Trước hết có một điểm cần nói cho rõ: Ủy hội Nhân quyền không phải là một khán đài danh dự. Nó không phải là một nơi chỉ có những nước có thành tích tôn trọng và bảo vệ nhân quyền mới được mời vào ngồi. Nó chỉ là một nơi để thảo luận và theo dõi tình trạng nhân quyền trên thế giới. Bởi vậy những nước bạo ngược vi phạm nhân quyền cũng có thể được bầu vào ngồi. Trung Quốc đã có mặt từ lâu và Việt Nam cũng được bầu vào năm ngoái. Trong tổ chức LHQ, đại hội đồng có đủ mặt thành phần những nước hội viên. Đại hội đồng này bầu ra một cơ quan gọi là Hội đồng kinh tế-xã hội có nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc về giáo dục, y tế và nhân quyền. Hội đồng này bầu ra Ủy hội Nhân quyền có 53 thành viên nhiệm kỳ 3 năm. Ủy hội không có quyền quyền lực gì mà chỉ có nhiệm vụ theo dõi, phúc trình và khuyến cáo lên cơ quan mẹ của nó là Hội đồng Kinh tế-Xã hội. Nói cho thật đúng, Hội đồng này và cả LHQ cũng chẳng có quyền lực cai quản, trói buộc hay thi hành luật pháp thế giới...trừ Hội đồng Bảo an có thể quyết định đưa quân LHQ đến can thiệp bằng vũ lực ở nơi nào xét ra cần. Thế nhưng đạt được một quyết định “can thiệp” như vậy cũng đủ trầy vẩy chớ chưa nói đến việc chấp hành quyết định. Hội Đồng Bảo An có 15 nước trong đó 10 nước chỉ có nhiệm kỳ 2 năm, nhưng quan trọng nhất là 5 nước thường trực, chỉ cần một nước “phủ quyết” là mọi quyết định sẽ vô hiệu. 5 nước thường trực là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Chúng ta đã từng thấy LHQ bị tê liệt như thế nào về cách tổ chức với mấy “anh lớn” nắm búa phủ quyết này.
Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại trên thế giới vẫn bất mãn và nhiều khi bực bội về trạng thái đó. 17 năm trước đây Mỹ đã tự ý rút khỏi UNESCO, tổ chức LHQ về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa. Mỹ là nước giầu nhất, nhưng vì bất mãn nên trì trệ việc đóng góp tài chính và đến nay Mỹ còn thiếu của LHQ 582 triệu đô-la, nên mối quan hệ với toàn thể tổ chức LHQ vẫn là một sự căng thẳng. Chính trên bối cảnh này phải xét đến những nguyên nhân làm Mỹ bị loại ra khỏi Ủy hội Nhân quyền. Những nước vi phạm nhân quyền và thường bị Mỹ lên án chỉ trích nặng cố nhiên đã không bỏ phiếu cho Mỹ. Nhưng điều đáng chú ý là cả những nước đồng minh với Mỹ cũng không thích Mỹ. Trước cuộc bỏ phiếu có 40 nước thân thiện hứa ủng hộ Mỹ. Thế nhưng khi bỏ thăm Mỹ chỉ được 29 phiếu. Mỹ đã lơ là trong việc vận động chăng" Ba nước cạnh tranh với Mỹ để chiếm ghế dành cho Tây phương là Pháp, Áo và Thụy Điển. Trong chỗ riêng tư Mỹ đã yêu cầu Áo và Thụy Điển rút lui để nhường ghế cho Mỹ, nhưng họ từ chối. Rút cuộc Pháp được 52 phiếu, Áo 41 phiếu và Thụy Điển 32 phiếu. Mỹ chỉ được 29 phiếu nên bị lọt ra ngoài.
Có nhiều chuyện đã làm các nước đồng minh bực bội với Mỹ từ lâu, kể cả việc quốc hội Mỹ với đa số vẫn lần khân không chịu đóng tiền cho LHQ. Nhưng gần đây sau khi Tổng Thống Bush lên cầm quyền, sự bất mãn đó càng gia tăng với chính sách của ông liên quan đến những vấn đề như làm giảm sức nóng của bầu khí quyển địa cầu, kế hoạch thiết lập lá chắn chống phi đạn và việc chế tạo thuốc rẻ tiền chống bệnh AIDS cho thế giới. Mặt khác việc chính phủ Bush để trống ghế Đại sứ tại LHQ từ 4 tháng nay được hiểu như chính phủ Bush không đếm xỉa đến tổ chức quốc tế. Có thể đó là những sách lược riêng của chính phủ Bush nhằm ép buộc cơ quan quốc tế phải tuân theo nhưng yêu cầu của Mỹ, nhưng phản ứng của các nước bạn cho thấy đây là lần đầu tiên họ đã trừng phạt Mỹ vào lúc Tổng Thống Bush mới lên cầm quyền chưa được 4 tháng. Từ năm 1947 Mỹ vẫn có ghế tại Ủy hội Nhân quyền, đến nay Mỹ mất ghế. Hậu quả như thế nào"
Dĩ nhiên chẳng có gì ghê gớm, ngoài việc mất thể diện. Nửa thế kỷ qua, Mỹ ngồi ghế Ủy hội mà vẫn không làm cho nhân quyền thế giới thăng tiến bao nhiêu. Hơn chục năm nay, đặc biệt kể từ biến cố Thiên an môn, Mỹ vẫn không làm cho Ủy hội Nhân quyền thành công trong việc lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Trong khi đó các nước vi phạm nhân quyền lại tụ hội đông hơn trước và có sức mạnh của đa số ở các cơ quan quốc tế. Bây giờ dù không còn ở trong Ủy hội, Mỹ vẫn có thể tranh đấu cho nhân quyền, có khi còn tranh đấu mạnh hơn nữa.
Dù vậy, việc tranh đấu cho nhân quyền cũng có những bài học của nó. Thế giới ngày nay là một thế giới phức tạp, việc tranh đấu cho nhân quyền không giản dị, nhất là nó không thể thực hiện bằng vũ lực của một nước đơn độc. Thí dụ có một nước vi phạm nhân quyền trắng trợn, một nước khác dù mạnh đến mấy cũng không thể đơn phương đem bom đến dội xuống đầu nước vi phạm. Muốn làm được một việc như vậy, phải có sự đồng ý của tập thể, của cộng đồng thế giới qua lá phiếu tại LHQ và phải có sự đóng góp phương tiện của nhiều nước.
Chống vi phạm nhân quyền là phải có sự đồng thuận của tập thể. Nếu không tạo được sự đồng thuận đó, mọi cuộc tranh đấu chỉ có thất bại.