
(WASHINGTON, ngày 31 tháng 3, Reuters) – Chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào sáu viên chức cao cấp của TQ và Hồng Kông, với cáo buộc họ có hành vi “đàn áp liên quốc gia” và làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Đây được xem là một trong những biện pháp đầu tiên của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ mới nhằm trừng phạt TQ vì đàn áp các nhà hoạt động dân chủ tại đặc khu này.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết: “Các viên chức của Bắc Kinh và Hồng Kông đã lợi dụng Luật An Ninh Quốc Gia của Hồng Kông vượt ra khỏi lãnh thổ của họ để đe dọa, bịt miệng và sách nhiễu 19 nhà hoạt động dân chủ. Những người này buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, trong đó có một công dân và bốn thường trú nhân Hoa Kỳ.”
Đáp lại những vi phạm cam kết về quyền tự trị của Hồng Kông, Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt đối với sáu cá nhân được cho là “đã tham gia vào các hành động hoặc chính sách làm tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông, vi phạm các cam kết của TQ, và liên quan đến hoạt động đàn áp liên biên giới.”
Trong nhiều năm, các quốc gia phương Tây đã lên án việc Bắc Kinh ban hành và thực thi Luật An Ninh Quốc Gia tại Hồng Kông, cho rằng luật này được sử dụng để bắt giam các nhà hoạt động dân chủ, đóng cửa các cơ quan truyền thông độc lập, và triệt tiêu các tổ chức xã hội dân sự.
Trong khi đó, chính quyền TQ và Hồng Kông khẳng định luật này đã góp phần khôi phục lại sự ổn định cho đặc khu sau những cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn vào năm 2019. Luật cho phép kết án tù chung thân đối với các tội danh như lật đổ chính quyền, thông đồng với thế lực nước ngoài và khủng bố.
Theo thông cáo của Hoa Kỳ, các biện pháp trừng phạt được công bố bao gồm việc phong tỏa mọi tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân bị nêu tên nếu có mặt tại Mỹ. Trong số này có Dong Jingwei, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo dân sự TQ và hiện là Giám đốc Văn Phòng Bảo An Quốc Gia của Bắc Kinh tại Hồng Kông. Trước đó, ông này từng là Thứ trưởng Bộ An Ninh Quốc Gia, phụ trách giám sát công tác phản gián, truy bắt gián điệp nước ngoài và những công dân bị nghi ngờ thông đồng với các thế lực ngoại bang.
Năm viên chức khác gồm Sonny Au, Dick Wong, Margaret Chiu, Raymond Siu, và Paul Lam. Tất cả đều là các nhân vật chủ chốt trong ngành an ninh và cảnh sát tại Hồng Kông, và cũng bị trừng phạt vì đã dùng Luật An Ninh Quốc Gia để “cưỡng ép, bắt giữ, giam cầm hoặc kết án tù” nhiều người.
Phía TQ chưa đưa ra phản hồi. Còn chính quyền Hồng Kông ra thông cáo lên án mạnh mẽ các biện pháp của Hoa Kỳ, tuyên bố họ sẽ không bị khuất phục trước “hành vi đê hèn như vậy.”
Các biện pháp trừng phạt mới được ban hành dựa theo sắc lệnh hành pháp năm 2020 của Trump trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, vào năm 2024, các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã gây sức ép buộc chính quyền Biden phải tiến hành trừng phạt sáu viên chức nêu trên.
Vấn đề nhân quyền của TQ từ lâu đã là cái gai khó gỡ trong mối quan hệ Mỹ-Trung, và cũng chính là trọng tâm ưu tiên của Ngoại Trưởng Marco Rubio. Từ thời còn là TNS, ông đã thể hiện lập trường cứng rắn, thường xuyên lên tiếng bênh vực cho các nhà hoạt động dân chủ tại Hồng Kông.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Các biện pháp trừng phạt này là minh chứng cho cam kết của chính quyền Trump trong việc buộc những kẻ đã tước đoạt quyền tự do chính đáng của người dân Hồng Kông phải chịu trách nhiệm.”
Frances Hui, thành viên Ủy Ban Tự Do Cho Hồng Kông tại Washington, từng được cấp quy chế tị nạn chính trị sau khi luật an ninh có hiệu lực ở Hồng Kông, đã ca ngợi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ là “một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đối phó với tình hình đàn áp đang ngày càng trầm trọng tại Hồng Kông.”
Bà chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu cho một chiến dịch quy mô lớn và bền bỉ, nhằm truy cứu trách nhiệm không chỉ với các viên chức cấp cao, mà còn cả những thẩm phán và công tố viên ở mọi cấp; họ đã góp phần bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến.”
Ngoại Trưởng Rubio cho biết ông cũng sẽ cấm nhập cảnh đối với một số viên chức TQ (không nêu danh tính), vì những người này đã cho hạn chế việc đi lại của các viên chức và phóng viên Hoa Kỳ tại Tây Tạng. Ông nhấn mạnh: “Nếu cứ để mặc mấy viên chức TQ tự do thoải mái đi lại tại Hoa Kỳ, thì thật chẳng công bằng và không thể chấp nhận được.”