Bùi Văn Phú
Đạo diễn Trần Văn Thủy, sinh năm 1940 tại Nam Định. Thời chiến tranh Việt Nam ông làm phóng viên chiến trường, từng du học Liên Xô và đã đạo diễn trên 20 phim. Ông hiện đang làm công tác nghiên cứu tại Williams Joiner Center, University of Massachusetts ở Boston. Tối 27 tháng 1, 2003 vừa qua có một buổi chiếu phim "Chuyện Tử Tế," do Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á, Đại Học Berkeley tổ chức. Đạo diễn Trần Văn Thủy đã có mặt, trao đổi đôi điều suy nghĩ với khán giả.
Trước khi chiếu phim, giáo sư Peter Zinoman, trưởng trung tâm nghiên cứu, đã giới thiệu đôi hàng về đạo diễn Trần Văn Thủy. Đạo diễn họ Trần đã làm nhiều phim như Hà Nội Trong Mắt Ai, Tiếng Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai, Chuyện Tử Tế, Chuyện Góc Phố; trong đó có Hà Nội Trong Mắt Ai mà theo giáo sư Zinoman thì sau khi phim này ra đời, nhiều người gặp vợ của đạo diễn thường hỏi: "Anh Thủy đi tù chưa"" vì phim mang tính chống đối chế độ. Chuyện Tử Tế được ca ngợị tại nhiều đại hội điện ảnh quốc tế và đã đoạt huy chương bạc trong liên hoan phim ở Leipzig, Đức Quốc.
Chuyện Tử Tế là một phim tài liệu. Biên tập: Nguyễn Thanh An; biên kịch và đạo diễn: Trần Văn Thủy và Hồ Trí Phổ; sản xuất: Xí Nghiệp Phim Tài liệu và Khoa Học Trung Ương. Đây là câu chuyện xoay quanh đời sống của nhiều người Việt Nam qua ống kính và cặp mắt của những nhà đạo diễn và quay phim. Vào phim là một câu như danh ngôn: "Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình" đi kèm với lời trăn trối từ giường bệnh của một bạn đồng nghiệp là Đồng Xuân Thuyết: "Các cậu nên làm với nhau một cái gì đó, một cái gì đấy bắt đầu từ tình thương yêu của con người, hay nỗi đau của con người."
Những người làm phim xông xáo vào đời và gặp lắm cảnh trái ngang: đến quay một lò gạch thì bị chủ lò gạch xua đuổi vì tưởng họ đang làm phim tuyên truyền cho nhà nước; một đứa bé chăn vịt vì mệt, cần ngủ, lỡ để đàn vịt vào phá ruộng hợp tác xã mà phải mang lý lịch xấu; một giáo viên toán giờ phải đi bán rau; những cựu chiến binh một thời oanh liệt nay người đạp xích lô, kẻ làm nghề sửa xe đạp; một bà mẹ bị cùi hủi bị người đời khinh chê nhưng quyết chí đúc 18 vạn hòn gạch làm gia tài để lại cho đứa con trai. Đan xen giữa những mảnh đời đó là những suy nghĩ, nhận thức về sự tử tế, về chữ hiếu đối với dân và những gì được gọi là vĩ đại trong xã hội Việt Nam.
Sau phần chiếu phim dài khoảng 45 phút là những trao đổi giữa khán giả và đạo diễn Trần Văn Thủy. Chị Nguyễn Nguyệt Cầm, vợ giáo sư Zinoman, hiện đang dậy Việt ngữ tại Đại Học Berkeley, phụ trách phần phiên dịch. Những câu hỏi và trả lời đưọc ghi lại dưới đây.
H: Nếu bây giờ làm một phim tương tự thì có sự tử tế hơn không"
Đ: Tôi có thể nói một điều không vui. Bây giờ làm như thế này cũng khó. So sánh thì bây giờ khác nhiều về kinh tế, xã hội, đời sống.
H: Sau Chuyện Tử Tế, bây giờ chữ tử tế có thêm nghĩa nào khác không"
Đ: Tôi cho rằng con người không chịu thúc thủ. Khát vọng của sự tử tế không ngừng lại. Tôi chỉ là người làm phim theo suy nghĩ và tâm tưởng. Tôi không có trách nhiệm giải thích những hiện tượng của xã hội Việt nam. Xã hội nay khá lên nhưng lại nảy sinh những sự không tử tế mới. Lúc tôi làm phim này, người ta nghèo khổ như nhau. Bây giờ tới Việt Nam bạn sẽ thấy có nhiều người giàu lên nhanh chóng và lạ lùng. Còn người nghèo ở nông thôn, bảy tám chục phần trăm dân số, có khá lên chút, nhưng so với người giầu thì khoảng cách xa qúa. Con người trong xã hội Việt Nam ngày nay hướng về đời sống vật chất, không hướng về đời sống tinh thần như trong quá khứ.
Nhưng đó chẳng là riêng của Việt Nam mà của loài người. Phim này đã được chiếu ở Anh, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, Úc. Năm 1992 tại đại hội phim ảnh ở Sydney, tôi cảm động khi một nữ đạo diễn đã ôm tôi khóc và nói, nguyên văn: Phim này cần cho nước Úc và cả nước Mỹ nữa. Tôi không biết bà ấy nói thật hay xã giao. Tôi biết nước Mỹ không cần phim này.
Nhưng hôm 16 tháng 11 vừa rồi, trong liên hoan Việt Nam Qua Phim ở New York, trong hàng ngàn phim, 36 phim được chọn gồm phim của những nhà đạo diễn lớn như Oliver Stone, Francis Coppola. Tôi rất xúc động khi một nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ đã đánh giá cao Chuyện Tử Tế. Ông nói rất tiếc là chưa có người Mỹ nào làm phim như Trần Văn Thủy đã làm. Lời nói này theo tôi mang tính hữu nghị nhiều hơn.
Trong lịch sử ít có ai đi xem phim tài liệu mà phải mua vé. Nhưng đông người đã mua vé xem phim của tôi. Trên áp phích họ giới thiệu Trần Văn Thủy là một Francis Coppola của Việt Nam. Tôi ngượng ngùng với sự so sánh như thế. Francis Coppola thì giàu có, còn tôi, như trong phim ghi nghề làm phim là một nghề hèn và mọn. Nhưng các quảng cáo đó đã đưa đông khán giả đến xem phim của tôi.
H: Tôi có hai câu hỏi. Ở đầu phim ghi là Chuyện Tử Tế, Tập 2, có phim tập 1 không" Ngày nay làm phim ở Việt Nam có bị kiểm duyệt không"
Đ: Anh là một người tinh ranh. Chuyện ghi "Tập 2" là một chuyện dài chỉ viết hồi ký mới ghi được. Nhờ "Tập 2" đó mà phim mới ra đời được. Hà Nội Trong Mắt Ai là tập 1. Ngày 7 tháng 10 năm 1987 trong một cuộc họp giữa vị lãnh đạo cao nhất với trên 200 nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh gặp riêng tôi vào bảo rằng: đến bây giờ thì ông mới hiểu được tại sao phim Hà Nội Trong Mắt Ai bị cấm. Vào thời điểm đó người ta đã khôi phục Hà Nội Trong Mắt Ai. Nguyễn Văn Linh nói rằng đạo diễn nên làm tập 2. Tôi đã làm Chuyện Tử Tế từ năm 1985. Về tôi chỉ thêm "Tập 2." Tôi kể chi tiết này để chứng tỏ tôi là người không tử tế (nhiều người cười). Vì thế 200 nhà văn, nhà thơ, viết kịch, làm phim nói với nhau rằng Nguyễn Văn Linh đã bảo Trần Văn Thủy làm tập 2. Đây là lần đầu tiên tôi nói điều này. Phim ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt.