Trong một cuộc phỏng vấn do Thời Báo Kinh Tế trong nước thực hiện, Ông Levan đã nêu ý kiến để phát triển kinh tế xã hội miền trung, cần phải nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Ông Levan cũng kêu gọi có sự “nâng cấp” về hệ thống luật pháp, vì nhiều công ty, nhất là các công ty Mỹ, đang chờ đợi những quy định pháp luật phù hợp trước khi quyết định tham gia đầu tư vốn hoặc nguồn lực vào Việt Nam.
Theo ông, miền trung cần có một mạng lưới cán bộ quan hệ đối ngoại có hiệu năng không chỉ trong nước mà cả ở những trung tâm kinh tế quan trọng trên thế giới. Các chuyên viên quan hệ được đào tạo bài bản, được bố trí ở nơi thích hợp sẽ không chỉ để theo dõi những động thái của nền kinh tế thế giới và tiếp cận những nguồn thông tin có lợi cho đất nước mà khi cần có thể vận động các cơ hội kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào làm ăn ở miền trung.
Đề cập tới tổ chức Quỹ Mỹ - Việt do ông sáng lập và lãnh đạo, ông Levan cho biết “Chúng tôi đã và đang thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học; chú trọng đưa các chuyên gia Việt kiều về hợp tác, giao lưu khoa học với các cơ sở trong nước. Ngoài ra, chúng tôi còn môi giới để các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam, tiếp xúc với các đối tác trong nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài. Yêu cầu của chúng tôi đối với các công ty Mỹ là khoan nghĩ tới lợi nhuận ngay mà hãy nghĩ tới con người, tới những mục tiêu dài hạn.
Cũng theo Thời Báo Kinh Tế, ông Levan đơn cử một thành tích: Trường hợp Công ty UOP Mỹ tham gia tư vấn cho dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một ví dụ.