Chinh bước tới trước hàng ghế đầu và nhận một bó hoa. Bà nói, “Với tôi, toàn bộ thông điệp chính là chúng ta đều là con người, chúng ta đều có lầm lỗi. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta có thể làm là tìm hiểu lẫn nhau. Chúng ta có thể tha thứ và quên đi. Chúng ta có thể lo cho nhau và yêu thương nhau.”
Trong trang du lịch, báo Register cũng viết về 3 thành phố lớn tại VN - Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Những hình ảnh theo chân đi của 2 phóng viên Mỹ, từ Bắc vào Nam, cho thấy những cảnh nghèo và u ám dần dần đổi màu khi gần tới Sài Gòn, để thành một sức sống sinh động mà chế độ CSVN không cách nào xóa nhòa nổi.
Trong trang Bình Luận, báo Register đăng bài tiểu luận của cô Noelle Trương, một sinh viên Y Khoa tại UCI, nhan đề “Câu hỏi của một thế hệ: Bạn bao nhiêu tuổi, khi bạn gặp cha của bạn"” Nội dung bài viết trình bày về thảm cảnh của thế hệ cô, khi ra đời thì cha đã vào trại cải tạo, và lần đầu gặp cha năm 1981 tại một khu kinh tế mới Minh Hải (Cà Mau) thì tưởng như người xa lạ, cô bé phải tự thu mình trong góc nhà. Phải tới khi mẹ và ba ôm nhau khóc, và cậu anh giải thích thì cô bé mới gọi được người lạ kia là “Ba.” Đây là bài viết cực kỳ xuất sắc, nêu được vấn đề dưới một góc cạnh đầy xúc động.
Độc giả có thể tìm đọc các báo trên ở mạng Internet, địa chỉ www.latimes.com và www.ocregister.com.