Khi tôi dùng chữ SẾN thì có nhiều vị nổi giận cho là đã hạ giá bài hát hay người ca sĩ có liên quan. Sở dĩ họ giận là vì họ vẫn còn cái thành kiến về loại nhạc XẾN mà cách đây mấy chục năm có một số ký giả Sài Gòn đã dùng để chỉ một loại nhạc mà đa số giới thưởng thức ưa chuộng. Chữ XẾN họ dùng bắt nguồn từ chữ SEUL của tiếng Pháp có nghĩa là một mình, lẻ loi… rồi từ đó có chữ Marie Xến để chỉ những cô gái giang hồ kém văn hoá. Những cô này thích một loại nhạc dễ nghe dễ hát, lời ca dễ hiểu và loại nhạc này một vài ký giả đặt cho là nhạc XẾN.
Trong nghệ thuật và nhất là âm nhạc thật khó phân định thế nào là cao thấp, thế nào là tính nghệ thuật và tính quần chúng nên những những lời nhận xét cũng rất là chỉ có giá trị tương đối mà thôi.
Qua hải ngoại và theo thời gian dần trôi thì những bài hát mà người ta cho là XẾN đã thấm vào lòng người Việt Nam tha hương. Một buổi chiều mưa hay ghé vào một quán cà phê nghe thoáng qua những lời ca bằng tiếng Việt kể lể dài dòng tâm sự của người thất tình nào đó trong bài hát bỗng thấy nhớ quê hương lạ lùng và lúc đó cảm thấy bài hát thật gần gũi.
Khi những người học viên đến nhờ tôi chỉ cách ca hát, câu đầu tiên tôi hỏi là thích hát nhạc SẾN hay nhạc XANG vì mỗi loại có cách hát khác nhau. Các em trẻ tuổi đều không hiểu hai chữ đó và tôi cho một thí dụ rất rõ là Thái Châu, Tuấn Vũ, Hương Lan, Như Qùynh là Sến và Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Ý Lan, Khánh Hà là Xang thì họ hiểu ngay.
Tôi dùng chữ SẾN thế chữ XẾN vì nghĩ tới cây đàn sến có những âm thanh luyến láy dân tộc và tôi dùng chữ XANG thế cho chữ SANG vì đó là một trong ngũ cung của âm nhạc quê hương.
Thật ra tôi đã lạc đề vì nói về nhạc SẾN là cả một đề tài phong phú và thú vị, xin hẹn một lần khác sẽ nói nhiều hơn. Điều tôi muốn nói là về một tiếng hát đang dần dần chinh phục giới thưởng thức, đó là Thanh Thu.
Trước kia cô có tên là Vân Thu và cô đã từng thu băng những ca khúc ngoại quốc nhưng sau này cô lại chuyển sang thích hát nhạc SẾN và quả thật bất ngờ giọng của cô lại rất thích hợp.
Thật ra Thanh Thu có chất giọng rất truyền cảm, có pha một chút của ca sĩ Hoàng Oanh và dĩ nhiên là cô có cái riêng của cô. Tôi gọi là tiếng hát gợi nhớ năm tháng cũ là vì những bài hát rất SẾN như của Trúc Phương, Lam Phương… nó gắn liền với một thời đã qua mà bây giờ khó có thể sáng tác lại được như vậy. Tôi có viết một vài bài hát mà âm hưởng giống một số bài nhạc SANG thời trước nhưng về nhạc SẾN thì vẫn chưa làm được. Thanh Thu cứ bảo tôi làm nhạc Sến cho cô hát và tôi hứa sẽ cố gắng.
Vì Thanh Thu vẫn coi chuyện ca hát là vui chơi nên cũng chưa luyện tập đúng mức để con đường nghệ thuật thênh thang hơn. Cô đã thu băng chừng 2 cuốn cho Biển Production, một hai cuốn cho vài trung tâm nhỏ nhưng đã có nhiều thính giả chú ý ưa thích cái luyến láy và âm sắc u hoài của Thanh Thu.
Tôi định giới thiệu cho trung tâm ASIA vì ngoài tiếng hát truyền cảm loại nhạc SẾN, Thanh Thu cũng có một nhan sắc thu hút để lên video ca nhạc. Nếu lên ASIA thì với nhạc đệm công phu và âm thanh tân kỳ, bài bản chọn lọc, cô sẽ sáng chói tên tuổi.
Khi đang viết bài này, tôi vừa nghe cô hát trong cuốn băng Tình Đầu Tình Cuối do trung tâm VV MUSIC PRODUCTION thực hiện mới vừa phát hành gồm 10 bài hát do cô lựa chọn như Đôi Ngã Chia Ly của Khánh Băng, Tình Đầu Tình Cuối, Tình Đầu Tình Cuối… Như vậy là tiếng hát Thanh Thu đang dần vang xa qua những cuốn băng chỉ một mình cô hát.
Tôi vừa nói chuyện với Thanh Thu và đã lựa cho ra 10 bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương để cô thực hiện một cuốn băng đặc biệt về người nhạc sĩ tài hoa này. Ông đã qua đời tại Tỉnh Trà Vinh vài năm trước, rất nghèo và đám tang chỉ vài người đưa đám. Nhà văn kiêm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tác giả Thu Hát Cho Người đã viết một bài "Trúc Phương Đi Chuyến Đò Chiều" đăng trên báo trong nước rất cảm động.
Không hiểu sao cứ mỗi lần nghe Thanh Thu hát là tâm trạng tôi chùng xuống. Vì bài hát hay vì tiếng hát nhưng chắc chắn một điều là cả một bầu trời quá khứ lảng vảng. Cái biệt hiệu "Thanh Thu, tiếng hát gợi nhớ năm tháng cũ" tôi thấy vẫn cứ đúng.