CABRAMATTA: Một phái đoàn của quốc hội CSVN dự định viếng thăm văn phòng dân biểu Reba Meagher và vùng Cabra- matta vào Thứ Năm, 23/1 năm 2003, nhưng đã bị bà Reba Meagher viết thư thẳng thừng từ chối. Không những vậy, trong thư, nữ dân biểu Reba Meagher còn tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền của CS tại VN, và khẳng định, hầu hết cử tri mà bà đại diện, đều phẫn nộ trước tình trạng mất tự do, dân chủ tại VN.
Trong lá thư đề ngày 7 tháng 1 năm 2003, Dân biểu Reba Meagher cho biết, tuy bà không hoan nghênh chuyến viếng thăm Cabramatta của phái đoàn quốc hội CS, nhưng để giúp cho những người CS học tập được thế nào là đời sống tự do dân chủ tại một quốc gia như Úc Đại Lợi, bà sẵn sàng đứng ra tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn quốc hội CS với các vị đại diện của cộng đồng người Việt tại Úc.
Được biết, ngày Thứ Hai, 6 tháng Giêng năm 2003 vừa qua, ông Christopher Quirk, Giám đốc Phát Triển Thương Mại (Business Development Manager) thuộc công ty Legal & Justice Project Alliance, đã viết thư cho Dân biểu Reba Meagher. Trong thư ông trình bầy, một phái đoàn CSVN bao gồm nhân viên quốc hội (không phải đại biểu) đến Úc để nghiên cứu về cơ cấu hành chánh các cấp của chính phủ Úc. Với mục tiêu đó, ông muốn phái đoàn quốc hội CSVN viếng thăm văn phòng dân biểu Reba Meagher cũng như vùng Cabramatta, và sẽ rất hân hạnh nếu được dân biểu Reba Meagher điều trần về một số vấn đề, trong đó có mối quan hệ giữa một vị dân biểu và cử tri trong vùng, nhất là người Úc gốc Việt. Trong thư ông Quirk cũng đề cập, vì mối quan hệ căng thẳng giữa cộng đồng người Việt tại Úc với chế độ cộng sản tại VN, nên ông muốn phái đoàn CSVN sẽ viếng thăm văn phòng dân biểu Reba Meagher với sự hiện diện của riêng bà, và không muốn có sự hiện diện của bất cứ ai trong cộng đồng Việt Nam.
Ngay sau khi nhận thư, bà Reba Meagher đã viết thư phúc đáp, trong đó bà thẳng thắn phản đối chính phủ CSVN về những hành động vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do dân chủ tại Việt Nam. Bà cũng nêu rõ, cử tri gốc Việt mà bà đại diện đã trải qua nhiều khổ đau, thậm chí bị tra tấn, hành hạ, bị đầy ải, phải rời bỏ quê hương làng xóm... vì chế độ CS. Vì vậy, việc bà gặp gỡ những đại diện quốc hội CSVN là điều vô lý. Bà cũng xác nhận, những người Úc gốc Việt tại đơn vị Cabramatta rất quan tâm đến tự do dân chủ cho Việt Nam, và luôn luôn tích cực đấu tranh với chế độ CSVN một cách ôn hòa để giành được quyền tự do dân chủ đó.
Hiển nhiên, ý định tránh né cộng đồng Việt Nam tại Cabramatta nói riêng và tại hải ngoại nói chung của phái đoàn quốc hội CSVN trong trường hợp nêu trên, cũng như trong bất cứ trường hợp nào mỗi khi có phái đoàn của chính phủ CS Hà Nội ra hải ngoại công du, hay du lịch cá nhân, đã chứng tỏ, từ trong thâm tâm, họ luôn luôn nhận thấy họ là những người có lỗi đối với dân tộc, đất nước, và hoàn toàn phi chính nghĩa. Mặc dù lúc nào CSVN cũng hô hoán, người Việt hải ngoại là công dân Việt Nam, là khúc ruột ngàn dặm, để tìm cách vơ vét tiền bạc, nhưng thái độ né tránh, sợ hãi không dám tiếp xúc với cộng đồng VN mỗi khi ra hải ngoại của CS đã là bằng chứng thể hiện bản chất bất chánh, tham nhũng hối lộ của CS Hà Nội. Người Việt hải ngoại luôn luôn là một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Nhưng chắc chắn không khi nào và vĩnh viễn không bao giờ là bộ phận, hay là cánh tay nối dài của CS Hà Nội dưới bất cứ hình thức nào, trong bất cứ thời gian nào.
Qua sự kiện nêu trên, nữ dân biểu Reba Meagher đã cho CSVN một bài học đích đáng. Điều đó chứng tỏ, mối quan hệ giữa bà và cộng đồng VN rất chặt chẽ, và bà đã hiểu rõ lập trường chính trị của CĐVN tại Cabramatta cũng như tại Úc hoàn toàn phù hợp với những giá trị về tự do dân chủ mà loài người tiến bộ trong đó có dân tộc Úc đã thiết lập.
Sàigòn Times hoan nghênh việc làm sáng suốt của bà Reba Meagher và rất mong được đối diện với những đại diện của cái gọi là “phái đoàn quốc hội CSVN” để cùng bà Reba Meagher giúp những người CSVN học hỏi những bài học về tự do dân chủ.