Hôm nay,  

Nhà Văn Nguyễn Hưng Quốc Kể Chuyện Công An Trục Xuất

08/12/200500:00:00(Xem: 5837)
Đài phát thanh Tiếng Nước Tôi (Hoa Kỳ) vừa phỏng vấn nhà văn Nguyễn Hưng Quốc tức Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn sau chuyến đi VN không thành. Theo ông, nhà nước CSVN vẫn đang tiếp tục theo đuổi thái độ thù địch với bất cứ ai “có một suy nghĩ khác” với mình và luôn luôn “bất nhất giữa chính sách và việc làm.” Bài phỏng vấn được ghi lại sau đây.

Diễm Hương: Kính thưa quý vị, giữa tháng 11 vừa qua chúng ta nhận được bản tin cho biết, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc tức Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, đã bị nhà cầm quyền CS Hà Nội bắt giữ tại phi trường Tân Sơn Nhất và cấm không cho ông nhập cảnh Việt Nam, khi ông dắt theo phái đoàn các sinh viên Úc trong chuyến thăm viếng học tập.

Chúng tôi đã hân hạnh được tiếp chuyện với Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, trước hết xin ông gửi lời chào đến quý thính giả đang nghe đài.

- Nguyễn Hưng Quốc: Xin chào chị Diễm Hương và quý thính giả đang nghe đài.

Diễm Hương: Dạ vâng kính chào ông, tất cả những sự kiện xảy ra vào ngày 19-11 khi ông cùng với phái đoàn sinh viên Úc châu đi về Việt Nam để thăm viếng và học tập đã được các báo chí loan tải, nhưng qua làn sóng này, Diễm Hương cũng xin gửi đến ông một vài câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Trước hết, xin ông cho biết ông định cư tại Úc từ năm nào ạ"

- Nguyễn Hưng Quốc: Tôi định cư tại Úc từ năm 1991 thưa chị. Tôi rời Việt Nam năm 1985, như một người tỵ nạn, tôi vượt biển và đến Indonesia, sau đó định cư tại Pháp vào cuối năm 85, và đầu năm 91, tôi sang Úc.

Diễm Hương: Tại sao ông lại bỏ Pháp sang Úc"

- Nguyễn Hưng Quốc: Dạ, khi tôi đang ở Pháp, thì có một trường đại học tại Úc cần một giảng viên dạy tiếng Việt, văn chương Việt Nam, lúc bấy giờ tôi được mời dậy chị ạ.

Diễm Hương: Dạ, được biết hiện nay ông là GS của đại học Melbourne, Úc đại Lợi, xin ông cho biết ông đang dậy môn học nào tại trường ạ"

- Nguyễn Hưng Quốc: Dạ, hiện nay tôi dậy tất cả các bộ môn liên quan đến Việt Nam chị ạ. Bao gồm những môn như ngôn ngữ tiếng Việt dành cho những người nước ngoài muốn học tiếng Việt, hoặc tiếng Việt dành cho những sinh viên Việt Nam muốn phát triển khả năng viết và đọc tiếng Việt cho thành thạo lưu loát hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng dậy cả văn chương Việt Nam, văn hoá Việt Nam, gần đây nhất thêm một số môn liên quan đến chiến tranh Việt Nam.

Diễm Hương: Dạ thưa tất cả những môn học đó, sinh viên ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ có thể theo học hàm thụ được không ạ"

- Nguyễn Hưng Quốc: Dạ cho đến bây giờ thì chúng tôi chưa có chương trình học hàm thụ thưa chị. Các sinh viên cần phải ghi danh học và đến lớp nghe. Trong tương lai có thể với sự tiến bộ của internet, chúng tôi sẽ phát triển khả năng dậy học từ xa thưa chị.

Diễm Hương: Vâng, xin cảm ơn GS. Trở lại việc CSHN ngăn cản ông viếng thăm Việt Nam trong tháng 11 vừa qua, thưa ông trước đó, ông đã từng về Việt Nam chưa ạ"

- Nguyễn Hưng Quốc: Tôi về Việt Nam tương đối khá nhiều lần chị ạ. Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là năm 1996, sau đó, một hai năm tôi lại về một lần, một phần vì gia đình tôi vẫn còn ở Việt Nam khá đông, phần khác vì công việc giảng dậy ở trong trường cần phải về Việt Nam để mà giao tiếp với các trường đại học ở Việt Nam để trong việc quảng cáo nhận sinh viên từ Việt Nam sang học cũng như gửi một số sinh viên Úc sang Việt Nam để tu nghiệp, nghiên cứu v.v...

Lần mới nhất trước đợt này, thì tôi về Việt Nam hồi tháng 12-2004, tôi ở đó cho đến đầu tháng giêng tôi mới sang lại Úc.

Diễm Hương: Dạ, trong chuyến về Việt Nam mới đây, ông đã bị chính quyền ngăn cản, ông có biết lý do tại sao không" Vì một dữ kiện mà Diễm Hương được biết là năm 1991 ông có viết cuốn sách Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, cuốn sách này đã phơi bày những thụt lùi nguy hiểm của văn học Việt Nam dưới sự thống trị của CSHN, nhưng sau đó, Hà nội vẫn để ông trở về Việt Nam.

- Nguyễn Hưng Quốc: Dạ vâng, sau cuốn sách Văn Học Việt Nam dưới chế độ cộng sản được xuất bản lần đầu tiên năm 1991, thì 5 năm sau, vào năm 96, tôi về Việt Nam, thì lần đó, tôi bị công an văn hóa Việt Nam mời vào làm việc. Đề tài họ hỏi chuyện chính yếu là để tôi giải thích là tôi viết cuốn Việt Nam dưới chế độ cộng sản với tư cách là một nhà nghiên cứu, phê bình chứ không phải là một người làm chính trị.

Tôi đã nghiên cứu và chỉ xử dụng tài liệu sách vở đã xuất bản trong nước, và tổng hợp lại thêm một số nhận xét của mình, phân tích của mình, chứ hoàn toàn không có ý đồ chính trị bên trong, thì sau cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ thì mọi chuyện có vẻ như êm thắm.

Lần kế tiếp sau đó, tôi về Việt Nam thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng đến khoảng năm 2002, tôi về Việt Nam thì tôi lại bị công an văn hoá mời làm việc lần nữa, và lần này họ cũng lại hỏi về cuốn sách văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản của tôi. Tôi cho cuốn sách đó đã cũ rồi, đã xuất bản mười mấy năm rồi, tôi thấy cũng không còn là vấn đề gì trầm trọng nữa.

Lần mới nhất năm 2004, tôi về Việt Nam mọi chuyện đều vui vẻ êm ả, không có ai hỏi thăm, mời mọc, làm khó dễ mình, thì tôi cứ đinh ninh là mọi chuyện đã rơi vào quên lãng, nhưng không ngờ tháng 11 vừa giờ tôi lại bị bắt lại ở phi trường. Cho đến bây giờ, thú thật tôi cũng không hiểu lý do tại sao tôi bị cấm vào Việt Nam. Khi ở phi trường, công an đọc tuyên bố quyết định tôi không được phép vào Việt Nam thì họ không hề giải thích lý do. Tôi hỏi họ cũng từ chối trả lời.

Sau khi tôi trở lại Úc, thì trường đại học nơi tôi dậy, đã gửi thư cho Toà đại sứ Việt Nam tại Úc để hỏi lý do tại sao tôi bị cấm vào Việt Nam, thì cho đến bây giờ đúng một tuần sau khi gửi thư đi, trường đại học của chúng tôi chưa nhận được thư trả lời của toà đại sứ Việt Nam tại Úc.

Bản thân tôi, tôi cũng không thể nghĩ ra được lý do nào khiến họ cấm tôi vào Việt Nam chị ạ. Tôi là người viết văn và dậy học.

Từ hơn một năm nay, tức là kể từ lần cuối cùng tôi đến Việt Nam thì tôi không hề viết bất cứ chữ gì, mà tôi nghĩ có thể đụng chạm đến nhà cầm quyền Việt Nam cả. Trong suốt một năm vừa qua, tôi bận bịu công việc ở trường cũng nhiều, tôi viết rất ít, khoảng 2, 3 bài và tất cả đều tập trung vào văn học, tuyệt đối không có bài viết nào liên quan đến vấn đề xã hội hay chính trị để có thể làm cho chính quyền phải nghi ngại.

Còn hoạt động đời sống hằng ngày, thì tôi tuyệt đối không tham gia bất cứ một phong trào nào hay một tổ chức nào để có thể bị nghi ngờ là mình đứng bên phe này hay mình có ý đồ gì không tốt v.v... hay là không có lợi cho chính quyền. Tuyệt đối không. Bởi vậy cho nên bây giờ tôi tuyệt đối không hiểu lý do tại sao tôi bị cấm vào Việt Nam, nhất là trước đó, tôi đã được cấp visa.

Diễm Hương: Dạ vâng, trong lá thư mà ông gửi thông báo cho mọi người biết việc ông bị nhà cầm quyền Hà Nội ngăn cấm về Việt Nam, ông có viết rằng ông không làm chính trị, cũng như ông mới cho biết là ông không làm bất kỳ một hành động nào liên quan đến chính trị khiến Hà Nội phải có biện pháp gắt gao đối với ông như vậy, thưa ông, theo ông, chính trị nghĩa là gì ạ"

- Nguyễn Hưng Quốc: Thật ra, khó định nghĩa được chính trị là gì chị ạ. Nếu hiểu chính trị như một ý nghĩa, thì đúng là bất kỳ hành động nào trong cuộc sống ít nhiều đều có ý nghĩa chính trị, có nghĩa là ít nhiều thể hiện quan niệm của mình, và ít nhiều, nó ảnh hưởng đến quyền lực trong xã hội, mình đồng ý hay không đồng ý với một chính sách nào đó, mình đồng ý hay không đồng ý với một tổ chức hay một quyền lực nào đó trong xã hội.

Tuy nhiên với tư cách là hành động đi, thì tôi không hề tham gia bất cứ một tổ chức hay một phong trào nào, có tính chất màu sắc chính trị cả. Đối với tôi, thì ngay từ đầu tôi tập trung hẳn vào khiá cạnh văn học, tôi tự xác định vai trò của mình là tư cách của một nhà phê bình văn học.

Trong lãnh vực văn học tôi chỉ tập trung vào văn bản, tôi không quan tâm đến nguồn gốc xuất thân của tác giả hay bất cứ điều gì liên quan đến diễn biến chính trị chung quanh, tôi chỉ tập trung vào khiá cạnh thẩm mỹ, khía cạnh thi pháp, khía cạnh nghệ thuật. Do đó tôi nghĩ không có lý do gì để nhà cầm quyền ở Việt Nam cho là tôi có thể gây hại hay làm bất cứ điều gì không có lợi cho những người cầm quyền hiện nay cả.

Diễm Hương: Dạ vâng, thưa ông, chúng ta đã biết chế độ cộng sản trong nước là chế độ độc tài, họ không chấp nhận bất cứ một hành động nào, từ câu nói, đến các bài viết đụng đến quyền lực của đảng, mọi phê bình, ngay cả nói lên sự thật, đều có nghĩa là chống đảng. Họ không công nhận có ý kiến khác biệt hay đối lập. Hơn nữa các tác phẩm của ông tuy thuần túy về văn học, nhưng đã nêu lên rất xác thực tình trạng trì trệ thui chột văn hoá dưới chế độ cộng sản. Điều này đã là một nhức nhối cho đảng CS. Thưa ông như vậy, Nguyễn Hưng Quốc có đã chọn cho mình một thái độ chính trị qua ngòi bút không"

- Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, cũng có thể chị ạ, như tôi đã trình bày khi nãy, thật ra mình khó thoát hẳn ra ngoài quỹ đạo của chính trị. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ là với tư cách của nhà văn thì tôi không xem chính trị là nguyên nhân hay động cơ đầu tiên. Tác phẩm của tôi có thể ảnh hưởng đến chuyện này chuyện kia, nhưng trong thâm tâm của tôi khi cầm bút, thì tôi không coi đó là động cơ đầu tiên hay duy nhất mà mình nhắm tới.

Điều tôi nhắm tới là muốn tìm hiểu sự thật xảy ra trong sinh hoạt văn học nghệ thuật mà thôi. Tuy nhiên nói như vậy cũng khó lắm chị, bởi vì khi tôi về Việt Nam, trong một số lần tôi bị mời vào làm việc với công an, thì họ cũng hỏi như vầy, và tôi cũng trả lời như vầy, thì người ta cũng vẫn báo cho tôi như chị vừa trình bày là: cho dù anh không nghĩ đến chuyện chính trị, thì tác phẩm của anh vẫn có một số ảnh hưởng chính trị nhất định, thì tôi đáp trả lại là: đó là ngoài khả năng kiểm soát của tôi.

Tôi nghĩ là một số tác phẩm của tôi, bài viết của tôi, có thể có ý nghĩa chính trị nhất định nào đó. Tuy nhiên tôi không tin là nó nguy hiểm đến độ nhà cầm quyền Việt Nam phải có hành động rất bất lợi về phương diện ngoại giao, rất bất lợi về phương diện nhân tâm, không những đối với bản thân tôi, đối với các sinh viên của tôi, mà đối với hệ thống giáo dục đại học tại Úc cũng như đối với cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại, đặc biệt là trong giới cầm bút. Không hiểu tại sao người ta lại chấp nhận những cái bất lợi như vậy để ngăn chận một người mà tôi cho là cực kỳ ngây thơ về chính trị cực kỳ văn nghệ, cực kỳ amateur như tôi, tôi hoàn toàn không hiểu.

Diễm Hương: Dạ vâng thưa ông, khi một tổ chức, hay một chính quyền xử dụng đến quyền lực để đàn áp những tiếng nói bênh vực sự thật, thì hành động này đã chứng tỏ sự yếu kém của họ rồi. Thưa ông, các sinh viên Úc thì sao, họ nghĩ gì về hiện tượng ông bị ngăn chận không được vào Việt Nam".

- Nguyễn Hưng Quốc: Dạ, ngay khi tôi còn ở phi trường, bị báo tin là tôi bị cấm không được vào Việt Nam, thì tôi nằng nặc đòi công an tại phi trường phải cho tôi gặp các sinh viên để tôi dặn dò họ, bởi vì họ sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam để học tập, thì một sinh viên được qua gặp tôi, khi nghe tôi báo tin tôi bị cấm không được vào Việt Nam, em sinh viên đó vốn là người Úc đã giận dữ vô cùng, em nhào lên gặp các công an và hỏi ai là người chỉ huy ở đây cho tôi nói chuyện, tại sao các anh lại điên rồ như vậy, tiến sĩ Tuấn là người đã dậy chúng tôi bao nhiêu điều hay về vấn đề xã hội và văn hoá Việt Nam, làm chúng tôi yêu mến Việt Nam, chúng tôi muốn học tiếng Việt, muốn nghiên cứu về Việt Nam, đó là lý do chúng tôi đến đây. Vậy tại sao các ông lại không cho Tiến sĩ Tuấn vào Việt Nam v.v....

Tôi đã phải can em sinh viên đó phải trầm tĩnh lại, bởi vì một sự nóng giận trong hoàn cảnh như vậy thì cũng không có lợi gì. Sau này tôi vẫn tiếp tục theo dõi các em sinh viên của tôi ở Việt Nam, nói chung ai cũng cảm thấy buồn, bất mãn, bực bội trước việc GS hướng dẫn của họ bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam hoàn toàn không có lý do.

Còn các sinh viên của tôi hiện nay ở Úc thì nói chung họ cũng buồn lắm. Họ cảm thấy họ tìm được một khía cạnh mà từ trước đến nay họ chưa bao giờ ngờ ở Việt Nam.

Lâu nay họ chỉ học về văn hoá Việt Nam, xã hội Việt Nam, hay là ngôn ngữ Việt Nam. Họ ít có hình dung ra cái tình hình chính trị tại Việt Nam như vậy.

Riêng các đồng nghiệp của tôi thì lại càng bàng hoàng hơn nữa. Có một người đồng nghiệp của tôi, họ nói một câu rất hay: Họ hoàn toàn không đọc được các tác phẩm viết bằng tiếng Việt của tôi, nhưng họ chỉ nhìn vào tựa đề các quyển sách đó, thì họ nghĩ không có lý do gì để tôi bị cấm về Việt Nam cả.

Bởi vì tất cả các cuốn sách tôi đã xuất bản, đều tập trung vào khía cạnh ngôn ngữ văn học, và văn hóa Việt Nam. Họ cho là một đất nước không chịu đựng được những sự khác biệt trong lãnh vực ngôn ngữ, văn học và văn hoá như vậy, thì làm thế nào để chấp nhận sự khác biệt trong các lãnh vực khác, ví dụ về tư tưởng, về chính trị, về xã hội v.v... Do đó qua hiện tượng tôi bị cấm về Việt Nam, người ta đâm ra hoang mang không phải trước sự kiện đó, mà người ta hoang mang về những gì đang xảy ra tại Việt Nam.

Diễm Hương: Thưa ông, cảm giác của ông lúc ở phi trường Tân Sơn Nhất và bây giờ như thế nào" Có khác nhau không"

- Nguyễn Hưng Quốc: Cũng không khác nhau lắm chị ạ. Khi ở phi trường Tân Sơn Nhất, và được nghe thông báo tôi không được vào Việt Nam, thì cảm giác đầu tiên của tôi là giận, vì nó bất ngờ làm cho tôi sửng sốt, trước đó tôi hoàn toàn không ngờ, nhất là sau khi tôi đã nhận được visa, sau khi tôi đã thông báo với toà đại sứ Việt Nam tại Úc, là tôi sẽ tổ chức một chuyến đi du khảo cho sinh viên Úc. Tất cả những chuyến đi của tôi, lý lịch của tôi, người ta đã nắm sẵn, thì khi người ta cho tôi về Việt Nam, đáng lẽ ra, người ta không nên thay đổi thái độ một cách nhanh chóng đột ngột như vậy.

Điều giận thứ hai là ít ra khi cấm không cho tôi về Việt Nam, thì phải giải thích lý do tại sao, đó là điều tôi đòi hỏi, thì không có một người công an nào ở phi trường Tân Sơn Nhất cho tôi biết điều đó. Sau cảm giác giận là cảm giác buồn, bởi vì mình cảm thấy mình đã đặt chân đến đất nước quê hương của mình rồi mà lại không được vào, cho nên tôi cảm thấy giữa mình và đất nước có một khoảng cách lạ lùng xa xôi, khó tả lắm chị ạ. Bây giờ trở lại Úc, thì cảm giác buồn giận không nguôi ngoai, chỉ lắng xuống và đằm hơn, nhưng nó không bớt chút nào, cảm thấy quan hệ của mình với đất nước vẫn còn ngổn ngang và phức tạp vô cùng.

Diễm Hương: Phản ứng của gia đình và bạn hữu của ông ở Việt Nam như thế nào về sự kiện này"

- Nguyễn Hưng Quốc: Ngay khi ở phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đã gọi điện thoại cho bạn bè ở Việt Nam thông báo là tôi không được vào Việt Nam, thì tất cả mọi người đều sững sờ và tức giận. Sau này khi trở lại Úc, tôi đã nhận đưọoc nhiều email của bạn bè đều có chung tâm trạng là không ngờ, nhà cầm quyền Việt Nam lại đối xử với một nhà văn, Giáo sư đại học khi đang làm công tác giáo dục một cách thô bạo đến như vậy.

Diễm Hương: Xin ông một câu hỏi nữa là CSHN đã đưa ra nghị quyết 36 để chiêu dụ người Việt tại hải ngoại về xây dựng lại đất nước, so sánh nghị quyết này với thái độ của họ đối với ông, thì có điều gì đó mâu thuẫn, ông có nghĩ thế không"

- Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, đối với nhà cầm quyền trong nước hình như lúc nào họ cũng có chuyện gì đó bất nhất giữa chính sách và việc làm, một mặt thì trên lý thuyết họ kêu gọi trí thức Việt Nam ở hải ngoại về nước để làm việc, kêu gọi cộng đồng ở hải ngoại về nước để tham gia vào việc xây dựng đất nước, tuy nhiên một mặt khác thì họ lại đối xử với người Việt Nam từ hải ngoại về một cách rất ư là thiếu tình nghĩa, do đó khó nói lắm chị ạ.

Diễm Hương: Thưa ông, chế độ độc tài cộng sản nào cũng sợ sự thật cả, do đó dù trong bất kỳ lãnh vực nào, văn hóa, nghệ thuật, hay kinh tế... nếu chỉ nói đến sự thật, bênh vực sự thật, thì chắc chắn sẽ không thể vừa lòng chế độ được, vì sự thật đã phơi bày mọi thất bại thê thảm của chủ nghĩa cộng sản. Mặc dù ông có nói ông không làm chính trị, nhưng qua ngòi bút, ông đã viết lên sự thật về văn hoá dưới chế độ cộng sản đây là một điều cấm kỵ đối với chế độ, và cho dù điều này đã được viết từ hơn một chục năm qua, nhưng vẫn luôn luôn là ám ảnh thường trực đối với lãnh đạo Hà Nội. Ám ảnh này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi Hà Nội bị suy yếu và bị bao vây bởi nhu cầu đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam ngày càng dâng cao. Cho nên việc ngăn cản ông vào Việt Nam có thể đến từ ám ảnh này.

Thưa trước khi chào tạm biệt, ông có điều gì muốn chia xẻ với các bạn trẻ tại hải ngoại về những điều mới xảy ra cho ông không"

- Nguyễn Hưng Quốc: Thưa đối với các bạn trẻ sinh viên ở hải ngoại, như tôi thường nói với các sinh viên của tôi, là cho dù những sự tranh chấp, những biến cố đáng buồn đáng tiếc có xảy ra đi chăng nữa, thì tổ quốc của mình, đất nước của mình vẫn không đồng nhất với một chính quyền, một chế độ chính trị nhất định, bởi vậy cho nên mình buồn mình giận một chế độ, một nhà cầm quyền, nhưng tình cảm đối với quê hương đất nước nên giữ cho nó nguyên vẹn, nên cố gắng tìm hiểu về Việt Nam, về ngôn ngữ văn hoá, văn chương Việt Nam, bỏ ra ngoài những thái độ chính trị nhất thời.

Văn hoá Việt Nam vẫn luôn tiềm tàng những cái hay cái đẹp, mình cần tìm hiểu, cần khai phá, phát huy thêm. Vì về lâu về dài, vấn đề văn hoá quan trọng hơn là nhà cầm quyền hay chính sách nhất thời của họ chị ạ. Vì một mặt họ tuyên truyền thế này, một mặt họ lại làm thế kia, vấn đề của mình là làm thế nào phân biệt được đâu là tuyên truyền đâu là sự thật và đó không phải là chuyện của nhà phê bình văn học.

Diễm Hương: Dạ vâng, tuy ông cho rằng đây không phải là việc của nhà phê bình văn học, nhưng cách chọn đề tài của ông, và thái độ của Hà Nội đối với ông, cũng đã mở ra nhiều hướng để mọi người có thể chọn cách suy nghĩ cho riêng mình, và phân biệt được đâu là chính, đâu là tà.

Kính thưa quý vị, vừa rồi là phần chia xẻ của Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, tác giả nhiều cuốn sách phê bình văn học rất giá trị đặc biệt là cuốn Văn học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản. Diễm Hương xin cảm ơn quý vị đã theo dõi và xin chân thành cảm ơn GS Nguyễn Hưng Quốc đã đóng góp trong chương trình ngày hôm nay, xin ông gửi lời chào quý thính giả và xin hẹn gặp ông trong lần phỏng vấn khác.

- Nguyễn Hưng Quốc: Vâng xin cảm ơn chị Diễm Hương và qúy thính giả đã lắng nghe chương trình phát thanh này.

Diễm Hương: Xin thân ái chào tạm biệt quý vị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
California có thể tự hào với nền y tế hướng tới toàn dân của mình, với khoảng 15 triệu cư dân (tương đương 1/3 dân số) đang được hưởng Medi-Cal
Tại Trường Valley High School, 1801 S. Greenville St, Santa Ana, CA 92704, sáng Thứ Bảy ngày 13 tháng Tư năm 2024, Giám Sát Viên Quận Cam Vicente Sarmiento Địa hạt 2 và Phó Thị Trưởng Santa Ana cô Thái Việt Phan đã tổ chức Hội Chợ Y Tế và Thông Tin Quyền Lợi của Cộng đồng. Hội chợ diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều, quy tụ hàng trăm cư dân, đa số là người Mễ Tây Cơ, một số ít người Việt Nam và các sắc dân khác. Đúng 9 giờ 15, Giám Sát Viên Vicente Sarmiento, Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan và Dân Biểu Lou Correa cùng một số viên chức thành phố Santa Ana ra chào mừng mọi người. Giám Sát Viên Vicente Sarmiento nói, hôm nay tôi và Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan tổ chức Hội Chợ Y Tế và giới thiệu với Cộng đồng các dịch vụ giúp phục vụ mọi cư dân trong thành phố hữu hiệu hơn. Chúng tôi cũng chào mừng Dân biểu Lou Correa đã đến với chúng ta, chứng tỏ ông rất quan tâm đến đời sống cư dân chúng ta.
Tại Clara Studio 15138 Goldenwest Circle Thành Phố Westminster vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 14 tháng Tư năm 2024 Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng làm Hội trưởng đã tổ chức thành công Chương Trình Văn Nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 với chủ đề "QUÊ HƯƠNG và TÌNH MẸ." Điều hợp chương trình do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng và MC Hồng Vân. Mở đầu với nghi thức chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.