Tuy nhiên sự ưu việt mà đảng Cộng sản Việt Nam đang ra công quảng bá đã không cao lớn bằng những xấu xa, tội lỗi của những người có trách nhiệm thi hành nền dân chủ này đã và đang gây ra cho nhân dân.
Hãy nghe Mạnh kiểm điểm thành tích của 6 năm : “Trong khi khẳng định những kết quả đạt được, chúng ta cũng thấy rõ rằng, thực trạng dân chủ ở cơ sở chưa làm cho chúng ta hài lòng. Quy chế Dân chủ ở cơ sở ban hành đã 6 năm, song vẫn còn một bộ phận cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước chưa triển khai thực hiện; trong số địa phương, đơn vị đã thực hiện thì chỉ xấp xỉ một phần ba làm tốt. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành còn chưa đúng đắn về tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo, điều hành chưa thống nhất, chỉ đạo thực hiện không thường xuyên, có nơi còn nặng về hình thức, buông lỏng hoặc khoán trắng cho Ban Chỉ đạo...”
Nền “Dân chủ ở cơ sở” mà Mạnh nói đây là thứ “dân chủ” có đặc quyền đặc lợi chỉ dành riêng cho cán bộ, đảng viên mà thôi. Nhân dân không được xơ múi gì thứ dân chủ được gọi là “ưu việt” này !
Võ Văn Kiệt, Cựu Thủ tướng mới đây đã vạch ra mặt trái của nó trong cuộc phỏng vấn của Tạp Chí Xây dựng Đảng (4/05) : “ Có hiện tượng đáng buồn, đáng phẫn nộ đó là do sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ những đảng viên có chức, có quyền - cái mà người ta gọi là sự tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền. Có những chuyện đó là vì trong sinh hoạt và trong tổ chức của Đảng, chỉ tập trung mà thiếu dân chủ. Biểu hiện ngày càng rõ việc không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng trước hết là tình trạng thiếu dân chủ trầm trọng trong tổ chức và trong cách làm việc, cách ra quyết định. Vì thiếu dân chủ nên cũng thiếu tập trung. Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" là một dẫn chứng.”
“Nhưng trầm trọng và đáng ngại hơn là sự tập trung quan liêu. Càng tập trung theo kiểu quan liêu thì dễ dẫn đến độc quyền, độc đoán, không cách xa nhau bao nhiêu với độc tài và chuyên quyền của một số cá nhân đứng trên Đảng. Khi đã tập trung quan liêu và thiếu dân chủ trong Đảng thì mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. “
Kiệt từng lãnh đạo Chính phủ và là một trong số Ủy viên Bộ Chính trị có nhiều quyền hành trong nhiều năm nên hành động lên án những thói hư tật xấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được quan tâm vì nó phản ảnh tính nghiêm trọng của vấn đề.
Mạnh cũng thắc mắc trong kỳ họp năm ngoái: “Vì sao ở nơi này, nơi khác, tình hình khiếu kiện về mất dân chủ và các tranh chấp kinh tế từ các cơ sở vẫn tiếp tục gia tăng" Vì sao cơ chế bảo đảm việc "dân kiểm tra", Mặt trận và các đoàn thể giám sát lại chưa làm được nhiều, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội" Tại sao Quy chế thực hiện ở khu vực các cơ quan, doanh nghiệp tác dụng còn hạn chế" “
Một năm sau, chưa ai trong đảng trả lời được thắc mắc của Mạnh vì những tệ nạn do cán bộ tạo ra cho nhân dân và cho toàn xã hội vẫn còn nguyên đó và càng nghiêm trọng hơn.
Hồi đó (tháng 4 năm 2004) Mạnh ngạc nhiên: “ Điều đáng nói là hiện nay, bên cạnh việc thực hiện chưa tốt các Quy chế lại đang có tình hình trật tự, kỷ cương không nghiêm, thiếu tôn trọng pháp luật. Đã có nhiều hiện tượng lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền dân chủ của số đông nhân dân.... Phải giữ vững kỷ cương, pháp luật ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, thực hiện thống nhất trong cả nước, từ trên xuống dười, từ trong Đảng ra ngoài xã hội.”
Ở cương vị Tổng Bí thư, chẳng nhẽ Mạnh lại không biết tại sao đã có nhiều vụ đông dân kéo đi khiếu kiện ngay trước trụ sở Đảng hay trước nhà Mạnh và Phan Văn Khải từ sáng tinh mơ " Và sự xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân do cán bộ chủ động có vô cớ không hay những “quan cách mạng” vi phạm luật pháp chưa hề bị trừng phạt nên vẫn cứ tiếp tục bảo nhau hại dân "
NGUY CƠ BÊN TRONG "
Đã có không thiếu cán bộ, đảng viên thực hành “dân chủ” theo quyền hạn và địa vị của mình miễn sao đem lại lợi nhuận cho bản thân và phe cánh mình. Vì vậy mà Ban Bí Thư đảng mới phải kết luận : “…Những kết quả trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở chưa đồng đều và vững chắc, mới có khoảng 113 số đơn vị thực hiện tốt ở những mức độ khác nhau, không ít cấp ủy đảng, tổ chức, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân chưa nắm vững tinh thần Chỉ thị của Đảng và các nghị định của Nhà nước về vấn đề này. Một số bộ, ngành, đoàn thể trung ương chậm ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ trong lĩnh vực, ngành, đoàn thể mình. Nhiều nơi, quy chế đã xây dựng còn dập khuôn, máy móc, chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện. Nhiều nơi còn tình trạng khoán trắng việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho ban chỉ đạo không kiểm tra thưởng xuyên để có chủ trương và giải pháp đồng bộ, thiết thực nên việc thực hiện còn mang nặng tính hình thức. Tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn nhiều, có khi nghiêm trọng những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực không được phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, khắc phục kịp thời, làm giảm lòng tin, gây bất bình trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp.”
“Có những yếu kém trên đây trước hết là do cấp ủy, những người đứng đầu tổ chức đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thấu suốt quan điểm trong Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nêu. Có trường hợp, người lãnh đạo cơ sở đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có sai lầm, khuyết điểm, mất đoàn kết nội bộ, nên e ngại triển khai, thậm chí không thực hiện Quy chế dân chủ.”
Tình trạng cán bộ tự tung tự tác, tùy tiện, coi thường dân, phạm pháp ngày một nhiều còn được Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo cho biết trong năm 2004, tổ chức của Bà đã “Tiến hành kiểm tra 19.103 đảng viên, trong đó 6.474 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, kết luận có 13.997 đảng viên vi phạm, chiếm 73,2% tổng số đảng viên được kiểm tra, trong đó phải thi hành kỷ luật 7.568 trường hợp. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 3.494 tổ chức đảng cấp dưới có dấu hiệu vi phạm, trong đó 9 ban cán sự đảng, đảng đoàn cấp tỉnh; 30 Ban thường vụ cấp huyện; 700 Ban chấp hành, Ban thường vụ đảng ủy cơ sở; 2.755 chi bộ, chi ủy. Qua kiểm tra, kết luận 1.990 tổ chức đảng có vi phạm, chiếm 56,9% so với tổ chức đảng được kiểm tra, trong đó thi hành kỷ luật 266 tổ chức đảng...”. (Phát biểu tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ngày 11/1/05)
Vậy vi phạm của cán bộ đã tập trung vào các khâu nào " Bà Doan nói tiếp : “ Nội dung tố cáo chủ yếu là thiếu trách nhiệm việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng; cố ý làm trái các quy định, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân, vi phạm Quy định số 19 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm. Phương hướng công tác kiểm tra năm 2005 là tiếp tục tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, quy chế làm việc, công tác cán bộ; mất đoàn kết, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; trước hết là các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: Thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân hàng, thuế, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu...”
Bà Doan còn viết trong Tạp chí Cộng sản , Cơ quan Lý luận và Chính trị của Trung ương Đảng (số 71-04) : “ Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền - người chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến bộ của đất nước, nhưng hiện nay trong Đảng vẫn còn những tổ chức đảng và đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tổ chức; đạo đức, phẩm chất cách mạng kém, có người dao động mục tiêu lý tưởng; chủ nghĩa cá nhân phát triển, bệnh quan liêu, tham nhũng ngày càng nặng; phần tử cơ hội xuất hiện dưới nhiều hình thức, nguy hiểm là kẻ cơ hội chính trị nằm ngay trong nội bộ Đảng và tìm mọi cách để giấu mình chờ dịp thực hiện mưu đồ đen tối; trong khi đó nguyên tắc tổ chức chưa được giữ nghiêm, nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm, tự phê bình và phê bình nói chung đều yếu, có nơi chỉ là hình thức, tính chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên đang bị sa sút; quan hệ nội bộ có nơi, có lúc bị đồng tiền và quyền lực chi phối.”
“Một đảng lãnh đạo cả hệ thống chính trị mà không được giám sát chặt chẽ, rất dễ lộng quyền, lạm quyền và làm giảm lòng tin của nhân dân, tất nhiên sẽ dẫn đến tiêu cực, tệ quan liêu và nạn tham nhũng. Đó là những nguy cơ bên trong làm suy yếu, thậm chí làm tan rã đảng. Đây là điều cần được cảnh báo để chúng ta thấy rõ và kiên quyết tìm mọi biện pháp khắc phục cho bằng được. Vì vậy, giám sát hoạt động của Đảng và đảng viên là rất bức thiết, nó xuất phát từ đòi hỏi khách quan của công tác xây dựng đảng và yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, bảo đảm cho Đảng ta, trước hết là các cơ quan lãnh đạo và những người lãnh đạo của Đảng luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng; có phẩm chất cách mạng tốt đẹp, ngăn ngừa mọi sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Do đó, trong giai đoạn cách mạng mới, cần phải tăng cường công tác giám sát trong Đảng.”
Lời báo động đang có những “nguy cơ bên trong làm suy yếu, thậm chí làm tan rã đảng” hay còn được gọi là “Kẻ nội thù” của Bà Nguyễn Thị Doan không phải là vô cớ hay đã qúa cũ. Nhưng nhiều người trong đảng, trong những bài phát biểu thời gần đây đã tìm cách che dấu các chứng hư tật xấu của cán bộ, đảng viên bằng cách đổ lỗi cho “mặt trái của nền kinh tế thị trường” đã làm hư hỏng cán bộ.
Chẳng hạn như bài viết của Bà Phạm Thị Ngạn, Vụ Nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Trung ương trong mục Xây dựng Đảng của Trung ương đảng ngày 24-5-2005. Bà lý giải lòng dòng rằng : “ Mặt trái của kinh tế thị trường tạo ra những yếu tố làm gia tăng các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng làm cho nhiệm vụ của công tác kiểm tra và kỷ luật không chỉ nặng nề hơn mà còn khó khăn hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, nền kinh tế nhiều thành phần với việc tổ chức các ngành, các đơn vị kinh tế có tính độc lập tương đối và tính tự chủ cao dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực cơ bản (vốn, con người…) mang tính cạnh tranh. Khi quan hệ lợi ích mang tính cạnh tranh thì tất yếu các chủ sở hữu phải tìm cách cạnh tranh, từ đó nảy sinh những hình thức cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Cũng như vậy, trong cơ chế thị trường, lợi ích cục bộ của từng đơn vị kinh tế nhiều khi trái ngược với lợi ích chung nên các đơn vị tìm cách bảo vệ lợi ích cục bộ của mình cũng nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.”
“Những nguyên nhân khách quan trên đây cộng với nhiều nguyên nhân khác làm cho các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực với quy mô ngày càng lớn hơn, tính chất ngày càng phức tạp hơn và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Tham nhũng trở thành một trong 4 nguy cơ đối với đất nước, đe doạ sinh mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ. Đứng trước nguy cơ này, chống tiêu cực, tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; trong đó, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng và đảng viên là trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó cho công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.”
Nhưng mặt trái của chủ trương được gọi là “ Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” ở đâu ra, nếu không phải ở ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên của cái Nhà nước chủ trương xây dựng đất nước dựa trên nền tảng Chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh "
Lê Khả Phiêu, Cựu Tổng Bí Thư vừa nói không đồng ý với lối chạy tội cho cán bộ tham nhũng, hư hỏng là do “Kinh tế thị trường” gây ra. Phiêu nói với báo Tuổi Trẻ ngày 25-5-05 rằng muốn chống được tham nhũng thì trước hết bản thân cán bộ phải tự xem mình đã trong sạch chưa "
Phiêu nói : “ Qua thực tế bản thân tôi thấy muốn làm được việc này thì mình phải giữ nghiêm đức tính liêm khiết. Tôi không muốn cái gì cũng đổ lỗi cho kinh tế thị trường. Trong quan hệ xã hội cả bên trong bên ngoài có nhiều mối quan hệ: với lãnh đạo cấp cao, với cấp dưới, với dân...Có người đến với mình với động cơ cầu thị, trong sáng như xin ý kiến để thực hiện công việc được tốt hơn. Song cũng có người đến với động cơ không trong sáng, muốn tìm chỗ nương tựa hay tiếp tay gì đó. Mình phải hết sức cảnh giác. Phải luôn răn mình là đầy tớ của dân. Tôi nói thật có chuyện họ đến biếu tiền, năm nghìn, mười nghìn (đô) chứ không ít đâu....”
Tiền ở đâu ra mà cán bộ có để quà cáp nhiều thế nếu không nhờ vào tham nhũng,lãng phí của dân "
CÀNG XÂY CÀNG ĐỔ
Cũng bàn về tư cách của đảng viên và lối sinh hoạt “loạn xà ngầu” đang diễn ra trong đảng, hồi đầu năm nay (1/2005) Tạp chí Xây dựng Đảng cho biết sinh hoạt đảng đang có nhiều thiếu sót, có chỗ nghiêm trọng.
Tác gỉa bài báo, Hoàng Việt Phương,Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ Ban Tổ chức Trung ương mô tả tình hình có nhiều bất bình thường trong nội bộ đảng như sau :
1. Sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên vẫn là khâu yếu nhất. Nhiều cấp uỷ không quản lý chặt chẽ đảng viên, không nắm sát được diễn biến tư tưởng, hành động của đảng viên, nhất là ngoài giờ làm việc. Nội dung sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi nhìn chung còn nghèo nàn, hình thức. Ở không ít cơ quan hành chính, doanh nghiệp lấy nội dung họp chuyên môn thay cho sinh hoạt chi bộ. Tự phê bình và phê bình chưa cao. Tình trạng "dĩ hoà vi quý", nể nang, né tránh trong sinh hoạt đảng còn diễn ra khá phổ biến. Qua kiểm tra, có nhiều chi bộ không bảo đảm chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng. Không hiếm chi bộ 2-3 tháng mới sinh hoạt, cá biệt có chi bộ 6-7 tháng bỏ sinh hoạt. Việc quản lý hồ sơ đảng viên ở nhiều nơi làm chưa tốt.
2. Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa thật tốt trong tổ chức và sinh hoạt đảng. Vẫn còn tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa thiếu kỷ cương, kỷ luật ở một số địa phương, đơn vị. Việc xây dựng quy chế làm việc là nhằm tăng cường dân chủ, bảo đảm tính tập trung, song không ít nơi chưa chấp hành đúng quy chế đã ban hành. Có trường hợp xây dựng quy chế từ năm 1992, song đến nay chưa bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Theo quy định, cấp trên kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp dưới, cấp dưới giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cấp trên, nhưng trên thực tế, việc này chưa làm được thường xuyên.
3. Hệ thống tổ chức đảng còn nhiều vướng mắc, nhất là xử lý mối quan hệ giữa tổ chức đảng lập theo hệ thống hành chính 4 cấp với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý cán bộ theo ngành. Trong các doanh nghiệp thực hiện chưa thật rõ mối quan hệ giữa đảng uỷ với hội đồng quản trị và ban cán sự đảng (một số tổng công ty có ban cán sự đảng); tổ chức đảng ở một số doanh nghiệp trực thuộc đảng uỷ cơ quan bộ, song có tổ chức đảng lại trực thuộc cấp uỷ địa phương... Một số đảng bộ do quy mô quá lớn nên tổ chức không hợp lý (đảng bộ cơ sở lại trực thuộc đảng uỷ cơ sở, đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc đảng uỷ cấp trên cơ sở).
4. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng năng lực nói chung chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chế độ, chính sách đối với cán bộ đảng chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm công tác đảng còn nhiều bất cập. Kinh phí cho công tác đảng còn nhiều khó khăn.
Với một đội ngũ cán bộ và guồng máy cai trị như vậy hèn chi mà đảng này chẳng lung tung, không có khả năng lãnh đạo đất nước và đang mất dần tín nhiệm trong nhân dân. Chân tướng của đội ngũ cán bộ, đảng viên , xuyên qua các bài viết dẫn chứng, đã thể hiện trong tranh chấp quyền hành , tham nhũng và chống phá lẫn nhau để “đi trước đón đầu” giành lấy cơm ăn áo mặc của dân.
Căn nhà của đảng Cộng sản Việt Nam, như vậy, đang dột từ đâu" Chẳng nhẽ chỉ có vài giọt nước đang rơi lẻ tẻ từ nóc xuống hay nước đã ngập từ dưới ngược lên "
Phạm Trần (6/05)