Thời gian một năm thật sự không có ý nghĩa bao nhiêu so với lịch sử nhân loại. Một triệu năm cũng không thấm gì. Nhưng một ngày được tự do nhất định phải là một dấu mốc lớn cho một đời người, hay cho cả một dân tộc. Bạn cứ thử nhớ tới ngày vừa mới rời nhà tù XHCN thì thấy. Kỷ niệm đó đâu có dễ quên.
Dân tộc Indonesia cũng vậy. Và trong đất nước này, những người hạnh phúc nhất chắc chắn phải là thành phần sinh viên, những người chủ động trong phong trào dân chủ đã dẫn tới việc nhà độc tài Suharto rời ngôi Tổng Thống. Vậy mà được một năm rồi. Một năm của dân chủ, hay đúng ra là gần với dân chủ. Đất nước vẫn khó nghèo. Nhà nước vẫn bao che cho nhà độc tài năm xưa. Tới tháng 6 này mới là ngày bầu cử dân chủ đầu tiên của đất nước Indonesia - nơi nhiều người Việt tị nạn được bao bọc trên đường vượt biên, tại các trại như Galang chẳng hạn.
Đã một năm trôi qua kể từ khi nền kinh tế lụn bại cùng xã hội nhiễu nhương ở Indonesia đưa đến sự sụp đổ của chế độ độc tài dưới quyền Tổng Thống Suharto, người đã ngự trị trên chính trường Indonesia trong hơn 3 thập niên.
Tại Indonesia, nước đông dân thứ tư trên thế giới, chiến dịch vận động tranh cử đã khởi sự trước khi cử tri Nam Dương đi đầu phiếu vào ngày 7 tháng Sáu sắp tới, trong cuộc bầu cử Quốc Hội được xem là tự do nhất tính từ mấy thập niên qua.
Tuy vậy, giới chỉ trích nhận định rằng mặc dù đã lùi vào bóng tối, Suharto hãy còn ảnh hưởng đến nền dân chủ mới manh nha ở Indonesia, và ông Suharto vẫn có ảnh hưởng lớn đến tương lai chính trị cuả ông B.J. Habibie, người kế nhiệm ông. Thật ra, khi ông Habibie nhậm chức chỉ vài phút sau khi Tổng Thống Suharto từ nhiệm vào ngày 21 tháng Năm năm 1998, ít ai nghĩ rằng ông Habibie sẽ giữ chức Tổng Thống mãi cho tới ngày nay.
Từng là bạn thâm tình của ông Suharto từ khi còn là một thiếu niên, ông Habibie là một ủng hộ viên trung thành, luôn luôn tỏ thái độ quý trọng lãnh tụ đã đỡ đầu cho mình, và cũng là vị bộ trưởng phục vụ lâu dài nhất trong Nội Các chính phủ Suharto.
Nhưng, một khi lên nắm quyền, ông Habibie đã làm nhiều người phải ngạc nhiên, sau khi ông tháo bỏ nhiều vết tích của chế độ cũ trên đất nước Đông Nam Á gồm trên dưới 210 triệu dân cư này.
Ông Habibie lập tức chứng tỏ là ông khác biệt hẳn với lãnh tụ Suharto: ông cho áp dụng một loạt các biện pháp cải tổ nghiêm ngặt do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đề nghị, để giúp Indonesia chống cự cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất tính từ nhiều thập niên qua.
Ông Habibie phóng thích các tù nhân chính trị, ông hủy bỏ lệnh kiểm duyệt áp đặt lên giới truyền thông, đồng thời cho phép hàng chục chính đảng mới đựơc hoạt động. Hơn thế, cũng chính ông Habibie đã đề nghị sẽ trao trả độc lập cho Đông Timor, vùng đất đầy biến động mà Indonesia đã xâm chiếm hồi năm 1975 theo lệnh của ông Suharto.
Thế nhưng giới chỉ trích cho rằng ông Habibie đã không nỗ lực giải quyết các vấn đề chủ yếu mà ông thừa hưởng từ chế độ Suharto. Đó là nạn tham ô nhũng lạm, cùng vai trò đầy quyền lực của quân đội Indonesia. Sau một loạt các cuộc cải tổ chính trị sâu rộng, lực lượng quân đội Indonesia vẫn chiếm một số ghế trong Quốc Hội nước này.
Nhưng điều làm cho giới quan tâm quan ngại nhất, là tình trạng bạo động ngày càng leo thang tại khắp nơi. Indonesia là một đất nước gồm 300 sắc tộc khác nhau, sống rải rác trên hơn 14 ngàn hải đảo. Có người e rằng Indonesia, một nước độc lập từ năm 1945, có thể sẽ bị tan rã. Chính ông Habibie đã lên tiếng cảnh giác về nguy cơ này.
Những quyền chính trị mới được ban hành dường như đã mở lại nhiều vết thương xã hội cũ. Tính từ tháng Giêng năm nay, hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa các tín đồ Hồi Giáo và các tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Tại Đông Timor, các cuộc chạm trán vẫn tiếp diễn giữa các phe tranh chấp trong khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị cho vai trò giám sát cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định có nên giao trả độc lập cho Đông Timor hay không.
Lực lựơng quân đội Indonesia vẫn bị nhiều giới chỉ trích về các hành vi chà đạp nhân quyền tại nhiều nơi.
Có người lo sợ rằng bạo động sẽ phá hoại cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng Sáu tới, nếu ủng hộ viên của 48 đảng dự tranh xung đột với nhau trong thời gian tranh cử.
Một vấn đề khác nữa, là ông Habibie dường như hoàn toàn bất lực trước nạn tham nhũng ăn sâu khắp nơi trong xã hội Indonesia.
Cảnh sát lưu thông đòi "tiền trà nước" trên các đường phố đông nghẹt các xe cộ, các viên chức cấp thấp thì đòi phải được trả cái gọi là "thù lao" để làm các loại giấy tờ theo lẽ phải đựơc giải quyết trong công việc thường nhật, còn các quan chức cao cấp thì bị cáo buộc là đã bòn rút tiền công quỹ, trong đó có các khoản được dành riêng để cải thiện thân phận cơ cực của hàng triệu người dân nghèo khó.
Nhưng đối tượng chủ yếu của các lời cáo buộc tham nhũng chính là cựu Tổng Thống Suharto. Những ngừơi chống đối ông Suharto cho rằng ông đã lạm dụng quyền thế thời làm Tổng Thống, để làm giàu cho cá nhân, cho gia đình và tay chân thân tín.
Thành phần này tố cáo rằng ông Habibie hoặc là không có khả năng, hoặc là không thực lòng muốn tấn công lãnh tụ cũ. Thừa lệnh ông Habibie, một cuộc điều tra về của cải tài sản của ông Suharto đã đựơc tiến hành, nhưng kết quả điều tra là: không có chứng cớ nào cho thấy ông Suharto đã lem nhem tài chánh. Điều mà Tạp Chí Time đã khui ra các bí mật là Suharto sở hữu một gia tài 15 tỉ đô la.
Việt Nam rồi cũng sẽ tới gần Dân chủ. Sẽ có ngày như vậy. Vấn đề là tìm cách nào thuận chiều nhất, êm ả nhất, và ít hy sinh nhất. Có lẽ cách tốt nhất là, chính Hà Nội phải tỉnh thức và sám hối. Tại sao lại cứ chờ" Cả nước cũng sẵn sàng bỏ qua đi chuyện Đỗ Mười cầm 1 triệu đô của tư bản Nam Hàn cơ mà. Dân chủ là cái quý hơn nhiều, không đo nổi bằng tiền đâu.