Hôm nay,  

Từ Chuyện Kẹt Internet Đến ‘bức Xúc’ Của Người Sài Gòn

23/09/200500:00:00(Xem: 5546)
- Trong những ngày vừa qua, đường truyền internet ở những vùng quê kẹt cứng. Ngay từ 5 giờ sáng, cứ connect là chỉ nghe ò í e, và nếu chịu khó ghé sát tai vào modem sẽ luôn luôn nhận được lời cáo lỗi dịu dàng: "đường truyền đang kẹt, xin quý khách vui lòng gọi vào dịp khác". Cứ thế và cứ thế liên tục cho đến 10 giờ sáng, nó "mở cửa" được một tí, cái thư điện tử chưa đi hết thì nó lại cúp cái rụp. Sao mà nó giống cái sự mở cửa thị trường đến thế, cứ như sao y bản chính. Mà ở vùng quê chỉ có mỗi ông VNN (tên VNN mà ông Văn Quang đề cập trong bài là Viet Nam Net hoặc Viet Nam News của nhà nước CSVN, không phải VNN = Vietnam News Network tại hải ngoại) ngự trị và buộc phải dùng dial up, chứ không có đường khác.
Tôi buộc phải bò về Sài Gòn để có thể tiếp tục công việc của mình. Nhưng mới đến bến xe Miền Đông, ghé vào thăm một ông bạn lại thấy ông báo động: "Sài Gòn cũng kẹt internet ông ạ, tôi connect từ sáng mà đến giờ nó vẫn ỳ thân cụ ra, không chịu chạy". Tôi dò hỏi:
- Ông khoe đường truyền của ông là thứ "siêu tốc" ADSL cơ mà"
- Ừ thì ADSL của VNN đấy chứ dỡn sao. Nghe quảng cáo ngon lành quá, tôi nhào dô, đóng một khoản tiền không nhỏ, đợi dài người mới có được đường dây truyền trực tiếp. Lên mạng sướng quá, bạn bè con cháu từ nước ngoài tha hồ "chat", gửi hình ảnh, đấu láo, lu bù. Mỗi sáng cứ lên net coi, đỡ mất tiền mua báo, khỏe re. Nhưng chỉ được vài ngày là nó lại kẹt cứng.
Tôi chưa kịp an ủi thì ông lại kể tiếp:
- Hồi đầu tháng 8, tôi khuyên ông hàng xóm nhà tôi, có con cái ở nước ngoài, nên chơi ADSL cho nó nhanh và tiện. Ông ta nghe tôi, gọi số xin "đăng ký" chỉ nhận được câu trả lời tự động qua máy điện thoại: "Cảm ơn quý khách, xin để lại lời nhắn, khi nào có thể chúng tôi sẽ liên lạc lại". Thế rồi mất tăm, mãi đến hôm nay chưa thấy ai "liên lạc lại". Ông ta phàn nàn, tôi lại "động viên": - Có lẽ họ nhiều khách quá nên chưa thể trả lời ông đấy thôi. Thời buổi cạnh tranh mà, ông cứ yên trí lớn. Không có VNN thì có FPT, có Viettel... việc gì phải lo. Chỉ sợ ông không có tiền. Thời buổi này có tiền là có tuốt hết.
- Thời nào chẳng vậy.
- Nhưng thời nay đồng tiền mạnh hơn rất nhiều. Cái giá của nó là... vô biên. Chưa bao giờ cái nghĩa của câu "có tiền mua tiên cũng được" lại đúng đến như thế. Ông muốn mua bao nhiêu cẳng ngắn cẳng dài đều được.
Ông bạn tôi cười hì hì rồi lại quay về với chuyện internet:
- Vì thế anh hàng xóm nhà tôi vẫn cứ chơi dial up với cái modem cũ mèm mà chạy còn sướng hơn tôi. Ông ấy cười vào mũi tôi: "Tốn tiền mà dại. Ông xúi tôi tập tành làm người văn minh. Văn minh cái kiểu "mít VNN" thế này thì thua cả thằng "thượng cổ".
Ông bạn tôi cay cú lắm, ông lại connect cho tôi coi, thậm chí ông gửi thử một lá thư điện tử có 2 dòng cho địa chỉ khác của chính ông mà nó cũng đi mất tăm hơi luôn. Ông thở hắt ra:
- Thế cho nên ở cái thời đại này đừng vội khuyên ai cái gì vội. Cái gì cũng là "phồn vinh giả tạo".
- Ấy, ông đứng vơ đũa cả nắm như thế chứ. Người ta có nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con khôn, ăn sung mặc sướng, nó là thật chứ "giả tạo" làm sao được. Ông không có nên ông ghen ghét đố kỵ mà phán bậy như thế thôi.
- Ở đời tôi khinh nhất là cái thói ghen ghét đố kỵ. Thấy người khác hơn mình là sẵn sàng phun nọc độc. Thế nên, đó là cái thứ tôi ghê tởm nhất trên đời. Cả đời tôi, chỉ khuyên con cháu có thế thôi. Tôi nói "phồn vinh giả tạo" là đúng với những gì tôi đã chứng kiến. Xe hơi nhà lầu, vợ đẹp con khôn cũng chưa chắc đã là bền vững. Các quan nhờ ăn hối lộ mà giàu sang vinh hiển đến lúc bị tóm thì cũng tay trắng. Vợ ôm của bỏ đi theo thằng khác, con lêu lổng chơi bời thành hư hỏng trộm cướp. Còn các đại gia, nay làm ăn khấm khá phất lên được một thời năm bẩy năm, đến lúc bị sở thuế hay đại loại một "cơ quan chức năng" nào đó sờ gáy, lôi ra vô số tội thì chỉ hôm trước hôm sau lại là thằng khố rách áo ôm ngay. Thế thì có cái gì bền vững đâu.
- Ông bi quan quá đấy. Chỉ có mỗi cái internet kẹt một tí mà ông suy luận lung tung. Đến lúc nó chạy phom phom thì ông lại phơi phới như đi trên mây.
Đến chuyện phái đoàn thanh tra
- Chỉ cần có thế thôi là người ta suy luận ra nhiều thứ khác ông ạ. Cũng như mấy vị thương gia nước ngoài vào đây làm ăn, ông có nghe mấy vị ấy la làng vì cái sự luật lệ "trên một đằng dưới một nẻo" không" Nói gọn lại là luật lệ xem ra có vẻ "cởi mở" lắm, nhưng đến khi về địa phương thì nó khác hẳn. Đi cửa nào cũng "xin" và "cho". Các quan dưới mới là người cầm quyền thực sự. Các quan trên chỉ "ra giấy" rồi để mặc các quan dưới thi hành. Các quan dưới mà người ta quen gọi là "cán bộ cơ sở", tức là các quan chức ở địa phương, lại là những ông "thợ vẽ chuyên nghiệp". Các ông ấy có mỗi cái tài hơn người là vẽ kiểu gì cũng được, áp dụng luật lệ nào cũng xong. Hàng đống luật lệ, nghị quyết, quyết định... nếu không chồng chéo, cái này "chửi" cái kia, thì cũng thiếu "chỉ thị hướng dẫn thi hành" nên nhà nước cứ "nợ hướng dẫn" và càng nợ bao nhiêu thì ông cấp dưới càng khoái bấy nhiêu. Đừng tưởng các ông ấy lúng túng mà lầm to. Khi phải giải quyết công việc, không có hướng dẫn thì ta cứ tự hướng dẫn mà làm. Như thế vừa được tiếng phục vụ nhân dân tốt vừa toàn quyền sinh sát, không sướng hơn hay sao.
Ông bạn tôi ngừng lại để tìm một chứng minh:
- Sau một tháng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cử đến 13 phái đoàn di thanh tra, ông có biết khi kết thúc thanh tra vào ngày 31-8 vừa qua, ông trưởng phái đoàn thanh tra việc thi hành Luật Đất đai, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã kết luận về "cán bộ cơ sở" như thế nào không" "Điều cần phải quan tâm là tổ chức thực hiện, nhất là ở cơ sở. Cơ sở đang là khâu yếu nhất trong quản lý đất đai, cần phải được tăng cường, tăng cường cả năng lực, ý thức trách nhiệm và phẩm chất".
- Thế thì "tăng cường" hết ráo rồi còn gì.
- Chứ sao. Này nhé, một ông công chức mà yếu kém về "năng lực" thì quản lý cái nỗi gì. Đã thiếu năng lực lại thiếu cả "tinh thần trách nhiệm" nữa thì hàng núi công việc của dân sẽ được giải quyết ra sao" Ông thử tưởng tượng xem, ông đến một cơ quan nào mà gặp một thứ "cán bộ" như thế thì họ sẽ mang lại cho ông cái gì" Đã thế lại thiếu cả "phẩm chất" nữa thì ôi thôi, còn gì để nói nữa không" Phẩm chất vẫn là thứ hàng đầu của mọi con người chứ đừng nói đến các quan. Mà các quan địa phương gồm vô số "ban ngành đoàn thể" từ anh cạo giấy đến chị ngồi gõ máy, từ anh bảo vệ đến anh có tí chức quyền trình ký văn thư, chưa nói đến các vị "thủ trưởng" vội, thì có đến vài triệu người. Tăng cường thế nào đây" Anh chị công chức nào không là con cái thì cũng thường là "người nhà" của các quan trên, quan dưới, người có tí công lao... làm sao mà thay thế đây" Đến bây giờ họ làm việc lâu năm, đã thành nếp, đã quen việc... cứ lấy cái lý do đó nên bất khả thay thế. Ông có thấy không"
- Tức là theo ý ông thì mọi chuyện rồi đâu cũng vào đấy"
Ông bạn tôi lắc đầu:
- Rồi cũng có thay đổi chứ, nhưng thay đổi chút đỉnh thôi. Cái gì cũng cần phải có thời gian. Và... thời gian là phương thuốc nhiệm màu, làm lãng quên đi tất cả mọi thứ. Mấy bố viết tiểu thuyết thường nói như thế mà. Ông thì rành cái thứ này quá rồi, khỏi cần dài dòng văn tự.
- Ông đừng mang chuyện thời cuộc ra mà xỏ tôi. Vậy theo ý ông thì mọi chuyện sau thanh tra rồi sẽ ra sao"
- Ơ hay, ông coi tôi là thầy bói à" Mấy ông ở ngay xóm tôi, nghe quan thanh tra về, hý hửng thu xếp cả đống giấy tờ đi khiếu nại tùm lum tà la. Đến trụ sở từ tờ mờ sáng, mong được gặp phái đoàn trình bày những nỗi oan ức, dồn nén mà cũng khó khăn mới đưa được lá đơn thôi. Được nhận đơn đã là may rồi, có nơi còn không nhận đơn vì lý do phái đoàn chỉ đi thanh tra, kiểm tra trong phạm vi đất đai nhà cửa chứ không có quyền giải quyết khiếu kiện, cho nên những oan ức của bà con phải đưa ra tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tôi "sửa sai" ông bạn:
- Ông dùng danh từ trật lất rồi. Phải nói là những "bức xúc" của bà con chứ không nên dùng "căm phẫn" hoặc "oan ức", nghe nó nặng nề quá. Dùng danh từ không hay và không theo đúng "thời mốt" thì không phải là "người đương thời". Ông có thấy bây giờ cái gì cũng là "bức xúc" không. Cứ gọi chung chung như thế cho nó gọn nhẹ.
Sau thanh tra rồi sẽ là... một "cánh cửa bí mật""
- Hiểu rồi. Vậy thì những "bức xúc" đó sẽ được giải quyết như thế nào đây. Chỉ có một buổi sáng mà ở một quận thôi, đã phải nhận đến 6 thùng đơn khiếu nại thì thử hỏi trong cả nước có bao nhiêu lá đơn, có bao nhiêu sự "bức xúc" của người dân" Từ xưa tới nay chưa bao giờ tôi thấy tình trạng khiếu kiện của người dân lại "lên cao" đến như vậy. Và rồi tất cả những lá đơn ấy sẽ đi về đâu" "Bến Hải hay Cà Mau"" Phái đoàn thanh tra được coi là "cao cấp" nhất từ 30 năm nay sẽ làm gì với hàng triệu lá đơn như thế" Trong khi nhiệm vụ của phái đoàn chỉ là kiểm tra để "nắm tình hình" chứ không có nhiệm vụ giải quyết. Những lá đơn đó sẽ lại được chuyển về địa phương thì "trăm voi không được bát nước sáo".
- Tôi cũng có nghe một nông dân ở xã ngoại thành Hà Nội đưa cho đoàn kiểm tra xem khoảng 2.000 biên lai bưu điện và phiếu nhận đơn mà ông này lưu giữ sau mỗi lần gửi đơn khiếu nại đi các nơi. Nhưng những lá đơn này không được giải quyết, thậm chí là không ai thèm trả lời... Rồi ai sẽ là người ra lệnh cho người phải trả lời và lệnh ra rồi quan dưới có thi hành không lại là chuyện khác. Đấy là chỉ lấy một thí dụ nhỏ thôi đã thấy "gian nan" lắm rồi.
Ông bạn tôi thở dài:
- Đó là thứ chuyện "bức xúc" nhất của người dân hiện nay, không phải chỉ có ở Sài Gòn mà ở hầu hết những địa phương khác trong toàn quốc. Cái kết luận của ông bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường vừa đưa ra khiến người dân kinh ngạc. "Cán bộ cơ sở" yếu kém đến như thế sao" Hầu như yếu kém về đủ mọi mặt. Vậy mà từ trước tới nay, người ta cứ tin rằng các vị ấy là những người "đầy tớ phục vụ dân", có tham nhũng tí đỉnh nhưng không đến nỗi "tệ hại" đến như vậy. Có ba thứ là năng lực, trách nhiệm và phẩm chất đều yếu cả thì còn làm ăn cái gì! Những chồng đơn, những nguyện vọng, những quyền lợi chính đáng và tha thiết nhất của người dân vẫn còn là một ẩn số, một cánh cửa "bí mật" không một ai được biết rồi đây nó sẽ ra sao"
Ông bạn tôi chưa hả nên hắng giọng rồi kể tiếp:
- Còn cái kết luận khác cũng của ông Bộ trưởng: "Vi phạm pháp luật là nguyên nhân của khiếu kiện" có lẽ mới chỉ đúng có một nửa. Đổ tội cho quan dưới "không biết pháp luật mà thi hành pháp luật" thì đúng là từ bao lâu nay ta thi hành luật rừng, không còn gì phải bàn cãi. Nhưng lại còn một "vế" khác quan trọng hơn và đó là tình trạng chung, đã nói ngàn lần, là bệnh tham nhũng. Tham nhũng từ nhỏ đến lớn, bất kỳ ở nơi nào, từ vài chục bạc của chị buôn thúng bán bưng đến vài trăm ngàn, vài trăm triệu, thậm chí vài triệu đô la. Tham nhũng từ một văn phòng nhỏ ở làng xã đến những trụ sở to tướng của mọi "ngành chức năng", từ anh thư ký tòa án đến anh "cò" chuyên nghiệp, từ anh cắc ké đến quan to nhà bự. Mà những phát giác ấy, hầu hết lại là do những căm giận của người dân tố cáo chứ không phải do chính cơ quan công quyền phát giác ra. Những tham nhũng đó hầu hết lại thuộc về nhà đất tức là trong phạm vi của tài nguyên - môi trường. Vậy thì nguyên nhân khiếu nại, phải thêm yếu tố tham nhũng nữa mới đúng sự thật. Hay đó là một sự thật mà ông Bộ trưởng thấy không cần kết luận thì ai cũng biết"
- Có lẽ thế, ông Bộ trưởng thì ắt phải thông minh hơn người thường.
Cạnh tranh... bố láo"
Ông bạn tôi tủm tỉm cười ruồi, chẳng biết ông ta định nói gì, đồng tình hay phản đối. Tôi đứng dậy xin phép ra về. Ông bạn tiễn tôi ra cửa còn ấm ức về cái chuyện kẹt internet:
- Bước sang đến năm nay, sao mà cạnh tranh dữ dội quá ông ạ. Hồi nào tôi đi học, được tuyên huấn dạy rằng: "Thằng tư bản không có thi đua mà chỉ có cạnh tranh. Thi đua thì tốt, nhưng cạnh tranh thì không tốt". Thế sao ngày nay mình cạnh tranh còn hơn hồi xưa hả ông"

- Ông hỏi thế hơi khó trả lời đấy. Thôi thì bây giờ ông gọi nó là thi đua cũng được chứ sao. Bây giờ người ta có cả thi đua và cạnh tranh. Vợ ông đi dạy học mà mất điểm thi đua là "đời tàn trong ngõ hẹp". Mấy bà giáo cũng lo mất điểm thi đua. Nếu không sợ mất điểm thi đua thì cần gì phải cho học trò dốt cũng thi đậu, miễn là trường ta đậu 99% là các thầy cô an tâm.
- Cái sự đời nói thế đếch nào nghe cũng lọt. Được điểm thi đua mà bà vợ tôi mắc cỡ, có bao giờ dám kể với tôi về thành tích "vĩ đại" đó đâu. Thành tích càng lớn thì học trò ngày càng dốt. Đó là một tỉ lệ thuận. Nhưng nói chuyện thi đua làm quái gì cho đau dầu. Hãy nói chuyện cạnh tranh, sở dĩ cái đường truyền của tôi nó kẹt cũng vì cạnh tranh "bố láo".
- Ấy, sao ông lại dùng từ "bố láo", có đao to búa lớn quá không"
- Không! Đúng trăm phần trăm. Bố láo vì cơ sở chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà cứ khoa trương loạn lên, nhắm mắt nhận yêu cầu đăng ký của khách hàng, đến khi không đáp ứng được thì mặc xác cho khách kẹt, làm lỡ hết công việc của người ta, thế không là bố lào thì là cái gì" Sợ hãng khác lấy hết khách nên cứ quảng cáo "giá rẻ, hàng tốt" để rồi khách nhảy vào là cứ trơ mắt ra chịu đòn. Anh Lương Tấn Phước, quản trị mạng của một công ty nước ngoài tại khu chế xuất Tân Thuận, sử dụng dịch vụ ADSL của VNN cũng cho biết khoảng 1 tuần nay, công ty anh rất khó truy cập vào internet và thường xuyên bị rớt mạng, nhiều ngày tình trạng này diễn ra liên tục. Anh Phước nói: "Tôi gọi điện cho NetSoft thì nhận được câu trả lời là chờ thủ tục đầu tư thêm. Tôi hỏi lại có phải đang nâng cấp không thì nhân viên này nói không phải. Thật khó hiểu!" Thế tại sao không đợi đầu tư xong mới nhận thêm khách hàng" Làm ăn chụp giựt kiểu này cũng chẳng phải là chuyện riêng của một dịch vụ nào đâu ông ơi. Đến nay lại đang có cái quảng cáo cho dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao (MediaNet) song song với dịch vụ truyền hình cáp chẳng biết rồi sẽ ra sao. Thôi, ông hãy coi chừng những lời quảng cáo hoa mỹ của cái thời đại này. Những ngôi nhà đẹp chưa hẳn là bền, những cô gái có cái bề ngoài sang chưa hẳn đã là của tốt, chi bằng ta cứ "áo lụa váy xồi" cho chắc cú ông ạ.
Rồi ông bạn tôi làm ra vẻ dân sành điệu ghé tái tôi bỏ nhỏ "dạy dỗ":
- Ông muốn thế thì cứ đến mấy cái khu công nghiệp, khu chế xuất mà lang thang chứ chớ nên tìm kiếm ở khu trung tâm gần nhà ông là có phen "đổ nợ". Đấy là kiểu chơi của dân đúng là "sành điệu" bây giờ đấy.
Tôi cảm ơn ông vì lời dạy dỗ này. Đúng là ông bạn vốn nổi tiếng là "quê mùa đứng đắn" này bây giờ cũng thành "quỷ" rồi. Con người biến đổi nhanh thật.
Trở về đến nhà, rất may là đường truyền ADSL của FPT không kẹt, nó chạy khá nhanh. Nhưng xem lại bảng giá thì ngay cả đường truyền tại gia cũng có đến ba thứ giá khác nhau. Có "gói", giá chỉ gần 50 ngàn đồng một tháng, có giá gần trăm ngàn và cũng có giá 150.000 ĐVN. Tiền nào của nấy cũng là chuyện bình thường. Tôi chẳng biết trời trăng gì, khi thấy có đường truyền gọi là "siêu tốc" thì cứ ghi tên. Điện thoại không được, tôi gửi cái e mail cho nhà cung cấp dịch vụ, chỉ 15 phút sau có ngay một anh mang hợp đồng đến yêu cầu ký tên, rồi hai ngày sau là có ngay người mắc đường dây cho xài liền tức thì. Tôi mừng vì sự cạnh tranh này đã mang lại cho khách hàng một tiện nghi tối cần thiết trong đời sống. Tuy nhiên, thật sự trong bụng vẫn hồi hộp chưa biết nó sẽ nhanh được bao lâu. Một lần ghe tin ông Tổng Công ty bưu chính viễn thông - dĩ nhiên là của nhà nước - cho rằng ông FPT không có quyền kinh doanh đường truyền siêu tốc nên cũng thót tim, tưởng rằng cái ADSL của mình sẽ bị tháo ra, đi đứt. Nhưng may sao đến nay nó vẫn còn tồn tại. Có lẽ vì ông VNTP cũng "no" rồi nên không "chấp" với hãng khác. No đến nỗi muốn vỡ bụng vì lượng khách hàng quá đông không đáp ứng kịp thì còn kể gì đến ba cái thứ lẻ tẻ. Nhờ vậy mà anh FPT sẽ còn sống sót chăng"
Mùa Trung thu bắt đầu
Trên đường từ ngoại ô về đến thành phố, lác đác những cửa hàng bánh Trung Thu đã thấy bày bán trên hè phố. Đó là cái khung cảnh quen thuộc của Sài Gòn vào bất cứ mùa Trung Thu nào. Tuy lúc này chưa nhiều, nhưng những cái lồng đèn treo lơ lửng trên các cửa tiệm và những hộp bánh xanh đỏ... cũng đã mời gọi những đứa trẻ nhỏ và cho những lớp người đứng tuổi bắt đầu hoài niệm về những đêm trăng trung thu ở "mùa thu cũ". Một nỗi nhớ mênh mông, dịu dàng xanh thẳm về một vùng quê xưa, hẳn là ai cũng có.
Bác xe ôm chở tôi về thành phố cũng xấp xỉ tuổi lục tuần, luôn mồm kêu xăng tăng giá làm dân taxi đói meo, dân xe ôm cũng chết dở. Người ta sẽ ít đi lại hơn và tận dụng phương tiện của nhà hoặc xe buýt chứ không đi taxi hay "ôm" nữa. Qua một trạm xăng, lúc đó đông nghịt cứ như đi xem hội. Bác tài xe ôm lại la làng:
- Chết rồi ông ơi, xăng lại tăng giá. Ông làm ơn cho tôi ghé và đổ vài lít xăng phòng xa, chứ ngày mai nó mà tăng mười lăm ngàn một lít thì lỗ to.
Tôi đồng ý để ông ghé trạm xăng, nhưng hàng đống người đứng chen chúc lố nhố, không có hàng lối gì cả, làm sao ông ta chen chân vào được. Chạy đến cây xăng khác cũng thế thôi. Tôi đành phải "bù lỗ" cho ông thêm vài chục để ông an tâm lái chiếc Honda cọc cạch đến nơi đến chốn. Ông tỏ vẻ hiểu biết hơn:
- Chuyện tăng giá xăng dầu là chuyện của thế giới chứ chẳng riêng gì mình, phải không ông" Chỉ giận tụi con buôn, đem xăng dầu của mình bán sang Campuchia kiếm chút lời, làm bà con mình khổ. Chưa biết chừng lại có mấy anh quan địa phương nhúng tay vào cho đàn em buôn lậu nữa đấy. Những thằng ấy phải mang chém tuốt.
- Ông chém cái kiểu đó thì nay mai dân mình không còn quan đâu. Còn toàn dân. Ai ký giấy cho con cháu bác đi học"
- Thì con tôi bây giờ có giấy tờ gì đâu. Vào đây chạy xe ôm năm năm rồi, cứ là dân ngụ cư không nhà, không hộ khẩu. Cứ nói là làm hộ khẩu bây giờ dễ lắm, nhưng có nhà cửa gì đâu mà làm hộ khẩu. Đến anh chủ nhà cũng không có giấy tờ chứng minh nhà cửa, sổ hồng hay sổ đỏ, chủ quyền và chủ sở hữu còn chưa rành mạch thì nói gì đến dân ngụ cư. Chuyện đó còn xa vời lắm.
Tôi chỉ nghĩ thầm thế là Trung Thu năm nay con cháu bác xe ôm lại đứng đường nhìn đám trẻ con nhà giàu chơi trung thu. Đến miếng bánh cũng chưa chắc đã có mà ăn.
Lại nói về một trận đá banh
Trong dịp này, vào ngày 3-9 có một trận đá banh được quảng cáo khá rầm rộ. Đó là trận banh để "vinh danh" loạt cầu thủ đã hoặc sắp giã từ sân cỏ. Nói cho bình dân hơn là các cầu thủ sắp "về vườn". Cái nghiệp đá banh ngắn ngủi và có phần bạc bẽo lắm. Nhất là các cầu thủ ở Việt Nam, khi đang độ "xuân thì" còn túng bấn, kể chi đến lúc về già. Cứ khoảng trên ba mươi tuổi là "nghỉ hưu" không lương. Một đời cầu thủ chỉ có được 10 năm phù du. Khoảng trên 30 là "hết hạn" rồi, đã được liệt vào hàng "lão tướng". Rất ít cầu thủ nào sống huy hoàng được trên 10 năm. Cuộc sống đã thiếu dinh dưỡng tử nhỏ, đến khi trở thành cầu thủ thì cũng chưa chắc đã được hưởng đấy đủ mọi điều kiện cần thiết của một cầu thủ.
Mới vài năm gần đây, ở VN mới có cầu thủ chuyên nghiệp, chứ trước kia chỉ có cầu thủ bán chuyên nghiệp hoặc tự nguyện đá cho một đội banh mà thôi. Và cũng chỉ vài năm gần đây, các đội bóng đá của VN mới biết thuê cầu thủ nước ngoài đến đá thuê cho Câu lạc bộ của mình. Nhưng hầu hết là những cầu thủ của Thái Lan và của những nước Phi Châu nghèo, đồng lương phải trả rất giới hạn. Chỉ khoảng vài ba ngàn đô la một tháng và bản hợp đồng thường là chỉ một mùa bóng rồi tính sau. Một số đội bóng được kể là "chuyên nghiệp" chứ chưa hẳn là đúng với quy chế chuyên nghiệp như các nước khác. Như vậy cũng đã gọi là một tiến bộ rồi.
Tuy vậy đời sống của các cầu thủ cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Tùy theo tình hình tài chánh của từng Câu lạc bộ. Nhưng sự cống hiến của các chàng trai say mê bóng đá ở VN cũng chẳng thua kém bất cứ một cầu thủ nào trên thế giới. Họ cũng phải bỏ ra bằng ấy sức lực cho từng trận đấu. Nếu quan niệm cho đúng, thể thao bao giờ cũng đứng ngoài chính trị cho nên ở mọi quốc gia, không phân biệt thời nào, bóng đá vẫn là bóng đá. Cầu thủ vẫn chỉ là cầu thủ. Có khác chăng chỉ là cách họ được đối xử như thế nào mà thôi.
Trong những năm vừa qua cho đến nay, có khoảng gần 20 cầu thủ thường được xếp vào đội tuyển quốc gia ở những trận tranh cúp trong khu vực vùng Đông Nam Á và cũng đã lập được một vài thành tích đáng kể. Cao nhất chỉ là vài cái huy chương bạc. Ngay cả thành tích trong một giải khu vực họ cũng chưa theo được các đàn anh thời xưa đã từng đoạt huy chương vàng. Trong cái giải đó đến nay, những cầu thủ tham dự mang cúp vàng về cho VN, chỉ còn thấy ông Tam Lang đã lên chức huấn luyện viên.
Tất nhiên, ngày nay các cầu thủ trong đội tuyển VN cũng đã từng tranh cúp châu Á và cúp thế giới, song đó chỉ là những trận "thủ tục" vì luật lệ của FIFA. Gọi là tham dự "cho có" mà thôi. Song vẫn không thể không kể đến công sức của họ đã bỏ ra.
Đây là lần đầu tiên ở VN có một trận "từ giã" cho các cầu thủ vừa trải qua một chặng đường gay go nhất trong cuộc đời. Cả tuổi thanh xuân của họ đã cống hiến cho bóng đá. Khách quan mà nói thì tổ chức một trận đấu "ghi công các cầu thủ" như vậy là một sáng kiến tốt. Nhờ vậy đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của hầu hết các khán giả mê bóng đá và tất nhiên là cũng yêu các cầu thủ của mình. Xét trong lịch sử bóng đá thì giữa VN và Thái Lan, từ hai thâp kỷ vừa qua vẫn là hai kỳ phùng địch thủ. Thế nên việc mời đội bóng gồm những "ngôi sao" của Thái Lan đang "về già" và quen biết với khán giả VN sang đá với đội VN lần cuối là đúng với lòng mong mỏi của người hâm mộ.
Tôi cũng tính mua một chiếc vé vào xem trận này, nhưng mục đích trên hết của tôi vẫn là để nhớ đến sân banh Cộng Hòa xưa kia mà không lần nào tôi vắng mặt. Nhưng vé đã hết từ nhiều ngày trước, vé chợ đen cũng chẳng còn nên đành nằm nhà coi qua truyền hình trực tiếp vậy. Nhìn khán giả đông kín trên sân, tôi không thể nào quên được những trận bóng đá hào hứng, sôi nổi xưa kia. Thật ra trận đấu của các "lão tướng" hôm nay và lại là một trận giao hữu thì chẳng có gì để phải theo dõi hồi hộp. Họ đá với nhau như "đi chơi trên sân", như một cuộc gặp gỡ của những người đồng nghiệp trong một bữa tiệc chia tay. Có thế thôi. Họ cho khán giả nhìn thấy dung nhan "mùa hạ" của họ cùng vài đường biểu diễn kỹ thuật trước khi vĩnh viễn chia tay sân bóng. Và khán giả cũng chỉ mong có thế thôi. Cái kết quả hòa 3-3 là một kết quả đẹp và là điều ai cũng có thể đoán trước, chẳng có gì phải bàn.
Nhưng có một điều mà tôi cứ lấy làm tiếc là trong thời gian này cũng là thời gian có tin ký giả Huyền Vũ vừa mất, sao ban tổ chức không nhân dịp này để có một phút, một giây tưởng nhớ về một người đã có công với nền thể thao VN, có phải đẹp hơn biết bao nhiêu không" Trong khi ông Phạm Huỳnh Tam Lang lại là huấn luyện viên chính của đội "lão tướng" VN trong trận này. Hẳn người ta chưa quên, khi ông Huyền Vũ tường thuật bóng đá thì ông Tam Lang cũng là một cầu thủ được ông nhắc đến rất nhiều lần. Trong khi trận đấu đang diễn ra, tôi mang ý nghĩ ấy điện thoại cho một ông bạn cũng là một tay ghiền bóng đá từ xưa tới nay. Ông ta vỗ tay reo lên:
- Được như thế thì rất tuyệt.
Nhưng rồi ông bạn tôi ngậm ngùi:
- Tiếc rằng họ chưa đủ "lớn" để làm chuyện đó.
Có lẽ ông bạn tôi nói đúng. Đó là sự trưởng thành của một ý thức chứ không phải là sự khôn ngoan cần thiết.
Ông bạn tôi lại quay sang chuyện ông trọng tài nhận hối lộ. Đó là thứ chuyện từ xưa tới nay mới xảy ra lần thứ nhất trong làng thể thao VN. Nhưng chuyện đó còn đang trong vòng điều tra, còn có thể dính tới nhiều người khác, nhiều sự kiện khác. Xin để kỳ sau phân giải.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.