Chiến tranh kết thúc bao nhiêu năm rồi, nhưng vết thương Việt Nam vẫn còn hằng trên thân thể và tâm tư người Mỹ.
Dẫu vậy, ông Lloyd Dewit, giáo sư đại học Southern Idaho, nay đã trở thành một bằng chứng sống là các vết thương đó có thể được hàn gắn .
Cụt một chân vì mìn năm 1967, ông Dewitt có nhiều lý do hơn những người khác để uất hận chiến tranh Việt Nam. Nhưng ông nói, lòng tin nơi Chúa đã giúp ông thoát khỏi tâm trạng đó, và ngay cả thuở còn chiến đấu ở Việt Nam ông cũng đã nghĩ sẽ trở lại đất nước này khi có hòa bình.
Ông Dewitt hay tin một nhóm cựu binh sĩ Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam có lập một tổ chức do ông Dave Roever cầm đầu, gọi là "Roever Educational Assistance Program" (Chương trình Trợ giúp Giáo dục của Roever), viết tắt là REAP. Mục đích của nhóm này là gây thân thiện giữa cựu chiến binh của cả đôi bên, và cấp học bổng cho trẻ em Việt Nam. Nhóm này thường đi Việt Nam từ đầu năm 1998, và tự trả phí tổn di chuyển và chuyên chở. Từ khi chương trình bắt đầu, ông Dewitt đã về Việt Nam 7 chuyến.
Ông kể lại chuyến viếng thăm đầu tiên của nhóm diễn ra tại Dinh Tổng Thống cũ ở Sài Gòn. Cán bộ, thông dịch viên, và một số cựu binh sĩ Việt Cộng, vẫn còn mặc đồng phục, ra đón tiếp. Khỏi cần nói, thật là ngỡ ngàng.
Cựu chiến binh Mỹ đã giải quyết vấn đề trên một cách nhanh chóng, bằng cách bắt tay và ôm choàng cựu thù của họ. Tiếp đó là một bữa ăn thân hữu, và bàn luận cách tốt nhất để giúp đỡ dân chúng Việt Nam.
REAP quyết định: một chương trình mua xe đạp tại Việt Nam, rồi phân phát cho dân làng, sẽ hết sức hữu ích. Xe đạp là phương tiện di chuyển chính tại Việt Nam, nhưng giá quá đắt, không có mấy dân làng đủ tiền mua. Lương trung bình của người nghèo ở Việt Nam là 10 mỹ kim một tháng, trong khi giá xe đạp là 50 mỹ kim một chiếc.
Việt Nam có các trường công đến lớp 6, nhưng học sinh nào muốn học tiếp lên thì phải đóng tiền. Giai đoạn 2 của REAP là cấp học bổng 50 mỹ kim một năm cho các học sinh do Việt Cộng lựa chọn. Số đông học sinh này là hàng cháu của các cựu thù.
Các cựu chiến binh Mỹ đang thăm viếng Việt Nam còn phát cả quà cho trẻ em trong làng mạc. Theo ông Dewitt, người Mỹ được đón tiếp niềm nỡ, và một cựu cán bộ gộc Việt Cộng nói rằng : "Chúng tôi không những muốn các ông gọi chúng tôi là bạn, mà còn gọi là anh em."
REAP đã cấp 500 xe đạp, và sẽ cấp thêm trong chuyến viếng thăm tới.