Sau 75 tôi cũng như hàng ngàn người khác tìm cách bỏ nước ra đi. Không lọt phải đền hai năm rưỡi tù. Tù vượt biên thời mới sơ khai được mệnh danh là tù phản quốc. Chẳng là vào năm 76 có ông Nguyễn Văn Hoan nguyên là dân biểu thời VNCH đơn vị Tuy Hòa (") sau cũng lại dân biểu của chế độ mới. Ông này vượt biên, nhà cầm quyền nổi dóa gán cho cái tội phản quốc. Từ đó tù vượt biên được gọi là tù phản quốc.
Phản quốc thì nặng lắm. Vì vậy khi ra trại giam A30 tôi được nhốt chung với đội tù cấp chức nhà 13. Cấp chức là tiếng công an gọi những tù sĩ quan hoặc những người giữ vai trò quan trọng trong thời VNCH. Khi được thả về tôi bị rơi vào tình trạng giam lỏng, nghĩa là không cho làm gì cả.”Vụ án” của tôi vẫn còn được theo dõi, theo như lời Phó Bính (phó giám thị trại A30) nói dằn mặt, trước khi trao cho tôi tờ giấy tạm tha. Do vậy rờ vào đâu tôi cũng bị công an văn hóa hất văng ra, ai thuê mướn tôi cũng không được. Nha Trang dạo đó có anh Hoàng râu ở đường Lữ Gia định mở một Studio ảnh, thuê tôi trông nom về kỹ thuật, lúc nộp hồ sơ xin phép đã bị Thông Tin Văn Hóa thành phố bác (chỉ vì có tên tôi). Anh Trần văn Thức (nay ở El Monte LA) giáo sư triết làm nghề sửa xe đạp đầu ngõ vào Phương Sài, biết chuyện, đã nói nhỏ với tôi: Thôi, tên anh đã bị ghi vào sổ rồi.
Cuối cùng chỉ còn làm “nghệ nhân”. Nghệ nhân thì không dính đến ai, chẳng đụng ai nên khá yên thân. Tôi bắt đầu tập chơi. Đã nửa đời người, tự nhiên quay ra làm chuyện dong dong. Suốt ngày đạp xe qua Đồng Đế lượm san hô về đục đẽo, hoặc lên rừng Đồng Bò đào cây về ươm trồng, còn việc cơm áo phó mặc vợ con (chứ biết làm sao). Có những việc, cứ bình thường ra thì thuê mấy cũng không làm, nhưng khi lâm vào thế chẳng đặng đừng thì dần dà lại đâm say mê. Rồi ngày một ngày hai, mảnh vườn sau nhà trở nên xanh um nhưng rất mất trật tự, vì cứ bạ đâu trồng đó. Trong thời gian này tôi cũng để tâm tìm hiểu đạo Phật. Nói cho đúng thì do những người quen biết chung quanh, thấy tôi vất vả trong việc kiếm sống, cho rằng tiền căn tôi kém tu, nay hướng dẫn tôi đi chùa tụng kinh cầu phước. Tôi thì nghĩ khác. Phước họa nơi mình, cầu cũng chẳng được. Nhưng, người ta thường nói đạo Phật là đạo giải thóat. Mà giải thoát cái gì" Chả lẽ chờ chết rồi giải thoát" Từ đó tôi để tâm cả hai việc. Người giúp tôi trong bước đầu học Phật là anh Trợ (Nguyên Lạc) và anh Thành (Nguyên Hựu). Tôi theo hai anh đi chùa tụng Pháp Hoa, Nguyên Lạc nói: Anh ráng lên, thằng Lễ, sau 75 không còn xu dính túi, nhờ tụng kinh Pháp Hoa nay mới khá vậy. (") Công bằng mà nói thì tôi chỉ thấy lờ mờ cái gì đó hay hay trong đạo Phật, ngoài ra là đi ăn giỗ giải khuây mà thôi. Nhưng đây là khởi duyên cho tôi đi vào Phật Giáo sau này.
Trở lại chuyện chơi cây. Thấy cây mỗi ngày mỗi tốt tôi đâm lo, phải đưa cây lên chậu chớ. Cây mà không chậu thì chẳng khác gì thức ăn không bát đĩa. Có ngon cách mấy cũng không muốn ăn. Cây dù đẹp, dù quí mấy mà nằm dưới đất thì cũng xoàng.
Vào thập kỷ 80 Việt nam chưa có mấy chậu Nhật. Toàn chậu men Biên Hòa làm theo kiểu chậu Tàu, dáng dấp quen mắt với người mình nhưng không hài hòa với lối tạo kiểng sau này. Chậu đã láng lại nhiều màu nhiều hoa văn. Xóm tôi có anh Lộc, thợ hồ, gia đình anh mấy đồi chuyên đắp rồng đắp phụng ở đình chùa, tất nhiên đắp chậu là chuyện nhỏ đối với anh. Tôi gạ nhờ anh làm cho vài cái do tôi phác họa mẫu, dựa theo kiểu chậu Nhật in trong sách tôi thêm bớt chút đỉnh. Làm 10 cái cỡ lớn hơn cuốn tập vở, mỗi cái 8000 đồng. Một số tiền rất lớn đối với tôi, nhưng tôi đã có ý, cứ phải chịu để có dịp học - đời có nhiều người muốn học cái khôn của người khác nhưng lại hà tiện đến cả tách nước trà.
Nhận cái chậu đầu tiên, tôi rất phục tay nghề của Lộc. Cạnh chậu thẳng bưng, chỉ chạy rất bén, không hề thấy lát bay. Lộc nói: Tôi chỉ có thể làm cho anh vào ngày chủ nhật chứ ngày thường tôi bận đi làm. Vậy là sáng chủ nhật tôi bọc một gói Anh Đào (loại thuốc lá nội địa nhưng đắt khách thời bấy giờ) đến xem Lộc làm chậu. Tôi mời anh hút thuốc và nói chuyện vu vơ, làm ra vẻ không để ý gì chuyện chậu thau, cho đến khi anh sực nhớ, vội bắt tay vào việc là tôi theo dõi kỹ. Thoạt tiên anh vun cát, lấy một cái chậu đã làm úp lên, ịn thành ruột của chậu, kế dùng bay vuốt cho thẳng thớm. Anh trộn 1 xi-măng 3 cát sền sệt như hồ đặc rồi dùng bay tấp nhẹ vào mô cát, từ dưới lên. Đáy chậu trên cùng đắp sau và dày hơn thành chậu. Xong đâu đó anh dùng bay miết đi miết lại cho dẻ, chót hết là đắp chân và be miệng. Tay anh liếc bay như người ta múa kiếm, bay đi thoăn thoắt mà không phạm vào da thịt chậu, tài thật. Lúc anh đứng dậy lấy cái chổi đót quét nhè nhẹ lên chậu là coi như công việc hòan tất. Mô tả thì dễ và gọn nhưng việc làm thì khá mất thì giờ. Một ngày anh làm chừng 3,4 cái là nhanh. Từ hôm sau, tôi tự khai giảng khóa học làm chậu của mình. Tôi giấu không cho Lộc biết sợ anh buồn. Khi anh làm xong “lô hàng” tôi đặt thì tôi cũng đã làm được cả chục cái. Dĩ nhiên là không sắc sảo bằng anh, nhưng tôi cảm thấy rất sung sướng là đã giải quyết được một khâu khó khăn trong việc chơi của mình.
Từ đó về sau tôi còn đi xa hơn, chế ra nhiều kiểu chậu với nhiều màu khác nhau, chậu lớn nhỏ, vuông tròn tùy theo cây, tùy theo dáng thế. Hoa văn trang trí mang sắc thái mới lạ, không giống Nhật cũng chẳng mô phỏng Tàu. Chậu làm có khuôn chứ không đắp mô, đã đều lại nhanh. Mùa hè làm chậu mùa đông đào cây. Vốn không bao nhiêu, vài ba ki xi măng lẻ làm dần. Về sau có người biết lại đến mua lai rai. Thế là chơi thành thiệt.
(Trích Buồn Vui Trong Nghề Chơi Cây Kiểng)