Trước sự bế tắc của phiên xử, một số người, nhất là thân nhân của cố dân biểu John Newman và viện trưởng viện công tố Nicholas Cowdrey, cho rằng, đã đến lúc quốc hội tiểu bang phải thông qua một đạo luật cho phép bồi thẩm đoàn có thể đi đến một phán quyết đa số thay vì phải có một phán quyết thống nhất 100% như hiện nay. Có như vậy, việc xét xử mới có thể nhanh chóng, đỡ tốn kém và khai thông được những bế tắc xưa nay tòa án NSW phải đối diện. Riêng ông Shaw, bộ trưởng tư pháp tiểu bang, thì trước sau như một khẳng định niềm tin của ông vào tiến trình luận tội và tầm quan trọng đặc biệt của bồi thẩm đoàn trong việc thông qua một phán quyết hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, theo bài viết của ông Damien Murphy, phóng viên của tờ Sydney Morning Herald, thì bộ trưởng tư pháp Shaw đã có một cuộc hội kiến bí mật với trạng sư Mark Tedeschi, QC, ủy viên công tố trong vụ án Jonn Newman. Nội dung cuộc hội kiến ra sao, cho đến nay chưa được chính phủ tiết lộ.
Được biết, luật pháp hình sự của tiểu bang NSW đòi hỏi, một bị cáo chỉ bị kết án có tội hoặc vô tội khi toàn bộ bồi thẩm đoàn chấp thuận thông qua một phán quyết thống nhất (unanimous verdict). Điều này có nghĩa, chỉ cần một trong số 12 bồi thẩm viên, không đồng ý với phán quyết (dù là có tội hay vô tội) của 11 bồi thẩm viên còn lại, lập tức phiên xử bị bế tắc, và chánh án buộc phải đi đến quyết định tái xử hoặc bãi xử. Trong khi đó, tại một số tiểu bang khác như Western Australia, Victoria, Tasmania, South Australia và Northern Territory, luật tố tụng hình sự chỉ đòi hỏi bồi thẩm đoàn đi đến một phán quyết đa số (majority verdict) là đủ để kết án bị cáo có tội hay vô tội. Tại những tiểu bang và vùng vừa nêu, luật pháp cho phép bồi thẩm đoàn có thể đi đến một phán quyết đa số từ 10 đến 11 trên 12 bồi thẩm viên, sau khi bồi thẩm đoàn tranh luận tội trạng của bị cáo trong thời gian ít nhất từ 2 đến 6 tiếng đồng hồ.
Thực tế, những tranh luận giữa một bên, bồi thẩm đoàn phải có một phán quyết thống nhất 100% và một bên, bồi thẩm đoàn chỉ cần có một phán quyết đa số để kết án bị cáo có tội hay vô tội, là những tranh luận đã hiện hữu từ mấy thế kỷ qua. Tuy nhiên, cho đến nay, dư luận tại nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa đi đến một sự thống nhất. Nhìn chung, nhiều người cho rằng khi bồi thẩm đoàn đi đến một phán quyết thống nhất 100%, chắc chắn sự có tội hay vô tội của bị cáo sẽ hiển nhiên, rõ ràng hơn. Điều này giúp cho công luận cũng như cho chính bồi thẩm đoàn thoát khỏi mặc cảm kết tội nhầm người vô tội hay tha nhầm kẻ có tội. Nhưng nhiều người cũng có lý khi tin rằng, nếu chấp thuận một phán quyết đa số của bồi thẩm đoàn, chắc chắn chính phủ sẽ tiết kiệm được tiền bạc, thời gian, công sức và giảm thiểu những vụ tái xử. Đặc biệt, một khi thừa nhận, phán quyết đa số của bồi thẩm đoàn có hiệu lực, luật pháp sẽ có cơ hội vô hiệu hóa tình trạng phá bĩnh, ngang bướng hoặc thái độ cố tình làm nghiêng lệch công lý của một, hai bồi thẩm viên. Thực tế pháp lý tại NSW hiện nay cho thấy, đôi khi chỉ một bồi thẩm viên, vì thành kiến, vì thiên vị, hoặc vì lý do nào đó, cố ý đi ngược lại phán quyết của tất cả các bồi thẩm viên, y cũng có thể làm đình trệ tiến trình xét xử, cản trở việc thực thi công lý và gây tốn kém cho công qũy.
Nhìn vào vụ án John Newman ta thấy, trên phương diện nào đó, hiện nay một số thế lực trong chính giới cũng như trong hệ thống tư pháp có ý vận động cho việc cải tổ luật pháp để một bồi thẩm đoàn với đa số thuận cũng có thể đi đến phán quyết các bị cáo có tội hoặc vô tội. Sự cải tổ này nếu có, liệu có ảnh hưởng đến phiên tòa, tái xử ông Ngô Cảnh Phương và ông Đào Tự Quang trong tương lai hay không, chắc chắn còn tùy thuộc vào nội dung đạo luật được quốc hội tiểu bang thông qua. Tuy nhiên, nếu chỉ vì vụ án ông John Newman mà dẫn đến những thay đổi về luật pháp, e rằng một số người đã có lý khi cho rằng, những nhà lập pháp tiểu bang NSW đã có những nhân nhượng, đáp ứng nhu cầu buộc tội bị cáo hơn là nhu cầu cải cách để nâng cao hiệu năng thực thi công lý. Nhưng nghĩ đi đã vậy, nghĩ lại, nhiều người cũng có lý khi cho rằng, việc thông qua một đạo luật mới, cho phép bồi thẩm đoàn có thể có một phán quyết hiệu lực trên căn bản đa số, chính là nhằm giúp cho những bị cáo quanh vụ án John Newman thoát khỏi sự sa lầy đầy căng thẳng của một vụ án có quá nhiều nghi vấn, đã kéo dài quá lâu và tương lai xem ra còn đầy rắc rối và trắc trở.
Sự thiếu thống nhất của bồi thẩm đoàn dẫn đến một kết quả tuy không đúng như sự kỳ vọng của cả hai bên tụng phương, nhưng ít nhiều cũng đã mang đến cho cả hai những hy vọng. Việc ông Ngô Cảnh Phương, ông Đào Tự Quang có tội hay không, quanh vụ án John Newman là những điều vượt quá khả năng và sự hiểu biết của mỗi người chúng ta. Có điều, nhìn vào quá trình xét xử tại tòa trong thời gian qua, cùng năm tháng bị giam cứu của các bị cáo, ta phải thừa nhận, họ đã chịu đựng nhiều khổ ải về tâm hồn, thể xác lẫn tâm linh. Và tuy hiện tại họ vẫn còn ấp ủ những hy vọng, chắc chắn những khổ ải đó tiếp tục gậm nhấm, tàn phá tinh thần, ý chí của các bị cáo trong những tháng ngày sắp tới, và để lại trong tâm tư họ những dấu ấn bi thảm vĩnh viễn không thể phai mờ.
Là những công dân tôn trọng luật pháp, chúng ta tha thiết cầu mong công lý được thực hiện, và kẻ có tội trong vụ án John Newman phải bị trừng phạt. Nhưng sâu thẳm trong tâm tư mỗi người, những người từng sống trong tù đầy, và hiện trong đầu óc vẫn đầy ắp những nghi vấn, những băn khoăn quanh vụ án John Newman, chúng ta không thể không thì thầm lời nguyện cầu chân thành dành cho những người đang sống trong vòng lao lý, đang chờ ngày ra tòa...
Hữu Nguyên