Sách Nhân Quyền Việt Nam: Hiện Trạng và Tương Lai, với lời mở đầu: "...Quyển sách này hy vọng sẽ đem lại cho quốc tế một cái nhìn mới, khách quan về Việt Nam, đặc biệt trên căn bản xây dựng Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Nhân quyền và tôn giáo là hai vấn nạn mà người Việt Nam ở hải ngoại và trong nước đang ra sức tranh đấu. Cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam có nhân quyền, dân chủ, người dân được tự do, no ấm và hạnh phúc là những chuỗi ngày dài của tất cả người Việt Nam."... "... một lần nữa, chúng tôi khẩn thiết xin kêu gọi quý vị - những tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và tôn giáo trên thế giới - với những vị thế và phương tiện sẵn có, hãy cố vận động và thôi thúc chế độ cầm quyền tại Việt Nam tôn trọng và thi hành luật pháp quốc tế về nhân quyền và tôn giáo. Đó là quý vị tranh đấu cho quyền sống, quyền làm người và quyền tự do của con người."
Ngoài những nhân vật quan trọng trong Nội Các và Quốc Hội Hòa Lan, Pháp và Liên Hiệp Âu Châu, như: Thủ Tướng Hòa Lan Wim Kok; Đại Biểu Liên Hiệp Âu Châu (Anh Quốc) Christopher F. Patten, CH; Đại Biểu Liên Hiệp Âu Châu (Hòa Lan) Tiến sĩ Frits Bolkestein; Nghị Sĩ Nghị Viện Âu Châu (Hòa Lan) Maij-Weggen; Tổng Thống Pháp Chirac; Dân Biểu Quốc Hội Hòa Lan Kỹ sư E. Hessing; Bộ Ngoại Giao Hòa Lan.
Phần chính yếu của cuốn sách, xin chia làm 3 phần.
Phần 1 nói về Nhân Quyền, gồm có: Dr. Lâm Thu Vân (Gia Nã Đại), Prof. Nguyễn Thanh Trang (Mỹ).
Phần 2 nói về Tôn Giáo, gồm có: Ông Võ Văn Ái (Pháp), Thượng tọa Thích Quảng Độ (Việt Nam), Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ (Việt Nam), Linh mục Nguyễn Văn Lý (Việt Nam), Linh mục Tâm X. Trần (Mỹ), Mục sư Trần Đình Ái (Mỹ), Tiến sĩ Trương Minh Trí (Gia Nã Đại), Dr. Sergei Blagov và Bà Nguyễn Huỳnh Mai (Mỹ), Ông Lý Phước Hùng (Úc Đại Lợi).
Phần 3 nói về Chúng Ta Phải Làm Gì ", gồm có: Prof. Đoàn Viết Hoạt, Ph.D (Mỹ), Dr. Nguyễn Đan Quế (Việt Nam), Drs. Ngô Văn Tuấn (Hòa Lan).
Đã in 600 cuốn, dầy 138 trang, khuôn khổ A.4. Sách bằng tiếng Anh, trong phần đầu có tiếng Hòa Lan. Sách in đẹp, trang nhã, rất thích hợp cho chúng ta khi trao tặng cho những người trong chính quyền, làm món quà gặp gỡ với người ngoại quốc và người bản xứ. Nhất là những người còn đi học ở các trường trung học và đại học cũng rất cần quyển sách này. Tôi hy vọng cuốn sách Nhân Quyền Việt Nam này sẽ làm cho quốc tế có cái nhìn mới về chúng ta và nhất là cho tình hình đất nước Việt Nam trong tương lai.
Sách in ra chi phí cho mỗi cuốn là 27 gulden khoảng 12 dollar hoặc 12 euro. Sách không bán, chỉ để cho những người nào cần thiết đến trong công tác ngoại giao. Vì thế nên không có giá tiền sách. Tuy nhiên, nếu có thể được chỉ lấy chi phí khi in ấn mà thôi, số tiền là 12 dollar, hoặc 12 euro.
Quý vị nào cần sách, xin liên lạc về địa chỉ:
International Foundation for the Development of Vietnam
Section Freedom, Democracy and Human Rights
Geerestein 84
2403 PD Alphen a/d Rijn
The Netherlands
Tel & fax: (31) 172 - 43 38 57
E.mail: ngo@worldonline.nl
Xin đề rõ Nhân Quyền Việt Nam.
Kính thưa quý vị,
Thay mặt cho Tổ Chức Quốc Tế Phát Triển Việt Nam, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị quyển sách đầu tiên viết về Nhân Quyền Việt Nam của người Việt Nam ở tại Hòa Lan. Cuốn sách này được ra mắt ngày hôm nay nhân dịp lễ 25 năm người Việt Nam tỵ nạn tại Hòa Lan (1976-2001).
Khi in được sách này, xin thành thật cảm tạ hai tổ chức, đó là Ủy Ban Quốc Gia Hợp Tác Quốc Tế và Phát Triển Lâu Dài (Nationale Commissie voor Internationale Samenwerking en Duurzaam Ontwikkeling [NCDO], thuộc Bộ Ngoại Giao và Bộ Hợp Tác Phát Triển Hòa Lan) và Hội Haella (Haella Stichting). Hai tổ chức này đã hết lòng tài trợ cho quyển sách Nhân Quyền Việt Nam: Hiện Trạng và Tương Lai.
Những người Việt Nam ở các nước trên thế giới mà chúng tôi đã có điện thoại, fax, e.mail hoặc tiếp xúc với nhã ý muốn có một cuốn sách viết về nhân quyền Việt Nam. Quý vị đó đã đồng ý và hết lòng hỗ trợ ra quyển sách này. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ hảo ý của quý vị.
Quyển sách Hiện Trạng và Tương Lai này ngoài những nhân vật quan trọng trong Chính Phủ và Quốc Hội Hòa Lan, Pháp, Liên Hiệp Âu Châu đặc biệt viết ra, chúng tôi xin chia ra làm ba phần. Phần 1 nói về Nhân quyền, Phần 2 nói về Tôn Giáo và Phần 3 nói về Chúng ta phải làm gì" Ba phần này do những người Việt Nam ở khắp các nơi trên thế giới đã miệt mài tranh đấu về nhân quyền và tôn giáo viết ra. Về nhân quyền quý vị sẽ thấy rõ những uẩn khúc, điều kiện và khung cảnh tạo nên. Về tôn giáo lần lượt sẽ có Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài trình bày với quý vị những vụ đàn áp, bắt bớ và giam cầm dã man. Về chúng ta phải làm gì sẽ nêu ra những điểm nóng then chốt để từ đó chúng ta tự nhận định lấy là cần phải nên làm gì "
Quyển sách này hy vọng sẽ đem lại cho quốc tế một cái nhìn mới khách quan về Việt Nam, đặc biệt trên căn bản xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhân quyền và tôn giáo là hai vấn nạn mà người Việt Nam ở hải ngoại và trong nước đang ra sức tranh đấu. Cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam có nhân quyền, dân chủ, người dân được tự do, no ấm và hạnh phúc là những chuỗi ngày dài của tất cả người Việt Nam.
Bất cứ cuộc tranh đấu nào cũng vậy, cũng bắt nguồn từ những chế độ bạo ngược, độc tài, độc quyền, tham nhũng, ... người dân mới nổi lên chống lại mọi áp bức, mọi bất công mà không thể nào chịu đựng được nữa. Đối với chế độ độc tài cách mấy cũng không thể đàn áp tôn giáo, bắt giam những vị lãnh đạo tinh thần.
Nhưng những việc trên đối với một chế độ cộng sản chuyên chính thì hoàn toàn ngược lại. Các tôn giáo nào chịu nghe lời và lệ thuộc nhà nước, chịu thi hành tất cả mà không dám cải lại, thì cộng sản Việt Nam còn có thể để cho làm lễ, giảng kinh. Những tôn giáo nào muốn tự do để hành đạo thì bị trù dập, bắt bớ và giam cầm. Vì đối với người cộng sản, tôn giáo là một thứ thuốc phiện không hơn không kém, nên bị chúng thẳng tay đàn áp. Cho nên những tôn giáo lớn ở Việt Nam hiện nay, như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài gần như hoàn toàn bị nhà nước khống chế, nếu không khống chế được thì bắt giam, trù dập... Ngày nay có rất nhiều hình thức, nhà nước cộng sản đã vu cáo để kết tội những giáo dân, mà các tôn giáo không thể làm gì được. Đây là sự chà đạp lên quyền sống, quyền tự do của con người mà bất cứ ai ai cũng đều được hưởng.
Quyền tự do của người dân Việt Nam hiện nay càng bị khống chế. Những hình thức cho tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do lập hội, v.v... chỉ là những chiếc bánh vẻ trên tờ giấy trắng. Những thứ đó ngày nay đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam kiểm soát gắt gao. Tự do ngày nay chỉ trong khuôn khổ của xã hội chủ nghĩa, cộng sản độc quyền, theo hình thức dân chủ tập trung, thì chỉ là một chiều mà thôi. Như vậy còn gì là tự do đúng nghĩa nữa.
Do đó khi soạn ra tài liệu này, chúng tôi hy vọng các nước trên thế giới nhìn về Việt Nam, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Kinh Tế Á Châu, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, v.v... dùng các phương tiện của mình kêu gọi và thúc đẩy nhà nước cộng sản Việt Nam hãy mở rộng cánh cửa nhân quyền và tôn giáo đã từ lâu khép kín, và hãy mạnh dạn thay đổi, canh tân đất nước Việt Nam cho theo kịp với trào lưu tiến hóa của nhân loại trong đầu thế kỷ 21.
Chúng tôi là những người Việt Nam lưu vong tỵ nạn ở hải ngoại. Chúng tôi muốn trở về nước Việt Nam như những công dân bình thường, dù chúng tôi biết rằng ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều giai tầng trong xã hội, mà nổi bật nhất là giới tư bản đỏ. Đã có rất nhiều người đi du lịch về Việt Nam, nhưng về chỉ là để thăm gia đình, họ hàng, thân nhân và quê hương đất nước. Khi họ trở ra ngoài này, theo họ là một sự ê chề, tủi nhục, nhàm chán, vì đất nước ngày nay chỉ là do một tập đoàn cai trị, một đảng cộng sản cầm quyền, đã gây ra biết bao thảm trạng, làm cho kinh tế tồi tệ, xã hội đồi trụy, mà thảm trạng lớn nhất là tham nhũng. Người dân Việt Nam giờ đây chỉ ngậm đắng nuốt cay để sống cho qua ngày mà thôi.
Do đó một lần nữa, chúng tôi khẩn thiết xin kêu gọi quý vị - những tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và tôn giáo trên thế giới - với những vị thế và phương tiện sẵn có, hãy cố vận động và thôi thúc chế độ cầm quyền tại Việt Nam tôn trọng và thi hành luật pháp quốc tế về nhân quyền và tôn giáo. Đó là quý vị tranh đấu cho quyền sống, quyền làm người và quyền tự do của con người.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm tạ Tiến sĩ W.A. Koetsier và Luật gia C.W. Kroft đã nhiệt tình ủng hộ và thúc đẩy tôi thực hiện cuốn sách này.
12-2001 Alphen a/d Rijn, Hòa Lan
drs. Ngô Văn Tuấn