(SANTA ANA, Calif., Thanh-Tâm) Một tay cầm micro, tay kia cố gắng lật trang sách để giữ nó cố định, Thái Nguyễn chỉ vào hình ảnh cô tài tử Hollywood gốc Việt đang tiếp nhận những ‘hào quang ánh sáng’ của báo chí điện ảnh Mỹ, trong tà áo dài màu xanh lá cây đậm, giới thiệu về sách thiếu nhi Mai’s áo dài: “Đây là lần đầu tiên áo dài Việt Nam hiện diện trên thảm đỏ Oscar!”
Khán giả của Thái, các em thiếu nhi ở tuổi tập đọc tập nói và phụ huynh của các em, chăm chú nhìn, dường như chưa cảm nhận được cái giọng đầy tự hào pha lẫn nhiều nỗi niềm của Thái. Chắc là chưa thấm được ý nghĩa về sự hiện diện của chiếc áo dài Việt Nam trên thảm đỏ Hollywood, “Đây là lý do chú viết sách này, cho các con đó,” Thái Nguyễn giải thích thêm.
Là một nhà thiết kế thành danh ở Mỹ, Thái Nguyễn không lạ gì với các nghệ sĩ tên tuổi có tầm vóc quốc tế như Jennifer Lopez, Adriana Grande, Ali Wong, Kelly Marie Trần, vân vân vì anh từng thiết kế nhiều mẫu áo sang trọng cho họ để họ đem tên tuổi của mình và hình ảnh áo dài Việt Nam ra thế giới.
Nhưng ở đây, tại hội chợ sách Việt do hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA tổ chức hôm chủ nhật, 6 tháng 4, ở viện bảo tàng Bowers thuộc thành phố Santa Ana, nơi có người Việt tị nạn đầu tiên định cư, Thái Nguyễn, đến Mỹ năm 1993, là một trong nhiều người gốc Việt muốn truyền đạt mơ ước của mình đến thế hệ tiếp nối.
Thường thì đọc sách để mở mang tâm trí, có ước mơ, rồi biến những giấc mơ đó thành sự thật. Trong sách Mai’s ao dai của Thái Nguyễn và Monique Trường, áo dài Việt Nam như một trang phục sang trọng được ưa chuộng của các ngôi sao điện ảnh Hollywood chỉ hiện diện trong giấc mơ của bé Mai 5 tuổi. Nhưng trong đời thực, Thái Nguyễn đi ngược, anh biến giấc mơ của mình thành hiện thực trước, rồi đem ước mơ đó vào sách, hy vọng nhóm tí lửa cho tụi nhỏ.
Bên cạnh anh là cô Jennifer Phở, không họ hàng thân thích gì, nhưng có chung tâm huyết muốn truyền đạt, gìn giữ ngôn ngữ văn hóa Việt cho sấp nhỏ. Cô Phở thường dạy cho các em nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ phát âm và nói tiếng Việt qua các bài hát vần trên kênh youtube Mommy&Me (Mẹ và Tôi) cùng với chị gái và cháu của mình.
Nói là cô, nhưng thật ra cô Phở chỉ ở độ tuổi đôi mươi, ba mươi. Cô Phở này sinh ra ở Mỹ và là thế hệ người Mỹ gốc Việt thứ hai ở vùng Little Saigon, Nam California, thủ phủ của người Việt tị nạn.
Chương trình hội chợ sách Việt
Năm nay, ngoài chương trình đọc sách cho thiếu nhi, ca hát nhảy múa thiếu nhi do cô Phở đảm trách, hội chợ sách Việt còn có không gian tô màu, làm thủ công cho các em nhỏ và phụ huynh. Thêm vào đó là hai gian hàng bán sách tiếng Anh của tiệm sách LibroMobile do người Mỹ gốc Latin làm chủ, và gian hàng sách tiếng Việt của tiệm sách Tự Lực, do người gốc Việt làm chủ. Tự Lực là nhà bán sách tiếng Việt duy nhất ở Mỹ đang còn hoạt động.
“Hơi lo đấy em ạ,” anh Đồng, chủ tiệm sách Tự Lực chia sẻ. “Mấy hôm trước mỗi khi có chương trình bán sách trên mạng thì có người gọi vào mua sách từ các tiểu bang khác, có khi hơn cả chục quyển. Mà dạo này không thấy gì cả.”
Cư dân ở Mỹ đang trải qua nền kinh tế thời chính phủ Trump, người tuyên bố sẽ đánh thuế quan toàn cầu, khả năng lạm phát nhiều khiến giá cả tăng cao, chắc có lẽ cư dân cũng dè chừng, giảm bớt chi tiêu phần nào cho nhu cầu đời sống tinh thần như mua sách để đọc.
Nhưng người trẻ ở hội chợ sách Việt thì khác, họ xếp hàng dài xung quanh khuôn viên hội chợ, mua ba bốn quyển sách cùng một lúc, kiên nhẫn chờ đến lượt mình để trò chuyện và xin chữ ký của các tác giả.
Nhất là các tác giả có tên tuổi đạt nhiều danh hiệu giải thưởng danh giá như Việt Thanh Nguyễn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer Prize cho tiểu thuyết tiếng Mỹ The Sympathizer - Cảm tình viên trong làng văn học của Mỹ.
Sách Cảm tình viên đã được chuyển ngữ qua hơn 30 ngôn ngữ khác nhau, và cũng được hãng HBO chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập với các đạo diễn tài ba như Park Chan-wook, người Nam Hàn, Marc Munden, người Anh, và Fernando Meirelles, người Brazil.
Dù vậy, tác giả tiểu thuyết The Sympathizer vẫn còn nhiều băn khoăn với chính cái tên và danh tánh của mình.
“Ở Mỹ thì tên trước họ sau, Viet Thanh Nguyen. Theo tiếng Việt thì họ trước tên sau, Nguyễn Thanh Việt,’ tác giả chia sẻ bằng tiếng Mỹ. “Khi sách tôi được chuyển ngữ, có nhiều chủ bút hỏi, Viet Thanh Nguyen, hay Nguyễn Thanh Việt, hay Nguyễn, Việt Thanh, cái nào đây?
“Thôi thì không thắc mắc nữa, giờ cứ đồng nhất Viet Thanh Nguyen cho tôi, tôi quyết định như vậy,” anh nói tiếp về những băn khoăn về danh tánh của mình cho khán giả tham dự trong buổi hội thảo cùng với ký giả nhiều kinh nghiệm Andrew Lâm và giáo sư luật khoa Lan Cao.
Ba diễn giả này - Việt Thanh Nguyễn, Andrew Lâm, Lan Cao - họ thuộc thế hệ người gốc Việt một rưỡi, nữa nạc nữa mỡ, hiểu cả hai văn hóa, nhưng cũng có hai cái gốc, nên sự giằng co danh tánh trong tư tưởng và trong công việc cũng là một điều dễ hiểu.
Danh tánh
Đối với người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, sự giằng co danh tánh đó không phải và thách thức hàng đầu trong sự nghiệp của họ. Họ đã hình thành cái danh tánh của mình qua những câu chuyện của thế hệ đi trước, từ lâu rồi.
Cái chính là họ muốn khẳng định tầm nhìn, sự nghiệp, danh tánh, và nhân cách của họ ở quốc gia họ đang sinh sống, một cách không nhân nhượng.
“Tôi muốn sách của tôi tìm đến những người mà nó muốn tìm,” đầu bếp David Phu Tu, cũng là tác giả quyển sách The Memory of Taste – Ký ức của Gu vị (tạm dịch), tuyên bố. “Tôi muốn làm việc có chủ ý, không chỉ vì tiền. Đương nhiên có thêm tiền thì tốt, nhưng nếu bắt tôi không được nói những gì tôi muốn, thì tôi thà không làm.”
“Don’t be afraid to get fired,” (Đừng có sợ bị đuổi việc) Carolynn Huỳnh, tác giả sách “The Fortunes of Jaded Women” (Phận Đàn Bà Giữa Phong Sương) và My Family Recipe (Công Thức Gia Truyền) khuyên những ai đam mê với nghề viết lách.
Carolynn kể lúc cô còn đi làm ở sở, cô chỉ muốn viết dù công việc ở sở không phải là viết. Cô cứ mở màn hình máy tính lên và viết. Không cần biết. Đồng nghiệp đi ngang và họ có thể thấy cô đang viết chương mấy, trong giờ làm việc.
Hiện sách The Fortunes of Jaded Women của Carolynn đang được Hollywood chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập.
“Viết được cứ viết!” Nhà văn Cung Tích Biền khuyến khích.
Ông là người có hơn 70 năm kinh nghiệm trong nghề làm báo, viết lách. Cũng là người trải qua thời đốt sách của Cộng sản Việt Nam sau 1975, bị người Việt Nam trong nước đạo chữ, mạo danh của chính ông giai đoạn bây giờ. Có lẽ ông là diễn giả có tuổi nhất tại các buổi hội thảo của hội chợ sách Việt do VAALA tổ chức năm nay.
“Hãy viết, tiếng nào cũng được. Rồi sẽ có người thông dịch. Cộng đồng nào có quá khứ thì sẽ có tương lai,” ông nhắn nhủ cho thế hệ người Việt mai sau.
Hội chợ sách Việt năm nay tổ chức từ 10 sáng đến 5 giờ chiều, với khoảng 300 trăm người tham dự.
Trần Thanh-Tâm