Quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội, bắt đầu một cách chính thức từ tháng 1 năm 1950, sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm Hoa Lục và thiết lập chính quyền cộng sản trên một xứ sở gần một tỷ dân vào lúc đó. Tuy cùng là 'anh em' trong khối chủ nghĩa cộng sản và Bắc Kinh đã yểm trợ cho Hà Nội rất nhiều trong công cuộc chống Pháp, đặc biệt là đưa đến chiến thắng Điện biên phủ vào năm 1954; nhưng chính Bắc Kinh lại ngăn cản Hà Nội rất nhiều trong việc thương lượng với Pháp qua hội nghị đình chiến tại Genève. Và chính vì sự "chỉ đạo' của Bắc Kinh mà Hà Nội đã phải ngoan ngoản tuân thủ vào lúc đó, đưa đất nước Việt Nam trở thành một chư hầu không lối thoát của Trung Quốc kéo dài đến ngày hôm nay. Đó là sau khi củng cố thế lực ở miền Bắc, Hà Nội tiếp tục dựa vào sự yểm trợ của Bắc Kinh để xâm lăng miền Nam. Lần này, ngoài sự yểm trợ của Bắc Kinh, Hà Nội lại nhận thêm viên trợ của Liên Xô và khối cộng sản quốc tế nên mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội bắt đầu có vấn đề. Khi Tổng thống Nixon thay đổi chiến lược, chính thức viếng thăm Hoa Lục năm 1972, do những áp lực của Liên Xô, Hà Nội đã bắt loa chửi Bắc Kinh là bọn 'phản bội', làm cho mối quan hệ 'răng môi' sứt mẻ kéo dài cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Trong gần hai thập niên dài (1972 - 1991), tuy Hà Nội không cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nhưng sự liên hệ đã trở thành lạnh nhạt, cao điểm của sự sức mẻ này là cuộc xung đột biên giới Việt Trung vào đầu năm 1980 gây ra nhiêu thiệt hại cho hai phía. Lúc này, Hà Nội đã coi Liên Xô là chỗ dựa vững chắc trên con đường 'tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa".
Tháng 9 năm 1990, trong bối cảnh rối loạn của tình hình chính trị tại Liên Xô, lãnh đạo Bắc Kinh gồm Giang Trạch Dân, Lý Bằng và lãnh đạo Hà Nội gồm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng đã 'tìm đến nhau' một cách không chính thức tại Thành Đô, không phải để cùng nhau đối phó cơn địa chấn Đông Âu, mà giải quyết vấn đề Campuchia và nối lại quan hệ răng môi đã bị lãnh nhạt. Sau hai ngày thảo luận, nội dung đã ghi lại trong một biên bản gồm 8 điểm trong đó có 7 điểm nói về cách giải quyết vấn nạn Campuchia và một điểm nói về sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Theo ông Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao vào lúc đó đã nói rằng cuộc mật đàm của hai phía đã là một thất bại cho Hà Nội vì bị Bắc Kinh lừa để đồng ý giải pháp Campuchia theo sự "chỉ đạo" của Bắc Kinh. Ông Cơ nói rằng sở dĩ bị lừa là vì Hà Nội đã tự tạo ra ảo tưởng rằng Bắc Kinh sẽ giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho Hà Nội và cho chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiển họa diễn biến hòa bình của Mỹ. Dù biết là bị lừa trong vấn đề Campuchia, nhưng rồi Hà Nội cũng phải 'dựa' vào Bắc Kinh để tìm con đường thoát hiểm sau khi khối Liên Xô tan rã vào tháng 12 năm 1991.
Kể từ năm 1991 trở đi, Hà Nội đã nhìn về Bắc Kinh như một mẫu mực phải theo từ kinh tế, chính trị cho đến đối ngoại, văn hóa. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 1991 cho đến năm 1997, Hà Nội đã tìm cách tiếp cận với khối ASEAN và Hoa Kỳ để không quá lệ thuộc vào Bắc Kinh trên mặt kinh tế đối ngoại. Bắc Kinh biết tâm lý này nên đã dùng chính sách 'cây gậy và củ cà rốt' để' ảnh hưởng lên các bước đi của Cộng sản Việt Nam. Đó là một mặt giúp Hà Nội tạo những quan hệ bình thường với ASEAN và Hoa Kỳ, nhất là hỗ trợ trong việc ký thương ước Việt Mỹ vào năm 2001; nhưng ở mặt khác, Bắc Kinh ép Hà Nội phải nhượng đất nhượng biển cho họ. Cao điểm của sự triều cống này là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào tháng 2 năm 1999 và chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 12 năm 2000. Kể từ thời điểm này mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội không còn là sự liên hệ 'răng môi' như 50 năm trước mà đã biến thành mối quan hệ 'chư hầu và mẫu quốc', được nguỵ trang dưới câu nói 16 chữ do Giang Trạch Dân đưa ra vào tháng 2 năm 2002, nhân chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam. Câu nói 16 chữ này đã trở thành loại khẩu hiệu mà cán bộ Hà Nội đã phải nhắc đến mỗi khi đề cập đến các quan hệ Việt Trung. Đó là "Láng giếng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai".
Nếu mối quan hệ bình đẳng và thực thi đúng như câu nói 16 chữ của họ Giang, những xung đột, những bất đồng ý kiến nếu có giữa Hà Nội và Bắc Kinh sẽ dễ giải quyết. Đằng này, Bắc Kinh không coi Hà Nội bình đẳng và luôn luôn mang tham vọng bá quyền. Sự kiện 9 ngư phủ bị bắn chế ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam vào ngày 8 tháng 1 với thái độ trịch thượng của Trung Quốc khi cố chấp cho rằng đó là Hải Tặc và không tỏ ra một chút hối hận nào về việc để cho tàu tuần dương giết lầm lương dân vô tội của Việt Nam. Hành động trịch thượng của Trung Quốc sẽ chỉ khuyến khích thêm những vụ xung đột mới trong tương lai. Trong khi đó, Hà Nội chỉ lên tiếng chiếu lệ, vô cùng yếu ớt của một quốc gia có chủ quyền. Rõ ràng là mối quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh trong suốt hơn nửa thế kỷ là mối quan hệ bất thưòng chứ không phải bình thường như cả Hà Nội và Bắc Kinh rêu rao. Đây là mối quan hệ giữa một phe nhóm đối với một phe nhóm chứ không phải sự tương quan hũu nghị giữa hai dân tộc. Tại sao dân chúng phẫn nộ về vụ sát hại đồng bào mình, tự động biểu tình lên án nhà cầm quyền Trung Quốc lại bị công an Hà Nội ngăn cấm" Nếu vì quyền lợi của dân tộc và của đất nước, Hà Nội không những không nên ngăn cấm mà còn phải tích cực giúp dân lên tiếng nói phản kháng. Nhìn lại mối quan hệ Bắc Kinh và Hà Nội hơn nửa thế kỷ, đây chính là những ràng buộc đau thương và tủi nhục cho dân tộc và đất nước Việt Nam trong suốt 55 năm dài vừa qua.
Lý Thái Hùng
Jan 26 2005