Bên kia Thái Bình Dương, những quốc gia nổi tiếng về nông nghiệp đã sản xuất quá nhiều gạo, và những âm vang của cơn điạ chấn đã lan tràn tới con tim của Louisiana, một vùng được coi như những vựa lúa của Hoa Kỳ.
Sỡ dĩ thế giới có chuyện dư thừa và tràn ngập gạo vì mưa thuận gió hoà trong những năm vừa qua tại Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng xui xẻo thay cho vùng Kaplan, Louisiana, hậu quả là việc đóng cửa nhà máy gạo Liberty Rice Mill, đã hoạt động trong 70 năm qua, vừa được tân trang vài năm trước để có thể sản xuất 1.7 triệu thùng gạo hằng năm. Chín mươi chín phần trăm số gạo sản xuất tại đây được bán ra quốc ngoại.
Theo in của Guy Coates, AP, nông gia và những nhà máy sản xuất gạo tại sáu tiểu bang của Hoa Kỳ đều bị ảnh hưởng, nhưng sức ép đã được bị dồn nén nhiều hơn tại hai tiểu bang Louisiana và Texas, nơi mà số gạo sản xuất phần lớn được xuất cảng ra ngoại quốc.
"Những nhà máy sản xuất gạo tại Á Châu không phải chịu mức lương bổng cao của nhân công, vì vậy họ có thể bán rẻ hơn chúng tôi 100 Mỹ kim cho mỗi tấn gạo", Richard Hardee, một nông gia cho biết.
Tại tiểu bang Arkansas, vựa gạo lớn nhất của Hoa Kỳ, phần lớn gạo sản xuất để cung cấp cho quốc nội. Tuy nhiên, vì số gạo dư thừa đã khiến giá gạo tuột giảm, vì vậy những nông gia tại đây cũng cảm thấy bị ảnh hưởng.
Cơn địa chấn lan tràn và làm thiệt hại nặng hơn cho các nhà máy sản xuất gạo. Trái với trường hợp của các nông gia, những nhà máy sản xuất gạo không được chính phủ tại trợ.
Những nhà máy mua lúa thẳng từ các nông gia và sản xuất thành gạo. Giá gạo lên xuống bất thường đã làm cho các nhà máy đôi khi phải chịu sự lỗ lã và thiệt hại rất nặng nề.
"Chúng tôi có 20 nhà máy năm 1980 và bây giờ chỉ còn năm hay sáu", Bill Boudreaux, một nhân viên thuộc bộ Canh Nông cho biết "Trong vài năm nữa, có thể chúng tôi chỉ còn hai, nếu chúng tôi không tìm được thị trường tiêu thụ để có thể cạnh tranh và bán với một giá tương đối công bằng".
Sammy Noel, một nông gia tại Kaplan, hy vọng chính phủ liên bang sẽ cho phép ông bán gạo sang Cuba.
Noel nói rằng các nông gia Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với các nông gia Á Châu ở những quốc gia như Cuba và những nước Nam Mỹ vì phí tổn chuyển vận.
Với sự đóng cửa của các nhà máy sản xuất, Noel phải tìm thị trường trước khi ông bắt đầu việc canh tác trong mùa xuân này. "Với ít nhà máy sản xuất, sự cạnh tranh cũng ít, điều này làm tăng giá gạo", ông nói.
Noel cũng phải lo lắng về những dự luật về canh nông mà Quốc Hội đang xem xét.
Một nhóm đại diện các nông gia và những nhà máy sản xuất gạo tại 6 tiểu bang sẽ có mặt tại Washington tuần này, để tạo sức ép buộc chính phủ phải tài trợ nhiều hơn và mở cửa những thị trường đang bị cấm đoán vì việc phong toả kinh tế.
Nhóm này cũng đang vận động để chính phủ mua thêm lúa gạo để giúp đỡ các nước nghèo trên thế giới.