Phân tích về thực trạng điện ảnh VN hiện nay, báo Phụ Nữ viết: Đầu phim làm ra ít ỏi, ảnh hưởng luôn tới việc kêu gọi sáng tác kịch bản phim. Kỹ thuật làm phim, chiếu phim trên thế giới ngày càng hiện đại. Điện ảnh VN nếu không bám theo sẽ tụt hậu. Vội mua máy móc về, không kịp lo đào tạo người sử dụng, mà có người điều khiển máy chăng nữa, hỏi lấy đâu ra phim để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật kia, do đó máy đành trùm mềm. Cái lợi duy nhất là có chút phần trăm “lại quả” thì lọt vào túi của túi ai đó. Cũng như vậy, đầu phim làm ra thì ít nhưng ở các đô thị lớn, những rạp chiếu bóng với trang thiết bị hiện đại vẫn thi nhau ra đời, để chiếu phim mua từ nước ngoài, để kinh doanh nhiều mặt hàng khác cũng có lời.
Về mối quan hệ giữa điện ảnh và truyền hình, báo Phụ Nữ nhận định như sau: Đây cũng là vấn đề bốc lửa. Đứa em sinh sau đẻ muộn này lại mang sức lớn Phù Đổng. Đầu vào được bảo đảm, đầu ra ổn định và không phải lo vé bán được nhiều hay ít, lại lan tỏa, phổ cập nhanh nhạy vì thế dễ dàng thu được tiền quảng cáo. Dân điện ảnh đang gào thét: bàn dân thiên hạ không còn phân biệt nổi đâu là phim nhựa, đâu là phim video. Phim ngoại trên màn hình nhỏ đang đánh bạt phim nội. Truyền hình hãy san sẻ bớt tiền quảng cáo để nuôi điện ảnh. Những lời thỉnh cầu nhu hòa hay phẫn nộ như thế, rồi cũng cuốn theo chiều gió mà thôi. Điện ảnh thuộc quyền của quản lý của bộ Văn hóa, truyền hình thuộc quyền quản lý của tổng cục truyền thanh truyền hình trực thuộc chính phủ. Xưa nay, đã là chuyện đồng tiền bát gạo thì dễ gì ai chịu nhường ai" Vài năm trước khi tăng kênh, tăng sóng thì truyền hình đon đả mời điện ảnh, lúc ấy điện ảnh cao đạo ngoảnh mặt đi. Bây giờ điện ảnh chạy tới tìm thì thuyền đã sang sông.
Bạn,
Báo Phụ Nữ cho biết thêm: Cũng đã có kiến giải, khi ngân sách eo hẹp, khó khăn như hiện nay hay giới điện ảnh hãy hoãn việc làm phim chừng 5,7 năm, tạm bằng lòng với sản phẩm truyền hình vậy. Có thể hoãn làm phim được, nhưng một nền văn hóa mong đạt tới cơ hội giao lưu, hòa đồng thì không thể không có điện ảnh. Muốn vậy, phải có người làm phim. Tình hình học hành tại các cơ sở đào tạo người làm phim ở VN hôm nay, gắng gỏi lắm cũng chỉ tạo ra được lớp người làm ra phim video, chứ không mơ màng tới việc làm phim nhựa. Cơ sở vật chất, tiền bạc, thầy thợ bảo đảm cho việc học hành bài bản, nghiêm túc quả là thiếu thốn, không đồng bộ. Sinh viên muốn nâng cao tay nghề, rút ngắn khoảng cách giữa việc học và hành nên đã tìm đến các đội làm phim truyền hình, phim truyện nhựa. Nhưng buồn một nỗi là những nơi ấy, công việc làm phim cũng chắp vá, gặp chăng hay chớ. Việc đưa sinh viên ra nước ngoài học kỹ thuật, học nghề làm phim theo quy trình và những yêu cầu hiện đại cũng chưa hề đặt lên bàn. Điện ảnh có nhiều bài toán không giải được, các hãng phim đành chào thua!