Theo sách sử, khi vua Gia Long chiếm được thiên hạ, đã cho quật mồ mang xác Nguyễn Huệ về xiềng xích, lăng nhục. Nhưng theo những khám phá mới từ trong nước, cớ thể vua Gia Long chỉ bắt được mồ giả, xác giả. Lăng mộ đích thực của Vua Quang Trung đã được nhà vua tài trí này định trước ở một nơi an toàn.
Tin tức và luận cứ trên đây đã được nhà văn Doãn Quốc Sĩ đề cập trong bài viết dành riêng cho báo xuân Việt Báo Tết Canh Thìn 2000, tổng kết các sưu tầm lịch sử về “Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân Công Chúa.”
Nhân ngày kỷ niệm trận Đống Đa, Việt Báo xin trích đăng riêng đoạn nhỏ trong bài viết kể trên, đề cập tới “Những nghi vấn về Di Mộ Của Vua Quang Trung” như sau.
Viện Khoa Học Kỹ Thuật ở Việt Nam vừa đưa ra giả thuyết về Phượng Hoàng Trung Đô có thể là có lăng mộ vua Quang Trung.
Theo chính sử: Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ có bộ óc thông minh và quyết đoán tuyệt vời. Vua Quang Trung rất bén nhạy tiên đoán được những gì sắp xảy ra cho đời mình. Chính ông giáo Hiến (người thày mà hồi Nguyễn Huệ còn nhỏ theo học) đã nói: "Người này (ý chỉ Nguyễn Huệ) công lớn ở đất Thăng Long nhưng chết ở đất Phượng Hoàng!"
Vua Quang Trung cũng có thể đã tiên đoán về mình như vậy nên đã đốc thúc La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và Thái Phó Trần Quang Diệu sớm lo xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô và đồng thời lo việc xây mộ. Sự chơi chữ và đánh tráo thật hư của vua Quang Trung, đương thời khó ai đoán biết được.
Theo một số người, sở dĩ điều này có thể là một ẩn ý vì:
Nguyễn Thiếp là người Nghệ An giỏi về khoa phong thủy, lại là bậc đại nho. Người kế tiếp là Thái phó Trần Quang Diệu cũng gốc ở Nghệ An lúc đó đang trấn giữ Nghệ An.
Bản thân vua Quang Trung, tổ phụ ba đời về trước cũng gốc từ họ Hồ ở đất Nghệ. Theo tục lệ các nhà vương giả xưa, khi chết vẫn luôn luôn muốn được trở về quê cũ. (Như triều đại nhà Trần xưa với quê hương ở vùng Tức Mạc, tỉnh Nam Định đã cho chúng ta thấy rõ điều này.)
Việc Gia Long đào mả vua Quang Trung lấy đầu lâu đem về giam trong ngục thất mà sao đương thời không ai thấy và biết ở chỗ nào" Kể cả các giáo sĩ Gia Tô lúc đó luôn luôn bám sát sự hành quyết các tướng lãnh Tây Sơn tại Phú Xuân cũng không ghi nhận gì về điều này!
Bí mật - cho đến nay - vẫn còn nguyên về lăng mộ vua Quang Trung!
Sắp kỷ niệm 990 năm vua Lý Thái Tố thành lập kinh đô Thăng Long, làm sao chúng ta có thể không nhắc tới công lao kỳ vĩ của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789) đã tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược để giải phóng Thăng Long"
Do đó sự tìm kiếm di mộ của vua Quang Trung quả thực mang một ý nghĩa cực kỳ trọng đại vậy"
(Trích báo xuân Việt Báo Kinh Tế Tết Canh Thìn 2000)