
Theo tuyên bố từ cả Tòa Bạch Ốc và Điện Kremlin, Putin đã chấp nhận đề nghị của Trump về thỏa thuận ngừng tấn công vào các cơ sở năng lượng trong vòng 30 ngày giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi cuộc điện đàm, Nga lại tiếp tục không kích vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, khiến Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ngay lập tức lên tiếng tố cáo Putin chỉ hứa suông chứ không có ý định thực hiện thỏa thuận một cách nghiêm túc.
Dù có vẻ như đã đạt được một bước tiến, nhưng thực chất thỏa thuận này không phải là lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày như Mỹ và Ukraine mong muốn trước đó. Cuộc điện đàm giữa Trump và Putin không tạo ra thay đổi đáng kể nào, ngoài một lời hứa hời hợt từ phía Nga rằng họ sẽ tạm thời ngừng tấn công vào hệ thống năng lượng của Ukraine – có lợi cho Nga hơn là Ukraine.
Khi mùa đông đang dần qua đi, Ukraine không còn dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công vào hệ thống năng lượng như trước. Trong khi đó, Nga vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất cảng năng lượng để nuôi “cỗ máy chiến tranh” của mình. Do đó, nếu Ukraine tấn công đáp trả vào các cơ sở năng lượng của Nga, Kremlin chắc chắn sẽ lên án hành động này là vi phạm thỏa thuận và lấy đó làm cái cớ, biện minh cho các bước đi tiếp theo.
Nga quá rõ Trump đang mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình bằng mọi giá, và đang lợi dụng để câu giờ và giành thế thượng phong trên bàn đàm phán.
Trump muốn gì?
Vai trò của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán hòa bình vẫn luôn như vậy. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Washington kiên quyết giúp Ukraine bằng cả viện trợ quân sự lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều chính sách khác, khi vừa quay lại cầm quyền, Trump trở mặt như trở bánh tráng. Thậm chí ông ta còn thể hiện thái độ gay gắt với Zelenskyy trong buổi họp tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 2 (sự kiện này ngay lập tức nổi như cồn vào thời điểm đó).
Giờ đây, Trump đang quyết tâm đạt được một lệnh ngừng bắn bằng mọi giá, không phải vì lợi ích của Ukraine hay Nga, mà để tạo dựng danh tiếng như một nhà lãnh đạo kiệt xuất, và cũng để làm dịu bớt những áp lực từ các vấn đề chính trị trong nước.
Sự thay đổi trong lập trường của Trump đã đẩy Zelenskyy vào thế khó. Hoa Kỳ từng là đối tác cung cấp viện trợ quân sự quan trọng nhất cho Ukraine, nhưng bây giờ mối quan hệ cá nhân giữa Zelenskyy và Trump lại không mấy tốt đẹp.
Do đó, dù có hoài nghi về đề nghị của Washington, Zelenskyy vẫn phải tỏ ra hợp tác để tránh nguy cơ bị Trump quay lưng hoàn toàn. Còn Putin chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng bất kỳ sự rạn nứt nào trong quan hệ giữa Ukraine và Hoa Kỳ.
Tình hình chiến sự hiện tại
Giai đoạn đầu của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được đánh dấu bởi những cuộc tấn công và phản công mạnh mẽ từ cả hai phía. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, cuộc chiến đã rơi vào thế giằng co, chủ yếu làm cho cho đối phượng kiệt quệ.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng kiểu chiến tranh này có lợi cho Nga. Với dân số đông và nguồn tài nguyên dồi dào, Moscow có thể “chịu trận” lâu hơn Ukraine, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ phương Tây.
Trong vài tháng qua, quân đội Nga đã dần dần mở rộng quyền kiểm soát tại một số khu vực của Ukraine, dù phải chịu thương vong nặng nề. Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể duy trì tốc độ này trong bao lâu trước khi chính họ cũng kiệt sức?
Putin cược rằng thời gian đang đứng về phía mình. Nếu Ukraine và cộng đồng quốc tế mất đi ý chí chiến đấu trước khi Nga cạn kiệt tài nguyên, ông ta có thể đạt được mục tiêu mà không cần nhượng bộ. Việc Trump sốt sắng tìm cách chấm dứt xung đột bằng mọi giá càng củng cố niềm tin của Putin rằng chiến thuật câu giờ đang rất hữu hiệu.
Nhưng vấn đề lãnh thổ vẫn là một trở ngại lớn. Hiện tại, Ukraine đang kiểm soát một phần vùng Kursk, nên nếu ký kết ngay một thỏa thuận đình chiến, Ukraine vẫn sẽ nắm quyền kiểm soát khu vực này. Đây là điều mà Nga không thể chấp nhận.
Vậy Nga đang muốn gì?
Chiến dịch của Ukraine tại vùng Kursk vào đầu năm 2024 là một bước ngoặt quan trọng. Nhờ một phần chiến tuyến của Nga phòng thủ lỏng lẻo, quân đội Ukraine đã đạt được những bước tiến sâu vào lãnh thổ Nga, khiến Moscow bất ngờ và làm Putin bẽ mặt.
Gần đây, Putin tuyên bố rằng lực lượng Nga đã bao vây quân đội Ukraine tại khu vực này. Tuy nhiên, Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ thông tin, nhấn mạnh rằng tình hình trên thực địa hoàn toàn khác với tuyên bố từ Điện Kremlin. Bất kể thực hư ra sao, diễn biến này cho thấy tầm quan trọng của Kursk.
Danh tiếng của Nga đang bị đe dọa?
Từ khi chiến tranh nổ ra, chính quyền Putin luôn tìm cách tuyên truyền rằng “chiến dịch quân sự” tại Ukraine là một thành công. Thí dụ như việc Nga tuyên bố sát nhập bốn khu vực của Ukraine vào năm 2022, dù vào thời điểm đó họ chưa kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ này.
Nếu Ukraine tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Nga tại Kursk, người dân Nga chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cuộc chiến. Và chính quyền Nga không thể để cuộc chiến ở Ukraine bị xem là một thất bại. Nhưng nếu Nga yêu cầu Ukraine rút lui, Kyiv chắc chắn sẽ đưa ra điều kiện đòi lại những vùng đất bị chiếm đóng trước đó.
Cho đến nay, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu tối thiểu là giành quyền kiểm soát toàn bộ bốn khu vực của Ukraine mà họ đã tuyên bố sát nhập. Vì vậy, rất khó để Putin chấp nhận đánh đổi bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà Nga đang chiếm giữ để đổi lấy Kursk.
Putin vẫn đang áp dụng chiến lược chỉ chấp nhận thương lượng khi đang ở thế mạnh. Chừng nào Ukraine còn giữ Kursk, Nga sẽ tiếp tục câu giờ chứ không thật lòng muốn thương lượng.
Hiện tại, Kursk là khu vực quan trọng nhất đối với Nga, nhưng về sau, Putin sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu khác nhằm củng cố ưu thế trên bàn đàm phán.
Và có lẽ, đây là bài học mà Trump sớm muộn gì cũng sẽ nhận ra – bất kể ông ta và chính quyền của mình có cố gắng tô vẽ tình hình theo hướng tích cực đến mức nào đi nữa.
Nguồn: “Trump-Putin ceasefire conversation shows no initial signs of bringing peace to Ukraine” được đăng trên trang TheConversation.com.