
(HOA KỲ, ngày 8 tháng 4, Reuters) – Một bé trai ở Texas vừa trở thành nạn nhân thứ hai tử vong vì bệnh sởi (measles), căn bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh nhất thế giới. Sởi từng được xem là đã bị xóa sổ tại Hoa Kỳ vào năm 2000, thành tựu lớn sau nhiều thập niên chủng ngừa rộng rãi với vắc-xin hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ chích ngừa ở trẻ em Hoa Kỳ giảm sút đáng kể – một phần do nhiều luồng thông tin sai lạc và không có cơ sở khoa học cho rằng vắc-xin không an toàn. Điều này đã khiến dịch bệnh bùng phát trở lại khắp nơi. Dưới đây là những thông tin quan trọng mà mọi người cần nắm rõ về bệnh sởi:
Tại sao bệnh sởi lại trở nên đáng lo ngại?
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, số ca mắc sởi tại Hoa Kỳ đã vượt tổng số ca của cả năm 2024. Bang Texas hiện là tâm dịch với 505 trường hợp. Ổ dịch này đã lan sang các bang lân cận gồm Oklahoma, New Mexico và Kansas. Tính tổng cộng, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Bệnh (CDC) Hoa Kỳ, đã có hơn 600 ca nhiễm được ghi nhận tại 22 tiểu bang.
Tình hình cũng rất đáng lo ngại tại Âu Châu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết châu lục này đã ghi nhận tới 127,350 ca bệnh trong năm 2024 – gấp đôi so với năm trước và là con số cao nhất trong vòng 25 năm qua.
Trước khi vắc-xin phòng sởi ra đời vào năm 1963, mỗi năm tại Hoa Kỳ có từ 3 đến 4 triệu người mắc bệnh, chủ yếu là trẻ em. Trong số đó, khoảng 48,000 người phải vào bệnh viện, và từ 400 đến 500 người tử vong mỗi năm.
Bệnh sởi không chỉ gây phát ban ngoài da. Các biến chứng nguy hiểm thường gặp bao gồm: nhiễm trùng tai, mất thính lực, viêm phổi, viêm tắc thanh quản (croup), tiêu chảy, mù lòa và thậm chí viêm não. Ngay cả những trẻ em khỏe mạnh cũng có thể bị bệnh nặng hoặc tử vong nếu mắc bệnh. Với phụ nữ mang thai chưa được chích ngừa, bệnh sởi có thể dẫn đến sinh non hoặc khiến trẻ sinh ra bị còi cọc.
Theo ước tính từ CDC, cứ 5 người chưa chích ngừa mắc bệnh sởi thì có 1 người phải vào bệnh viện.
Làm sao để phòng ngừa bệnh sởi?
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả và đáng tin cậy nhất hiện nay là chích ngừa. Vắc-xin sởi có thể được tiêm riêng lẻ hoặc ở dạng vắc-xin hỗn hợp, chẳng hạn như vắc-xin sởi – quai bị – rubella (MMR) hoặc sởi – quai bị – rubella – thủy đậu (MMRV). Hiện chưa có bất kỳ loại thuốc hay vitamin nào được chứng minh có thể phòng ngừa bệnh sởi.
Hai liều vắc-xin MMR mang lại hiệu quả bảo vệ lên tới 97%. Trẻ nhỏ thường được tiêm mũi đầu tiên khi được 12 đến 15 tháng tuổi, và mũi thứ hai khi 4 đến 6 tuổi.
Theo các chuyên gia, những người được sinh trước năm 1957 đã có miễn dịch tự nhiên, do có thể từng mắc bệnh trong thời thơ ấu. Tuy nhiên, với những người không chắc chắn liệu mình đã từng mắc bệnh hoặc đã được chích ngừa hay chưa, CDC khuyến nghị nên chích ngừa. Ngoài ra, những người lớn từng chích ngừa từ nhiều năm trước, nếu có nguy cơ tiếp xúc với ổ dịch, thì nên chích thêm một liều tăng cường để đảm bảo an toàn.
Làm sao để ngăn chặn dịch sởi bùng phát?
Để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch sởi, ít nhất 95% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo cần được chích ngừa để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mục tiêu này ngày càng xa vời vì nhiều nhân vật nổi tiếng cổ súy những thuyết âm mưu phản khoa học cho rằng vắc-xin gây ra chứng tự kỷ và các nguy hại sức khỏe khác.
Một trong những nhân vật bị chỉ trích mạnh mẽ là Robert F. Kennedy, Jr., hiện là người đứng đầu Bộ Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ (DHHS). Ông này đã góp phần gieo rắc sự hoài nghi về vắc-xin trong suốt nhiều thập niên.
Nguồn gốc của những quan điểm sai lạc này bắt đầu từ một nghiên cứu do bác sĩ người Anh Andrew Wakefield công bố vào cuối những năm 1990. Nghiên cứu này được thực hiện chỉ trên 12 trẻ em, và đã đưa ra kết luận sai lầm rằng vắc-xin sởi có thể gây ra bệnh tự kỷ. Nghiên cứu của Wakefield đã bị cộng đồng khoa học quốc tế bác bỏ từ lâu.
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nghiêm ngặt nào chứng minh được sự liên quan giữa bệnh tự kỷ và các loại vắc-xin hay thành phần có trong vắc-xin như thimerosal hoặc formaldehyde.
Theo CDC, tỷ lệ chủng ngừa tại các trường mẫu giáo ở Hoa Kỳ đã giảm từ 95.2% trong năm học 2019–2020 xuống còn 92.7% vào năm học 2023–2024. Riêng tại quận trung tâm của đợt bùng phát hiện tại ở Texas, chỉ 80% trẻ em mẫu giáo được chích ngừa trong năm học vừa qua.
Tỷ lệ chủng ngừa thấp khiến những người không thể chích ngừa, như trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch, rơi vào nguy hiểm, rất dễ bị siêu vi trùng tấn công nếu dịch bệnh bùng phát.
Bệnh sởi lây lan như thế nào?
Bệnh sởi lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ đường hô hấp của bệnh nhân, được phát tán khi họ ho hoặc hắt hơi. Siêu vi trùng có thể tồn tại trong không khí đến hai giờ đồng hồ, bất kỳ ai đi ngang qua khu vực đó đều có nguy cơ bị lây nhiễm.
Theo CDC, nếu có một người mắc sởi, có đến 90% những người chưa tiêm vắc-xin ở gần đó sẽ bị lây. Các triệu chứng bao gồm ho, chảy nước mũi, mắt đỏ, đau họng, sốt, và đặc biệt là phát ban đỏ loang lổ đặc trưng của bệnh sởi thường không xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc, mà mất từ 10 đến 21 ngày để phát bệnh.
Điều đáng lo ngại là, trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân vẫn có thể vô tình lây bệnh cho người khác. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người chưa chích ngừa mà đã tiếp xúc với ai đó bị mắc sởi thì cần được cách ly trong 21 ngày, nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Bệnh sởi được điều trị thế nào?
Hiện nay, chưa có loại thuốc đặc trị nào dành riêng cho bệnh sởi. Việc điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
WHO khuyến cáo bệnh nhân nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và sử dụng các loại thuốc hạ sốt như ibuprofen hoặc acetaminophen. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định khi bệnh nhân bị biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tai hoặc mắt. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh sởi có thể gây ra sưng viêm não. Khi đó, có thể sử dụng corticosteroid, tuy nhiên loại thuốc này cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến cơ thể khó chống lại siêu vi trùng hơn.
Vitamin A có phòng ngừa hoặc điều trị được bệnh sởi không?
Vitamin A từng được Kennedy tung hô như một “phương pháp thay thế vắc-xin,” nhưng thật ra không có tác dụng phòng ngừa bệnh sởi.
Một số nghiên cứu thực hiện tại các nước chưa phát triển (nơi tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến) cho thấy liều cao vitamin A có thể giúp làm giảm đáng kể các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em bị bệnh sởi.
Tuy vậy, bác sĩ Sean O’Leary, Chủ tịch Ủy Ban Infectious Diseases Committee của American Academy of Pediatrics (AAP), cho biết: “Bằng chứng về việc dùng vitamin A để điều trị bệnh sởi tại các nước đã phát triển là rất yếu, nếu không muốn nói là không có.”
Cả WHO và AAP đều cảnh báo rằng: vitamin A khi dùng ở liều cao như khuyến nghị cho bệnh sởi, bắt buộc phải được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ, vì có nguy cơ gây ngộ độc.