PHOTO: "Cư xá" của các Điệu trong Chùa Láù, nơi tự động thành cô nhi viện vì trẻ mồ côi được gửi tới.
(Nguyễn Ngân)
Vượt qua một con đường hẹp dọc theo xóm dân nghèo tại Thị Nghè, chúng tôi theo chân phái đoàn "Phật tử Hải Ngoại" do cô Nguyên Trúc hướng dẫn đến thăm chùa Huyền Trang vào buổi trưa ngày 3 tháng 11 năm 2002.
Ngôi Chùa Huyền Trang, được Thượng Tọa Thích Huyền Tử xây dựng trên một vùng đất chằng chịt những con lạch nhỏ. Với hai bàn tay trắng, Thượng Tọa bắt đầu bằng cách ra công vận động những người dân quanh vùng vét đất bồi lên thành nền chuà và một căn nhà dọc.
Ngôi chánh điện rộng độ khoảng hơn 60 mét vuông, vách bằng phên, má lợp lá. Từ đó dân quanh vùng hàng ngày được nghe kinh kệ và bắt đầu lui tới chùa Huyền Trang mà được dân chúng thân thương gọi tên: "Chùa Lá" đến nỗi tên chùa Huyền Trang không mấy người còn nhớ đến.
Nhưng thật tình nếu chỉ có vậy thì cũng không có gì đáng nói.
Điều quan trọng là tấm lòng của Thầy, với khuôn mặt thật phúc hậu và vui vẻ, nụ cười luôn luôn nở trên môi thầy là nguồn an ủi cho những cảnh đời khốn khổ, chân lấm tay bùn của vài mươi hộ quanh vùng, lần đầu tiên vài người có con nhỏ đem đến nhờ gởi để đi làm, thầy vui vẻ nhận lời: "Để tụi nó ở đây, thầy dạy cho học".
Và một buổi chiều, có người đưa tới hai đứa nhỏ mới 4 -5 tuổi và nói: "Thầy ơi! con X... bỏ hai đưá nhỏ đi rồi. Cha nó thì bị kêu án không biết chừng nào mới ra".
Vậy là thầy trở nên vị" Bảo Mẫu" bất đắt dĩ, sau đó không bao lâu, một lần ra chợ nhìn thấy đám tre,û mấy đứa đang bới đám rác (Vốn cũng đã bị đào bới nhiều lần) mong kiếm 1 chút thức ăn dư thừa, động lòng thầy bèn mang cả đám về chùa nuôi, cho ăn rồi gởi đến lớp tình thương cho học hành.
Từ đó đến nay đã bao nhiêu năm trôi qua, đưá trẻ đầu tiên nay đã trở thành vị Đại Đức phụ tá và cũng đã hoàn thành chương trình Phật Học Cơ Bản.
Ngôi Chùa Lá bổng trở nên một cô nhi viện không tên, lớp đi, lớp đến hiện nay trong ngôi nhà dọc và chánh điện theo thời gian bị suy sập khá nhiều, nơi đây đang bảo bọc hơn 21 " Chú Điệu" mà trong số này mấy chú nguyên là trẻ bụi đời, một số có cha phạm pháp, mẹ bỏ nhà ra đi bán thân nuôi miệng, 21 con người "tu sĩ nhỏ" bất đắc dĩ này là 21 câu chuyện thương tâm, chưa kể 5 cụ gìa lụm cụm không thân nhân cũng vào xin "được làm công quả " kiếm chút "Lộc Phật".
Ngôi "Chùa Lá" nằm bên này con lạch lớn được nối liền với thế giới bên ngoài bằng chiếc cầu khỉ ọp ẹp mà không ít lần các chú đi học đã té xuống lạch sâu, nên năm 1999, một số phật tử từ Mỹ về thăm, động lòng trắc ẩn đã xuất tiền để làm chiếc cầu bằng xi măng rộng, thay thế chiếc cầu khỉ này cũng như một số khác cũng đã cúng dường để làm chiếc cầu thư hai nhỏ hơn nối liền Chùa Lá với thế giới bên ngoài.
Lần này cũng có mấy người về thăm chùa đã cúng dường để tráng xi măng ngôi chánh điện. Nhưng khi được Thầy dẫn đi thăm "cư xá" của mấy chú thì không thiếu ngườøi đã nhỏ lệ. 21"Điệu" chen chúc như cá hộp trong 1 căn phòng không giường, tất cả đều được phát 1 tấm đệm lát 60cmX160cm trải trên nền đất nện cứng, tài sản của mỗi Điệu là một thùng giấy chứa đựng mấy bộ áo nhật bình và sách vỡ. Nhưng tất cả đều được thầy "cưỡng bách" đi học, hiện nay có vài chú đã bắt đầu lên bậc trung học cấp 2 còn lại đang học tiểu học. Chú nhỏ nhất vừa tròn 5 tuổi mới cắp sách đến trường trong niên khóa 2002.
Thầy tâm sự: "Mình bắt mấy chú học và cầu mong Chư Phật gia hộ, tất cả sẽ hoàn tất được chương trình Phật Học Cơ Bản (tương đương với 2 năm đại học), sau đó chú nào tu được thì cứ tiếp tục còn không thì cứ tự nhiên ra đời, dầu sao thì mười mấy năm làm Điệu cũng đã có được căn bản đạo đức và một chút kiến thức để sinh sống, mong rằng sẽ không trở về với mảnh đời khốn khổ mà "tụi nó" đã trải qua".
Nhờ tấm lòng nhân từ của phật tử hải ngoại và mấy công ruộng, ngôi chùa cũng đủ chi dụng tiền ăn, ở sách vở của các chú. Nhưng 2 năm nay mất mùa trắng, lại phải đang mua đất bùn, bồi lên các vũng sâu trong khuôn viên chùa nên cũng thêm phần khó khăn.
Tuy nhiên có một vấn đề trong chuyến thăm viếng khiến nhiều phật tử thắc mắc khi Thầy đưa đến giới thiệu tượng đài Quan Âm với chiếc cầu đá cùng 2 con rồng vươn cao bên thành cầu.
Một số phật tử đã hỏi: "Sao Thầy lại cho xây làm gì công trình này với số tiền quá lớn" Trong khi chổ ở các Điệu lại quá tệ hại"”
Thầy cho biết: "Đó là do yêu cầu của một số Phật tử Hải ngoại, họ gởi tiền về và yêu cầu xây tượng Ngài để tăng thêm tín tâm cho Phật tử quanh vùng và khách tham quan.”
Dù vậy, câu trả lời của Thầy không làm vừa lòng một số người thăm viếng.
Phái đoàn thăm viếng ngoài một số tiền nhỏ còn đưa theo một số văn phòng phẩm, mấy tạ gạo, mấy chục ổ bánh mì ngọt, nhìn mấy Điệu ngồi ăn, người cứng lòng nhất cũng phải chạnh lòng.
Theo những người thường phát tâm giúp đỡ các cô nhi, dưỡng lão thì đây không phải là " Cô nhi viện" tự phát duy nhất, Hiện nay VN, nhất là các tỉnh nhỏ có rất nhiều cô nhi viện, dưỡng lão kiểu này, dân chúng vùng quê nghèo đói không biết đưa con đi đâu nên cuối cùng phải đẩy các cháu vào những ngôi chùa làng, họ mong rằng với lòng từ bi, con cái họ may ra còn có chút cơ may sống sót và được đến trường. Quý Tăng-Ni bổng dưng trở thành thầy cô giáo, nhiều trẻ mồ côi trở thành những "chú Điệu" tất cả đều là bất đắc dĩ.
Dẫu sao với nếp sống đạm bạc và nề nếp trong ngôi nhà Tam Bảo, những chú Điệu này trong tương lai ít ra còn nuôi dưỡng được trong tâm một chút nhân nghĩa, xã hội cũng bớt đi một tội phạm.
Trước khi ra về Cô Diệu Lộc (1 phật tử ở Quận Cam) đã chạnh lòng khi thấy chánh điện quá xập xệ nên đã cúng dường thêm 500 Dollars để đủ tiền hoàn thành nền ngôi chánh điện.