Có một câu hỏi thường trực trong tâm trí người tiêu dùng là: “Nên chọn rau củ quả tươi hay đông lạnh?”
Trái với quan niệm phổ biến cho rằng đồ đông lạnh chưa ít chất dinh dưỡng hơn đồ tươi, các nghiên cứu khoa học và nhiều chuyên gia lại cho thấy một bức tranh khác, phức tạp và thú vị hơn nhiều.
Một nghiên cứu đã so sánh giá trị dinh dưỡng của nhiều loại thực phẩm như bắp, cà rốt, bông cải xanh (broccoli), rau cải bó xôi (spinach), các loại đậu, đậu xanh, dâu tây (strawberries) và dâu xanh (blueberries) ở hai dạng đồ tươi và đồ đông lạnh. Kết quả cho thấy lượng vitamin trong rau củ quả đông lạnh “tương đương hoặc thậm chí cao hơn” so với rau củ quả tươi. Các nghiên cứu khác cũng xác nhận rằng sự khác biệt lớn về hàm lượng dinh dưỡng giữa hai loại thực phẩm này chỉ xảy ra khi rau củ quả tươi bị mất dưỡng chất sau vài ngày để trong tủ lạnh.
Caroline Thomason, chuyên gia dinh dưỡng tại Washington, D.C., cho biết: “Mọi người thường cho rằng thực phẩm đông lạnh không tốt, ít chất dinh dưỡng hơn vì đã qua nhiều khâu chế biến nhiều. Nhưng thực tế không phải vậy.”
Vậy đâu là lựa chọn tốt nhất? Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa rau củ quả tươi và đông lạnh, cũng như khi nào thì nên sử dụng loại nào.
Rau củ quả đông lạnh thì có lợi ích gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau củ và trái cây đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất khi được thu hoạch vào đúng độ chín. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch lại phụ thuộc vào mục đích sử dụng của sản phẩm.
Rau củ quả tươi bày bán trong các siêu thị thường được thu hoạch trước khi chín tới để đỡ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Theo Thomason, hành trình từ trang trại đến các kệ hàng có thể kéo dài từ một đến hai tuần.
Ngược lại, rau củ quả đông lạnh được thu hoạch khi đã chín tới hoặc gần chín. Ngay sau khi đó, chúng được chần sơ qua nước sôi và nhanh chóng đóng gói trong môi trường khí ni-tơ chỉ trong vòng vài giờ. Quy trình này giúp bảo toàn gần như nguyên vẹn các chất dinh dưỡng quý giá.
Kylie Sakaida, chuyên gia dinh dưỡng và tác giả của cuốn sách nấu ăn “So Easy, So Good,” giải thích: “Đông lạnh giúp bảo toàn dưỡng chất, vì vậy ngay cả sau thời gian dài bảo quản, các loại vitamin và chất chống dưỡng hoá antioxidants trong rau củ vẫn còn nguyên.”
Ngoài ra, một ưu điểm không thể bỏ qua của rau củ quả đông lạnh là giá thành thường rẻ hơn và thời gian bảo quản lâu hơn so với đồ tươi, giúp giảm lãng phí thực phẩm.
Rau củ quả tươi: vẫn giữ vị trí quan trọng
Dù có thời gian vận chuyển dài hơn, rau củ quả tươi từ siêu thị vẫn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, nếu so sánh với rau củ từ các chợ nông sản địa phương, thì đồ mua ở chợ đôi khi còn có nhiều dinh dưỡng hơn.
Lý do chính nằm ở khoảng cách vận chuyển. Rau củ quả được trồng tại địa phương thường được thu hoạch khi chín tới, bởi chúng chỉ di chuyển một quãng đường ngắn từ trang trại đến chợ, khoảng 50 dặm (80km), trong khi rau củ trong siêu thị có thể được vận chuyển từ bang này sang bang khác, thậm chí xuất cảng quốc tế.
Thomason cho biết: “Khi mua rau củ quả ở các chợ nông sản, có thể chúng chỉ mới được thu hoạch một hoặc hai ngày trước đó, vì vậy độ tươi rất cao. Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào từng nông trại, nhưng nhìn chung, rau củ quả ở đây không được sản xuất hàng loạt. Đất đai canh tác thường màu mỡ hơn, chứa nhiều dưỡng chất hơn, từ đó tạo ra sản phẩm có mật độ dinh dưỡng cao hơn.”
Mặc dù chợ nông sản thường bị cho là đắt đỏ, nhưng nhiều nơi vẫn chấp nhận chương trình SNAP, giúp cho người có thu nhập thấp có cơ hội tận hưởng nguồn thực phẩm tươi sạch và chất lượng.
“Chế biến sẵn” không phải lúc nào cũng xấu
Theo định nghĩa của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thực phẩm chế biến (processed food) là bất kỳ loại thực phẩm nào đã trải qua sự thay đổi so với trạng thái tự nhiên ban đầu, bao gồm các quy trình như rửa sạch, cắt nhỏ, đông lạnh, tiệt trùng, nấu chín hoặc đóng gói.
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm tươi và “tự nhiên” luôn tốt hơn thực phẩm đã qua chế biến. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng không phải tất cả thực phẩm chế biến sẵn đều có hại, và từng mức độ chế biến khác nhau có thể mang lại những lợi ích riêng.
Để làm rõ vấn đề này, khoảng 20 năm trước, các nhà nghiên cứu đã phát triển hệ thống phân loại thực phẩm NOVA, chia thực phẩm thành bốn nhóm:
1. Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến ở mức ít nhất (Unprocessed or minimally processed foods): bao gồm rau củ quả tươi, rau củ quả đông lạnh, thịt tươi.
2. Nguyên liệu nấu ăn đã qua chế biến (Processed culinary ingredients): thí dụ như dầu olive, mật ong.
3. Thực phẩm chế biến sẵn (Processed foods): thí dụ như bánh mì, cá hộp.
4. Thực phẩm siêu chế biến (Ultra-processed foods): Bao gồm nước ngọt có đường, khoai tây chiên, kẹo và bánh quy.
1. Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến ở mức ít nhất (Unprocessed or minimally processed foods): bao gồm rau củ quả tươi, rau củ quả đông lạnh, thịt tươi.
2. Nguyên liệu nấu ăn đã qua chế biến (Processed culinary ingredients): thí dụ như dầu olive, mật ong.
3. Thực phẩm chế biến sẵn (Processed foods): thí dụ như bánh mì, cá hộp.
4. Thực phẩm siêu chế biến (Ultra-processed foods): Bao gồm nước ngọt có đường, khoai tây chiên, kẹo và bánh quy.
Theo phân loại này, rau củ quả đông lạnh thuộc nhóm “chế biến ở mức ít nhất,” và các chuyên gia y tế khẳng định đây không phải là điều đáng lo ngại.
Sakaida cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng đồ tươi, đồ tự nhiên luôn là tốt nhất, nghĩa là càng ít chế biến càng tốt. Có rất nhiều thông điệp mang tính hù dọa về việc ăn uống lành mạnh, khiến mọi người hiểu sai vấn đề và hình thành thói quen ăn uống thiếu cân bằng và khó duy trì lâu dài.”
Nên lựa chọn thế nào?
Mặc dù rau củ quả đông lạnh có thể giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, nhưng các chuyên gia không cho rằng chỉ nên tiêu thụ loại thực phẩm này.
Thomason chia sẻ: “Tôi sẽ không khuyên mọi người chỉ nên chọn bông cải xanh đông lạnh vì giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng. Đúng là nó sẽ bảo toàn được các chất dinh dưỡng, nhưng có rất nhiều lý do để ta chọn đồ tươi, như ngon hơn, giòn hơn.”
Thêm rau củ quả đông lạnh vào bữa ăn hàng ngày là một ý tưởng đáng cân nhắc, đặc biệt khi quý vị muốn tiết kiệm chi phí hoặc muốn thưởng thức trái cây, rau củ trái mùa. Nhưng nhìn chung, cả đồ đông lạnh, đồ tươi trong siêu thị hay từ chợ nông sản đều có lợi ích riêng và góp phần tạo nên một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Sakaida, đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách nấu ăn mới, cho hay: “Tôi tận dụng cả thực phẩm tươi và đồ đông lạnh. Theo tôi, cả hai loại đều có vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng. Không nên nghĩ rằng đồ đông lạnh thua kém đồ tươi – chúng chỉ khác nhau ở công dụng mà thôi.”
Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá bỏ định kiến về rau củ quả đông lạnh. Đây là một bước quan trọng để tránh lối suy nghĩ “tất cả hoặc không là gì cả” trong việc ăn uống lành mạnh (tức là suy nghĩ cứng nhắc rằng chỉ có một cách ăn uống là đúng).
“Không phải cứ đồ tươi là tốt hơn hay đồ đông lạnh là không tốt bằng,” Thomason kết luận. “Quan trọng nhất là quý vị đang ăn trái cây, rau củ, và đó là điều đáng khích lệ.”
Nguồn: “What's healthier: fresh or frozen produce? Here’s what nutritionists say” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn