Hôm nay,  

Phụ Nữ Đã Tìm Lại Vị Trí Của Mình Trong Trang Sử Nước Mỹ Như Thế Nào?

21/03/202500:00:00(Xem: 977)

phu nu
Dù phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, nhưng họ từng bị gạt ra ngoài lề cho đến khi phong trào nghiên cứu lịch sử của phụ nữ trỗi dậy. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, lịch sử của phụ nữ đã được chính thức công nhận với sự ra đời của Tháng Lịch sử của Phụ nữ vào những năm 1980. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
 
Trong bối cảnh chính quyền Trump đẩy mạnh chiến dịch loại bỏ các chương trình Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập (DEI), vai trò của phụ nữ trong lịch sử không chỉ là một chủ đề cần được khai thác mà còn là một chiến trường tranh đấu cho công lý và sự công nhận. Bất chấp sự ghi nhận hạn chế và thường xuyên bị lu mờ trong các tài liệu lịch sử, phụ nữ đã và đang đóng góp không thể phủ nhận vào dòng chảy của lịch sử thế giới. Các nhà sử học nữ, dẫu số lượng không nhiều và thường bị đánh giá thấp trong giới học thuật truyền thống, đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu và đưa ra ánh sáng những câu chuyện về phụ nữ, từ đó mở rộng khung nhìn lịch sử và khẳng định vai trò của mình trong xã hội. Tháng Lịch sử Phụ nữ diễn ra vào tháng Ba hàng năm, đây không chỉ là dịp để tôn vinh những thành tựu của phụ nữ mà còn là lúc để xem xét và đánh giá những thách thức, cũng như cơ hội mà lịch sử đã và đang mở ra cho nửa thế giới này.
 
Theo tờ National Geography, phụ nữ luôn là một phần không thể tách rời của dòng chảy lịch sử. Thế nhưng trong suốt hàng thế kỷ, những đóng góp, những dấu ấn của họ lại thường bị lãng quên, thậm chí là xóa nhòa. Các văn bản lịch sử cổ xưa thường chỉ nhắc đến phụ nữ qua hình bóng của một số ít ỏi các nữ hoàng quyền lực, phần còn lại gần như là một khoảng trống mênh mông. Các nhà sử học, mà phần lớn lại là nam giới, thường xuyên nhìn nhận quá khứ qua lăng kính của học thuyết “the great man theory” (người đàn ông phi thường), một quan điểm cho rằng lịch sử được tạo nên bởi những chiến công hiển hách của các bậc vĩ nhân mày râu.
 
Sự thiếu sót này kéo dài cho đến thế kỷ 20, khi lịch sử của phụ nữ bắt đầu hình thành như một lĩnh vực học thuật độc lập. Đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ để tôn vinh những thành tựu của phụ nữ, là một phong trào mạnh mẽ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong các cơ sở giáo dục, nơi mà lịch sử của chính họ có thể được ghi nhận và giảng dạy. Tại Hoa Kỳ, kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ ấy chính là sự ra đời của Tháng Lịch sử của Phụ nữ (National Women’s History Month), một sự kiện thường niên được tổ chức vào tháng Ba, như một lời tri ân, một sự ghi nhận xứng đáng dành cho những người phụ nữ đã góp phần làm nên lịch sử.
 
Tháng Lịch sử của Phụ nữ được tổ chức hàng năm tại Hoa Kỳ từ những năm 1980. Hãy cùng nhìn lại hành trình khởi đầu của sự kiện này, cũng như những chông gai, thử thách mà những người tiên phong đã phải vượt qua.
 
Khi lịch sử của phụ nữ tìm được chỗ đứng trong giới học thuật
 
Vào giữa thế kỷ 20, phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ ngày càng mạnh mẽ, thách thức quan điểm cho rằng lịch sử chỉ là câu chuyện của những người đàn ông vĩ đại. Dù các nữ sử gia từng bị loại ra khỏi giới học thuật trong thế kỷ 19, nhưng đến những năm 1960, một nhóm các nhà sử học ủng hộ nữ quyền đã bắt đầu nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong lịch sử.
 
Sự hiện diện của phụ nữ trong sách lịch sử khác biệt hoàn toàn so với nam giới. Các nhà sử học trước đây đã bỏ qua gần như toàn bộ thư từ, nhật ký, và các tư liệu cá nhân của phụ nữ. Những đóng góp, những ảnh hưởng to lớn của họ đối với xã hội cũng không được ghi nhận một cách xứng đáng. Một vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi có thể kể đến là Mary Beard, tác giả của loạt sách về phụ nữ Hoa Kỳ và vai trò lịch sử của họ; hay Eleanor Flexner, với tác phẩm Century of Struggle (Thế Kỷ Đấu Tranh) xuất bản năm 1959, một công trình tiên phong nghiên cứu về phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ. Khi phong trào nữ quyền ngày càng lớn mạnh, sự bất mãn trước việc thiếu vắng phụ nữ trong sách lịch sử cũng gia tăng.
 
Gerda Lerner, một sử gia tại Sarah Lawrence College, New York, chia sẻ với tờ Chicago Tribune vào năm 1993: “Trong các lớp học của tôi, giáo viên vẽ ra một thế giới mà dường như một nửa nhân loại làm tất cả những điều quan trọng, còn nửa kia thì hoàn toàn vô hình. Đây là một điều phi lý. Thế giới mà tôi đang sống không hề như vậy.
 
Cuối thập niên 1960, Gerda Lerner bắt đầu giảng dạy về lịch sử của phụ nữ. Sau đó, bà cùng các đồng nghiệp tại Đại học Sarah Lawrence thành lập chương trình thạc sĩ đầu tiên về lịch sử của phụ nữ tại Hoa Kỳ. Những sử gia tiên phong này đã miệt mài tìm kiếm dấu vết của cả những người phụ nữ nổi tiếng lẫn những người phụ nữ bình thường. Họ tập trung nghiên cứu chủng tộc, phái tính, quyền lực gia trưởng, đồng thời chứng minh vai trò quan trọng của phụ nữ trong chính trị, khoa học và nhiều lĩnh vực khác.
 
Ban đầu, phong trào này chỉ bao gồm một nhóm nhỏ – như lời Lerner mô tả, họ “có thể nhét vào gọn trong một buồng điện thoại công cộng” – nhưng họ đã được tiếp sức bởi làn sóng nữ quyền đang dâng cao trên khắp Hoa Kỳ.
 
Ở California, Molly Murphy MacGregor, một nhà giáo dục tốt nghiệp chương trình nghiên cứu phụ nữ tại Đại học Sonoma State vào những năm 1970, cũng trăn trở với những câu hỏi tương tự như nhóm Lerner.
 
Khi giảng dạy tại một trường trung học, bà bị ban giám hiệu gây áp lực buộc phải hủy bỏ khóa học về lịch sử của phụ nữ với lý do không có đủ tài liệu để dạy trong sáu tuần. Ngay cả khi sách vở có đề cập đến phụ nữ, phần nội dung này thường bị giấu đi. Thí dụ, có một cuốn sách chỉ đơn giản viết rằng Quốc hội đã trao quyền bầu cử cho phụ nữ vào năm 1920, mà không hề nhắc đến những nhà hoạt động tiên phong đã đấu tranh hàng thập niên để giành được quyền này.
 
MacGregor tự hỏi: “Những người phụ nữ đó đâu?” Trong một bộ phim tài liệu của PBS năm 2020, bà nhớ lại: “Lịch sử của phụ nữ ở Hoa Kỳ dường như được viết bằng một loại mực vô hình.
 
Sự ra đời của Tuần Lễ Lịch sử của phụ nữ đầu tiên
 
Những trăn trở ấy đã thôi thúc MacGregor hành động. Cuối những năm 1970, bà đã dày công chuẩn bị một bài thuyết trình bằng hình ảnh về lịch sử của phụ nữ Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như chính trị, hoạt động vì môi trường, và phong trào bãi nô. Phản ứng từ học sinh đã khiến bà vô cùng kinh ngạc. Các em không chỉ bày tỏ niềm tự hào mà còn bắt đầu quan tâm sâu sắc đến những câu chuyện của những người phụ nữ tiên phong như nhà hoạt động bãi nô Harriet Tubman và nhà bảo vệ môi trường Rachel Carson.
 
MacGregor cũng nhanh chóng nhận ra một vấn đề nghiêm trọng: sách về lịch sử của phụ nữ trong thư viện các trường tiểu học địa phương quá ít ỏi, và hầu như không có học sinh nào chủ động tìm đọc hay được giáo viên giao đọc những tài liệu này. Bà quyết định tham gia vào Ủy ban Địa vị Phụ nữ (Commission on the Status of Women) của Quận Sonoma.
 
Ủy ban này được thành lập vào năm 1975, với sứ mệnh xóa bỏ phân biệt đối xử và định kiến về phái tính trong xã hội. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của họ là hỗ trợ các trường học trong quận tuân thủ Điều IX (Title IX) của Luật Giáo Dục năm 1972 – một đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn phân biệt phái tính trong các chương trình giáo dục được tài trợ bởi chính phủ liên bang.
 
MacGregor và các thành viên khác trong ủy ban nhận thấy rằng việc thiếu vắng những câu chuyện về phụ nữ trong tài liệu giáo dục không chỉ đơn thuần là một sai sót, mà còn vi phạm Điều IX, vì đã tạo ra một khoảng cách bất bình đẳng, làm gia tăng sự đối xử bất công giữa nam và nữ.
 
Để giải quyết vấn đề này, họ đã đề nghị tổ chức một tuần lễ lịch sử của phụ nữ trong cộng đồng, diễn ra trùng với Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). Tuần lễ Lịch sử của phụ nữ đầu tiên đã diễn ra với một cuộc diễn hành, một buổi thuyết trình, và phân phát tài liệu giảng dạy về lịch sử của phụ nữ cho các trường học trong khu vực.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ nỗ lực này. MacGregor nhớ lại: “Chúng tôi bị chế giễu là những kẻ chỉ biết phục vụ lợi ích cá nhân và ghét đàn ông.” Bất chấp những lời gièm pha, sự kiện này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ to lớn từ phụ nữ trên khắp đất nước. Từ một sự kiện kỷ niệm mang tính địa phương, nó đã nhanh chóng lan rộng, trở thành một phong trào mạnh mẽ của quốc gia. Nhóm của MacGregor đã nhanh chóng tập hợp lại, thành lập Dự án Lịch sử của phụ nữ Quốc gia (National Women's History Project, NWHP), nay là Liên hội Lịch sử của phụ nữ Quốc gia (National Women's History Alliance).
 
Lịch sử của phụ nữ được chính phủ liên bang công nhận
 
NWHP không chỉ cung cấp tài liệu và chương trình giảng dạy về những thành tựu lịch sử của phụ nữ cho giáo viên trên toàn quốc, mà còn bắt đầu vận động chính phủ liên bang chính thức công nhận lịch sử của phụ nữ. Thành công đầu tiên của họ đến vào năm 1980, khi Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố tuần lễ từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 3 là Tuần lễ Lịch sử của Phụ nữ. Carter nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình: “Chỉ khi hiểu đúng về lịch sử của đất nước, chúng ta mới có thể thấu hiểu sự cần thiết của việc đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật cho mọi người.
 
Năm 1981, DB Barbara Mikulski (Đảng Dân Chủ, Maryland) và TNS Orrin Hatch (Đảng Cộng Hòa, Utah) đã cùng nhau bảo trợ một dự luật lưỡng đảng, đề nghị công nhận tuần lễ ngày 8 tháng 3 là Tuần lễ Lịch sử của phụ nữ Toàn quốc. Kể từ đó, sự kiện này được tổ chức hàng năm trên cả nước. Đến năm 1987, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết chung, chính thức tuyên bố tháng Ba là Tháng Lịch sử của Phụ nữ (National Women’s History Month).
 
Trong những năm tiếp theo, cuộc đấu tranh để công nhận và đưa phụ nữ vào dòng chảy lịch sử vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ. Năm 1999, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một ủy ban lịch sử của phụ nữ đã đề ra nhiều sáng kiến quan trọng, bao gồm việc tìm kiếm trong các bảo tàng và kho lưu trữ để làm sáng tỏ các câu chuyện về “những người phụ nữ bị lãng quên,” lập ra các chương trình về lịch sử của phụ nữ cấp bang, và đưa lịch sử của phụ nữ vào chương trình giáo dục một cách sâu rộng hơn. Các nhà sử học cũng bắt đầu mở rộng nghiên cứu về phụ nữ, không chỉ giới hạn ở phụ nữ da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu, mà còn khám phá những câu chuyện của phụ nữ da màu, phụ nữ thuộc cộng đồng LGBTQ+, và những phụ nữ từng bị gạt ra bên lề xã hội.
 
Nhưng chặng đường vẫn còn dài. Một cuộc khảo sát năm 2017 của Bảo tàng Lịch sử của phụ nữ Quốc gia (National Women’s History Museum) cho thấy chuẩn mực giáo dục ở các tiểu bang vẫn tập trung quá nhiều vào vai trò nội trợ của phụ nữ, và xem nhẹ bức tranh toàn diện về lịch sử của phụ nữ và những đóng góp quan trọng của họ.
 
Dù vậy, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Bởi lẽ, nỗ lực để ghi nhận những người phụ nữ trong quá khứ là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì và sáng tạo không ngừng. Như MacGregor đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào đầu những năm 2000: “Cốt lõi của câu chuyện là chúng tôi tự nhủ rằng, ‘Phải, việc này khó khăn đó, nhưng chúng ta sẽ tìm cách giải quyết.

VB lược dịch
Nguồn: “How women claimed their place in America’s history books” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Tự do tư tưởng và tìm kiếm sự thật, cùng với sự cam kết lâu đời của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp một cách thiết yếu cho xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp các mọi nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ sự tự do đó. Như lệ thường, chúng ta tiến bước lúc này với niềm tin rằng việc theo đuổi chân lý can đảm và không bị ràng buộc sẽ giải phóng nhân loại, và với niềm tin vào lời cam kết bền bỉ mà các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ đã gìn giữ cho quốc gia và thế giới của chúng ta."
Phải làm gì với một Tổng thống Hoa Kỳ không tôn trọng luật pháp của chính quốc gia mình? Vấn đề này nổi lên sau vụ việc chính quyền Trump phớt lờ phán quyết của tòa án liên bang, vẫn để các chuyến bay trục xuất người Venezuela khởi hành đến El Salvador dù tòa đã ra lệnh đình chỉ toàn bộ các chuyến bay đó. Hành động này cho thấy sự thách thức công khai đối với quyền lực tư pháp, và phản ánh sự thiếu hiểu biết (hoặc cố tình phớt lờ) nguyên tắc tam quyền phân lập, vốn là nền tảng của thể chế Hoa Kỳ. Theo Hiến pháp, một tổng thống không có quyền bác bỏ hay phớt lờ phán quyết của tòa án.
Lệnh hành pháp khi được công bố luôn tạo nhiều dư luận trái chiều. Lệnh càng ảnh hưởng nhiều người thì tranh cãi càng kéo dài. Gần đây trong một buổi họp mặt, một người bạn của tôi thốt tiếng than: “Chẳng hiểu thành viên Quốc hội Mỹ của cả hai đảng bây giờ làm gì mà cứ im lìm để tổng thống muốn ra lệnh gì thì ra”. Người khác thắc mắc, nếu tổng thống dùng lệnh hành pháp để đưa ra những quyết định không đúng luật, hay trái với hiến pháp, thì cơ quan nào sẽ có trách nhiệm can thiệp? Bài viết này không phân tích một lệnh hành pháp cụ thể nào, mà chỉ nhằm giải thích cách vận hành của Executive Order, quy trình thách thức nếu cần, cũng như những giới hạn của một mệnh lệnh do tổng thống ban hành.
Medicaid đang trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của chính quyền Trump trong chiến dịch cắt giảm ngân sách liên bang. Là chương trình bảo hiểm y tế do liên bang và tiểu bang phối hợp thực hiện, Medicaid cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 72 triệu người dân Hoa Kỳ, bao gồm những người có thu nhập thấp, trẻ em và người tàn tật. Ngoài ra, Medicaid cũng góp phần hỗ trợ chi phí chăm sóc lâu dài cho người cao niên.
Gần đây, nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận quốc tế kinh hoàng: hàng loạt sà lan quân sự khổng lồ của TQ – loại phương tiện chuyên dụng cho các chiến dịch đổ bộ từ đất liền ra biển – lần đầu tiên lộ diện. Ngay sau đó, vào ngày 1 tháng 4 năm 2025, Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày ở eo biển Đài Loan. Điều này càng làm dấy lên lo ngại: Liệu TQ có đang chuẩn bị một cuộc xâm lược kiểu D-Day vào Đài Loan?
Khi nhìn lại nửa thế kỷ Phật giáo Việt Nam hiện diện trên miền đất hứa, Hoa Kỳ, ta thấy con đường chánh niệm tỉnh thức không khởi nguồn từ một dự tính định sẵn, mà từ sự kết tinh của hoàn cảnh, của tâm nguyện và của những bước chân tìm về cõi an trú giữa bao biến động. Bởi nó như một dòng suối len lỏi qua những biến động của thời cuộc, chảy về một phương trời xa lạ, rồi hòa vào biển lớn. Từ những hạt giống gieo xuống trong lặng lẽ, rồi một ngày trổ hoa giữa lòng những đô thị phương Tây, nơi mà có lúc tưởng chừng như chỉ dành cho lý trí và khoa học, cho tốc độ và tiêu thụ, cho những bộ óc không còn kiên nhẫn với những điều mơ hồ. Nhưng rồi, giữa cái đa đoan của thế giới ấy, những lời dạy về chánh niệm, về thở và cười, về sự trở về với chính mình đã nảy mầm và lan rộng như một cơn mưa đầu hạ, làm dịu đi những khô cằn của tâm hồn.
Kể từ ngày biến cố lịch sử 30/4/75, 50 năm trôi qua, đã có không biết bao nhiêu sách vở nói về cái ngày bi thương đó của dân tộc Việt Nam, nhưng có lẽ không gì trung thực và sống động cho bằng chính những bản tường trình trên báo chí vào đúng thời điểm đó từ những phóng viên chiến trường tận mắt chứng kiến thảm cảnh chưa từng có bao giờ của hàng trăm ngàn người, dân cũng như quân, liều mình xông vào cõi chết để tìm cái sống. Năm 2025, đánh dấu 50 năm biến động lịch sử đó, Việt Báo hân hạnh được đăng tải loạt bài viết của ký giả Đinh Từ Thức ghi lại chi tiết từng ngày, đôi khi từng giờ, những điều xảy ra trong mấy tuần lễ trước và sau ngày 30/4/75 để chúng ta có cơ hội cùng sống lại những giờ khắc bi thảm và kinh hoàng ấy đã xảy ra như thế nào.
Năm Carlton Terry 12 tuổi, hệ thống trường học tại Quận Prince Edward, bang Virginia, bất ngờ đóng cửa đối với tất cả trẻ em người da đen. Nhớ lại năm đầu tiên ấy, ông kể: “Tất cả những gì tôi biết là tôi không được đến trường, và tôi biết lý do tại sao. Tôi nhận ra rằng hệ thống pháp luật được tạo ra không phải để bảo vệ tôi. Tôi nhớ những ngày ngồi nhà, sững sờ trước màn hình TV, xem chương trình Amos ’n’ Andy. Mỗi ngày, tôi đọc báo để xem liệu có gì thay đổi hay không.”
Ngày 3 tháng 4, 2014 là ngày mất của nhà đấu tranh Ngô Văn Toại. Mời đọc lại bài phóng sự SV Ngô Vương Toại bị Việt Cộng bắn tại trường Văn Khoa SG hôm tổ chức đêm nhạc Trịnh Cộng Sơn - Khánh Ly tháng 12, năm 1967, Sài Gòn.
Theo thời gian, từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, số lượng Tăng, Ni đến định cư ở Mỹ ngày càng đông, theo diện vượt biển và vượt biên tị nạn Cộng Sản (từ 1975 đến 1989), theo Chương Trình Ra Đi Trật Tự (Orderly Departure Program - ODP) và Chiến Dịch Nhân Đạo (The Humanitarian Operation - HO) (từ 1980 đến 1997), hay theo diện hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo được các chùa, các tổ chức Phật Giáo ở Mỹ bảo lãnh kể từ đầu những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3. Các vị Tăng, Ni này định cư ở Mỹ dù thuộc diện nào thì đều mang theo mình sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp của Đức Phật, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Đây là động lực chính hình thành các cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ trải dài nửa thế kỷ qua.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.