
(HOA KỲ, ngày 31 tháng 3, Reuters) – Một tòa án liên bang vừa ra lệnh ngăn chặn việc sa thải 19 nhân viên tình báo từng được phân công làm việc trong các chương trình về DEIA, vốn đã bị Trump ra lệnh xóa bỏ.
Theo Kevin Carroll, luật sư đại diện cho các nhân viên thuộc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) và Văn Phòng Ủy ban Tình Báo Quốc Gia (ODNI), Thẩm phán Anthony Trenga ở khu vực Đông Virginia đã ra phán quyết khẳng định rằng những nhân viên này có quyền kháng cáo quyết định sa thải lên Giám đốc CIA John Ratcliffe hoặc Giám đốc Tình Báo Quốc Gia Tulsi Gabbard.
Không chỉ vậy, Trenga còn cho phép họ được xét đến việc tái bố trí vào các vị trí khác trong cộng đồng tình báo. Luật sư Carroll cho biết đây là một thắng lợi quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp và sự nghiệp phục vụ cộng đồng của các nhân viên bị ảnh hưởng.
Thẩm phán cũng yêu cầu các nhân viên liên quan vẫn được giữ nguyên tình trạng nghỉ phép có lương, và tiếp tục hưởng đầy đủ quyền lợi cho đến khi quy trình pháp lý và các thủ tục kháng cáo hoàn tất.
Nhóm nguyên đơn trong vụ kiện thuộc 58 nhân viên CIA và ODNI đã bị cho nghỉ phép có lương vì từng được phân công làm việc trong các chương trình DEIA. Theo Carroll, trong nhóm nguyên đơn có một số người là những nhân viên kỳ cựu, đã làm việc trong ngành tình báo suốt 9 đến 10 năm, và đặc biệt có một người chỉ còn đúng một năm nữa là đủ điều kiện để nhận lương hưu. Nếu không có phán quyết bảo vệ kịp thời, họ có thể mất hoàn toàn quyền lợi tích lũy trong suốt nhiều năm phục vụ.
Phán quyết này được cho là cũng sẽ áp dụng đối với 39 nhân viên khác của CIA và ODNI (tuy họ không tham gia vụ kiện nhưng cũng đang đối mặt với nguy cơ bị sa thải).
Tháng 1/2025, Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang chấm dứt toàn bộ các chương trình DEI, đồng thời ban hành lệnh cấm các nhà thầu liên bang áp dụng các chính sách đa dạng bị cho là mang tính phân biệt đối xử. Ông cũng chỉ thị các cơ quan liên bang điều tra các chính sách DEI đang được khai triển tại nhiều công ty, xí nghiệp, trường học và các tổ chức vô vụ lợi.
Về mặt lý thuyết, các chương trình DEI nhằm hướng tới xây dựng môi trường làm việc công bằng hơn, thúc đẩy cơ hội cho những nhóm cộng đồng từng bị thiệt thòi trong lịch sử được vươn lên. Theo các tổ chức vận động xã hội, DEI là công cụ hữu hiệu giúp nâng đỡ các cộng đồng yếu thế thông qua việc giải quyết những bất bình đẳng tồn tại từ lâu đời.
Tuy nhiên, Trump cùng các đồng minh của ông lại cho rằng các chương trình này đang đi quá xa, gây ra tình trạng phân biệt đối xử ngược và làm xói mòn các nguyên tắc tuyển dụng dựa trên năng lực thực sự.