Sự ra đi lặng lẽ của họa sĩ Nguyễn Đồng là một một dư vang trầm mặc trong ký ức nghệ thuật Miền Nam – một miền nghệ thuật từng sống động, tự do, nơi mà hội họa được đặt ngang hàng với văn học, triết học, và cả chính trị. Ông không những là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mà còn là nhân chứng của một nền văn hóa từng rực rỡ trước khi bị chôn vùi dưới lớp bụi chiến tranh và chính trị hóa nghệ thuật.
Nguyễn Đồng – với ngôn ngữ tạo hình đầy bản sắc, vẽ nên những con người u uẩn, ánh sáng khúc xạ từ tâm tưởng – đã vượt qua cái đẹp đơn thuần. Tranh của ông không phải để ngắm, mà để chiêm nghiệm. Trong một thời kỳ hội họa Sài Gòn chưa bị thị trường điều tiết, ông là người vẽ vì niềm tin, vẽ như một chứng đạo, chứ không phải như một người làm nghề.
Từ sau biến cố 1975, ông lưu lạc sang Mỹ, tiếp tục sống bằng nghề cũ, nhưng không ồn ào, không phô trương, như chính cách ông rút lui khỏi sân khấu đời sống nghệ thuật ồn ã. Thế nhưng, sự vắng mặt của ông trong dòng chảy chính thức của cộng đồng không phải là dấu hiệu của lãng quên, mà là minh chứng cho một tình trạng đáng buồn: hội họa Việt Nam tại hải ngoại, đặc biệt tại Little Saigon, đã và đang bị bỏ quên, bên lề.
Hội Họa Tại Hải Ngoại – Tiếng Thở Dài Trong Căn Gác Tối
Không giống như văn học – vốn có một tầng lớp độc giả trung thành và còn hy vọng vài thế hệ cầm bút kế thừa – hội họa tại hải ngoại là một tiếng thở dài bị bóp nghẹt giữa đô thị hóa, kinh tế thị trường và sự lệch chuẩn thẩm mỹ của công chúng. Little Saigon là trung tâm văn hóa của người Việt lưu vong, nhưng không có lấy một bảo tàng nghệ thuật Việt, không có một không gian triển lãm phi thương mại chuyên nghiệp nào dành riêng cho hội họa.
Những gallery nếu có, phần lớn phục vụ cho nhu cầu... trang trí nội thất. Những tác phẩm được chọn treo thường phải “hợp mắt”, “dễ bán”, “đẹp kiểu tình cảm gia đình.” Hội họa phản kháng, hội họa biểu hiện, hội họa siêu thực, trừu tượng, những thể loại mang ngôn ngữ thẩm mỹ sâu sắc và mang tính triết lý – đều bị xếp vào hàng “khó hiểu”, “không bán được.”
Giới họa sĩ sống trong cảnh lặng lẽ, không báo chí chuyên ngành, không phê bình nghệ thuật, không sự hỗ trợ từ cộng đồng. Hội họa – vốn đã là một lĩnh vực đơn độc trong bất kỳ xã hội nào – ở hải ngoại/Little Saigon càng đơn độc hơn khi thiếu những “đối thoại thẩm mỹ.” Đó là chưa kể, nghệ sĩ thị giác thường không được mời gọi vào những sinh hoạt văn hóa lớn, vốn chỉ ưu tiên ca nhạc, văn học, hay diễn thuyết chính trị.
Khắc Nghiệt Hơn Văn Học – Vì Không Có Chữ Nghĩa Làm Gạch Nối

Văn học Việt hải ngoại còn có sách in, có báo chí văn nghệ, có các tổ chức như Văn Bút, có những diễn đàn như Văn Học, Khởi Hành, Hợp Lưu… (dù giờ đây đã ít nhiều tan biến), có những nhà văn có thể "viết về nhau." Hội họa thì khác. Họa sĩ Việt tại Mỹ sống như những nhà ẩn tu– vẽ trong tịch mịch, ít ai viết về mình, ít ai treo tranh họ. Và họ, cũng ít khi lên tiếng cho nhau.

Văn học Việt hải ngoại còn có sách in, có báo chí văn nghệ, có các tổ chức như Văn Bút, có những diễn đàn như Văn Học, Khởi Hành, Hợp Lưu… (dù giờ đây đã ít nhiều tan biến), có những nhà văn có thể "viết về nhau." Hội họa thì khác. Họa sĩ Việt tại Mỹ sống như những nhà ẩn tu– vẽ trong tịch mịch, ít ai viết về mình, ít ai treo tranh họ. Và họ, cũng ít khi lên tiếng cho nhau.
Bấy giờ, không có một cộng đồng phê bình nghệ thuật nào có thể nâng họa sĩ ra khỏi sự cô đơn.
Nguyễn Đồng là một trong số ít họa sĩ được nhắc đến trong một vài bài viết hàn lâm hay hồi ký của các nhà văn cũ. Nhưng thế hệ họ đã gần như khép lại. Không ai còn viết tiếp những phác họa đời sống nghệ thuật lưu vong.
Giờ đây, khi ông ra đi, báo chí cộng đồng đưa tin như một "tin tức," nhưng không có phân tích, không có nhận định, không có "di cảo thị giác." Nếu một nhà văn mất đi, ít nhất còn lại những bài văn, hồi ký, những tập truyện in, những trích đoạn chia sẻ. Nhưng một họa sĩ mất đi – nếu không có ai giữ lại tranh ông, nếu không có một không gian lưu trữ tác phẩm – là cả một thế giới ngôn ngữ hình ảnh sụp đổ.
Hồi Sinh Một Di Sản, Hay Chấp Nhận Lạt Phai?
Câu hỏi đặt ra: phải chăng chúng ta – cộng đồng người Việt hải ngoại – đã mặc nhiên để mất đi một kho tàng nghệ thuật tạo hình mà lẽ ra phải được gìn giữ như một phần di sản? Việc này không riêng chỉ liên quan đến nghệ sĩ. Nó liên quan đến nhận thức cộng đồng về vai trò của nghệ thuật, của cái đẹp, của những gì không thể mua bán bằng tờ giấy in mực.
Nếu không có những trung tâm trưng bày – ít nhất cũng là một không gian độc lập, nhỏ thôi – thì tranh Nguyễn Đồng, và các họa sĩ như Đinh Cường, Khánh Trường, Hồ Thành Đức, Mai Chửng, hay Trịnh Cung, Nguyên Khai, cho đến thế hệ chị Ann Phong, anh Nguyễn Việt Hùng v.v.... sẽ biến mất dần khỏi ký ức công cộng. Nếu không có phê bình nghệ thuật – thì công chúng sẽ tiếp tục nhầm lẫn giữa một bức tranh in canvas số lượng lớn với một tác phẩm gốc mang tâm hồn của cả một đời người.
Little Saigon cần một cuộc phục sinh thị giác. Một không gian đối thoại nghệ thuật, vượt khỏi thẩm mỹ trang trí, vượt khỏi chủ nghĩa tiêu thụ. Sự ra đi của họa sĩ Nguyễn Đồng, cùng lúc Hồ Thành Đức có thể là hồi chuông sau cùng để chúng ta nhìn lại: nền hội họa lưu vong không mất vì thiếu tài năng, mà vì thiếu công chúng biết thưởng lãm và gìn giữ.
Chốn Bụi, 27 tháng Ba, 2025
Uyên Nguyên
Ý kiến bạn đọc
09/04/202505:49:56
Sam Nguyen
Khách
Tin buồn nhưng phân tích có giá trị... Cũng là những tiếng kêu cứu não lòng về một bộ môn mà người thưởng ngoạn phải học hỏi nhiều và sở hữu tác phẩm thì phải tốn tiền...