
(PERTH, ngày 16 tháng 3, Reuters) – Trên vùng biển ngoài khơi Tây Úc, trong phòng điều khiển của tàu ngầm USS Minnesota (Virginia class), các vận hành viên hệ thống Sonar đang điều chỉnh hệ thống để thích nghi với những âm thanh đặc trưng của cá heo. Đây là vùng biển mới đối với họ, trong thời gian tới, sự hiện diện của tàu ngầm Hoa Kỳ sẽ được mở rộng đáng kể.
Tàu USS Minnesota đang thực hiện một cuộc huấn luyện xuất phát từ cảng tại Guam. Chiếc tàu này được xem là tàu tiên phong cho bốn tàu ngầm thuộc Virginia class, dự kiến sẽ khai triển tại căn cứ hải quân ở Tây Úc vào năm 2027 theo thỏa thuận AUKUS (nhằm giúp Úc phát triển năng lực vận hành tàu ngầm nguyên tử).
Bên trong tàu, thủy thủ đoàn sử dụng cần điều khiển kiểu trò chơi điện tử (joysticks) để thực hiện phân tích hình ảnh từ cột quan sát quang điện tử (photonic mast), một hệ thống camera công nghệ cao thay cho tiềm vọng kính (periscope) truyền thống.
Cuộc sống trên tàu có thể kéo dài tới 100 ngày mà không có ánh sáng mặt trời, và việc liên lạc với gia đình cũng bị hạn chế ở mức tối thiểu, chỉ liên lạc thông qua email, để giữ bí mật quân sự.
Chỉ huy tàu Jeffrey Corneille cho biết tàu ngầm thuộc Virginia class là “chiến hạm tiên tiến nhất thế giới.” Ông nhấn mạnh: “Nếu có ngày, ai đó tự hỏi ‘Hôm nay có phải là ngày đó không?’ (ngày gây sự, gây hấn với Hoa Kỳ, nd), chúng tôi đảm bảo họ sẽ nhanh chóng gạt bỏ suy nghĩ đó.”
Để hỗ trợ việc gia tăng sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực, khoảng 50-80 nhân sự Hải quân Hoa Kỳ sẽ đến căn cứ HMAS Stirling ở Tây Úc vào giữa năm nay. Căn cứ này hiện đang được nâng cấp với tổng chi phí lên đến 8 tỷ AUD (tương đương 5 tỷ MK) nhằm chuẩn bị cho lực lượng tàu ngầm luân phiên Submarine Rotational Force West.
Trong hai năm tới, số lượng nhân sự hải quân Hoa Kỳ và đội ngũ hỗ trợ tại đây sẽ tăng lên hàng trăm người.
Peter Dean, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng tại Đại học Sydney, cho biết vị trí của HMAS Stirling mang ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ vì căn cứ này nằm gần khu vực Á Châu và Ấn Độ Dương hơn so với tổng hành dinh của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tại Hawaii.
Ông nói thêm: “Bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương trước sự gia tăng sức mạnh và năng lực quân sự của TQ.”
Chương trình tàu ngầm Virginia class của Hoa Kỳ được miễn trừ khỏi các khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng (do chính quyền Trump tập trung ít hơn vào khu vực Trung Đông và Âu Châu, chuyển ưu tiên vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương).
Elbridge Colby, cựu viên chức số ba của Ngũ Giác Đài dưới thời chính quyền Trump, nhấn mạnh trong buổi điều trần tại Thượng Viện rằng các tàu ngầm tấn công đóng vai trò “tối quan trọng” trong việc bảo vệ Đài Loan. Vì vậy, tốc độ sản xuất tàu ngầm cần phải được đẩy mạnh để trước hết đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ, sau đó là thực hiện cam kết bán tàu ngầm cho Úc theo thỏa thuận AUKUS.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vào tháng 11 năm ngoái, USS Minnesota đã được điều chuyển từ Hawaii đến Guam (căn cứ tàu ngầm tiền phương duy nhất của Hoa Kỳ trong khu vực).
Trong thời gian gần đây, một nhóm tàu hải quân TQ đã “lượn lờ” quanh Úc từ tháng 2 đến tháng 3, tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có ngoài khơi bờ biển phía đông, gây gián đoạn hoạt động hàng không thương mại. Đội tàu này sau đó di chuyển qua khu vực Tây Úc đúng vào thời điểm USS Minnesota ghé cảng, trước khi tiến vào Ấn Độ Dương. Theo các viên chức Úc, hành động này là một dấu hiệu rõ ràng về tham vọng của TQ trong việc gia tăng sự hiện diện tại khu vực này.
Theo AUKUS, trong mười năm tiếp theo, Úc sẽ mua hai tàu ngầm thuộc Virginia class cũ của Hoa Kỳ, và hợp tác với Anh phát triển một lớp tàu ngầm nguyên tử mới để thay thế đội tàu diesel hiện tại.
Để chuẩn bị cho việc vận hành các tàu ngầm nguyên tử, hiện có 115 sĩ quan và thủy thủ Úc đang tham gia đào tạo trong lực lượng hải quân nguyên tử Hoa Kỳ hoặc thực tập trên các tàu ngầm thuộc Virginia class. Ngoài ra, 130 nhân sự khác đang được huấn luyện về bảo trì tàu ngầm nguyên tử tại Trân Châu Cảng, Hawaii.