Trong một lá thư trước, chúng tôi có kể với bạn nghe hiện trạng một số chung cư tại Sài Gòn mà báo quốc nội gọi là trên đà xuống cấp. Thế nhưng những chung cư đó chưa đến mức phải “báo động đèn đỏ” như tình trạng các chung cư ở Hà Nội theo ghi nhận của Thời Báo Kinh Tế qua trích đoạn dưới đây.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ xây dựng, tổng quỹ nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tính vào khoảng 12 triệu m2, chiếm 15% quỹ nhà ở của toàn quốc. Trong đó, nhà ở chung cư chiếm khoảng 30% quỹ nhà do Nhà nước quản lý, được xây dựng chủ yếu trong những năm 1956 đến 1985, tức là các khu chung cư hiện có tuổi thọ cao nhất gần nửa thế kỷ và thấp nhất cũng tới 15 năm. Kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra liên ngành mới đây cho biết, Hà Nội hiện có 45 công trình, phần lớn là chung cư được liệt vào loại nguy hiểm cần được xử lý gấp vì đang có nguy cơ sụp đổ, trong đó có 15 nhà cao tầng, có nhà lún tới 1.8 mét. Sở địa chính-nhà đất Hà Nội cho biết, số chung cư xuống cấp và đang trong tình trạng hư hỏng nặng chiếm tới 67% quỹ nhà ở hiện có của Hà Nội, trong đó 5% không thể cải tạo, sửa chữa được nữa và chỉ còn cách duy nhất là di dời dân tới chỗ ở mới và dỡ bỏ.
Theo thống kê của Sở địa chính-Nhà đất Hà Nội, phần lớn các công trình lắp ghép tấm lớn hiện đều bị hư hại nặng, đặc biệt là các vết nứt dọc theo mối nối các tấm panel, tấm tường và tấm sàn, ở mối nối giữa bản cầu thang và tường làm ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình do suy giảm khả năng chịu lực, gây ra thấm dột ở mái và các khu vệ sinh. Hiện tượng thấm dột là một dạng hư hỏng phổ biến nhất mà gần như 100% nhà ở chung cư phải gánh chịu. Trung bình, có tới 50 - 80% diện tích mái bị thấm dột, 80% khu phụ của những căn hộ được khảo sát bị thấm dột. Tại các nhà chung cư có tuổi thọ gần 50 năm như B5, B6 Kim Liên, B5 Tân Mai, hiện tượng ăn mòn cốt thép rõ nét hơn, có thể nhìn ngay thấy tại các khu vệ sinh của các căn hộ.
Nguồn không khí tại các khu chung cư cũng bị ô nhiễm nặng do sự xuất hiện của các tạp khí CO, SO2, H2S và NO2 ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của các hộ dân sống tại đây. Tình trạng chiếu sáng, ánh sáng thiên nhiên trong các căn hộ cũng không đảm bảo cho các sinh hoạt thông thường do mật độ cửa sổ rất ít. Hệ thống cấp thoát nước với các tuyến đường ống cấp nước ở các khu chung cư hiện cũng đã bị hư hỏng, rò rỉ, hở mối nối, tắc nghẽn... và đều quá tải do nhu cầu sử dụng tăng do gần 100% số hộ gia đình đều có bề tích trữ nước sinh hoạt riêng ở trên mái nhà, trong khu phụ, trên phần cơi nới.
Bạn
Cũng theo báo quốc nội, hệ thống thoát nước của các khu chung cư cũng không nằm ngoài tình trạng hư hỏng nặng. Theo thống kê của Sở nhà đất CSVN thành phố Hà Nội, hầu như 100% đường ống thoát nước thải trong các khu vệ sinh của các hộ gia đình làm bằng sành đều bị nứt vỡ và rò rỉ qua các mối nối. Do hệ thống cống ngầm thường xuyên bị tắc, trên 70% lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày đều được xả trên nền đất gây ô nhiễm môi trường. Dù phải sinh sống trong một điều kiện như thế, nhưng hiện nay các gia đình đang cư ngụ tại các chung cư đã cố kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm nữa, dù biết rằng đại nạn sẵn sàng xảy đến bất cứ lúc nào.