Tại Quảng Ngãi, theo thống kê của Ban phòng chống lụt bão tỉnh, đến chiều 1/11, bão số 8 đã cướp đi 5 sinh mạng ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi. Một người đàn ông tên Trương Đình Cường, 52 tuổi, chết từ ngày 28/10, đến 1/11 nhân dân xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà mới vớt được. Gió bão làm 8 người bị thương do sập nhà. Con số thiệt hại có thể còn cao hơn, nếu trước đó tỉnh không di dời gần 600 gia đình dân vùng có nguy cơ sạt lở núi, vùng ven biển, ven sông tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Trà Bông, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức. Số nhà phải di dời nhiều nhất tập trung ở huyện Bình Sơn với hơn 470 .
Tại Đà Nẵng, hệ thống điện bị cắt, đường hàng không tê liệt. Đến 19 giờ tối ngày 1/11/2005, ngành điện đã cố gắng cấp điện trở lại cho một số khu vực của thành phố Đà Nẵng, còn lại các quận ven vẫn chìm trong bóng tối mịt mùng. Toàn thành phố có 100 nhà bị tốc mái, hàng chục tàu thuyền dù đã neo đậu tại ven cửa sông Hàn nhưng vẫn bị gió bão đánh chìm.
Đến chiều 1/11, gió bão đã bớt vần vũ, nhưng thành phố vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp. Người dân được khuyến cáo không ra đường. Các công sở đóng cửa cả ngày, học sinh nghỉ học trong 2 ngày 1-2/11. Điều lo ngại nhất là từ 12 giờ đến 19 giờ tối, trên quốc lộ 1A, đoạn qua Quảng Nam - Đà Nẵng, hàng nghìn xe tải nối đuôi nhau nằm chờ bởi nước lũ đang tràn qua đường. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, khoảng chục đoàn tàu phải nằm lại tại ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), ga Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và ga Bồng Sơn (Quảng Nam).
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt đi qua Huế đã tê liệt hoàn toàn. Thành phố Huế ngập trắng trong biển nước. Mực nước sông Hương vượt mức báo động 3 đến 0.68m và sẽ tiếp tục lên mức đỉnh khi bão số 8 đổ bộ vào Huế trong sáng sớm ngày 2/11/2005.
Trong ngày 1/11/2005, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nước dâng rất lớn đã khiến đập Hòa Duân bị sóng biến đánh vỡ nhiều đoạn, uy hiếp khoảng 100 gia đình dân sống ở chân đập. Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xuất 10,000 bao tải, 50 rọ thép và 2,500 m2 vải lọc, cùng hàng nghìn dân địa phương để ứng cứu khẩn cấp.
Tại Quảng Trị, suốt từ 12 giờ đến trước 19 giờ chiều 1/11, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành di dời hàng nghìn nhà dân ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh. Lực lượng phòng chống lụt bão đã cưỡng chế những người dân còn ở "cố thủ" canh giữ đầm thủy sản, các tàu thuyền. Sở dĩ họ còn ở lại vì chiều 1/11, Quảng Trị chỉ mưa nhỏ.