Hôm nay,  

Đối Thoại: Nhiều Vụ Công An Dàn Dựng Bắt Trí Thức

17/02/200100:00:00(Xem: 3866)
HANOI (VB) - Baó chui Đối Thoại số ngày 15/2/2001 có đăng bài của sử gia Phạm Quế Dương và thư của cựu đảng viên lão thành Trần Đại Sơn, mượn cớ trả lời nhà báo công an Nguyễn Như Phong để kể tội công an dàn dựng nhiều chuyện từ cả thời Hồ Chí Minh để truy bức trí thức và dân lành. Hai bài như sau.

*** Hãy cùng nhà sử học Phạm Quế Dương đi ngược lại quá khứ để hiểu "mặt thật" cái mà nhà báo bồi bút Nguyễn Như Phong lập lờ rằng "... Hà Sĩ Phu bị bắt quả tang trong lúc mang tài liệu mật của Chính phủ đi tán phát và bị phạt tù một năm... " ****

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ BÁO NGUYỄN NHƯ PHONG - AN NINH THẾ GIỚI.
"MẶT THẬT" HÀ SĨ PHU BỊ TÙ NĂM 1995-1996 LÀ THẾ NÀY CƠ!

Phạm Quế Dương

Đọc báo An Ninh Thế Giới bài "Mặt thật của một vài người mượn danh "hiền sĩ" khoác chiêu bài dân chủ" của nhà báo Nguyễn Như Phong, trong 3 số 4/1, 11/1 và 18/1/2001, ngoài những thông tin là lạ khác, lại còn cái việc Hà Sĩ Phu bị bắt, ra toà, xử tù một năm, hồi 1995-1996, đã bao nhiêu người vạch ra rồi. Vậy mà bài báo lại viết:... năm 1995, khi Hà Sĩ Phu bị bắt quả tang trong lúc mang tài liệu mật của Chính phủ đi tán phát và bị phạt tù một năm...
Không biết nhà báo Nguyễn Như Phong có tham khảo những tư liệu về vụ việc này không mà lại dám viết như vậy. Xin cung cấp bạn đọc một bài gửi các cơ quan công luận, 6/11/1996, của nhà văn Hoàng Tiến "Về việc ông Hà Sĩ Phu bị bắt" để bạn đọc nhìn nhận rõ thêm "mặt thật" của Hà Sĩ Phu trong vụ việc này là như thế này cơ!

Về việc ông Hà Sĩ Phu bị bắt.
Hoàng Tiến
Tôi là bạn ông Hà Sĩ Phu. Quá trình bắt ông và xử ông tại toà án Hà Nội ngày 22.8.1996, báo chí không được tường thuật, chỉ được đưa vài tin vắn tắt theo lệnh trên, nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải trình bày những điều tôi biết về vụ án Hà Sĩ Phu, và nhân đây nói vài điều về quyền tự do dân chủ ở nước mình.
Cuối tháng 11-1995, Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt ra Hà Nội. Ông đi thăm họ hàng và bạn bè quen biết. Ngày 29.11.1995, tôi được công an phường Thanh Xuân Bắc (nơi tôi cư trú) mời ra đồn, hỏi về tác giả Hà Sĩ Phu vừa ở Đà Lạt ra và những bài viết của ông. Do đó những câu nói bất nhã thiếu lịch sự của người công an, lòng tự trọng của một trí thức văn nghệ sĩ bị xúc phạm, tôi đã phản ứng bỏ ra về. Sau đó tôi đã viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền nói về việc ấy.
Trưa ngày 4.12.1995, tôi đang trên phố Trần Hưng Đạo, bỗng gặp Hà Sĩ Phu đi xe đạp. Mừng quá, vì tôi rất muốn gặp Hà Sĩ Phu để báo ông biết tôi bị công an hỏi. Công an đang theo dõi ông. rồi tôi rủ ông đi ăn cơm bụi, vì vừa lĩnh mấy chục ngàn tiền nhuận bút bài báo. Chúng tôi vào một quán ăn bình dân đầu đường Trương Hán Siêu và Nguyễn Du. Khi chia tay, tôi còn nhắc ông nhớ chiều đến ăn cơm ở nhà một người bạn văn, hẹn từ trước.
Buổi đó chúng tôi chờ mãi. Tối mịt cũng không thấy Hà Sĩ Phu đến. Chúng tôi đành ngồi ăn với nhau mà lòng dạ thấp thỏm. Linh tính như mách bảo có chuyện gì không hay đã xảy ra với ông đây.
Mấy hôm sau cháu gái tên Nhàn ở Đê Tô Hoàng gọi điện cho tôi, chú Tụ (tức Hà Sĩ Phu) ba hôm nay không về nhà. Thế là có chuyện rồi. Tôi bàn với cháu cách đi tìm. Trước hết hãy đến công an giao cảnh hỏi xem mấy hôm nay có tai nạn giao thông gì. Tên tuổi những người bị nạn. Không có tên Hà Sĩ Phu. Vậy thì các cháu đến công an thành phố xem có bắt giữ ông Hà Sĩ Phu xin báo cho gia đình biết, và cho gia đình gửi quần áo đồ ăn. Công an Hà Nội trả lời không bắt giữ. Lạ nhỉ" Các cháu đã làm đơn trình bày với công an sự mất tích của ông chú từ Đà Lạt ra chơi, và yêu cầu họ tìm giúp hộ. Công an Hà Nội trả lời, họ bận nhiều việc, muốn tìm người nhà mất tích thì nhờ báo đăng hoặc ti vi.
Cháu Nhàn đã đến đài truyền hình, nhờ đăng tin tìm người nhà, nộp 200.000 đồng, sẽ phát 3 lần trên ti vi vào ngày hôm sau. Cháu hồ hởi báo tin cho tôi biết, và tôi rất chăm chú theo dõi ti vi. Không có gì.
Tôi gọi điện hỏi. Cháu cũng không hiểu sao. Cháu đến đài thì họ trả lại tiền và nói trường hợp này phải về xin giấy chứng nhận của địa phương là mất tích thì họ mới phát. Thật kỳ quặc!
Công an đã huýt còi bên đài rồi. Tôi nghĩ, việc công an bắt người sau 24 giờ phải thông báo cho gia đình biết, mới phải luật pháp. Đằng này...Tôi gọi điện cho bè bạn quen biết ở các toà báo, nhờ can thiệp giúp, ít nhất là phải báo cho gia đình người ta biết. Nhưng mọi nơi đều từ chối, dính đến công an phiền lắm ông ạ. Tôi gọi điện cho ông bạn có chức quyền ở thành phố, nhờ bạn can thiệp bên công an làm đúng thủ tục bắt người theo luật định, chứ sao lại làm như Maphia bắt người vậy. Bạn tôi hỏi lại: Có thật thế không" Nhỡ văn nghệ sĩ các ông giữ nhau uống rượu ba bốn ngày chưa về thì sao" Tôi khẳng định Hà Sĩ Phu không nghiện rượu, mà dù ông có ở nhà bè bạn cũng phải điện cho gia đình các cháu biết chứ.
Vài hôm sau thì đài nước ngoài đưa tin Hà Sĩ Phu bị bắt. Trong nước báo chí vẫn im re. Người ta sợ hãi nói đến tin bắt Hà Sĩ Phu. Bạn bè quen biết của Hà Sĩ Phu, ai cũng nơm nớp có thể họ sẽ đến bắt mình.
Ngay cả tôi, vì tôi đã phản ứng với công an điều tra. Tôi chuẩn bị sẵn một chiếc ba lô, dặn dò con cái, khi tình huống công an xịch đến bắt đi. Lòng nghĩ tới hồi ký của érenbourg dưới thời Staline, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một chiếc vali con. Bạn quen nói: Không đến nỗi như thế đâu. Muối mặt dám làm thế. Nhưng biết đâu được, ở một đất nước không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì việc gì cũng có thể xảy ra.
Những bài viết của Hà Sĩ Phu đã thức tỉnh lương tri nhiều người. Tất cả mới có 3 bài thôi ("Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ", "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", "Chia tay ý thức hệ"). Đều không được báo chí in. Chỉ chuyền tay nhau đọc. Ông phân tích tình hình thế giới, phân tích tình hình trong nước, chỉ ra những sai lầm của chủ nghĩa Marx...v.v.. nhiều ý kiến trái tai những người lãnh đạo. Ông rất thành thật, thực hiện quyền của một công dân trí thức, trình bày những suy nghĩ của mình trước vận mệnh dân tộc. Ông gửi cho những người lãnh đạo cao nhất nước, các cơ quan báo chí, bè bạn quen biết, để xin ý kiến. Tấm lòng ông trong sáng, ý nghĩ ông minh bạch, không một chút khuất tất và không có gì vi phạm luật pháp.
Nhưng bây giờ người ta đã bắt ông.
Không khí khủng bố lo ngại lan tràn trong trí thức văn nghệ sĩ. Lại như cái năm nào bắt Dương Thu Hương trước đại hội 7- để bịt mồm văn nghệ sĩ lại. Bây giờ bắt Hà Sĩ Phu trước đại hội 8- để bịt mồm giới trí thức lại. Dân chủ tự do lại bị xiết chặt - Ngột ngat - Lo - âu. Người ta cố tìm một triết lý để tự an ủi: thì đã bao giờ ta có dân chủ tự do mà bảo sợ xiết chặt. Nghĩ thế mà thấy yên tâm thật, mà sẵn sàng tinh thần chịu đựng một khi tai hoạ ập đến.
Việc bắt Hà Sĩ Phu mãi đến ngãy thứ 12 công an mới thông báo cho gia đình biết, sau khi nhiều đài nước ngoài đã nói ầm lên. Cháu Nhàn kể với tôi, có hai ông công an đến giơ cái giấy chú Tụ (tức Hà Sĩ Phu) viết về, nói chú đến ở chỗ công an, yêu cầu cháu đưa các đồ dùng của chú cho hai đồng chí công an cầm giấy này mang về. Các cháu gái bình luận: họ bắt giữ thì nói là bắt giữ, lại bắt chú cháu viết về là đến ở chỗ công an, làm như ở gia đình chúng cháu không tốt đẹp bằng ở chỗ công an hay sao. Tôi cười bảo cháu: để họ dễ có đường rút, họ có bắt người bố láo đâu, đây là ông Hà Sĩ Phu tự nguyện dọn đến ở với họ đấy chứ.
Thời hạn tạm giữ theo luật định không được quá 03 ngày đêm. Hà Sĩ Phu là lệnh tạm giữ, do trung tá Vũ Hiền công an Hà Nội ký. Giấy này bà Hà Sĩ Phu sau mới nhận được, ghi lý do: có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Lệnh tạm giữ là 3 ngày mà rồi trở thành 9 tháng, mới được đem ra xét xử tại toà án Hà Nội.
Tôi may mắn có tham dự phiên toà. Về cái tội danh gọi là có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của ông Hà Sĩ Phu, đã bị ông lật tẩy trước phiên toà. Ông đang đi xe đạp về phía Bờ Hồ thì bị hai người đi xe máy tông vào sau xe làm ông ngã ra. Cái túi treo ở ghi đông văng ra đường. Có người định giật lấy. Ông kêu lên: Cướp! Cướp! Thì công an ập đến. Bắt tất cả vào đồn công an Hàng Bài. Đòi khám chiếc túi. Ông hỏi lý do. Họ bảo xem có mất gì không. Ông bảo không mất gì cả. Nhưng rồi họ cứ khám và lấy được hai bản photocopie lá thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị đề ngày 9-8-1995 có in dấu tối mật.
Thì ra cái hành vi tông xe, người ngã, cướp túi, không thành tội danh mà lại trở thành cái lý do để kết tội có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước cho người bị hại. Lạ lùng thay, và cũng buồn cười thay cho lối bắt người kém cải tiến như công an Hà Nội đã làm.
Nhớ lại cái lần bắt Dương Thu Hương, công an cũng đạo diễn lớp kịch cho tên Tâm, Việt Kiều, ra sân bay đi Mỹ. Khám va li thấy một đống những tài liệu phản động: thư ông Nguyễn Khắc Viện gửi Mặt trận Tổ quốc, bản góp ý của ông Hoàng Minh Chính gửi đại hội Đảng lần 7, kiến nghị của các cụ nghỉ hưu quận Đống Đa gửi lãnh đạo Nhà nước...v.v. Tên Tâm khai nhận ở nhà văn Dương Thu Hương. Và Dương Thu Hương bị bắt.
Ai cũng hiểu rằng ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, chỉ cần một cái Fax lên giời là ở nước ngoài đã nhận được một bản sao y như nguyên bản; và còn cổ lỗ như vài chục năm về trước thì cũng đã có những máy ảnh nhỏ xíu bắt rất nhạy thu nhỏ những tài liệu mật vào cuộn phim chỉ bằng ngón tay, nhét vào đâu chẳng được, mà lại phải kềnh càng cho những bản kiến nghị, bản góp ý, vào một chiếc va li để công an sân bay bắt được. Mẹo của công an khôn, nhưng chỉ đánh lừa được những người nhẹ dạ, chứ chưa ngoan, để bịp nổi những người có suy nghĩ đôi chút.
Trong phiên toà cả ba bị cáo (Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang) và ba luật sư (Đàm Văn Hiếu- Hà Nội, Nguyễn Hữu Nhuận- Hà Tây, Trần Lâm - Hải Phòng) đều cãi rất hay. Cái quan trọng nhất của một phiên toà là vật chứng lại không có. (Tức là thư ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9-8-1995, toà giải thích đã gửi nộp lên văn phòng Chính phủ cất giữ bảo quản.) Người phó văn phòng Chính phủ ký công văn xác nhận lá thư Võ Văn Kiệt là tài liệu bí mật Nhà nước, cũng không có mặt tại phiên toà. Các luật sư lập luận: không một ai, không một cơ quan nào được quyền xác nhận là bí mật hay không bí mật. Điều này phải được toà xem xét và phán định dựa trên luật pháp đã ban hành. Bị cáo Lê Hồng Hà nhận trước toà có đọc lá thư ông Võ Văn Kiệt, vì thế mà bị cáo khẳng định, chỉ theo luật pháp, nội dung lá thư không nằm trong 7 điều được gọi là bí mật Nhà nước đã ghi rõ trong sách luật. Lá thư nói về đường hướng phát triển kinh tế đất nước, khu vực kinh tế nhà nước, khu vực tinh tế tư nhân, tỷ lệ như thế nào cho hài hoà. Những điều đó sau này đã biến thành Bản dự thảo để toàn dân tham gia ý kiến. Có gì là bí mật.
Trớ trêu là phiên toà không được bàn vào nội dung bức thư. Chủ toà Nguyễn Sơn điều khiển phiên toà, chỉ cho phép bàn về hình thức có in dấu tối mật ở đầu bức thư, và căn cứ vào công văn của văn phòng Chính phủ xác nhận bức thư là tài liệu bí mật Nhà nước. Thật là hết sức khó khăn cho các luật sư tham gia vụ án. Thư là thư tay của ông Võ Văn Kiệt gửi các uỷ viên Bộ Chính trị, bên chữ ký của ông Kiệt không có dấu đỏ dấu đen gì cả. Thì cùng lắm nó là tài liệu bí mật của Đảng, chứ sao lại thành bí mật Nhà nước được.
Các luật sư cũng chỉ ra, kiểm sát viên buộc tội không chứng minh được sự thiệt hại nghiêm trọng do việc làm lộ lá thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị, được gọi là bí mật Nhà nước. Vì thế, theo các luật sư, vụ án chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Hải Phòng là Trần Lâm đề nghị hội đồng xét xử nên bãi bỏ phiên toà, hoặc dừng lại, tiếp tục điều tra một cái gì lớn hơn, đàng sau vụ việc này, nếu cái đó thành tội danh thì gắn vụ việc này vào, nếu không thành thì tự nó sẽ triệt tiêu.
Ông Hà Sĩ Phu nói lời cuối cùng đã đặt một câu hỏi. Như bản án kết luận tội ông là cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chịu khung án từ 9 tháng đến 12 tháng tù giam, trong khi ông chỉ mới cầm tài liệu, chưa kịp đọc, đem photo làm hai bản, thì bị tông xe và khám túi. Công an đã lấy lại cả hai bản photo. Thế mà ông bị kết án là cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Vậy tất cả mọi người tham dự phiên toà ngày hôm nay chẳng hoá ra cũng dính vào tội danh cố ý làm lộ bí mật Nhà nước cả ư"
Cả phiên toà đã bật cười. Lối nói của Hà Sĩ Phu vẫn rất Hà Sĩ Phu như thế!
Cả lời bàn sau phiên toà, kiểu dân dã, bà có cái của ấy, ai bảo bà để nó ra thì người ta dòm. Sao lại đi bắt tội cái người dòm, mà không kết tội cái người để hở. Lại có tiếng xì xào, đáng lẽ Hà Sĩ Phu bị 9 tháng thôi, thời gian giam giữ vừa hết hạn, nhưng vì lời nói cuối cùng mà bị đẩy lên khung án cao nhất của ông.
Một lời nói thật, bộc lộ một nhân cách kẻ sĩ, mà lĩnh thêm 3 tháng tù. Một cái giá phải trả mang nhiều ý nghĩa đấy chứ.
Chủ toà Nguyễn Sơn, cùng kiểm soát viên cuộc tội Phùng Tiến Lập, không bác bỏ một ý kiến nào của các luật sư cũng như của các bị cáo, nhưng rồi cứ tuyên án theo án đã viết sẵn từ bao giờ: Lê Hồng Hà 2 năm tù giam, Hà Sĩ Phu 12 tháng tù giam và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù cho hưởng án treo.
Thật là một màn kịch vụng về. Vụng về ngay từ khi màn xử án. Bản cáo trạng quy tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, việc đem xét xử để làm tấm gương răn đe mọi người chớ làm lộ bí mật Nhà nước, hẳn phải xử công khai, đăng báo cho nhiều người tới dự, mà lấy đó làm bài học ngẫm chung. Đằng này lại xử kín, rất ít báo chí được mời. Dân chúng thì đừng hòng vào. Mọi người tò mò tập trung đông đúc ở cổng toà án phía đường Hai Bà Trưng, bị công an ra giải tán. Thiếu dân chủ như vậy, mà báo chí nào dám đưa tin.
Nghe đâu ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười không muốn đưa ra xử. Như thế là phải, vì ai lại nỡ bỏ tù những người đã đọc và truyền bá ý kiến của mình. Ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt hiện nay đứng đầu Đảng và đứng đầu nhà Nước, có ý kiến đúng, mà không thực thi được, thì tránh sao khỏi bị mang tiếng là người nhu nhược. Vua mà đã nhu nhược thì quần thần lấn lướt. Sự đời là thế.


Cuộc sống mất dân chủ và dân quyền ở đất nước đã kéo dài. Quốc hội đang họp kỳ thứ 10 của khoá 9, vừa công bố trên ti vi, con số 497 vụ bắt người oan trong năm, tính trung bình một ngày hơn 1 người bị bắt oan. Công an được giao quyền quá lớn trong chiến tranh, vẫn theo quán tính con lăn, đến nay chưa thu mình được vào luật pháp.
Chỉ kể sơ qua những vụ án bắt oan mà nhiều người biết.
Năm 1955, vừa tiếp quản Hà Nội được ít lâu, dấy lên vụ án gián điệp Mỹ phá hoại hiện hành. Bị cáo là ông Nguyễn Phổ, con cụ Nguyễn Văn Vĩnh người có công truyền bá chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của dân tộc hồi đầu thế kỷ, nhưng lâu nay ta vẫn coi là một đại Việt gian. Gián điệp Mỹ Nguyễn Phổ là con một đại Việt gian, đã chỉ đạo việc đốt nhà máy in Tiến Bộ, thì đúng quá đi rồi. Hợp lý quá đi rồi. Ai còn dám nghi ngờ điều gì. Ông Lê Quốc Thân giám đốc Sở Công an Hà Nội thời bấy giờ ký lệnh bắt, cùng các ông Nguyễn Thực trưởng phòng chính trị. Công an Hà Nội, và ông Trần Nam Đăng tức Lê Hạp trưởng phòng chấp pháp Công an Hà Nội thời gian 1955. Ba ông này đã làm rùm beng vụ án, xử ở sân sau Toà án Thành phố, vào ban đêm, treo đèn, căng khẩu hiệu, rồi sau đó phát thanh, đăng báo, in áp phích loại bướm, tuyên truyền rầm rĩ. Mục đích nhằm đề cao thành tích của công an, và để toàn dân nâng cao cảnh giác với âm mưu phá hoại của địch.
Ông Nguyễn Phổ bị giam 17 năm 1 tháng 1 ngày (Bản án hình sự số 271 ngày 26-11-1955 Toà án Nhân dân Hà Nội). Ngôi nhà biệt thự 25 phố Nguyễn Gia Thiều bị thu giữ, rồi trở thành trụ sở của Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Cuối năm 1972, ông Phổ được thả. Sau đó ông được minh oan là vô tội, theo bản án giám đốc thẩm số 9HS1 của Toà án Nhân dân Tối cao ký ngày 28-3-1978. Việc đốt nhà in Tiến Bộ là dựng chuyện. Giám đốc nhà máy in Tiến Bộ đã xác nhận với cán bộ thanh tra đi thẩm tra lại vụ án theo đơn kêu oan của ông Phổ: Không có việc nhà in bị đốt, hồi đó làm theo yêu cầu của bên công an. Ông Phổ lại là người của Bộ Quốc phòng, đưa vào Hà Nội hoạt động, và hiện nay được nhận lương hưu quân đội theo quyết định số 873/QĐ của Bộ Tổng tham mưu- Bộ Quốc phòng ký tháng 5- 1981, và được đền bù 100 triệu (tháng 8-1995)
Ông bây giờ đã ngoài 80, hàng xóm với tôi, ông nói trường hợp của ông là muôn một may mắn được minh oan, trong hàng vạn những người bị oan kiểu như ông. Con cái ông nay thoát khỏi cái lý lịch phản động. Tài sản của ông được đền bù. Nhưng ngôi nhà của ông vẫn chưa lấy lại được. Ông đã làm đơn đòi lại ngôi nhà, và hy vọng, trước lúc nhắm mắt, được Nhà nước giải quyết.
Điều kỳ lạ là, những người tạo dựng lên vụ án không hề bị trừng phạt. Nhóm ông Lê Quốc Thân vẫn lên chức lên lương. Nếu không vấp phải vụ đại tá tình báo Nguyễn Công Tài (con nhà văn Nguyễn Công Hoan), thì Lê Quốc Thân lúc ấy đang làm thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an kiêm bí thư Đảng đoàn hẳn sẽ lên bộ trưởng.
Thời kỳ cải tạo tư sản miền Bắc, có một sắc lệnh do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1961, bắt tập trung cải tạo những người có tư tưởng và hành vi chống đối chủ nghĩa xã hội. Thế là hàng loạt những người trong cao trào công tư hợp doanh bị đưa đi cải tạo. Rồi phong trào Nhân văn - Giai phẩm, hàng loạt văn nghệ sĩ bị đưa đi lao động cải tạo. Tiếp đến vụ án Xét lại chống Đảng, hàng loạt cán bộ trung cao cấp bị đưa đi tập trung cải tạo. Tất cả đều không có án. Thời hạn là 3 năm. Nhưng thường là gấp 2-3 lần cái 3 năm đó, với lý do mơ hồ: chưa tiến bộ, hoặc chưa cải tạo tốt. ấy là chưa kể trước đấy, luật Cải cách Ruộng đất đã giết oan hàng mấy ngàn người (Chính phủ chưa công bố con số).
Ông Phạm Văn Đồng khi ký cái sắc lệnh mơ hồ và rộng nghĩa đó, có biết đâu rằng sau chữ ký của ông, hàng ngàn hàng vạn gia đình đã phải ly tán, cha bỏ con, chồng bỏ vợ. Con cái mang cái lý lịch phản động không xin đâu được việc làm, học lên cao lại càng khó. Nói ngay một người nổi tiếng như tiến sĩ luật sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ vì phát biểu ở Mặt trận Tổ quốc, sau những tổn thất cải cách ruộng đất, đề nghị được làm một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ. Thế là bị vô hiệu hoá. Các chức vị giáo sư, luật sư không được dùng. Đến mức ông muốn đi dạy Pháp văn để kiếm sống, mà không có ai dám đến học. Ông sống lủi thủi như cái bóng, về già viết cuốn hồi ký "Un Excommunier" (có thể dịch "Người bị đuổi khỏi cộng đồng" hoặc "Người bị rút phép thần công") in ở bên Pháp, mà rồi sợ bị trong nước đàn áp, đã chuẩn bị tuyệt thực cho đến chết, nếu công an rờ đến.
Ông Phạm Văn Đồng hiện nay đã ngoài 90. Ông an hưởng tuổi già ở toà biệt thự bên Hồ Tây, hưởng cảnh trăng trong gió mát. Tôi rất muốn những hàng chữ này lọt đến tai ông, trước khi ông nhắm mắt xuôi tay, để ông nhìn ra một sự thật là: lòng mong muốn sự tốt đẹp nhiều khi lại là việc độc ác.
Vụ công an bắt giữ nhà văn nữ Dương Thu Hương đã phải trả giá. Sự phản ứng của trí thức và văn nghệ trong nước bị o bế vẫn im re, nhưng bù vào đấy là sự công phẫn của trí thức nước ngoài, nhất là ở Pháp. Bà Mitterand, phu nhân tổng thống Pháp bấy giờ, sang nước ta, tuy bị công an từ chối không cho gặp nhà văn Dương Thu Hương, nhưng bà đã gây một áp lực với giới cầm quyền. Rồi sau đó, bằng sức ép ngoại giao, công an đã phải thả Dương Thu Hương. Thiếu tướng công an Quang Phòng, người chỉ đạo vụ Dương Thu Hương, bị thải hồi về hưu.
Sau khi ông Lê Đức Thọ mất, vụ án xét lại - chống Đảng đã được ông Nguyễn Trung Thành trưởng ban bảo vệ Đảng, người đứng thứ hai sau Lê Đức Thọ chỉ đạo vụ án, do lương tâm thức tỉnh đã làm đơn trình bầy với Bộ Chính trị sửa sai cho 38 cán bộ Đảng đã bị xử trí oan.
Sự mất dân chủ với dân, đã dẫn đến sự mất dân chủ trong Đảng. Tôi đã được đọc tờ đơn của ông Lê Liêm, nguyên trung ương uỷ viên Đảng (thời kỳ Lê Duẩn), kiến nghị việc vô cớ khai trừ ông ra khỏi trung ương, không lập hội đồng kỷ luật, không hỏi ý kiến cá nhân. Tôi cũng đã được đọc lá thư ông Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị thanh minh một số vấn đề khi giao ban nói không đúng về ông, với yêu cầu giao ban đến cấp nào thì lá thư của ông cũng được gửi tới cấp đó để thanh minh. Tôi cũng đã đọc lá thư của bà Vũ Đình Huỳnh gửi Trung ương tố cáo việc bắt giữ ông Vũ Đình Huỳnh, công an đã dùng giây thừng trói giật cánh khuỷu ông Huỳnh đưa ông ra xe (chắc có lệnh của Lê Đức Thọ, để trấn áp ông Huỳnh) và bà đòi minh oan cho chồng. Việc bắt ông Đặng Kim Giang thì như một vụ bắt cóc. Bà Giang đi tìm chồng khắp nơi, đến cả dinh Hồ Chủ Tịch hỏi, cũng không biết. Người ta mách bà đến Lê Đức Thọ. Bà đến hỏi. Lê Đức Thọ bảo: "Chị yên tâm, anh đang ngồi viết kiểm điểm, viết xong thì về".
Những đảng viên có chức có quyền còn bị đối xử mất dân chủ như vậy, nói chi đến dân thường thấp cổ bé miệng.
Sự mất dân chủ và tự do ở nước ta đã đến mức báo động. Nó đã thành vật cản làm xã hội trì trệ và gây những tội ác.
Tôi khẩn thiết đề nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam cho thực thi dân chủ và dân quyền, cụ thể như sau:
1. Công nhận quyền làm báo tư nhân và xuất bản tư nhân. Có như thế dân mới có phương tiện để thực hiện dân chủ và dân quyền. Nếu không, nói dân chủ và dân quyền chỉ là nói xạo.
2. Bãi bỏ ban Văn hoá Tư tưởng. Thực chất nó là ban dò thám tư tưởng trí thức văn nghệ sĩ và ban kiểm soát tư tưởng các giám đốc xuất bản và tổng biên tập các báo.
3. Buộc công an phải tuân theo luật pháp. Nghiêm trị thật nặng những công an bắt người oan. Không xử lý nội bộ mà đưa ra xét xử tại toà để làm gương cho mọi người. (Có thế thì mới xoá được con số 497 vụ bắt oan - theo công bố của Quốc hội họp kỳ thứ 10 khoá 9 tháng 11 năm 1996)
Vài lời thành thật nói thẳng của một công dân nhà văn cao tuổi, đã tham gia Cách mạng Tháng 8, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho tới ngày nay. Những lời nói có thể trái tai những nhà cầm quyền lúc này. Nhưng thuốc đắng giã tật, với lòng mong mỏi góp phần xây dựng một đất nước phát triển không thua kém các nước bạn trong vùng và trên thế giới.
Ngược lại, nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay phiền lòng muốn trừng phạt, thì kẻ viết này, xin sẵn sàng lãnh chịu những hình phạt với tấm lòng thanh thản đã nói thật được nỗi lòng mình.
Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 1996
Hoàng Tiến
Bài này tác giả không chỉ nói đến việc vụ án Hà Sĩ Phu - Lê Hồng Hà - Nguyễn Kiến Giang (1995-1996), mà còn bầy tỏ tâm sự với bao vụ khác của Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong quá khứ. Buồn cười là bài này đã hơn 4 năm qua, bây giờ đọc lại vẫn thấy nó như hôm nay. Cái số Hà Sĩ Phu vất vả thật! Đúng là "Chữ tài liền với chữ tai một vần". Bạn Hà Sĩ Phu lại bị "vạch tội" khi mà họ đang tiến nhanh tiến mạnh vào Đại hội IX. Nhưng cũng được chút an ủi vì là đọc lại trong dịp Tết mà mỗi khi ra đường phố Thủ Đô thấy chỗ nào cũng nhan nhản, nhoáng nhoàng những khẩu hiệu đỏ rừng rực "Mừng Đảng - Mừng Xuân".
Tết Tân Tỵ 2001
Phạm Quế Dương
37 Lý Nam Đế - Hà Nội
ĐT: 8.231.372
(Thư của đảng viên lão thành Trần Đại Sơn, 54 tuổi Đảng, một chiến sỹ quyết tử Trung đoàn Thủ đô hiện đang cư ngụ tại Hà Nội lên tiếng trước việc làm hàm hồ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam)
Kính gửi : Ban Tư tưởng _ Văn hoá Trung ương
Bộ Công an
Bộ Văn hoá và Thông tin
Vừa qua báo An ninh thế giới đăng một loạt ba bài trong tháng 1 năm 2001 của ông Nguyễn Như Phong để đả kích các hiền sỹ mà tác giả cho là khoác chiêu bài dân chủ để phản bội tổ quốc.
Đọc loạt bài đó nhiều lão thành cách mạng chúng tôi thấy ngạc nhiên quá. Chúng tôi thấy tác giả thật là hàm hồ. Chúng tôi nghe tin rằng công an mới khởi tố và đang tiếp tục điều tra chứ toà án đã xử, đã kết tội đâu mà báo An ninh thế giơí đã công bố các ông Hà Sỹ Phu và Mai Thái Lĩnh là phản bội tổ quốc. Ông Hà Sỹ Phu là một nhà khoa học giỏi đã từng được cử giữ chức Viện phó Viện Khoa học Việt Nam ở Đà Lạt; ông Mai Thái Lĩnh là một trí thức yêu nước, hoạt động chống Mỹ trong lòng địch ở giữa Sài gòn từ khi chưa giải phóng, sau thống nhất được đề bạt là phó chủ tịch thường trực Thành phố Đà Lạt. Chúng tôi đã đọc các tác phẩm của ông Hà Sỹ Phu như "Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ" như "Suy nghĩ cũa một công dân" và thấy rằng ông Phu có tầm suy nghĩ sâu sắc mang tính triết học rất cao. Những tác phẩm như thế không thể chỉ đọc qua rồi quy kết bừa bãi mà phải suy nghĩ kỹ, phân tích kỹ cái đúng cái sai. Phải đăng công khai để nhiều nhà khoa học có tầm hiểu biết rộng cùng nhau bàn bạc. Có thể nhờ đấy mà ta chọn được con đường đúng, chống được tham nhũng, chống được quan liêu, độc đoán xây dựng được xã hội dân chủ tốt đẹp.
Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy bài đang viết về các ông ở Đà Lạt mà lại đụng đến cả tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang. Gần đây tôi mới được quen biết trực tiếp với ông Giang, tôi thấy gia đình, vợ con ông rất trí thức, nhà cửa rất đàng hoàng. Ông bảo vật chất, tinh thần ông chẳng còn thiếu gì, tuổi ông cũng đã cao nên ông cũng không mong quyền chức gì nữa, ông chỉ muốn đóng góp ý kiến của mình để mong sao có đường lối đúng, chủ trương đúng, đối ngoại đúng để xây dựng đất nước phát triển bền vững, xã hội lành mạnh, không bị tụt hậu so với các nước khác. Chúng tôi đã đọc tập sách "Khát vọng ngàn đời" và nhiều bài viết về "Hiện đại hoá nông thôn", về "Hội nhập và chủ quyền", về "Kinh tế tri thức"... của ông và thấy đúng ông là người rất có tâm huyết với nhân dân, với đất nước; ông lại rất uyên bác nên được trí thức trong nước và thế giới rất quý trọng. Ông cũng từng tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp. Vậy mà sao ông Phong dám nói xấu ông là cơ hôi chính trị. Tôi cho rằng ông Phong chưa có dịp đọc các bài viết của ông Giang, bởi vì nếu đọc rồi thì chắc chắn ông Phong không dám nói bừa nói ẩu và hỗn láo như thế.
Chúng tôi cũng rất thắc mắc là tại sao báo An ninh thế giới lại cho đăng loạt bài của ông Phong rất sai trái như vây " Đăng loạt bài ấy trong tình hình hiện nay tức là báo An ninh thế giới góp phần làm mất an ninh xã hội. Giữa lúc đang chuẩn bị Đại hội IX, đang tiến tới chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt _ Mỹ... báo An ninh thế giới bỗng nhiên xới to chuyện trấn áp trí thức, nói xấu hết người này người khác... một cách không thận trọng, dẫn chứng không đầy đủ, lý lẽ không vững vàng.
ở đây, báo An ninh thế giới hình như còn có ý chống lại chủ trương của nhà nước hay sao" Tại sao nhà nước đã đình chỉ vụ án, các ông Hà Sỹ Phu và Mai Thái Lĩnh đã hoàn toàn được trả tự do mà báo An ninh thế giới vẫn tiếp tục luận tội, vẫn bôi nhọ và làm nhục các ông ấy. " Nếu quả thật các ông Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh phản động như báo An ninh thế giới nêu thì nhà nước sai à" nhà nước bao che, để sót người lọt tội à" Hiện tượng này làm nhiều độc giả rất hoang mang, không biết sự trục trặc có tính chống đối này có nguyên nhân từ đâu và rồi sẽ dẫn đến những gì"
Rõ ràng báo An ninh thế giới đã có khuyết điểm nặng và ông Nguyền Như Phong đã phạm tội xuyên tạc, vu khống và làm nhục người khác.
Chúng tôi đề nghị ban Tư tưởng _ Văn hoá Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin _ Văn hoá xem xét sớm vụ việc này, kiểm điểm nghiêm túc báo An ninh thế giới và ông Nguyễn Như Phong, nếu cần thì treo bút ông Phong một thời gian để giáo dục và cải tạo, yêu cầu báo An ninh thế giới có bài viết đính chính và công khai xin lỗi các nhà trí thức mà báo đã xúc phạm một cách sai trái.
Đất nước đang bước vào thiên niên kỷ mới, nước ta đang cùng thế giới tiến vào nền kinh tế tri thức. Phát huy nội lực, tôn quý hiền tài, tranh thủ sử dụng mọi trí thức tài năng, đăc biệt là những trí thức lớn đầy tâm huyết, dám nghĩ, dám nói như các ông Phan Đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu... là nhiệm vụ rất quan trọng của sự nghiệp đổi mới của Đảng. Thế mới là chúng ta nghiêm túc thực hiện lời dạy Đoàn kết, Đoàn kết, Đại Đoàn kết của Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội 26 tháng 1 năm 2001
Trần Đại Sơn
Chiến sỹ quyết tử Trung đoàn Thủ đô
Đảng viên 54 tuổi Đảng
51 Hàng Bài _ Hà Nội
ĐT : 8 263 700

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.