Hiện làng Ngọc Trước có trên 130 gia đình, trong đó có khoảng 80% gia đình nghèo đói, không hộ khẩu thường trú, nhà cửa, đất đai không có giấy tờ hợp lệ. Trẻ em thì thất học, người lớn không có việc làm. Cái vòng quay luân hồi kiếm sống ở làng liều Ngọc Trước này hầu như không bao giờ ngưng nghỉ. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 2 giờ sáng là cả làng đã thức. Kẻ đổ xôi, người nấu cháo, mang vé số ra từng bến xe, góc chợ. Người mang thúng mang sọt, khoác bao tải lên lưng đến những bãi rác cách đó hàng chục cây số để bới tìm... Không học hành, không vốn liếng, không nơi nương tựa, người dân làng liều Ngọc Tước cứ lặng lẽ vật lộn như thế để mưu sinh trong biển đời cơ cực.
Nói về chuyện học hành trẻ con, một cư dân trong làng tên là Hương buồn bã cho biết: Cả làng có gần 100 trẻ thất học. Thương các em, một số thanh niên phường 8 đã tổ chức các lớp học tình thương cho các em. Cũng do nghèo đói túng quẫn mà vận động mãi mới được vài chục em theo học. Phóng viên báo TT gặp 1 thanh niên tên Lâm, người đang đứng lớp tình thương cho trẻ em ở làng liều Ngọc Tước. Lâm kể rằng có n hiều em thiết tha đến lớp tình thương lắm nhưng không phải đứa nào cũng theo được vì còn bận đi bán vé số, lượm ve chai để phụ giúp gia đình. Năm học vừa qua có 12 em theo học lớp 1 và 2 lớp tình thương. Hiện các học sinh này đã đủ điều kiện theo học các trường trong thành phố. Anh Hương thở dài ngắt lời Lâm: “Nói vậy thôi chứ cha mẹ lấy tiền đâu mà cho con theo học. Ngay như làm lại giấy khai sinh cho các em cũng đang gặp rắc rối không ít. Hầu hết các em theo cha mẹ đến nhập cư vùng này và không có giấy khai sinh. Khi đủ điều kiện theo học, trường yêu cầu các em về quê xin lại giấy khai sinh là các em bỏ luôn.” Rồi anh cười gượng gạo và than: “Tiền ăn không đủ, nói chi đến chuyện lo vé tàu xe vượt hàng trăm cây số để về quê xin lại mỗi giấy tờ cho con. Chuyện cứ như cổ tích. Đó là chưa kể nếu các cháu đi học, các gia đình này vừa phải lo một khoản tiền sách vở, áo quần, vừa mất đi một lao động chính trong nhà.”
Bạn,
Cũng theo báo TT, chuyện điện nước ở làng này cũng nan giải. Nước máy chưa về đến làng nên cả làng phải dùng nước giếng khoan với độ nhiễm phèn cao. Dân làng chung nhau một đường dây điện hạ thế. Việc câu móc điện cũng khá tùy tiện. Các loại dây dẫn đủ loại, chắp nối như mạng nhện. Không là giờ cao điểm nhưng điện ở đây cũng chỉ sáng hơn đom đóm. Còn chuyện đến và đi của các gia đình ở làng này xảy ra như cơm bữa. Thích thì ở, không thích thì họ sang nhượng lại cho người mới đến. Thậm chí quá nghèo, nhà đang ở họ có thể ngăn đôi, ngăn ba ra để bán kiếm tiền sống qua ngày.