
(WASHINGTON, ngày 24 tháng 3, Reuters) – Đảng Cộng Hòa đang tấn công vào ngành tư pháp, chỉ trích gay gắt những phán quyết gây bất lợi cho Tổng thống Trump và cản trở các chính sách đầy tham vọng của ông ta.
Hai DB Andrew Clyde và Andy Ogles cho biết họ đã đệ trình hai nghị quyết riêng tại Hạ Viện, yêu cầu bãi nhiệm Thẩm phán John McConnell tại Rhode Island và Thẩm phán Theodore Chuang tại Maryland.
Dù biết rằng cơ hội thành công gần như bằng không, các DB Đảng Cộng Hòa vẫn quyết tâm đòi luận tội hai thẩm phán. Như vậy, McConnell và Chuang đã ‘lọt’ vào danh sách sáu thẩm phán từng đưa ra các phán quyết bất lợi cho Trump và hiện đang đối mặt với các nghị quyết luận tội tại Hạ Viện.
Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ cho phép luận tội khi một thẩm phán bị kết tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc phạm phải những trọng tội và hành vi sai trái nghiêm trọng. Quy trình này đòi hỏi Hạ Viện trước tiên phải thông qua điều khoản luận tội với đa số phiếu đơn giản, sau đó Thượng Viện cần đạt được tỷ lệ tối thiểu hai phần ba phiếu thuận để có thể kết án và chính thức loại bỏ thẩm phán khỏi nhiệm sở.
Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, các lý do để luận tội bao gồm tội phản quốc, hối lộ hoặc các trọng tội và hành vi sai trái nghiêm trọng khác. Để bãi nhiệm một thẩm phán, Hạ viện phải thông qua các điều khoản luận tội với đa số tương đối (số phiếu thuận cao hơn số phiếu chống), sau đó Thượng Viện phải đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu thuận để kết án.
Hiện nay, dù Đảng Cộng Hòa đang kiểm soát cả hai viện Quốc Hội, nhưng họ không nắm đủ số ghế cần thiết tại Thượng Viện để đảm bảo đạt được tỷ số hai phần ba.
Tuần trước, Chánh án Tối Cao Pháp Viện John Roberts đã lên tiếng sau khi Trump đòi lột chức một thẩm phán. Ông khẳng định: “Luận tội không phải là cách giải quyết hợp lý khi có sự bất đồng với một phán quyết của tòa án,” và nhấn mạnh rằng nếu không đồng ý với một phán quyết, các bên liên quan hoàn toàn có thể nộp đơn kháng cáo.
Bất chấp cảnh báo từ Chánh án Roberts, DB Andrew Clyde vẫn nộp nghị quyết nhằm luận tội McConnell (trước đó vị thẩm phán này ra quyết định ngăn chặn chính quyền Trump thực hiện kế hoạch tạm dừng chi tiêu cho các khoản trợ cấp và khoản vay liên bang.
Trong nghị quyết của mình, Clyde cho rằng McConnell “đã sử dụng quyền lực tư pháp để phục vụ động cơ chính trị,” và lẽ ra nên tự giác “hồi tị” (recuse, tự đặt mình ra khỏi vụ kiện), bởi ông từng là thành viên hội đồng quản trị của một tổ chức vô vụ lợi chuyên cung cấp nhà ở và hỗ trợ người vô gia cư. Clyde lập luận rằng việc McConnell tham gia vào vụ án có thể dẫn đến xung đột lợi ích, vì quyết định này ảnh hưởng đến nguồn tài trợ của tổ chức nói trên.
Trước những cáo buộc này, Thẩm phán McConnell không bình luận gì.
Trong khi đó, DB Andy Ogles thì đòi luận tội Chuang sau khi vị thẩm phán này ra phán quyết ngăn cản Elon Musk và Bộ Cải Tổ Chính Phủ (DOGE) tiếp tục tiến trình đóng cửa Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID).
Thẩm phán Chuang cho rằng kế hoạch đóng cửa USAID của chính quyền Trump có thể vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. Còn Ogles lại cáo buộc rằng Chuang đã “đi quá giới hạn quyền lực của tòa án, vi phạm trắng trợn nguyên tắc tam quyền phân lập,” và “tước đi quyền hành động của Tổng thống trong việc bảo vệ an ninh quốc gia trước những mối nguy tiềm tàng từ nội bộ USAID.”
Thẩm phán Chuang cũng chẳng nói gì trước những cáo buộc này. Cả hai thẩm phán McConnell và Chuang đều do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm.