Bài viết như sau.
Thượng tuần tháng Giêng năm 2000, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định chuyển công tác một số nhân vật lãnh đạo ở cấp cao. Đây là quyết định quan trọng nhất về tổ chức và về nhân sự trong hai năm qua, kể từ khi ông Lê Khả Phiêu được cử giữ chức Tổng Bí thư thay ông Đỗ Mười cuối năm 1997. Quyết định này nhắm vào mười lãnh tụ hàng đầu, gồm bốn ủy viên Bộ Chính trị và sáu ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Về tổ chức đảng, ông Trương Tấn Sang, Bí thư Đảng ủy Thành phố HCM được chuyển ra Hà Nội và có thể được trao nhiệm vụ Trưởng Ban Kinh tế trung ương. Ông Sang đứng hàng thứ 15 trong số 19 ủy viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực. Người được chỉ định thay ông Sang nắm quyền lãnh đạo ở TP/HCM là ông Nguyễn Minh Triết, nhân vật đứng thứ 17 trong Bộ Chính trị. Ông Triết đang công tác ở Hà Nội ở chức vụ Trưởng Ban Dân vận trung ương. Người sẽ thay ông Triết ở chức vụ này là ông Trương Quang Được đang là Bí thư Đảng ủy tỉnh Quảng Nam và Cảng Đà Nẵng. Và người được chỉ định thay ông Được là ông Phan Diễn. Ông này là lãnh tụ đứng hàng thứ 18 trong Bộ Chính trị với chức vụ Trưởng Ban Kinh tế mà ông sẽ trao lại cho ông Trương Tấn Sang. Thêm nữa, một ủy viên trung ương là ông Tô Huy Rứa, hiện đang là Phó Giám đốc Học viện Chính trị HCM tại Hà Nội sẽ được chuyển về Thành phố Hải Phòng, thay thế ông Lê Danh Xương ở chức Bí thư Thành ủy. Ông Rứa là nhân vật số hai tại Học viện nổi tiếng là thành trì của phe giáo điều và phe này đang khống chế hơn hai triệu đảng viên về mặt tư tưởng và nắm quyền kiểm soát trọn vẹn bộ máy thông tin-văn hóa.
Về thành phần chính phủ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao là ông Nguyễn Mạnh Cầm sẽ nhường chỗ cho ông Nguyễn Dy Niên, thứ trưởng của bộ này. Phó Thủ tướng Cầm là lãnh tụ số 7 trong Bộ Chính trị. Một Thứ trưởng khác của Bộ Ngoại giao là ông Vũ Khoan được chỉ định nắm Bộ Thương mại thay thế ông Trương Đình Tuyển.
Xét về mặt thủ tục, hiển nhiên là Bộ Chính trị đã ra một quyết định không bình thường khi chuyển công tác mười nhân vật lãnh đạo cùng một lúc. Việc chuyển công tác ở cấp cao nhất này vượt khỏi quyền hạn của Bộ Chính trị mà Điều lệ Đảng cho phép. Các Bí thư đảng bộ cấp tỉnh và thành phố như các ông Trương Tấn Sang, Lê Danh Xương và Trương Quang Được đều do Đại hội các đảng bộ TP/HCM, Hải Phòng và Quảng Nam-Đà Nẵng bầu ra, chiếu theo Tiết 2 của Điều 18 trong Điều lệ Đảng. Các lãnh tụ này không phải là cán bộ cấp thừa hành để cho Trung ương có thể tùy tiện thuyên chuyển công tác. Việc Trung ương chỉ định người khác thay thế họ coi như một áp đặt không dân chủ cho các đảng bộ cấp tỉnh và thành phố đó, và như vậy là trái Điều lệ Đảng.
Thêm nữa, việc thay đổi một số thành viên trong chính phủ không thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Hiến pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định ở Điều 110 và những Điều tiếp theo rằng: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng phải do Thủ tướng đề nghị với Quốc Hội để xin phê chuẩn”. Mà quốc hội kỳ họp mùa thu vừa bế mạc chưa đầy một tháng đã phê chuẩn việc bãi chức Phó thủ tướng của ông Ngô Xuân Lộc. Như vậy việc miễn nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao là ông Nguyễn Mạnh Cầm, cùng với việc bổ nhiệm hai ông Nguyễn Dy Niên và Vũ Khoan vào các chức bộ trưởng trong Chính phủ là việc làm trái Hiến pháp.
Người ta có thể hiểu được rằng Bộ Chính trị, sau khi tính sổ cuối năm đã thấy phải có hành động mạnh hơn, khẩn cấp hơn nhằm cứu vãn nền kinh tế đang tụt dốc, đồng thời cứu đảng và chính phủ thoát khỏi tình trạng bất lực và tham nhũng. Trong buổi họp báo hôm Thứ Hai tuần trước, Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải cho biết một số biện pháp sẽ được thi hành trong khuôn khổ này. Một trong các biện pháp đó là thực hiện tản quyền, trung ương trao thêm nhiều quyền cho các địa phương. Nhưng việc trung ương chuyển công tác của ba viên Bí thư thành ủy Sàigòn, Hải Phòng và Quảng Nam-Đà Nẵng tỏ ra không hợp với chủ trương tản quyền. Hãy xét trường hợp Trương Tấn Sang. Đang là Bí thư đảng ủy nắm thực quyền tại một “trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước”, bỗng nhiên được chuyển ra Hà Nội để làm công tác tham mưu cho đảng về kinh tế, ông Sang lâm vào cái cảnh — như người Tàu thường nói— đang là cái đầu con gà biến thành cái đuôi con công.
Năm nay 51 tuổi, quê ở tỉnh Long An, vượt lên từ hàng ngũ Thanh Niên Xung Phong, ông Sang là một lãnh tụ trẻ đa năng ngoại trừ lãnh vực kinh tế. Từ tháng Năm 1996, khi được Đại hội Đảng bộ Thành phố bầu làm Bí thư Thành ủy, ông Sang đã đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ các chỉ tiêu kinh tế cao vượt sức tưởng tượng. Trong diễn văn bế mạc Đại hội này, ông Sang khẳng định rằng “Từ 1996 đến năm 2000, mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm phải đạt 15%, xuất khẩu phải tăng bình quân hàng năm 22%, và thu hút vốn đầu tư đến năm 2000 phải từ 12 đến 13 tỉ US$ cho Thành phố Hồ Chí Minh”. Khi đưa ra các chỉ tiêu này, ông Sang cho thấy ngay rằng kinh tế không phải là lãnh vực công tác của ông.
Như vậy việc thuyên chuyển ông Sang cũng như việc thuyên chuyển một loạt chín nhân vật khác không phải vì khả năng của họ mà chính là vì nhu cầu chỉnh đốn bộ máy đảng. Đây là một “đại công tác” của toàn đảng đã được dự liệu trong nghị quyết của Hội nghị trung ương 7 họp trong tháng Tám năm ngoái. Sản phẩm của việc chỉnh đốn đảng này là một ban lãnh đạo mới, sẽ xuất hiện mai đây tại Đại hội toàn quốc vào tháng Sáu năm 2001. Hiểu được điều này, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy trong thời gian trước mắt sẽ còn nhiều thuyên chuyển quan trọng gấp bội đã được đồn đoán từ nhiều tháng trước trong các giới thạo tin ở Hà Nội và Saigòn. Việc đưa ông Sang ra khỏi cát cứ của ông ta là một trong những đồn đoán đó và nay đã trở thành sự thật.
Trong việc chỉnh đốn bộ máy cai trị lần này, nói đúng ra là việc thuyên chuyển trong ngạch quan lại, các quan chức phải được sàng lọc về hạnh kiểm và về khả năng qua hai chiến dịch. Một là: chiến dịch bài trừ tham nhũng; và hai là: chiến dịch phê bình và tự phê. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc. Trong thực tế, điều kiện quyết định phải là lòng trung thành của quan chức đối với chế độ mà người đại diện là Tổng Bí thư với các nhóm thế lực vây quanh ông ta. Trong sinh hoạt chính trị của Việt Nam, đúng như Carlyle Thayer — một chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Việt Nam — đã nhận định, việc điều hành chính sách tùy thuộc cá nhân người lãnh đạo.
Sau hai năm ngồi ghế số 1, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chưa có được uy tín như các tiền bối của ông ta. Bản thân ông không đủ quyết đoán như Trường Chinh. Ông không đủ mưu lược và chưa đủ thời gian để áp dụng kỹ thuật “trồng người” như Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, mà số “người” này còn sót lại đến hôm nay cùng tay em của họ vẫn luôn luôn tìm cách điều hướng ông ta. Bên trên Lê Khả Phiêu còn ba cây đại thụ mà các câu lạc bộ của giới cán bộ hưu trí gọi một cách thân mật là “Bố Già”. Đó là Bố Già Lê Đức Anh, gốc miền Trung, nhân danh phái quân đội và là người bảo trợ cho Lê Khả Phiêu; Bố Già Đỗ Mười, gốc miền Bắc, nhân danh phái chính thống giáo điều; và Bố Già Võ Văn Kiệt, gốc miền Nam, nhân danh phái tự nhận là cải cách và là người bảo trợ cho những Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết. Mọi thuyên chuyển trong hàng quan lại cũng như mọi quyết định quan trọng khác trong thời gian tới đây cần được xem xét trong bối cảnh của cuộc chạy đua tới quyền lực giữa các bè phái tụ tập dưới bóng ba gốc đại thụ vừa kể.
HAI TRANG