Năm Carlton Terry 12 tuổi, hệ thống trường học tại Quận Prince Edward, bang Virginia, bất ngờ đóng cửa đối với tất cả trẻ em người da đen. Nhớ lại năm đầu tiên ấy, ông kể: “Tất cả những gì tôi biết là tôi không được đến trường, và tôi biết lý do tại sao. Tôi nhận ra rằng hệ thống pháp luật được tạo ra không phải để bảo vệ tôi. Tôi nhớ những ngày ngồi nhà, sững sờ trước màn hình TV, xem chương trình Amos ’n’ Andy. Mỗi ngày, tôi đọc báo để xem liệu có gì thay đổi hay không.”
Nhưng rồi một năm trôi qua, và gia đình Carlton, cũng như hàng ngàn gia đình người da đen khác, dần nhận ra sẽ chẳng có hồi kết nào cho sự bất công này. Họ hiểu rằng nếu không tự tìm con đường cho mình, con cái họ sẽ mất cả tương lai. Cuối cùng, họ quyết định chấp nhận sự giúp đỡ của cộng đồng Quakers, gửi Carlton đến một trường học ở Massachusetts.
Nhìn lại quãng thời gian đó, ông chua xót cho biết: “Tôi chỉ mất một năm học mà còn thấy tủi thân nhiều như vậy. Thử tưởng tượng cảm giác của những đứa trẻ mất bốn, năm năm, hoặc thậm chí không bao giờ có cơ hội được đi học trở lại.”
Mùa xuân năm 1960, một tòa án liên bang ra phán quyết yêu cầu bang Virginia phải chấm dứt việc sử dụng tiền thuế để duy trì hệ thống trường học chỉ dành cho người da trắng. Nhưng các viên chức địa phương phớt lờ phán quyết ấy. Họ thậm chí còn ngang nhiên “vơ vét” tài sản của các trường công lập đang bị khóa, từ sách vở, bàn ghế đến cột gôn trong sân bóng, để chuyển sang các trường tư thục dành riêng cho người da trắng. Robert Taylor, một doanh nhân địa phương, nhớ lại: “Họ lấy đi mọi thứ, trừ mấy cái đồng hồ treo tường.”
Terry chia sẻ với tờ Washington Post: “Rồi thì tôi cũng bị dồn ép đến mức căm ghét người da trắng.”
Những năm 1960, miền Bắc Hoa Kỳ chứng kiến một làn sóng phản đối hòa nhập trường học dâng cao. Những tranh luận về chủng tộc, phân biệt đối xử và giáo dục không chỉ nằm trong phạm vi các phòng xử án mà đã trở thành cuộc chiến lớn hơn về chính trị và xã hội.
Các phong trào chống hòa nhập trường học bùng nổ mạnh mẽ, khiến vấn đề bình đẳng trong giáo dục trở thành tâm điểm của những xung đột chủng tộc tại Hoa Kỳ.
Trong những năm đầu sau phán quyết Brown v. Board of Education, chính quyền liên bang gần như nhắm mắt làm ngơ trước những bất công đang diễn ra. Phong trào “Massive Resistance” (xin tạm phỏng dịch là Phản kháng Quyết liệt) diễn ra công khai, nhưng chính quyền không có động thái kiên quyết nào để can thiệp.
Tổng thống Dwight Eisenhower, khi được hỏi về phán quyết trong vụ Brown v. Board of Education, đã thẳng thừng nói: “Tôi không tin rằng định kiến có thể bị khuất phục bởi cưỡng ép.” Ông thậm chí còn lo ngại rằng việc áp đặt luật liên bang có thể “khiến mối quan hệ chủng tộc xấu đi như hàng thập niên về trước.” Vì thế, những lời cầu xin từ cộng đồng da đen về việc cứu lấy tương lai giáo dục của con cái họ chỉ rơi vào im lặng.
Mãi đến Giáng sinh năm 1962 – ba năm sau khi các trường học bị đóng cửa – Bộ Tư Pháp mới chung tay cùng NAACP (Hội Thăng Tiến Người Da Màu) trong vụ kiện liên quan đến Quận Prince Edward. Dưới thời chính quyền mới của Tổng thống John F. Kennedy và Bộ trưởng Tư Pháp Robert F. Kennedy, một luồng gió mới đã thổi vào cuộc đấu tranh này. Robert F. Kennedy cho rằng dù các tiểu bang có quyền tự quyết, nhưng tòa án liên bang vẫn có quyền buộc Virginia phải đánh thuế để tài trợ cho các trường công lập không phân biệt chủng tộc.
Tháng 2 năm 1963, Tổng thống John F. Kennedy phát biểu trước Quốc hội, kêu gọi gấp rút giải quyết vấn đề phân biệt đối xử trong giáo dục, đồng thời cam kết giúp trẻ em da đen có cơ hội đi học trở lại. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được hưởng nền giáo dục bình đẳng, không phân biệt chủng tộc.”
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô lệ (Emancipation Proclamation), Robert Kennedy cho biết: “Ngoài Phi Châu khu vực gần Sahara, những nơi duy nhất trên thế giới chưa cung cấp giáo dục công lập miễn phí là TQ, Bắc VN, Sarawak (Borneo), Honduras thuộc Anh – và Quận Prince Edward.”
Anh em nhà Kennedy không chỉ nói suông. Họ tăng áp lực đối với chính quyền Quận Prince Edward, phối hợp với các tổ chức nhà nước và tư nhân để thành lập Hiệp hội Trường Học Miễn Phí Quận Prince Edward (Prince Edward County Free School Association). Hiệp hội này đã thuê ba trường công lập bị đóng cửa, và mở lớp cho trẻ em da đen trong năm học 1963–1964.
Vì các viên chức địa phương vẫn ngoan cố không chịu tài trợ và mở cửa lại toàn bộ hệ thống trường công lập, nhiều cá nhân và các tổ chức vô vụ lợi, công ty, xí nghiệp trên khắp Hoa Kỳ đã chung tay đóng góp 1 triệu MK để trẻ em da đen được quay lại với trường lớp.
Neil Sullivan, một hiệu trưởng tại Long Island, đã tạm nghỉ việc để điều hành một trong những trường học này – là trường Prince Edward County Free School. Với mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục đa dạng và công bằng, Sullivan đã tích cực tuyển dụng đội ngũ giáo viên đa sắc tộc trên cả nước để giảng dạy tại đây.
Mùa xuân năm 1964, Robert Kennedy cùng vợ là Ethel, đã đích thân đến Farmville để tận mắt chứng kiến những trường học được tài trợ tư nhân này. Và chỉ hai tuần sau chuyến thăm ấy – mười năm sau phán quyết vụ kiện Brown – Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chính thức ra lệnh cho Quận Prince Edward phải mở lại các trường học và xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Trước áp lực pháp lý, chính quyền quận cuối cùng cũng buộc lòng phải chấp hành.
Vào thời điểm đó, Prince Edward Academy là học viện tư thục dành riêng cho người da trắng duy nhất còn tồn tại ở bang Virginia, tìm mọi cách rút cạn ngân sách công trước khi phải đóng cửa.
Mùa hè năm 1964, các trường công lập dự kiến mở cửa trở lại, chính quyền quận đã dành riêng 180,000 MK từ ngân sách giáo dục – số tiền lẽ ra dành cho 1,700 trẻ em Da Đen – để phát trợ cấp cho phụ huynh da trắng muốn tiếp tục gửi con vào trường tư thục. Họ mưu mô đến mức tổ chức một cuộc họp bí mật vào lúc 2 giờ sáng để phát tiền cho các phụ huynh, để né nguy cơ bị tòa án ngăn chặn.
Họ thông báo cho 700 phụ huynh da trắng có con theo học tại Prince Edward Academy tập trung tại hội đồng trường vào 2 giờ sáng để nhận trợ cấp học phí lần cuối. Mỗi người sẽ nhận được 250 MK, theo nguyên tắc ai đến trước thì được trước, cho đến khi hết 180,000 MK. Sau đó, nhóm phụ huynh này vội vã chạy đến ba ngân hàng trong thị trấn (được mở cửa sớm hơn thường ngày), để gửi tiền trước khi tòa án kịp ra tay.
Nhưng hai năm sau, tòa án liên bang ra phán quyết yêu cầu sáu viên chức quận – những người đã duyệt chi khoản tiền này – phải hoàn trả toàn bộ số tiền vào ngân sách quận.
Ngày 16 tháng 9 năm 1963, bốn năm sau sự kiện đóng cửa trường học, Shirley Davidson cuối cùng cũng được lên xe buýt đến trường. Em là một trong số 1,520 học sinh ghi danh vào hệ thống Trường Học Miễn Phí (Free School) do chính quyền Kennedy hỗ trợ. Nhưng khi ấy, trường học của người da đen vẫn không nhận được một đồng nào từ ngân sách, vì nhiều viên chức đã tìm mọi cách biển thủ sạch sẽ.
Những năm trường học đóng cửa, Shirley được mẹ, Hazel, tự dạy đọc chữ và làm toán. Nhờ vậy, khi trường học mở cửa trở lại, Shirley đã có sự chuẩn bị tốt. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như vậy.
Neil Sullivan, người phụ trách Trường Học Miễn Phí Quận Prince Edward, trả lời phỏng vấn báo chí rằng: “Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi sẽ là một chiến dịch quy mô lớn nhằm cải thiện kỹ năng đọc của học sinh.” Nhưng ông cũng thừa nhận rằng “sẽ không bao giờ bù đắp được bốn năm mất mát ấy.”
Câu chuyện của Sylvia Eanes là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Khi các trường học đóng cửa, cô bé mới chỉ học lớp ba. Nhưng khi trường mở cửa trở lại, em bị đẩy thẳng lên lớp tám, như thể chưa từng có gián đoạn nào. Sylvia kể lại: “Giáo viên chỉ muốn đẩy chúng tôi lên lớp để tống khứ chúng tôi ra khỏi trường càng nhanh càng tốt.”
Sau khi tốt nghiệp, Sylvia không tự tin vào khả năng chính tả của mình, nên không dám ghi danh học làm y tá. Em đành phải chấp nhận làm công nhân trong một nhà máy chế biến thực phẩm.
Người anh trai của Sylvia, McCarthy, lái xe buýt đưa đón học sinh da trắng khi trường học của người da đen bị đóng cửa. Khi trở lại trường, anh đã 21 tuổi. Một năm sau, khi tốt nghiệp ở tuổi 22, anh ngay lập tức bị gọi nhập ngũ và được điều đến chiến trường Việt Nam. McCarthy nhớ lại: “Đất nước của tôi kêu tôi đến Việt Nam chiến đấu, nhưng lại không cho tôi đến trường.”
Mãi đến năm 1978, khu học chánh cuối cùng sử dụng ngân sách công để tài trợ cho các trường tư thục dành riêng cho người da trắng mới chính thức ngừng hoạt động.
Trong những năm 1940 và 1950, các nhà tâm lý học, luật sư và lãnh đạo phong trào dân quyền đều khẳng định rằng hòa nhập (integration) là chìa khóa để giải quyết tình trạng thất nghiệp kéo dài, tỷ lệ học đại học thấp và sự bất bình đẳng kinh tế mà người da đen cũng như các nhóm yếu thế khác phải đối mặt.
Nhưng không ai cảnh báo rằng phản ứng dữ dội từ cộng đồng da trắng có thể gây tổn hại nhiều hơn nữa đến những đứa trẻ da đen mang mơ ước giản dị là được học hành đàng hoàng. Họ sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ nền giáo dục riêng, kể cả nhẫn tâm đóng cửa trường học suốt nhiều năm liền, khiến hàng ngàn trẻ em da đen không được đến trường.
Và vấn đề này không chỉ giới hạn ở miền Nam Hoa Kỳ. Ngay cả miền Bắc, nơi những thành phố lớn như New York, Detroit, và Chicago cũng đối mặt với làn sóng chống hòa nhập mạnh mẽ từ cộng đồng da trắng.
Hòa nhập là một lời hứa đẹp đẽ, nhưng thực tế lại vô cùng nghiệt ngã. Con đường đến với giáo dục của trẻ em da đen bị ngăn cản bởi một hệ thống bất công, sự thờ ơ của chính phủ và sự phản đối quyết liệt từ những người muốn giữ nguyên trật tự cũ.
Sau phán quyết lịch sử Brown v. Board of Education năm 1954, nhiều người Mỹ gốc Phi tin rằng quyền công dân bình đẳng mà họ đã đấu tranh hàng thế kỷ cuối cùng cũng sắp trở thành hiện thực.
Vào tháng 12 năm 1955, hàng chục ngàn người da đen tại Montgomery, Alabama, tham gia cuộc Tẩy chay Xe buýt Montgomery (Montgomery Bus Boycott) trong suốt một năm để phản đối chính sách phân biệt chủng tộc. Phong trào này đã đưa hai nhân vật quan trọng lên vũ đài chính trị – Mục sư Martin Luther King Jr. và nhà hoạt động Rosa Parks – trở thành những biểu tượng hàng đầu của đấu tranh vì dân quyền.
Đến năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, chấm dứt các đạo luật phân biệt chủng tộc Jim Crow và cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc.
Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau đó, vào năm 1968, các phúc trình của chính phủ cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Những khu đô thị với hệ thống giáo dục xập xệ, tồi tàn đến mức thanh niên da đen phẫn nộ và lên tiếng. Các khu học chánh từng phát triển mạnh mẽ ở Detroit, Baltimore, Chicago, Newark và nhiều nơi khác bị bỏ mặc khi các gia đình da trắng bỏ chạy ra ngoại ô. Trường học thiếu kinh phí, thiếu giáo viên, còn trách nhiệm thì đổ hết lên sự yếu kém của cộng đồng người da đen. Trẻ em da đen bị giám sát gắt gao thay vì được hưởng một nền giáo dục chất lượng.
Không giống như miền Nam, nơi sự phân biệt chủng tộc được quy định rõ ràng trong luật pháp, miền Bắc không có những điều luật như vậy. Nên hầu hết các viên chức chính trị, tòa án và khu học chánh miền Bắc cho rằng phán quyết Brown không áp dụng cho họ.
Lập luận mà họ đưa ra là sự phân biệt trong trường học không phải là lỗi của hệ thống giáo dục, mà là hệ quả tự nhiên của chính sách phân biệt trong lĩnh vực nhà ở. Họ cho rằng vì người da đen và người da trắng sống tách biệt do sự phân bổ dân cư, nên việc trường học của họ cũng bị phân tách là điều “tự nhiên” và hợp pháp.
Dĩ nhiên, NAACP phản bác lập luận này, khẳng định rằng phán quyết Brown cũng phải được áp dụng cho sự phân biệt chủng tộc trên thực tế. Các vụ kiện chống lại khu học chánh tại Cincinnati (Ohio), Detroit (Michigan), Richmond (California) và Boston (Massachusetts) liên tục nổ ra.
Dù miền Nam thường được nhắc đến nhiều nhất khi nói về làn sóng chống đối hòa nhập, nhưng thực tế, sự khước từ học sinh Da đen trong các trường học của người da trắng ở miền Bắc cũng không kém phần dữ dội. Tại miền Bắc, sự phản kháng của người da trắng đối với hòa nhập không diễn ra trong các phiên tòa, mà bùng phát mạnh mẽ trên đường phố, qua các cuộc biểu tình, vận động chính trị và phản đối tập thể. Và điều này khiến các vấn đề về chủng tộc, phân biệt và giáo dục trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
New York là một thí dụ điển hình. Năm 1964, Hội đồng Giáo dục Thành phố New York đề ra một kế hoạch tái phân vùng trường học, và tổ chức xe buýt đưa đón nhằm chuyển khoảng 40,000 trong số 1 triệu học sinh đến các trường khác nhau nhằm tạo ra môi trường hòa nhập hơn.
Nhưng kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng người da trắng. Ban đầu, những người phản đối đưa ra lý do rằng họ không muốn con cái mình bị gửi đến những trường học xa nhà. Nhưng bản chất thật sự của sự phản đối nhanh chóng bộc lộ khi chính những người này cũng phản đối kế hoạch đưa đón học sinh da đen và Latinh từ khu Harlem đến các trường học chủ yếu của người da trắng ở Staten Island.
Những cuộc biểu tình phản đối hòa nhập trở nên mạnh mẽ và quyết liệt đến mức các viên chức giáo dục New York buộc phải từ bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực hòa nhập và xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong hệ thống trường học của thành phố. Ngày nay, hệ thống trường học tại New York là một trong những hệ thống giáo dục phân biệt chủng tộc nhất ở Mỹ.
Vào đầu những năm 1960, phong trào đấu tranh đòi quyền giáo dục bình đẳng của người da đen diễn ra mạnh mẽ tại Thành phố New York. Theo nghiên cứu của nhà sử học Matt Delmont, nhiều phụ huynh da đen và các nhà hoạt động dân quyền, tiêu biểu là Ella Baker và Kenneth Clark, đã không ngừng thúc giục chính quyền thành phố thực hiện kế hoạch xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong trường học. Clark – cùng vợ mình, Mamie Clark – cũng chính là tác giả của nghiên cứu tâm lý học có ảnh hưởng lớn đến phán quyết vụ Brown v. Board of Education năm 1954.
Một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử dân quyền Hoa Kỳ diễn ra vào năm 1964. Khi đó, Mục sư Milton Galamison lãnh đạo một cuộc tẩy chay toàn thành phố để phản đối việc chính quyền không có kế hoạch cụ thể nhằm hòa nhập giáo dục. Cuộc tẩy chay này được ủng hộ bởi nhiều tổ chức đấu tranh dân quyền như NAACP, CORE, Liên hội Đô thị Quốc gia, Ủy ban Phụ huynh Harlem và Hội thảo Phụ huynh vì Bình đẳng.
Vào ngày diễn ra sự kiện, 460,000 học sinh và giáo viên không đến trường mà cùng nhau xuống đường tuần hành. Theo những người tổ chức biểu tình, trong mười năm sau phán quyết Brown, phân biệt chủng tộc không chỉ tồn tại ở miền Nam Hoa Kỳ mà còn bám rễ sâu trong hệ thống giáo dục của thành phố New York. Trước thành công ban đầu của cuộc biểu tình, họ nhanh chóng lên kế hoạch cho một cuộc đình công và tuần hành lần thứ hai vào tháng sau.
Thế nhưng, trước khi cuộc biểu tình thứ hai kịp diễn ra, hàng ngàn phụ huynh da trắng – chủ yếu là các bà mẹ – đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối trên Cầu Brooklyn giữa trời tuyết. Trên đường đi, họ sáng tác các bài hát và khẩu hiệu, tất cả đều mang một thông điệp chung: không chấp nhận hòa nhập, không chấp nhận để con cái họ học cùng trẻ em da đen trong những khu “ổ chuột” của thành phố. Phản ứng dữ dội này cho thấy sự phản kháng xuất phát từ những định kiến về chủng tộc – rằng các trường học có đông học sinh da đen thì tự động bị xem là kém cỏi, không có chất lượng. Tất cả chỉ vì... màu da của học sinh.
Năm 1963, Ủy viên Giáo dục Tiểu bang New York, Tiến sĩ James E. Allen Jr., tuyên bố rằng bất kỳ trường học nào có tỷ lệ học sinh không phải người da trắng vượt quá 50% đều có nguy cơ bị xem là “mất cân bằng chủng tộc” – với hàm ý rằng một trường học như vậy sẽ kém chất lượng hơn.
Ở miền Bắc Hoa Kỳ, dù không có luật pháp công khai phân biệt chủng tộc như ở miền Nam, ý định xóa bỏ tình trạng tách biệt chủng tộc luôn bị cản trở bởi sự cố thủ của người da trắng trước bất kỳ sự thay đổi nào. Tình trạng này cứ âm ỉ kéo dài và để lại một vết sẹo xấu xí lên lịch sử giáo dục quốc gia.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: Bài “How Delayed Desegregation Deprived Black Children of Their Right to Education” của Noliwe Rooks được đăng trên trang Lithub.com.
Gửi ý kiến của bạn