Đúng 30 năm trước, ngày 30/4/75 là ngày Sài-gòn lọt vào tay cộng sản. Trước đó hai tuần, quân Khmer Đỏ của Polpot cũng chiếm được chính quyền ở Cao Miên. Vào thời điểm đó, bản thân thủ tướng Úc Gough Whitlam và những thành phần thiên tả trong đảng Lao Động của ông đã ầm ĩ chào mừng việc Miền Nam và Cao Miên lọt vào tay CS, và họ đã gọi những cuộc xâm lăng, chiếm đóng này là những cuộc "chiến tranh giải phóng" cho toàn cõi Đông Dương của những người CS.
Ngày 8/4/75, Jim Cairns, lúc đó là phó thủ tướng Úc đồng thời là đại ca của phe Tả ở Úc, đã công khai bày tỏ lòng mong đợi sự chiến thắng của cộng sản ở Việt Nam và Cao Miên. Ông cho rằng, chỉ có CS chiến thắng thì mới “chấm dứt chuyện chém giết, chuyện máu chảy đầu rơi và sự đau khổ” ở Đông Dương. Cũng cùng tâm trạng đó, ngày 26/5/75 - hai tháng sau khi Saigon thất thủ - ông Whitlam đã tuyên bố với Quốc hội rằng “việc thay đổi chế độ [tại VN] đã diễn ra một cách bình an và hữu hiệu (peaceful and effective)”.
Thứ Bảy tuần này (30/4/05), tại Dandenong, một vùng ngoại ô của Melbourne, Toàn Quyền Michael Jeffery sẽ chủ tọa buổi lễ khánh thành một tượng đài tưởng niệm chiến binh Úc Việt. Tượng đài này miêu tả một người chiến binh Úc và một chiến binh VNCH đứng sát cánh nhau phía dưới một chiếc trực thăng của Hoa Kỳ. Đây là cách mà những người Úc gốc Việt bày tỏ lòng tri ân của họ đối với những quân nhân Hoa Kỳ và Úc đã cố gắng chiến đấu - mặc dù không thành công trọn vẹn - trong cuộc chiến bảo vệ để miền Nam Việt Nam không lọt vào tay cộng sản Bắc Việt.
Có một dạo, việc yểm trợ chiến thắng của cộng sản ở Đông Dương là một cái mốt rất thời thượng tại Úc. Cái thời thượng này đã bắt nguồn từ quan điểm của phần lớn những khuôn mặt được mô tả là quyền lực trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Lao Động, như các ông Whitlam, Cairns, Tom Uren... cùng với đại đa số giới khoa bảng, ký giả và những người hướng dẫn dư luận quần chúng trong cuộc tranh luận về việc Úc tham chiến tại Việt Nam.
Ngày 26/1/78, ông Uren cùng một số đồng chí của ông trong đảng Lao Động đã gởi một lá thư ngỏ đến Pol Pot ở Cao Miên, và Phạm Văn Đồng ở Việt Nam. Tất cả những người thuộc cánh tả ký tên trong lá thư ngỏ này bày tỏ sự yểm trợ của họ cho việc “tranh đấu giải phóng quốc gia của cả hai nước Việt Nam và Kampuchea”, đồng thời họ cũng kêu gọi hai tay trùm CS này cố gắng giải quyết “xung đột tại biên giới” Việt Miên. Lá thư ngỏ của những chính khách của một quốc gia được mô tả là tự do dân chủ này tuyệt nhiên không hề đá động đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng đang xảy ra tại cả hai quốc gia Việt và Miên.
Vào tháng 9/78, tại một hội nghị ở Canberra, ông Whitlam tuyên bố, bất cứ bản phúc trình nào trình bầy về những vụ vi phạm nhân quyền của CS ở Việt Nam, Cao Miên và Lào, ông đều không tin. Ông đặc biệt tin tưởng vào sự cầm quyền của CS Pol Pot và nói: “Tôi quả thực hết sức nghi ngờ về tất cả những câu chuyện được đăng tải trên báo chí về cách mà dân Miên bị CS ngược đãi ở Cao Miên”. Thái độ của ông Whitlam là một hành động mũ ni che tai trầm trọng nhằm trốn chạy sự thật, hay ông đã bị CS tuyên truyền".
Đến năm 1978 thì hầu như ai cũng biết về những cánh đồng tử thần của bọn Khmer Đỏ mặc dù người ta có thể không hiểu thấu đáo về mức độ kinh hoàng của nó. Và tương tự như thế, việc những người từng theo Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản ở Việt Nam bị CS đàn áp là những chuyện bình thường, xảy ra như cơm bữa tại VN, bất kể việc ông Whitlam có tin hay không.
Vào khoảng cuối 78, đầu 79, Việt Nam xâm lăng Cao Miên và đánh đuổi Pol Pot khỏi Nam Vang. Đến thời điểm này thì gần như tất cả mọi người đều từ bỏ bọn Khmer Đỏ, ngoại trừ một vài người bên cánh Tả. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn được mến mộ và sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của họ vẫn được ngó lơ (overlooked). Quả đúng, cái chế độ CSVN vốn được sự giúp đỡ của CS Nga và Tàu, để chiếm Saigon năm 1975, đã xảo quyệt không thi hành những cuộc tàn sát ầm ĩ ở tầm vóc lớn (widespread killings), nhưng chúng đã giam cầm khoảng một triệu người miền Nam trong những quần đảo ngục tù của Hà Nội, để họ chết dần chết mòn, chết âm thầm theo năm tháng.
Một số người Úc vốn từng một thời yểm trợ cộng sản Việt Nam - và đã từng hát lớn “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” để ngợi ca tên độc tài Bắc Việt ấy - nay đã hối hận về việc làm của họ. Thí dụ như tiến sĩ Douglas Kirsner, một nhà khoa bảng Melbourne, xác nhận rằng ở Việt Nam nhân quyền vẫn tiếp tục bị chà đạp. Tuy vậy, tiếng nói của ông vẫn còn là tiếng nói cô độc giữa rừng hoang.
Những thay đổi gần đây về quan điểm đối với cuộc chiến tranh Việt Nam hầu như đều nhờ vào ảnh hưởng của những người Úc gốc Việt sinh sống tại Úc, thí dụ như ông Lưu Tường Quang, bà Quỳnh Dao, anh Đỗ Khoa, và những người khác nữa. Ông Quang vốn là cố vấn ở tòa đại sứ Nam Việt Nam (tại Úc) trong những năm đầu của thập niên 70. Vào ngày 29/8/73, ông đã là nạn nhân của một cuộc biểu tình bạo động do những kẻ tả khuynh quá khích tổ chức khi ông được mời đến phát biểu tại đại học La Trobe ở Melbourne. Ông trở về Sài-gòn làm tổng giám đốc bộ Ngoại Giao cho đến khi Sàigòn lọt vào tay cộng sản.
Ông Quang vượt biên bằng đường bộ rồi bằng đường biển đến Thái Lan, và sau đó định cư tại Úc. Câu chuyện quả cảm của ông được đăng tải trong tuần san The Bulletin vào tháng 6/75 và gần đây nhất là trong chương trình The Listening Room trên đài phát thanh ABC-FM vào tháng 12/02.
Có lẽ không có ai trong số sinh viên quá khích đã từng ngăn cản quyền tự do ngôn luận của ông Quang biết được rằng ông đã trở lại Úc, thành một công dân Úc, và hiện là tổng giám đốc của SBS Radio ở Sydney và được trao tặng huân chương Order of Australia. Ông Quang là một trong vô số những người tÿ nạn Nam Việt Nam đã hầu như không nhận được sự giúp đỡ nào từ chính phủ Whitlam, một chính phủ vốn chẳng có mảy may thiện cảm đối với những người tÿ nạn cộng sản.
Bà Quỳnh Dao, một người trong số khoảng 2 triệu người Việt Nam tÿ nạn cộng sản, định cư tại Melbourne. Trong một bài viết đang trên ấn bản Mùa Xuân 2004 của tạp chí National Observer bà đã chỉ trích những người như Noam Chomsky và John Pilger vốn “xem sứ mạng của họ là việc yểm trợ bọn cộng sản miền Bắc liên tục đàn áp những người trí thức Việt Nam, tống giam văn; thi sĩ, bịt miệng bất cứ ai dám lên tiếng chống lại đường lối của đảng”. Bà Quỳnh Dao cũng đã viết một trong những bài nhận định phê phán xuất sắc nhất về cuốn phim The Quiet American - Người Mỹ Trầm Lặng mà đạo diễn Philip Noyce dàn dựng từ tiểu thuyết cùng tên của văn sĩ Graham Greene. Bài phê bình này được đăng tải trên tạp chí The Sydney Institue Quarterly, số tháng 3/03.
Tháng Giêng vừa qua, anh Đỗ Khoa, sanh quán Việt Nam, được trao giải Người Úc Trẻ Trong Năm (Young Australian of The Year). Trong một bài diễn văn ở Sydney, anh tuyên bố một cách hãnh diện rằng gia đình của anh ở bên phe của Úc và Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chủ Nhật này đài truyền hình sẽ trình chiếu cuốn phim thời sự, dựa trên câu chuyện về cựu ngoại trưởng Trần Văn Lắm và gia đình của ông. Bà Judy Rimer, nhà sản xuất cuốn phim, thú nhận rằng, có một thời bà từng yểm trợ cho bọn cộng sản Việt Nam, nhưng bây giờ thì bà thừa nhận rằng quan điểm của bà dạo ấy “ngây thơ, quá giản dị và điển hình cho sự cận thị của người Tây Phương”.
Sau thời hạn 30 năm, những hồ sơ của nội các Úc vào thời điểm 1975 sẽ được bạch hóa vào ngày 1/1/2006. Khi đó, chắc chắn những hồ sơ này sẽ giúp cho mọi người có một khái niệm rõ ràng hơn về quan điểm của chính phủ Whitlam trước và sau chiến thắng của cộng sản ở Việt Nam. Những hồ sơ này cũng sẽ cho thấy rõ hơn ông Whitlam quả thực là con người thiếu lòng trắc ẩn đối với những nỗi khổ cực của người tÿ nạn Việt Nam.
Nhưng cho dù ông Whitlam thiên CS, và thờ ơ với nỗi đau của người Việt tỵ nạn, người VN tÿ nạn CS vẫn đến Úc và họ đã là những tác nhân chính trong việc làm thay đổi thái độ của Úc về chủ nghĩa CS tại Á Châu, đồng thời giúp cho dân Úc tự hào với sự tham chiến của Úc tại VN. Và đó chính là những thành công âm thầm nhưng vô cùng vững vàng, vô cùng ý nghĩa, người Việt tỵ nạn đã và đang làm, một cách tự nhiên, chân thành, nhưng vô cùng hiệu quả. Phải chăng đó chính là sức mạnh vô hình của lẽ phải, của chính nghĩa mà những người Việt tỵ nạn CS được thừa hưởng sâu thẳm từ trong huyết mạch và tâm trí"