Cách đây không lâu cựu tổng thống Gerald Ford và tôi có dịp nói về những ngày làm việc với nhau trong chính quyền. Chúng tôi đồng ý rằng thời gian làm xóa nhòa nhiều chi tiết của một số việc đã làm. Chỉ có một việc chúng tôi khó quên là ngày 30-4-1975, ngày những người Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn và quang cảnh người Việt Nam tranh nhau leo thang lên sân thượng tòa đại sứ Hoa Kỳ dùng trực thăng chạy trốn. Phim chuyện và truyền hình thường ghi lại những cuộc khủng hoảng bằng hình ảnh náo động, điện thoại reo vang, lời qua tiếng lại, lệnh lạc, chỉ thị của viên chức có trách nhiệm ban ra cho kẻ thừa hành. Thực tế trái lại, khủng hoảng là lúc không còn nhiều lựa chọn. Những người có trách nhiệm thấy bơ vơ vì khủng hoảng càng lớn càng ít người chia xẻ trách nhiệm với mình.
Ngày 30-4-1975 tổng thống Ford và tôi thật cô đơn. Tổng thống ở Văn phòng Bầu dục (Oval Office), tôi ở phòng cố vấn an ninh gần đó. Thỉnh thoảng điện thoại reo, bộ quốc phòng báo cáo chiếc trực thăng này rồi chiếc trực thăng khác vừa rời nóc tòa đại sứ. Trong tháng Tư tổng thống và tôi làm việc với các bộ trong chính phủ để chọn một trong những giải pháp sau: (1) rút công dân Mỹ đi ngay để khỏi bị kẹt lại hay rút từ từ để người Việt Nam có cơ hội chạy, (2) đừng xin quốc hội chi tiền viện trợ nữa mà chúng tôi biết quốc hội sẽ không cho hay cứ giả vờ xin để khỏi mang tiếng đâm sau lưng đồng minh. Tổng thống Ford và tôi quyết định rút từ từ và cứ xin quốc hội viện trợ. Nhờ vậy mà có 130.000 người Việt chạy thoát. Sau đó biến cố dồn dập, chúng tôi bó tay ngồi nhìn đổ vỡ và thấy bất lực trước tương lai.
Những ai trải qua ngày định mệnh đó nếu có dịp kể lại thì sẽ là những cảm tưởng và xúc động từ góc độ mình nhìn trước bức tranh lớn trải dài 20 năm với những hy sinh to lớn. Nhưng những người không liên hệ trực tiếp đến biến cố cũng xúc động với một cường độ khó hiểu. Các sử gia cho đến lúc này cũng chưa giúp soi sáng được gì vì còn mãi mê ghi chú những xúc động của biến cố. Thành phần chống chiến tranh kết tội các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khát máu gây chiến tranh để thỏa mãn một thứ tâm lý ẩn uất. Phía hữu im lặng coi cuộc chiến như một biến cố bất thường hoặc cho rằng Hoa kỳ đã thất bại vì thiếu quyết tâm.
Vì không đồng ý với nhau đối với biến cố (quan trọng nhất trong nửa thế kỷ qua), người Mỹ không thể rút ra được một bài học về Việt Nam và về cách cư xử với nhau trong giai đoạn đau buồn đó.
Đó là nội dung bài viết này. Tổn thương trước nhất của chiến tranh Việt Nam là sự nghi ngờ giá trị độc đáo của Hoa Kỳ được thế giới công nhận, và sự chia rẽ quan điểm về đề tài hy sinh nào cần bỏ ra để xiển dương và bảo vệ giá trị đó. Sự chia rẽ này ảnh hưởng nhiều đến các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Can Thiệp Vào Đông Dương Và Rút Ra.
Chúng ta can thiệp vào Đông Dương ở cao điểm của niềm tin Hoa Kỳ tất thắng. Đối với chúng ta đó chỉ là sự tiếp tục một chính sách đúng đắn đã ổn định được thế giới sau thế giới đại chiến lần thứ 2, xây dựng lại Âu Châu, tạo điều kiện cho Đức và Nhật hội nhập cộng đồng thế giới, và chận ảnh hưởng của Liên bang Xô viết vào Âu châu và Triều Tiên. Chính sách nói trên phát xuất từ kinh nghiệm của Thế chiến 2 và từ triết lý của chính sách New Deal (nguyên tắc phối hợp kinh tế với chính trị để thúc đẩy kinh tế và tăng cường an sinh xã hội của tổng thống Franklin Roosevelt trong thập niên 1930) để chận sự bành trường của Liên bang Xô viết và không cho người cộng sản cơ hội tạo nổi loạn trong vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Mặc dù dân chúng Hoa Kỳ nói chung đồng ý các chính sách của chính phủ đối với cuộc chiến tranh lạnh, giới trí thức nhất là giới đại học chưa tin. Giới này cho rằng Hoa Kỳ hoặc đã thổi phồng mối đe dọa cộng sản hoặc thân thiện với quá nhiều chế độ độc tài để có thể nói rằng mình là kẻ bảo vệ tự do dân chủ. Tuy nhiên sự bất đồng ý kiến này giới hạn trong từng chính sách chứ không phải là sự bất đồng ý kiến với toàn bộ chính sách của chính phủ.
Chính sách của Hoa Kỳ được xác định rõ nhất qua bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Kennedy. Tổng thống Kennedy nói: Hoa Kỳ sẽ “trả bất cứ giá nào, chịu đựng và chấp nhận bất cứ khó khăn nào, giúp bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào để bảo vệ tự do.” (the United States would “pay any price, bear any burden, meet any hardship, support any friend, oppose any foe, to ensure the survival and success of liberty.”). Lúc đó, không ai đặt vấn đề với nhiệm vụ tổng thống Kennedy đề ra, hay thắc mắc Đông Dương có phải là tiền đồn bảo vệ tự do không.
Trước khi tổng thống Kennedy nhậm chức, tổng thống Eishenhower khuyên giúp Lào nếu Bắc Việt Nam tiếp tục can thiệp vào nước đó. Hai tháng sau khi nhậm chức tổng thống Kennedy gởi Thủy quân Lục chiến đến Thái Lan, quốc gia sát vách với Lào. Tuy nhiên tổng thống Kennedy giới hạn sự can thiệp tại Lào qua hoạt động của CIA. Nhưng vào tháng 12 năm 1961 sau khi Hà Nội mở đường tiếp vận cho du kích trong Nam qua ngõ Lào, tổng thống Kennedy gởi cố vấn quân sự đến Nam Việt Nam. Số quân nhân Mỹ vào khoảng 16.000 người vào cuối năm 1963. Tổng thống Johnson tiếp tục chính sách Kennedy. Và vào lúc ông rời tòa Bạch Ốc quân số Mỹ ở Việt Nam lên đến 500.000 người. Cần nhắc lại là từ dân chúng đến các nhân vật trọng yếu trong chính quyền không ai phản đối việc đưa quân Mỹ đến Nam Việt Nam. Sau này người ta cố tình đổ lỗi cho tổng thống Johnson ồ ạt đổ quân đến Việt Nam, nhưng thật ra các cố vấn của tổng thống Kennedy như McGeorge Bundy, Robert McNamara và Dean Rusk là những người đã khuyến cáo tổng thống Johnson đổ quân.
Cuối nhiệm kỳ Johnson, Hoa Kỳ cảm thấy mệt mỏi. Chiến lược tiêu hao kẻ địch từng mang đến chiến thắng cho Hoa Kỳ lần này không thành công với chiến tranh du kích. Kẻ địch không giữ đất và có quyền chọn đánh chỗ nào và lúc nào họ muốn. Ngoài ra ba nước Đông Dương không đạt được trình độ dân chủ theo tiêu chuẩn tây phương làm cho căn bản đạo đức của sự can thiệp trở thành vấn đề. Những người có trách nhiệm trong việc gởi quân đến Đông Dương cũng đâm ra nghi ngờ những gì mình đã làm sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát.
Khi những người lãnh đạo Hoa Kỳ đang bù đầu với các diễn biến thì những người chỉ trích đặt vấn đề tại sao Hoa Kỳ lại dính vào Việt Nam. Họ cho rằng đó là một cuộc chiến Hoa Kỳ không thể thắng và cái giá phải trả quá đắt. Lúc đầu họ bàn cách rút ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự. Sau đó họ đặt câu hỏi: có phải Hoa Kỳ khi nào cũng nhất không. Những người chống chiến tranh lý luận rằng Hoa Kỳ bị sa lầy không phải vì quyết định sai mà vì tính thiếu đạo đức của đời sống Mỹ. Sự thắng trận của cộng sản tại Đông Dương, điều các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cả hai đảng tìm cách tránh trong gần 20 năm, đối với những người chống chiến tranh là một cơ hội trút gánh nặng quốc gia. Những người chỉ trích không còn đặt vấn đề đồng minh của chúng ta xứng đáng hay không, quay qua thắc mắc giá trị của Hoa Kỳ và cách thức giải quyết các vấn đề thế giới chứ không riêng gì chuyện Việt Nam. Việt Nam là trận chiến tranh đầu tiên có một số công dân Mỹ nổi tiếng đến thủ đô kẻ thù để chống chính sách của nước mình, và được truyền thông quảng bá rầm rộ.
Vào lúc tổng thống Nixon nhậm chức, lằn ranh được phân định rõ ràng. Những người trong chính quyền cũ góp phần đưa Hoa Kỳ vào thế kẹt mất tinh thần chẳng những không tìm lối thoát cho đất nước mà lại chạy qua hàng ngũ những người chống chiến tranh chỉ trích chính quyền Nixon. Bấy giờ những người chống chiến tranh có căn bản để tự tin không còn dè dặt gì nữa. Bằng xuống đường biểu tình, coi thường luật pháp, từ khuôn viên các đại học, đến các cơ quan chính phủ, những người chống chiến tranh quyết định phá vỡ căn bản của chính sách Hoa Kỳ từng được áp dụng sau Thế chiến 2.
Đứng trước bế tắc này, tổng thống Nixon không đủ bén nhạy để vượt qua, nếu quả có một cách để vượt qua. Dù là người được tiếng chống lại định chế, tổng thống Nixon là sản phẩm của “thế hệ lớn” (great generation) nghĩa là của định chế. Ông ta tìm cách rút lui trong danh dự mà ông nghĩ đó là ý muốn của thành phần chống chiến tranh ôn hòa. Bắt đầu cuộc thương thuyết với Lê Đức Thọ, Nixon đưa ra một lịch trình rút quân và một công thức để nhân dân Nam Việt Nam có cơ hội chọn lựa chế độ chính trị của mình. Điều Nixon không chịu nhượng bộ - và là điều duy nhất Hà Nội đòi hỏi - là để cho Hà Nội áp đặt chế độ cộng sản lên hàng triệu người ở miền Nam, những người mà theo lời của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiền nhiệm đã giao khoán tương lai cho Hoa Kỳ.
Khi biết không thể nào đạt đến một thỏa thuận với Hà Nội, tổng thống Nixon đơn phương thực hiện lời hứa với cử tri rút Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam. Ông đã giảm số tổn thất từ 1.200 quân nhân trong một tháng vào cuối nhiệm kỳ của Johnson xuống 30 một tháng vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông. Nixon cũng đơn phương giảm quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 550.000 xuống 30.000.
Giai đoạn rút quân này rất phức tạp bài viết ngắn này không thể đi vào chi tiết. Nhưng có nhiều sách, báo thiên lệch viết rằng Nixon đã kéo dài cuộc chiến làm tổn thất sinh mạng binh sĩ Mỹ một cách vô ích, ý rằng có một con đường chấm dứt chiến tranh khác mà tổng thống Nixon không muốn làm.
Quan điểm chính trị trong giới trí thức cũng rất khác nhau. Thời gian lớp chúng tôi đang theo chương trình hậu đại học (graduate school) ít người trong giới trí thức được giữ các chức vụ cao cấp trong chính quyền. Nếu họ muốn ảnh hưởng đến chính sách quốc gia họ phải viết nhiều về các chính sách dài hạn của quốc gia. Chính quyền Kennedy đã làm cho giới trí thức khoái quyền lực chính trị và họ muốn ý kiến mình ảnh hưởng ngay đến chính sách. Sau khi Kennedy bị ám sát họ tiếp tục đóng góp ý kiến qua các cuộc tranh luận ngoài chính quyền. Quá trình này tạo ra hai giới trí thức: giới muốn kiếm việc làm trong chính phủ, và giới ưa làm cách mạng. Giới kiếm việc nói theo chính quyền, giới làm cách mạng theo phe phản chiến. Cuộc tranh luận của họ không giúp tìm ra giải pháp, chỉ làm cho bất hòa quốc gia thêm sâu sắc.
Đã đến lúc cần có một nhận định bình tĩnh và cân đối về vấn đề Việt Nam, không phải để công bình với vị tổng thống này hay vị tổng thống khác, mà để tìm ra sự thật lịch sử trong trang lịch sử đáng buồn đó.
Bài Học Việt Nam
Việt Nam làm hỏng sự quan hệ chặt chẽ giữa lý tưởng và sách lược vốn là nền tảng làm cho Hoa Kỳ khác biệt với các quốc gia khác. Mặc dù khuynh hướng nào cũng tuyên bố tôn trọng nguyên tắc đó, nhưng người ta có thể cãi nhau không bao giờ dứt về cách thức áp dụng.
Sau cuộc chiến Việt Nam có 3 trường phái về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ:
1. Trường phái áp dụng sách lược đã được dùng trong chiến tranh lạnh trong hoàn cảnh giống nhau.
2. Trường phái của những người chống chiến tranh đang giữ chức vụ cao cấp trong chính quyền Clinton.
3. Trường phái của giới trẻ lớn lên trong một môi trường chính trị mới không bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh cãi liên hệ đến chiến tranh Việt Nam.
Nhiều người trong thành phần phóng khoáng và trí thức vừa chán vừa sợ kinh nghiệm Việt Nam nghĩ rằng cách tốt nhất là xiển dương giá trị đặc biệt của Hoa Kỳ một cách nhẹ nhàng không cần dùng sức mạnh quân sự. Thành phần này cho sách lược cổ điển của Hoa Kỳ chỉ là sản phẩm của giới bảo thủ và tân bảo thủ. Vì ngại chiến trường xa, hữu phái chỉ chú trọng đến việc chống chủ nghĩa cộng sản bằng cách duy trì cân bằng chiến lược, đặc biệt qua các cuộc thương thuyết tài giảm vũ khí và binh lực. Chính sách này rất thành công dưới thời Reagan nhờ sự yếu kém của Liên bang Xô viết vì đã mở rộng biên cương vượt quá khả năng.
Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ thành phần bảo thủ chới với trong việc đi tìm một chính sách thích ứng với thời đại hậu chiến tranh lạnh. Sau thời đại Reagan, những người kế nhiệm cũng nói mạnh như Reagan nhưng hành động thì không cương quyết bằng. Phe hữu, đặc biệt thành phần tân bảo thủ, bị xâu xé giữa hai lựa chọn: xác định cái gì đe dọa Hoa Kỳ sau khi Liên bang Xô viết không còn nữa để hoạch định chính sách đối ngoại, hay định nghĩa lại nhiệm vụ đặc biệt của Hoa Kỳ là kẻ cầm ngọn cờ tranh đấu cho dân chủ trên toàn thế giới. Trung quốc được nêu ra như là kẻ địch tương lai của Hoa Kỳ, nhưng Trung quốc còn quá yếu, tham vọng còn ở tầm vóc quốc gia, khả năng đe dọa Hoa Kỳ còn xa nên khó hoạch định một chính sách lâu dài để chống Trung quốc nhất là khó thuyết phục đồng minh của Hoa Kỳ chấp nhận một sách lược chung chống Trung quốc. Còn lại con đường giương ngọn cờ dân chủ truyền thống của Hoa Kỳ. Nhưng con đường này cũng không dễ đi vì không thể làm ngơ trước câu hỏi: Đâu là quyền lợi quốc gia và khả năng của chúng ta tới đâu.
Những kết luận chính quyền Clinton và thành phần phóng khoáng rút ra được từ bài học Việt Nam đã làm thay đổi chính sách ngoại giao cổ điển của Hoa Kỳ một cách sâu rộng. Họ cho chiến tranh lạnh là một sự hiểu lầm nhau nếu không phải là sản phẩm của Hoa Kỳ. Họ không muốn nói đến quyền lợi quốc gia và sợ dùng vũ lực, ngoại trừ khi có thể biện minh rằng sức mạnh đã được dùng cho một lý tưởng cao xa không liên hệ gì đến quyền lợi của Hoa Kỳ. Nhiều lần, và tại nhiều nơi trên thế giới tổng thống Clinton đã xin lỗi về những hành động của các tổng thống tiền nhiệm mà ông cho là sản phẩm của chiến tranh lạnh. Nhưng chiến tranh lạnh không phải là sản phẩm của tưởng tượng. Nó là chuyện sinh tử của quốc gia. Cho nên nói như tổng thống Clinton đã nói để phê bình từ Eisenhower đến Bush làm cho thế giới - ngay cả một số thành phần trong chính quyền Clinton - nghi ngờ chủ tâm tốt của Hoa Kỳ.
Sự xin lỗi của tổng thống Clinton về các chính sách của Hoa Kỳ trong 50 năm qua giải thích tại sao Hoa Kỳ do dự khi cần dùng sức mạnh. Thí dụ tại Kosovo, hành động quân sự của NATO là hành động vì quyền lợi, được các lãnh tụ liên hệ nâng lên hàng “thuận thiên hành đạo”. Nhưng chỉ 6 tháng sau, những nhà lãnh đạo này không dám áp dụng nguyên tắc đó tại Chechnya vì ngại sức mạnh của Liên bang Nga, dù tại Chechnya số thương vong thường dân lớn hơn ở Kosovo nhiều. Chính sách đối ngoại của những người lãnh tụ cầm cờ “đạo đức” làm cho câu châm ngôn “chính sách đối ngoại là một nghệ thuật trong lĩnh vực có thể và là một khoa học tương đối” (foreign policy is the art of the possible and the science of the relative) trở thành chân lý.
Chính sách của chính quyền Clinton đối với Iraq cũng vậy. Tháng 12 năm 1998 Iraq trục xuất đoàn thanh tra vũ khí của Liên hiệp quốc đóng ở Iraq (sự hiện diện của đoàn thanh tra là một điều kiện đồng minh ngưng đánh trong trận chiến Trung Đông) Hoa Kỳ oanh tạc trừng phạt Iraq 4 ngày. Trong khi đó Hoa Kỳ oanh tạc Nam Tư trong 78 ngày đêm “vì lý do nhân đạo.” Và tại Iraq cũng như tại Kosovo Hoa Kỳ đều không muốn có tổn thất nhân mạng. Điều này tối hậu cho dân chúng Hoa Kỳ cũng như kẻ thù hiểu rằng chẳng vì quyền lợi sinh tử của quốc gia mà chúng ta hành động. Thi hành chính sách mà cứ lo ngại phản ứng của dân chúng và thụt tới thụt lui khi phải dùng sức mạnh chỉ làm cho các cuộc khủng hoảng trên thế giới càng lúc càng nhiều và càng lúc càng khó giải quyết hơn. Đó là lý do tại sao chính quyền Clinton dính líu vào nhiều hành động quân sự chẳng đâu vào đâu hơn bất cứ một chính phủ nào trước.
Giới trẻ thời đại kinh tế này nhìn về Wall Street như thời trẻ chúng tôi nhìn về Hoa Thịnh Đốn. Một phần vì tiền bạc bây giờ quan trọng hơn, một phần không ai muốn làm chính trị để bị bươi móc, nói xấu và có khi bị lôi ra tòa.
Di sản của Việt Nam là để lại một thế hệ chia làm hai cánh: một cánh muốn xiển dương giá trị của Mỹ mà không muốn đổ mồ hôi, một cánh muốn xác định một chính sách quốc gia mà không định hướng. Điều nầy không có nghĩa thế hệ này bị ám ảnh bởi những cuộc thảo luận về cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến họ không biết được bao nhiêu. Cũng không phải họ cảm thấy tội lỗi gì ở một chính sách vụ lợi mà chính họ cũng đang hăng hái chạy theo qua hoạt động kinh tế. Chỉ là vì họ không hiểu biết đủ thế nào là lịch sử và chính sách quốc gia, do đó không nhận ra hướng đi của chính trị quốc tế. Họ được thuyết phục bởi quan niệm của nhóm Clinton rằng thế giới đang ca khúc khải hoàn và rằng nếu ai cũng để tâm lo kinh tế của mình thế giới sẽ vui vẻ hòa giải với nhau.
Lối nhìn trên không tạo thành vấn đề vì thế giới không bị đe dọa bởi viễn ảnh một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong bối cảnh hòa bình, những người lãnh đạo thuộc thế hệ hậu chiến tranh lạnh (từng chống chiến tranh hay xuất thân từ các trường dạy kinh doanh) thấy một chính sách đối ngoại chỉ là việc thuyết phục thế giới nên làm gì. Khi một siêu cường kinh tế và quân sự hạ mình xuống và hành xử theo đạo đức thì ai không theo và siêu cường đó trở thành bá chủ. Nhưng là bá chủ thì người ta chống, và điều này giải thích tại sao các bá chủ trên thế giới từ cổ chí kim trước sau cũng sụp đổ.
Sức mạnh kinh tế không thay thế được một chính sách quốc gia. Toàn cầu hóa chỉ thành tựu được qua sự chuyển biến và căng thẳng bên trong và giữa các xã hội khác nhau. Quốc gia-nhà nước (nation-state), những thực thể chính trị có chức năng giải quyết các thay đổi và căng thẳng trên cũng nằm trong quá trình chuyển biến. Trong nhiều vùng trên thế giới các thực thể chính trị này bị bẻ ra theo chủng tộc hay tan biến vào một nước khác. Quá trình này làm cho sự phổ biến của các loại vũ khí có khả năng tàn sát tập thể trở thành mối đe dọa chính trị chưa từng thấy.
Nếu thế hệ lãnh đạo mới của Hoa Kỳ thấy lúng túng trong việc hoạch định một chính sách quốc gia để đương đầu với các vấn đề trên, và ở cuối đường phải xử dụng sức mạnh quân sự thì chúng ta không nâng cao giá trị đạo đức mà dần dần đi vào con đường tê liệt. Lẽ dĩ nhiên chính sách nào của Mỹ quốc cũng phải xuất phát từ ý niệm dân chủ và sự an toàn của thế giới. Nhưng cũng cần chuẩn bị trước những hoàn cảnh hắc búa. Chẳng hạn, để sống còn chúng ta có tận dụng mọi phương tiện không" Chúng ta có cần phải được sự đồng thuận của thế giới trước khi hành động nếu chúng ta thấy hành động đó là đúng với truyền thống của chúng ta không" Nếu chúng ta đúng một mình có gì là sai trái không" Điều gì vượt quá khả năng hay không phù hợp với quyền lợi quốc gia"
Chúng ta chưa thể vượt qua cái bóng đen của cuộc chiến Việt Nam và sẵn sàng đương đầu với đe dọa mới, chừng nào chúng ta chưa đạt đến sự đồng thuận quốc gia về những vấn đề trên. Điều này đòi hỏi sự tương kính giữa các phe phái, ý thức rằng chúng ta thảo luận để tìm ra một lối đi cho quốc gia, chứ không phải cãi nhau cho đến chết, điều đã xẩy ra trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Các nhà lãnh đạo chúng ta có thể sẽ tránh không bàn đến các vấn đề này trong cuộc tranh cử tổng thống sắp mở màn. Nhưng ai thắng cũng không thể làm ngơ trước các vấn nạn trên khi bước chân vào tòa Bạch Cung.
Henry A. Kissinger (Trần Bình Nam lược dịch)