Gần đây, nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận quốc tế kinh hoàng: hàng loạt sà lan quân sự khổng lồ của TQ – loại phương tiện chuyên dụng cho các chiến dịch đổ bộ từ đất liền ra biển – lần đầu tiên lộ diện. Ngay sau đó, vào ngày 1 tháng 4 năm 2025, Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày ở eo biển Đài Loan. Điều này càng làm dấy lên lo ngại: Liệu TQ có đang chuẩn bị một cuộc xâm lược kiểu D-Day vào Đài Loan?
Tuy nhiên, điều khiến Colin Flint, Giáo sư Khoa học chính trị tại Utah State University, cảm thấy thú vị là: Dù Trung Quốc hiện sở hữu một trong những lực lượng quân đội tiên tiến nhất thế giới, thì những suy đoán về chiến tranh lại được dựng lên dựa trên một công nghệ đã xuất hiện từ 80 năm trước; cụ thể là các Cảng nổi Mulberry (Mulberry Harbours), vốn đã giúp quân Đồng Minh đưa các phương tiện cơ giới lên bờ biển Normandy trong cuộc đổ bộ lịch sử ngày 6 tháng 6 năm 1944.
Là một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lịch sử và địa lý – chính trị liên quan đến các Cảng nổi Mulberry trong Thế Chiến II, Giáo sư Flint cho rằng việc so sánh hoàn cảnh hiện tại với Chiến dịch Normandie năm 1944 có thể gây hiểu lầm rất lớn. Dù những chiếc sà lan hiện đại của TQ mang nhiều điểm tương đồng với mô hình lịch sử, thì tình hình chiến lược giữa TQ và Đài Loan ngày nay lại hoàn toàn khác biệt.
Khu vực Thái Bình Dương đang “nóng” lên?
Không thể phủ nhận, nguy cơ Bắc Kinh phát động một cuộc tấn công nhằm kiểm soát Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc từ lâu tuyên bố là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ, đang là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với các quốc gia trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.
Dưới thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã liên tục đẩy mạnh các tuyên bố cứng rắn đối với chính quyền Đài Bắc. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, dù mang tính chiến lược để củng cố hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế, việc gọi Đài Loan là “tỉnh phản loạn” hoặc “vùng lãnh thổ ly khai” đã thể hiện rõ ý định thống nhất lãnh thổ bằng vũ lực.
Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Trump ngay từ sớm đã tỏ rõ lập trường coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh số một. Tuy nhiên, chính sách của Washington đối với việc bảo vệ Đài Loan vẫn chưa nhất quán và có phần mơ hồ, cũng tương tự như sự thiếu chắc chắn trong cách Trump định hình mối quan hệ với Bắc Kinh.
Ngoài yếu tố địa lý – chính trị, nếu Trung Quốc thực sự quyết định phát động một cuộc xâm lược Đài Loan, thì điều đó sẽ kéo theo một chiến dịch quân sự vô cùng phức tạp, một canh bạc đầy nguy cơ. Các chiến dịch đổ bộ từ biển lên đất liền vốn thường gây tổn thất nặng nề hoặc thậm chí thất bại hoàn toàn.
Thí dụ như chiến dịch Gallipoli trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến I: quân Úc và New Zealand đã phải rút lui sau khi hứng chịu tổn thất lớn, mà không giành được chút lợi thế lãnh thổ nào. Trong Thế Chiến II, kế hoạch “nhảy cóc” qua các đảo của Hoa Kỳ để ngăn chặn quân Nhật Bản tuy thành công về mặt chiến lược, nhưng cái giá phải trả là vô vàn mạng sống.
Cái khó của một chiến dịch đổ bộ không chỉ là trận giao tranh ban đầu, mà còn ở khâu hậu cần: làm sao liên tục đưa binh linh và quân nhu tiếp tế đến được tiền tuyến. Trong quá trình đó, những chiếc sà lan giữ vai trò quyết định.
Những cảng nổi trong Thế Chiến II
Trong Thế Chiến II, khi quân Đồng Minh cân nhắc mở mặt trận tấn công Đức Quốc Xã bằng đường biển, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tỏ ra hoài nghi với kế hoạch đổ bộ lên bờ biển Pháp. Mối lo lớn nhất của Churchill và các tướng lĩnh của ông không nằm ở khả năng chiến đấu, mà là bài toán hậu cần cực kỳ phức tạp.
Họ lý giải rằng, nếu mở mặt trận tại Pháp, Đức có thể sẽ giữ quyền kiểm soát tất cả các cảng chính hoặc phá hoại chúng. Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện quân sự như xe tăng, đại bác, lương thực, binh lính và các nhu yếu phẩm không thể nào được đưa vào đất liền từ hậu phương thông qua hệ thống các cảng.
Để giải quyết vấn đề đó, quân Đồng Minh đã thiết lập các cảng nổi Mulberry Harbours – hệ thống cầu tàu nổi có thể lên xuống theo thủy triều, cho phép tàu thuyền cập bến và dỡ hàng trực tiếp.
Hệ thống này còn được bảo vệ rất cẩn mật: vòng trong là những khối bê tông khổng lồ được kéo từ Anh sang để tạo thành phần móng, còn vòng ngoài là các con tàu cũ bị cố ý đánh chìm để tạo thành lớp đê chắn sóng. Mulberry Harbours là một công trình vừa mang tính sáng tạo kỹ thuật cao, vừa là biểu tượng cho tinh thần ứng biến linh hoạt trong điều kiện chiến tranh.
Ngày nay, hình ảnh những sà lan Trung Quốc cho thấy công nghệ đã được hiện đại hóa vượt bậc, nhưng nguyên lý bảo đảm khâu hậu cần trong chiến dịch đổ bộ thì vẫn giống như xưa.
Nhưng có một điểm khác biệt rất quan trọng: trong Thế Chiến II, chiến dịch Normandy là một cuộc đổ bộ từ đảo (Anh) vào lục địa (Pháp), còn nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì đó sẽ là từ lục địa vào đảo.
Cuộc chơi của các cường quốc theo kiểu Trung Quốc
Dù Cảng nổi Mulberry là một thành tựu kỹ thuật rất sáng tạo, nhưng đó cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi chiến lược lâu dài, bắt đầu bằng Chiến dịch Bolero (Operation Bolero): Anh thành căn cứ hậu cần khổng lồ, nơi tập trung lực lượng và thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.
Cuộc đổ bộ D-Day chỉ là bước cuối cùng trong quá trình triển khai sức mạnh quân sự từ vùng duyên hải đến vùng viễn dương. Hoa Kỳ đã kiểm soát được vùng duyên hải ở Caribbean, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trước khi hành quân vào Âu Châu.
Còn với Trung Quốc, chiến lược này lại diễn ra theo trình tự ngược lại. Dù các sà lan sẽ rất hữu dụng trong một cuộc tấn công qua eo biển Đài Loan, nhưng Bắc Kinh xem hòn đảo này là trọng điểm trong vùng duyên hải, và họ muốn bảo vệ vùng biển này khỏi các thế lực bên ngoài.
Xét từ góc nhìn của Trung Quốc, sự hiện diện liên tục của quân đội Mỹ dọc theo vùng duyên hải nước mình kể từ sau Thế Chiến II là biểu hiện rõ rệt của chiến lược bao vây dài hạn. Với các căn cứ tại Okinawa, Guam và Phi Luật Tân, Washington tạo thành một “chuỗi phong tỏa” có thể ‘trói chân’ Bắc Kinh. Nhưng nếu kiểm soát được Đài Loan, họ sẽ có thể phá vỡ mắt xích trong chuỗi bao vây ấy.
Song song đó, Trung Quốc cũng không ngần ngại mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Họ đã xây dựng lực lượng hải quân viễn dương, thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti, và thúc đẩy Sáng kiến Nhất Đới – Nhất Lộ (Belt and Road Initiative, BRI) để trở thành một thế lực kinh tế – chính trị vươn cánh tay dài ra khắp các đại dương: Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương.
Sà lan đổ bộ có thể chỉ là bước đầu trong chiến lược mở rộng sang vùng viễn dương của TQ – trái ngược với Hoa Kỳ thời Thế Chiến, vốn chỉ tung ra Cảng nổi Mulberry sau khi đã nắm chắc các vùng biển xung quanh như Caribbean, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Dấu hiệu của cục diện mới
Việc phân tích kỹ thuật và gợi lại lịch sử từ các Cảng nổi Mulberry là một cách hiệu quả để đánh giá các sà lan đổ bộ mới của Trung Quốc, và giúp ta hình dung rõ hơn về quy mô chiến lược của địa lý – chính trị hiện đại. Cũng như trong Thế Chiến II, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan ngày nay không chỉ đơn thuần là một xung đột khu vực, mà là một phần trong tiến trình các cường quốc tìm cách khẳng định vị thế trên toàn cầu, và chiến trường lần này là eo biển Đài Loan. Nói cách khác, điểm tương đồng lớn nhất với Cảng nổi Mulberry không nằm ở phương diện kỹ thuật, mà ở vai trò lịch sử của nó trong việc định hình lại trật tự địa lý – chính trị.
Và nếu sự hồi sinh của công nghệ đổ bộ là điềm báo cho một cuộc xung đột sắp tới, thì điều trớ trêu nhất là Trung Quốc sẽ học hỏi và vận dụng chính công nghệ từng giúp Đồng Minh giành chiến thắng ở Âu Châu để khẳng định vị thế tại Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, chính quyền Trump lại đang nghi ngờ giá trị chiến lược của các căn cứ Hoa Kỳ tại châu lục này, vốn được xây dựng bằng các Cảng nổi Mulberry cùng biết bao máu xương quân nhân từ hơn 80 năm trước.
VB biên dịch
Nguồn: “Chinese barges and Taiwan Strait drills are about global power projection − not just a potential invasion” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn