
(CHICAGO/WASHINGTON, ngày 17 tháng 3, Reuters) – Chính quyền Trump tuyên bố có kế hoạch hợp pháp hóa vĩnh viễn việc tăng tốc độ dây chuyền chế biến tại các nhà máy chế biến thịt heo và gia cầm ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quyết định này khiến các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động lo ngại, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe người lao động và an toàn thực phẩm.
Theo thông cáo từ Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), đây được xem là một chiến thắng lớn dành cho các công ty chế biến thịt và những tổ chức đại diện cho ngành như Hội Đồng Gia Cầm Quốc Gia (National Chicken Council) – tổ chức đã tích cực nỗ lực vận động để chính phủ nới lỏng giới hạn tốc độ dây chuyền chế biến trong suốt thời gian qua.
Nhưng đi kèm với đó là những quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng sức khỏe của công nhân lò mổ – họ thường xuyên phải thực hiện các công việc lặp đi lặp lại với dao bén trong điều kiện làm việc khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh).
USDA cho biết họ sẽ bắt đầu quy trình để hợp pháp hóa vĩnh viễn các tốc độ dây chuyền cao hơn, vốn đang được áp dụng tại một số cơ sở theo diện miễn trừ. Cụ thể, các nhà máy chế biến gia cầm có giấy miễn trừ hiện có thể làm thịt tới 175 con gà mỗi phút, so với giới hạn trước đây là 140 con mỗi phút.
Ngoài ra, USDA cũng sẽ gia hạn các giấy miễn trừ, cho phép các cơ sở chế biến thịt tiếp tục duy trì tốc độ sản xuất cao hơn nhằm “đáp ứng nhu cầu mà không bị chính phủ can thiệp quá mức.” Mặc dù cơ quan này khẳng định không có mối liên quan trực tiếp giữa tốc độ chế biến và tỷ lệ thương tật lao động, nhưng nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng công nhân trong ngành chế biến thịt có nguy cơ bị chấn thương nghiêm trọng cao hơn đáng kể.
Các công đoàn lao động và các tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân đã nhiều lần cảnh báo rằng khi dây chuyền chế biến chạy nhanh hơn, công nhân phải làm việc với cường độ cao hơn, ít có thời gian để đảm bảo quy trình an toàn, khiến nguy cơ mắc lỗi và bị thương tăng lên. Phần lớn công nhân trong các nhà máy chế biến thịt là di dân nhập cư và đi làm “chui.”
Stuart Appelbaum, Chủ tịch Retail, Wholesale and Department Store Union – tổ chức đại diện cho khoảng 15,000 công nhân ngành gia cầm, cho biết: “Tăng tốc độ dây chuyền sẽ có hại cho công nhân – không phải là có thể, mà là chắc chắn.”
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, năm 2019, Trump đã ban hành một quy định cho phép các nhà máy chế biến thịt heo chạy dây chuyền chế biến “thả ga.” Tuy nhiên, đến năm 2021, quy định này đã bị một tòa án liên bang chặn lại sau khi các công đoàn lao động đệ đơn kiện.
Dưới thời chính quyền Biden, vào năm 2023, USDA đã khai triển một chương trình thử nghiệm, cho phép sáu nhà máy chế biến thịt heo hoạt động với tốc độ nhanh hơn. Mục tiêu của chương trình là thu thập dữ liệu về chấn thương lao động và tác động của tốc độ dây chuyền chế biến đối với công nhân.
Theo Hội Các Nhà Sản Xuất Thịt Heo (National Pork Producers Council), việc hợp pháp hóa vĩnh viễn tốc độ sản xuất cao sẽ mang lại sự ổn định cho ngành sản xuất thịt heo.
Dữ liệu nghiên cứu do USDA tài trợ, công bố vào tháng 1, cho thấy công nhân tại các nhà máy chế biến thịt heo và gia cầm đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về cơ xương (musculoskeletal) cao hơn so với công nhân trong các ngành sản xuất khác. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là bệnh tê bàn tay (carpal tunnel syndrome, dây thần kinh chỗ cổ tay bị áp lực mạnh vì tay hoạt động liên tục).
Trong số sáu nhà máy chế biến thịt heo được nghiên cứu, một nhà máy ghi nhận nguy cơ chấn thương lao động gia tăng khi tốc độ dây chuyền chế biến cao hơn, trong khi một nhà máy khác lại có nguy cơ giảm xuống. Đối với bốn cơ sở còn lại, tốc độ dây chuyền chế biến cao hơn không tạo ra sự khác biệt nào lớn.
Đối với ngành chế biến gia cầm, dữ liệu của USDA cũng chỉ ra rằng không có mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ dây chuyền chế biến cao hơn và nguy cơ bị thương tật lao động.
Tuy nhiên, theo Sở Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics), số ca bệnh nghề nghiệp được báo trong ngành giết mổ và chế biến thịt động vật vào năm 2022 cao gấp sáu lần mức trung bình của tất cả các ngành công nghiệp.