Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, người đã ký thương ước với Mỹ tháng 7 năm ngoái nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn ông ta không biết đích xác lập trường của Bush về vấn đề phê chuẩn thương ước.
Khoan nói: “Có người nói với tôi chính phủ Bush đang chuẩn bị đưa thương ước ra Quốc hội; người khác lại nói thương ước được xét chung trong một gói luật về giao thương của Mỹ. Tôi đang chờ đợi những tin tức đích xác và chính thức hơn”.
Giới vận động kinh doanh ở Việt Nam hy vọng chính phủ Bush sẽ gửi bản thương ước đến Quốc hội vào tuần tới.
Nhưng họ vẫn sợ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick có thể có kế hoạch gói chung thương ước vào những đạo dự luật khác nhằm bảo đảm cho Tổng Thống có một quyền hạn rộng lớn hơn để điều đình về thương mại. Việc này có thể làm trì hoãn việc phê chuẩn thương vài năm.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội Chu Tuấn Cấp nói với Reuters sáng thứ ba, việc phê chuẩn thương ước là đáp ứng quyền lợi của hai nước. Ông ta nói: “Tôi hy vọng Tổng Thống Bush sẽ ủng hộ thương ước. Chúng tôi muốn mở rộng giao thương với nước khác và tôi nghĩ thiện chí của chúng tôi sẽ được đáp ứng”. Cấp ca ngợi Clinton trong việc bình thường hóa quan hệ.
Ông ta nói: “Tổng Thống Clinton đã làm được nhiều việc, như việc thiết lập Sứ quán và ký kết thương ước. Cả hai bên cần phải tiếp tục tiến trình đó.
Zoellick đề nghị hội đàm
Khoan nói Zoellick đã đề nghị hội đàm với ông ta trong cuộc họp diễn đàn Thượng đỉnh APEC ở Thượng Hải trong hai ngày 6-7 tháng 6.
Khoan nói thương ước thiết yếu cho sự cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt với láng giềng khổng lồ cộng sản Trung Quốc.
Thương ước sẽ cho phép Việt Nam được hưởng quy chế “tối huệ quốc” khiến hàng may mặc Việt Nam sẽ được giảm thuế vào Mỹ từ 60% xuống còn 5%.
Khoan nói: “Những nước khác được hưởng tối huệ quốc. Chúng tôi không được. Việt Nam đã dành quy chế tối huệ quốc cho Mỹ ba năm qua. Đã đến lúc Mỹ phải đáp lại”. Ông ta nói hiện Việt Nam đã gặp khó khăn cạnh tranh với Trung Quốc về giá sản xuất rẻ và phát triển kỹ thuật cao của nước này.
Khoan nói tiếp: “Chúng tôi chỉ có lao động, nhưng Trung Quốc có máy móc, Trung Quốc có kỹ thuật học”.
Các nhà phân tích nói sự phê chuẩn thương ước sẽ giúp Việt Nam tăng xuất cảng hàng năm qua Mỹ lên gấp đôi, từ 600 triệu Mỹ kim năm 2000 lên thành 1 tỷ Mỹ kim.
Tuần trước Hà Nội nói bản thương ước không được cột vào các vấn đề nhân quyền và mọi toan tính muốn thương thuyết lại là “không thích ứng và không thỏa mãn”.
James Kelly, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ về Á châu và Thái Bình Dương, hồi đầu tháng này ở Hà Nội nói việc bắt giam Linh mục Nguyễn Văn Lý không có lợi cho tiến trình phê chuẩn thương ước.
Chu Tuấn Cấp được hỏi ông ta có lạc quan về việc phê chuẩn thương ước không, Cấp đáp: “Bản chất của chúng tôi là không bao giờ bi quan, ngay cả trong thời chiến khi có bom...Bởi vậy nói theo lô-gích thương ước sẽ được phê chuẩn”.