Hoa Thịnh Đốn.- Thời gian không có sang hèn nhưng 365 ngày ở Việt Nam đã tạo ra các thứ bậc giàu nghèo nên cách nghĩ và cách làm giữa Nhà nước và người dân cũng khác nhau.
Về mặt kinh tế, tuy cùng sống trong một khoảng thời gian nhất định nhưng phần lớn người dân không có lợi tức bằng cán bộ, đảng viên và những người có cơ hội.
Việt Nam khoe năm 2004, đạt được mức tăng trưởng 7,7%, cao nhất trong 3 năm, xuất khẩu đạt trên 26 tỷ Đô la và sản xuất được ngót 40 triệu tấn lương thực. Nhưng trong số 26 tỷ đô la, Việt Nam chỉ được hưởng khoảng 60 phần trăm sau khi phải trừ đi phí khoản nhập cảng nguyên liệu và máy móc từ bên ngoài.
Vì vậy mà Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một trong số kinh tế gia hàng đầu của Việt Nam đã có một cái nhìn dè dặt hơn trong bài viết cuối năm trên nhật báo Lao Động (7-2-2005).
Ông viết : “Tuy vậy, đánh giá một cách nghiêm túc về mặt chất lượng cho thấy năm 2004, nền kinh tế đã đạt được tăng trưởng cao song vẫn dưới tiềm năng của đất nước, chưa đạt chỉ tiêu 8,5% GDP như Quốc hội và Hội nghị IX của BCH Trung ương đã đề ra. Tăng trưởng đạt được vẫn chủ yếu do tăng thêm tiền vốn, lao động, đất đai, trong đó phần tăng do Nhà nước trực tiếp chi tiêu hay đầu tư còn cao. Chúng ta chưa đạt được sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng như thông qua áp dụng khoa học - công nghệ, tiết kiệm và tăng năng suất lao động.”
Ông còn cảnh cáo Việt Nam phải chuẩn bị đương đầu với sự chuyển hướng “đi xuống” của nên kinh tế thế giới trong năm 2005, vì theo ông : “Tất cả các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng như các trung tâm dự báo quốc tế (như OECD) đều thống nhất dự báo mức tăng trưởng năm 2005 sẽ thấp hơn năm 2004. Giá dầu thô sẽ còn cao do cung - cầu tiếp tục căng thẳng. Tình hình chính trị Trung Đông chưa có dấu hiệu ổn định và đầu tư mới vào khai thác dầu lửa ở vùng này trở nên quá mạo hiểm. Giá dầu cao sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế, kể cả của Hoa Kỳ.”
Việt Nam hy vọng vào tháng 12 năm nay sẽ được gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization, WTO), nhưng việc này nếu có xẩy ra cũng đã quá muộn để giúp ngành dệt may của Việt nam hưởng thuế nhẹ khi xuất nhập cảng tơ sợi và hàng dệt may.
Các cường quốc dệt may là thành viên của WTO như Trung Hoa, Ấn Độ đã được Hiệp định Đa sợi (hoàn tất từ tháng 1/2005) dành cho nhiều ưu đãi về thuế hơn khi mua và bán hàng sang các nước trong tổ chức.
Để đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra làm chậm đã phát triển dự tính 8,5 % trong năm 2005, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói thẳng với nhà nước : “Trước hết phải tiếp tục điều chỉnh vai trò của Nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn có liên quan đến đầu tư từ ngân sách, nâng cao tốc độ giải ngân tín dụng từ nguồn vốn ODA, hiệu quả vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước. Tập trung đầu tư từ các nguồn vốn trên vào những công trình có chọn lọc mà khu vực tư nhân không đầu tư và giảm hẳn tỉ lệ lãng phí, thất thoát đang ở mức nghiêm trọng hiện nay. Đồng thời, mở rộng hơn nữa phạm vi thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, từ đầu tư nước ngoài, nhất là vào các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng và các loại hình dịch vụ. Bằng cách đó có thể tăng đáng kể tổng vốn đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư xã hội.”
Ông cũng nói thêm: “Trong điều kiện ở nước ta hiện nay khi các thể chế của kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa phát triển đầy đủ và hoạt động kém hiệu quả, cơ quan nhà nước các cấp đang can thiệp quá nhiều vào kinh doanh thông qua một hệ thống giấy phép phức tạp, chồng chéo và theo một quy trình làm việc rất thiếu công khai minh bạch rất cần đột phá mạnh vào cải cách hành chính, bỏ bớt các giấy phép, giảm hẳn các thủ tục phiền hà, thực hiện nhất quán công khai minh bạch trong hoạt động của các viên chức. Khâu trọng tâm là các thủ tục đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh, cấp đất, cấp tín dụng ưu đãi, hải quan, thuế. Bằng cách đó phải giảm đáng kể chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.”
Trần Xuân Giá, Trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng có những băn khoăn tương tự như thế về tình trạng “gà nhà tìm cách đá nhau”. Trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 7-2 (2005) , Giá nói : “ Sau hơn 4 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, chúng ta đã bỏ được một số lượng đáng kể các loại giấy phép con trong sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng trong cuộc sống bình thường của mỗi người dân thì những "giấy phép con"- những thủ tục hành chính không cần thiết vẫn còn rất nhiều. Chính vì vậy, tôi mong muốn trong năm Ất Dậu này, những phiền hà trong thủ tục hành chính trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ thủ tục đầu tiên là "khai sinh" cho đến thủ tục cuối cùng là "khai tử" cần phải được "bới" ra hết, xoá bỏ hết để người dân không còn bị nhũng nhiễu.”
Những tệ nạn nhũng nhiễu, lãng phí và thủ tục phiền hà, giấy tờ chồng chất chỉ giúp cán bộ làm giàu nên họ không mấy tích cực tham gia cải tổ hành chính để giảm bớt gánh nặng cho dân.
Thất thoát cho Chương trình Xây dựng Cơ sở là một tỷ dụ điển hình. Chỉ trong vòng 3 năm mà nhà nước nhìn nhận đã mất toi 130 ngàn tỷ bạc! Có người dân nào được cán bộ trách nhiệm chia cho đồng bạc, hay lại cũng đến lần họ và con cháu họ phải đai lưng ra làm để trả nợ cho ngân sách nhà nước "
Vì vậy mà Trần Đào mới nhìn nhận “những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững vẫn còn rất mỏng “. Vì sao mỏng " Đào nêu ra những nguyên nhân : “Chất lượng tăng trưởng chưa cao; .Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu; Còn lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản; Tốc độ cải cách hành chính chậm;Tăng trưởng kinh tế chưa gắn với bảo vệ môi trường; Công tác xóa đói giảm nghèo tuy đạt được kết quả tốt, nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao.” (Tạp chí Cộng sản số 76/05)
Sự tái nghèo này không là chuyện gì mới mẻ vì hoàn cảnh của dân nghèo là họ nghèo quanh năm. Khác chăng là nghèo năm nay có bằng cái nghèo năm trước hay không. Nhiều làng ở Việt Nam đã quen sống như thế nên nếu có chuyện một làng không còn người nghèo nào mới là điều nghạc nhiên.
Lợi tức đồng niên mỗi đầu người ở Việt nam bây giờ được Ngân hàng Thế giới tăng từ 420 Mỹ kim/ năm lên 480 mỹ kim/măm. Nhưng không phải người dân nào trong số 82,5 triệu người cũng có số tiền như thế trong tay. Bởi vì Liên Hiệp Quốc đã lấy tổng số lợi nhuận của cả nước trong năm 2004 đem chia nên mỗi đầu người nên mới có con số này.
Thực tế lợi tức của người dân Việt Nam chỉ được tính bằng giá trị của bữa cơm hàng ngày của mỗi người nên một bữa ăn của người nghèo không thể được cộng với phí tổn bữa ăn của người giầu rồi đem chia hai mà bảo số nửa của người nghèo cũng là phí tổn họ đã có khả năng trả.
Sự cách biệt giàu nghèo ở Việt Nam vì vậy đã mỗi ngày mỗi giãn rộng ra giữa thành thị và thôn quê và giữa vùng đồng bằng và vùng cao nguyên-núi cao. Ở những khu công nghiệp, người ta có thể thu được khoảng 4,000 đô la/năm nhưng trên Cao Nguyên không có công ăn việc làm ổn định thì giỏi lắm cũng chỉ được 100 đô la/năm. Nhiều vùng dân sống dọc ven biển Việt Nam chỉ thu được khoảng 40 xu (Mỹ kim) một ngày!
VIỆT KIỀU – BIÊN GIỚI
Nền kinh tế không quân bình và thiếu công bằng này chưa có sự đóng góp của số tiền khổng lồ hơn 3 tỉ USD của người Việt Nam ở nước ngoài đã đổ về Việt nam trong năm 2004. Số tiền này gần tương đương với khoản tiền mà các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho VN trong năm 2005, theo báo Người Lao Động ngày 4-1-2005. Đây là số tiền lời lớn nhất đối với Việt Nam so với tất cả các dịch vụ xuất khẩu vì Việt Nam đã không mất một đồng vốn nào, không phải trả đồng thuế nào mà có được. Nhưng nhà nước CSVN đã sử dụng số ngoại tệ này vào việc gì thì không ai biết.
Vì vậy mà ta không nên ngạc nhiên khi thấy nhà nước CSVN đã “trải thảm đỏ” ra khắp nơi để đón “Kiều bào” về Việt Nam ăn Tết Ất Dậu năm nay.
Tại buổi gặp một nhóm người Việt từng có các hoạt động thân thiện với đảng CSVN, từ nước ngoài trở về ăn Tết, tổ chức tối 30/1, tại Hội trường Thống Nhất (Sài Gòn), Phan Văn Khải, Thủ tướng, tha thiết nói: " “Đồng bào ta, không phân biệt trong hay ngoài nước, không phân biệt chính kiến, tôn giáo… hãy đồng tâm hiệp lực, đóng góp công sức vào trận chiến mới đưa đất nước ta ra khỏi nỗi nhục đói nghèo và lạc hậu, tiến tới xây dựng một đất nước giàu mạnh, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Một nhân tố bất biến làm nên những thắng lợi của dân tộc ta là khối đại đoàn kết dân tộc. Bà con, dù có ra nước ngoài sinh sống vì bất cứ lý do gì thì vẫn là máu của người Việt Nam, thịt của người Việt Nam. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con ở nước ngoài". (Tạp chí Người Viễn Xứ, 30-1-2005)
Nghe lời kêu gọi “ái quốc ái quần ” này của Khải mà chúng ta không tự hỏi ai đã gây ra “nỗi nhục đói nghèo, lạc hậu” hiện nay, và ai đã để cho “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam mất vào tay Tàu thì chúng ta không hiểu rõ tâm gan người Cộng sản.
Hãy lấy vụ 9 ngư phủ Việt Nam vô tội bị cảnh sát biển của Tàu bắn chết, 7 người bị bắn trọng thương, 8 người bị bắt giữ trái phép ngoài khơi vịnh Bắc bộ ngày 8-1-2005 làm bằng chứng để cột vào cổ đảng và nhà nước đảng CSVN trách nhiệm bất lực, coi mạng sống của người dân nhẹ hơn quyền lợi giữa hai Đảng cầm quyền và vì đã ô nhục khuất phục trước quân Tàu.
Đảng và Nhà nước CSVN giữ thái độ im lặng suốt 11 ngày khiến gia đình các nạn nhân hoang mang kêu cứu. Ngoại trừ tờ Thanh Niên, báo chí trong nước do đảng kiểm soát và chỉ huy cũng “ngồi chờ lệnh”. Mãi đến ngày 20-1 Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Dũng, mới được lệnh phản ứng yếu đuối : “ Những ngư dân Việt Nam bị cảnh sát biển Trung Quốc tấn công, bắn chết, làm bị thương và bắt giữ vừa qua là những người lao động lương thiện, đang đánh cá bình thường ở phía Tây đường phân định vịnh Bắc Bộ trong vùng đánh cá chung”.
“Việc cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí giết hại những người dân vô tội là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc cũng như các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tổn hại tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
“Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái tương tự, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ đã bắn chết người, trả lại những người bị bắt và thi hài những người đã chết cũng như tàu thuyền, tài sản của họ; bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam; nhanh chóng thu xếp để các cơ quan đại diện Việt Nam thăm lãnh sự những người bị thương và bị Trung Quốc giữ; sớm họp Ủy ban liên hiệp về hợp tác nghề cá trên vịnh Bắc Bộ để bàn luận các biện pháp ổn định tình hình.”
Phiá CSVN không hề tố cáo Tầu trước Liên hiệp Quốc hoặc yêu cầu Quốc tế điều tra về việc Trung Cộng vi phạm, lãnh hải của Việt Nam. CSVN cũng ngấm ngầm ngăn chặn mọi cuộc biểu tình phản đối Tàu tại Hà Nội và Sài Gòn. Miệng của cấp Đảng và Nhà nước Việt Nam ngậm như hến, giống hệt như khi quân Trung Cộng tấn công và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bên ngoài Đà Nẵng năm 1974, khi ấy do Quân lực Việt Nam Cộng hoà bảo vệ. Chẳng những thế, trước đó Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Nhà nước CSVN còn ký văn kiện thừa nhận quyền lãnh hải, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, thuộc về Trung Hoa.
Sau năm 1975, khi Trung Hoa tuyên bố chủ quyền cả quần đảo Trường Sa, bên ngoài Nha Trang thì Hà Nội mới hành động bằng việc gửi quân ra chiếm giữ một số hòn đảo. Quần đảo này hiện đang bị tranh chấp chủ quyền, ngoài Việt Nam và Trung Hoa, còn có cả Đài Loan, Phi Luật Tân và Mã Lai Á. Nước nào cũng “cắm cọc” trên một số hòn đảo làm bằng chứng vì nơi đây hưá hẹn có nhiều dầu hoả.
Trên mặt tuyên truyền, Hà Nội vẫn trưng bằng cớ Việt Nam là chủ Hoàng Sa, nhưng chưa bao giờ đảng CSVN phát động chiến dịch đòi lại, dù chỉ vác chiếu đi kiện trước Toà án Quốc tế.
TỪ MẠNH ĐẾN KHẢI
Đối ngoại thì như thế mà đảng CSVN vẫn tự khoe đã đạt được nhiều thắng lợi ngoại giao to lớn, càng ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế và uy tín ngoại giao của Việt Nam càng ngày càng được nhiều quốc gia tin cậy.
Đối nội thì lúc nào cũng đã đạt được những thành tựu to lớn, đời sống người dân mỗi ngày được nâng cao.
Nông Đức Mạnh phản ảnh sự lạc quan này trong cuộc phỏng vấn cuối năm của Tạo chí Cộng sản (số 76/05). Mạnh nói: “Công cuộc đổi mới trên đất nước ta trong 20 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Diện mạo của đất nước ta có những thay đổi lớn lao, cơ bản; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta được cải thiện đáng kể; sự đúng đắn của đường lối được khẳng định; được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực hưởng ứng, được thế giới thừa nhận, đánh giá cao.”
Mạnh hứa tiếp như bao lần đã nói: “Đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính và cải cách tư pháp, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại....Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm đạt kết quả thiết thực trong việc tăng cường rèn luyện cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.”
Trong cuộc phỏng vấn đăng trong số báo ra ngày 30 Tết (7-2-05), Mạnh còn nhìn nhận với báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN :” Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, bên cạnh việc khẳng định các thành tựu, Ðảng và Nhà nước ta nhận rõ: Tuy mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; nền kinh tế còn chuyển biến chậm về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả cạnh tranh; môi trường tự nhiên bị hủy hoại, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra nghiêm trọng; kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội chưa nghiêm, tệ tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi vẫn là nỗi bức xúc lớn của toàn dân.”
“Tình hình đó đặt ra cho năm 2005 nhiệm vụ rất nặng nề, nhằm hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội 2001 - 2005 do Ðại hội lần thứ IX đề ra. Năm 2005 phải tạo được chuyển biến mạnh hơn về tốc độ và cao hơn về chất lượng tăng trưởng, phấn đấu phát triển kinh tế nhanh gắn với nâng cao hiệu quả và tính bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.”
Trong khi đó, trong cuộc họp báo cuối năm (6-2-2005), Trần Đức Lương, Chủ tịch Nước đã khuyến cáo cả nước: “Chúng ta cũng hiểu rằng không phải mọi việc đều suôn sẻ bởi dòng chảy cuộc sống không bao giờ ngừng. Con sông nào cũng có chỗ sâu, chỗ nông, thậm chí chỗ này hay chỗ khác còn có thác ghềnh, đá ngầm. Điều cơ bản là nhận biết được trở ngại để khắc phục. Có lẽ thử thách lớn nhất đối với Việt Nam là sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng khi hội nhập với kinh tế thế giới. Mặt khác, vấn đề lớn và là thách thức thường xuyên: làm sao để chúng ta tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế mà vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững định hướng XHCN; hòa nhập mà không bị hòa tan. Ðây chính là thử thách lớn của chúng ta. Kinh nghiệm thực tế gần 20 năm đổi mới vừa qua đã cho chúng ta rút ra nhiều bài học bổ ích để khẳng định quyết tâm và khả năng vượt khó khăn thách thức và giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh và cạnh tranh quyết liệt này...”
Nhưng liệu trước trào lưu hội nhập để tồn tại và dân chủ hoá để sống còn đang lan nhanh trên thế giới và đang gậm nhấm trong đầu óc thế hệ trẻ ở Việt Nam, đảng Cộng sản có còn đủ sức đễ giữ vững lập trường “hội nhập mà không bị hoà tan” "
Những ngày sinh hoạt cuối năm của Khải cũng đặt trọng tâm vào việc kêu gọi chống tham nhũng. Từ cuộc gặp gỡ báo chí đền họp cán bộ lãnh đạo cả nước, chỗ nào Khải cũng than tệ nạn tham nhũng càng ngày càng phức tạp, khó trị. Khải yêu cầu mọi cấp, mọi ngành “phải chống cho được nạn quan liêu và nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính, tạo sự chuyển biến tiến bộ để lấy lại lòng tin với nhân dân.” (Thông tấn Xã Việt Nam, 30-12-04).
Như vậy là Khải đã thừa nhận một chuyện nghiêm trọng mà từ mấy năm này cả Mạnh và Lương đều né tránh không nói thẳng ra, đó là: Tham nhũng trong cán bộ, đảng viên đã làm cho dân không còn tin vào Đảng nữa và họ đang xa lánh đảng, nay cần phải chống cho được tham nhũng thì mới hy vọng lấy dân về.
Nhưng chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam ngày nay cũng giống như chuyện đi mò kim dưới đáy biển. Nhưng giống kim này lại biết sinh sôi nẩy nở từng phút, từng giây nên dù có ở trên cạn cũng không bao giờ nhặt hết được.
Đây chính là “kẻ nội thù” mà khi còn sống, Phạm Văn Đồng, cựu Thủ tướng đã báo động với đảng. Vài năm gần đây, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương cũng đã nói như thế nhưng đảng vẫn loay hoay chưa biết phải diệt bằng cách nào.
Vậy nếu không diệt được thì sẽ có thêm nhiều dân bỏ đảng. Khi dân đã không còn muốn sống gần đảng nữa thì cũng giống như chuyện con cá chết khô trong hồ nước cạn.
Đó là tình hình chung cuộc ở Việt Nam vào những giây phút tiễn Khỉ ra đi đón Gà trở lại. -/-
Phạm Trần
(Đêm Giao Thừa Ất Dậu)