Hôm nay,  

Thơ duyên lê chiều giang nguyễn thị khánh minh

14/03/202521:20:00(Xem: 1572)

Tho3nguoi

 

D U Y Ê N

nỗi lá vàng cuối thu

 

duyên không chỉ làm thơ. duyên vẽ. duyên chụp hình. duyên làm những bookmark thiệt dễ thương để gởi bạn bè, nhắc nhớ mỗi khi lật từng trang sách, vì ngoài kia…
 
bên khung cửa
lặng nhìn chiếc lá vàng. rơi
một mình...
The Last Leaf
O’Henry,
 
Cho nên đọc thơ duyên cứ nghe “Chân đi nằng nặng hoang mang… Ta nghe tịch lặng rơi nhanh. Dưới khe im lìm” (TCS)
 
chợt. hiểu ra rằng
mầu đỏ, vàng kia tự bao giờ… đã
ngấm. ngập
trái tim ta.
 
Phải, hình như những chiếc lá vàng kia vẫn luôn xào xạc, vẫn luôn thổn thức dưới trăng mờ của con nai vàng ngơ ngác tự thuở nào kia.
 
và khi trăng mờ, trên núi xa...
có lá vàng. lìa cành vội vã…
có mùa Thu, lành lạnh. gió thu, sang
 
Cô bé đi vớt mặt trời của Nguyễn Xuân Thiệp không về nữa... nhưng Zhivago thì vẫn về lại mái nhà xưa
 
Zhivago trên cánh đồng tuyết trắng
tản cư về. về lại, mái nhà xưa
nơi. thi sĩ kể thơ. tình mê đắm
vẫn lạc loài, hình bóng Lara…
 
Ơi Lara. Rồi Lara hỏi Zhivago:
 
lá đỏ. lá vàng… đẹp ngỡ ngàng
mỗi độ sang Thu
lá vàng ơi. dặm đường xa. có mỏi
 
Zhivago còn biết trả lời sao?
Tôi một lần kia đi giữa Boston với cả một mùa thu, trọn một mùa thu. Nhớ Xuân Diệu với “Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã về, mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ…”. Thực ra, lá như ráng níu lại chút xanh, và vì níu lại nên có vẻ chặt hơn, xanh hơn lên mà thôi. Bởi vì rất nhanh, lá bỗng vàng rượm, vàng rực, vàng tía, vàng buốt… và bầu trời rộng ra, thênh thang, yểu điệu kỳ cục. Mới mấy ngày thôi mà cây cứ tô dần tô dần cái màu vàng buốt, óng ả, rực rỡ chen lẫn với xanh đậm, xanh lợt mong manh đó… và sáng hôm sau, rơi từng lá từng lá tràn ngập các lối đi.
Bỗng nhớ Em không nghe mùa thu của Lưu Trọng Lư. Rõ ràng thu không phải để dòm, để ngó, để ngắm, để nghía… mà chỉ có thể để nghe. Mà cũng không phải để nghe tiếng, dù là tiếng lá rụng mà để nghe mùa. Cái tiếng mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi chúng ta. Nó ở trong không gian dằng dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả trong thời gian hun hút, héo hon rơi rụng nọ.
Tôi bước đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng thu về. Dưới chân tôi từng lớp lá rụng, bước chân bỗng như hẫng đi và tôi chợt ngơ ngác như chú nai vàng “xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về” (Huy Cận) đó vậy.
Lạ, ở Mỹ người ta không gọi Autumn – mùa Thu, mà gọi Fall – mùa Rụng, bởi vì chỉ có lúc lá rụng bời bời như vậy người ta mới thấy hết được nỗi vui mừng, nỗi xót xa, nỗi  buốt nhớ… không rõ vì đâu. Và vì Fall, mà người ta dễ “fall in love” có phải? (Nghe tiếng thu giữa Boston, ĐHN, 1993).
 
ngày cuối Thu buồn tênh…
vầng trăng chưa tỏ
bóng những chiếc lá
thoi thóp trong đêm
sẽ vùi chôn theo…
mùa Thu chết!*
 
Đọc thơ duyên không chỉ thấy nỗi buồn dằng dặc bởi thu phai mà còn thấy lòng mình như rộng mở, như những chiếc lá thu ngập thềm nhà, đẫm ướt mưa đêm mà còn biết chất chồng lên nhau cố giữ hơi ấm cho nhau…
 
trở về. sân nhà ngập lá
phủ kín lối đi… cây ginkgo vườn sau trơ cành. gầy guộc
sót lại. vài chiếc lá trơ vơ
thềm lá vàng
chất chồng lên nhau, chen mầu nâu, đỏ
đẫm ướt dưới mưa đêm
cố giữ hơi ấm cho nhau…
ngày tàn thu
 
Tôi chắc, một hôm thu kia, thế nào một chiếc lá vàng sẽ lắt lay trong gió nhẹ, mênh mang và vĩnh cửu, chiếc lá vàng được vẽ bởi duyên chớ không phải bởi O' Henry, phải không duyên?
 
LÊ CHIỀU GIANG
trên sông khói sóng… (*)
 
Thơ LCG không phải thơ. Nó là tiếng thét, là tiếng thở dài não nuột. Đọc LCG thấy một người thơ, sống như thơ, thở như thơ, sáng trưa chiều tối, từ trong tranh bước ra, ngồi đó, ngó quanh, không thấy ai, lại bước vào trong tranh.
 
Chợt nghe xa xăm như có ngàn tiếng gọi.
Gió âm u, gió lồng lộng rừng khuya…
 
Lê Chiều Giang vẫn cứ lẽo đẽo tìm theo những rêu phong của ngày tháng cũ, nhiều lúc muốn xổ lồng bay xa mà vẫn ngập ngừng e sợ…
 
Cánh cửa
Sầm. Đóng lại
Chìa khóa? Quăng lên trời.
Ta.
Bước chân phiêu bạt
Tay không,
bày cuộc chơi.
 
Rồi hét lên tôi cứ lẳng lơ, tôi rất lẳng lơ viết những chữ mông lung, vật vờ như gió… sáng trưa chiều tối
Vẫn có một bờ vực không thể vượt qua, cho dù cứ lẳng lơ, rất lẳng lơ như thế! Để rồi
 
Đứng mãi trong tranh
Đóng vai:
Góa phụ
Sáng nay ta
Ra với mặt trời
Như kẻ xa xôi về lại trái đất…
 
nhìn quanh quất, vội vã bước trở lại trong tranh để:
 
… Diễn tiếp
Hỡi thế gian
Ta.
Bỏ cuộc chơi.
(Đầu hàng).
 
Trong tranh, Lê Chiều Giang có lúc như ngựa chứng, tóc bờm tung bay phi nước đại, cổ vươn cao ngoằng hí vang, dưới bóng trăng huyền hoặc lẫn bóng tối u mê giữa ngàn lá biếc. Sự cách điệu không hài hòa làm cho gương mặt có sắc sáng như trăng, lại thêm chút bóng tối của u mê. “Mắt tôi xếch và sắc như kiếm dao, bướng bỉnh đầy ngạo mạn, điểm thêm với miệng cười khinh bạc”.
 
“Chút khinh bạc, không biết bao lần đã nương bên tôi, đứng thẳng cùng tôi giữa đất trời, bên một dòng đời vô cùng nghiệt ngã…”(LCG).
 
Giờ thì tôi hiểu có một hôm nào, LCG đã gởi tặng Đỗ Nghê bài thơ Thiền giả: Ta đảo điên. Ta bất chấp. Ta bới tung…Ta quăng kiếm. Ta bẻ gươm. Ta nằm im. Ta giả chết… Toàn là hư chiêu hết đó thôi nhe! Đừng vội tưởng thiệt.
 
Chợt nghe xa xăm như có ngàn tiếng gọi
Gió âm u, gió lồng lộng rừng khuya
Bay trên cao mà nhớ
Bước chân đi…
Sấp ngửa lưng trời. Ta
Tĩnh tâm
Ta. Thiền định
 
Thì ra, đã là Sa Di Ni… từ lúc nào không biết. Cứ tưởng ngổ ngáo, ngang tàng, chọc trời khuấy nước… ai ngờ vẫn đắm chìm trong một cõi vời vợi, xa xăm…
 
Thiền Giả
 
Như đệ tử Kim Dung. Múa
trên đầu kiếm sắc
Ta đảo điên.
Ta bất chấp. Ta
Bới tung... Chẳng hiểu ra
đời.
Đã rất bao dung
Rất nương nhẹ
Để ta còn sống sót
 
Khi thất bại
Ta biết vờ đợi chết
Giả nằm im. Nghe
trái đất ngả nghiêng
Quá thấm đòn
Ta quăng kiếm
Ta bẻ gươm
Cũng biết thân. Ta ngồi im
Góc tối
 
Chợt nghe xa xăm như có ngàn tiếng gọi
Gió âm u, gió lồng lộng rừng khuya
Bay trên cao mà nhớ
Bước chân đi…
 
Sấp ngửa lưng trời. Ta
Tĩnh tâm
Ta. Thiền định
 
Cứ tưởng ngang tàng bướng bỉnh, “giang hồ mê chơi quên quê hương”, ai dè mới nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà, đã thút thít. Phải chi có một ông Bụt hiện ra hỏi: Sao con khóc?
 
Ta như đêm mịt mù
Giữa trùng trùng duyên khởi.
Quanh một vòng trái đất
Thèm trở lại chốn xưa
Ngồi bên hè phố cũ
Tỉ tê. Khóc. Nhớ nhà.
 
Thì ra là một nỗi oan. Không ai thấu hiểu.
 
Buồn ngang xương. Để
Thất thoát niềm vui
Tìm nghĩa lý trong điều
Không ai hiểu. (Vỡ nợ)
 
Có những nỗi oan
Tính viết lời chống đỡ
Mà mực khô, mà
Ý cạn. Tay run. (Tịnh khẩu )
 
Mổ trái tim xem:
Không gì trong đó
Mở đôi bàn tay:
Những thứ chẳng còn. (Lâm chung)
 
Đọc LCG mà thương hơn cho một nhan sắc, một tính cách, một người sống với cõi đầy thơ… Để có những buổi “chiều buông trên dòng sông cuốn mau…
Để rồi, nhận ra cõi vô lượng tâm:
“Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu…”
(Chiều về trên sông, Phạm Duy)
 
(*) trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…(Tản Đà, dịch Hoàng Hạc Lâu).
 
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
thơ rắc bùa hương
 
Khi viết xong bài thơ
Đôi khi. Tôi khóc
Có phải vì lời đã nói về nước mắt
Trong lòng đêm ma mị
 
Khi viết xong bài thơ
Tôi thường hay xóa
Dường như tôi sợ bóng tôi
Giãy chết giữa những con chữ đói
 
Khi chấm hết bài thơ
Tôi hụt hẫng. Như chưa thể xong lời
 
Là bởi, bài thơ tưởng “hoàn tất” kia vẫn giữ mong manh những con chữ đói, giữ những từ đợi chờ, nên thi sĩ chẳng bao giờ hoàn tất nổi một bài thơ.
 
Sau một vụ mùa
Tôi chỉ đem về được đôi ba hạt lúa chín
Chút mầu vàng của nó lấp lánh trên tay
Bài thơ hoàn tất. Là một điểm hẹn quyến rũ
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Là lúc đóa hoa đang nở.
Đang tỏa hương
Tôi có gì đâu phải vội
 
Cho nên “Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm lời tình tự…”
Hãy nghe thi sĩ nói những lời tình tự bằng lời ma mị, bằng thứ bùa mê, thuốc lú với những con chữ đói như thế nào
 
Tình Yêu
Trong nét vẽ dịu dàng của vòng ôm
Tôi chiếc lá cong
 Âm thanh mềm một vũ khúc
 
Quyến rũ mầu đêm phủ
Tôi bờ đất ấm
Nghe từng hạt cát hòa âm
Âm thanh đi tới
Âm thanh của hòa tan…
 
Nhưng tình yêu không chỉ là đôi lứa, là vòng ôm là vũ khúc là hoà âm, mà tình yêu còn là đồng lúa chín vàng, là con tầu chở chuyên hội ngộ, là tiếng cửa reo sum vầy, là bếp ấm báo tin no đủ… Là nỗi ước mơ một ngày nào đó trong cõi chiêm bao
… Tôi sẽ thắp ánh sáng của sao hôm không có nước mắt chiều phai, của sao mai hẹn về khung trời đang mở nắng. Tôi sẽ treo trước cửa sổ phòng người tiếng hót một loài chim sớm đánh thức ngày vui. Tôi sẽ kéo tấm rèm chở che một điều đang bắt đầu trong khép lại một ngày ơn phước, nếu có tìm tôi…
Tôi biết. Tôi sẽ được cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…
 
Cơn bão rớt sẽ đến rồi sẽ qua. Và, chỉ cần có thế: “me tôi ngồi may áo, bên cây đèn dầu hao, cha tôi ngồi xem báo, tôi nghe tiếng còi tàu… “(Phạm Duy).
Phải rồi, chỉ có ở đó, người ta mới có thể … “có tiếng chim trao lòng tin cậy; có bờ vai nương tựa sớm hôm; có những ánh mắt sao trời thơ trẻ”; và đôi cánh bay lên những ước mơ đằm thắm ngọt ngào của người thi sĩ, luôn nhắc nhở mình “đừng như bóng mây tan”.
 
Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng reo vui Tat-bà-ha của Tâm kinh Bát nhã khi thấy biết “ngũ uẩn giai không/ độ nhất thiết khổ ách”. Bát nhã (Prajnã) là cái nhận thức có trước nhận thức, là cái trí tuệ có trước trí tuệ, không đếm đo, toan tính, nó vậy là nó vậy. Và chỉ ở đó, người ta mới thực sự hồn nhiên, thực sự reo vui: Tát-bà-ha!
 
Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng. Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người. Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu. Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã. (Khoảnh khắc giấc mơ)
 
Cảm xúc với tranh Những Con Chim Ngược Gió của Họa Sĩ Đinh Cường, Khánh Minh viết, những bùa hương: Vừa quay lại đã muôn trùng đá lạnh
 
Bảng pha mầu lấm lem ngày tháng bụi
Tiếng cọ ngày xưa thở ngoài khung tranh
Trời đóng lại. Một đường đêm thăm thẳm
 
Ai đi qua. Vệt mầu bạc thếch
Sông thời gian đặc quánh ảnh hình
Vừa quay lại đã muôn trùng đá lạnh
 
Và gió, một mùi hương nồng nặc bùa mê trên sợi tóc vai người
 
Bay đi. Bay đi.
Bay qua dải thiên hà buồn bã kia. Mà về.
Trên vai người sợi tóc thơm hương tinh tú.
 
Tôi nhóm lên một ngọn lửa
Gió thổi tắt đi
Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa
Gió lại thổi tắt đi
 
Khi tôi không còn hy vọng
Thì gió
Lại làm những que tàn kia bắt lửa…
 
 Đừng quên, chính những bùi nhùi năm tháng kia, không mất đi đâu, chỉ ủ một mùi hương chờ đợi ngọn gió từ cõi xa kia bùng thổi. Cho nên người thơ viết: Nên tôi quý những điều tôi đã nhận/ Nên tôi tận lòng với những điều đang ở.
Còn có cách nào hơn là “mở con đường trú ngụ hơi thở tịch lặng” - Anapanasati- ở đó, hiện tại là sát-na mênh mông không ngằn mé . Và chỉ ở đó:
 
Trong sáng láng ấy tôi đã gặp nhà thơ Mặt Trời. Lồng lộng nắng phương đông, chắt chiu hết tinh khôi nhân ái rắc xuống cánh đồng thơ diễm ảo. Tôi thức giấc từ lời hát của một bông cỏ dại người ban tặng và mảnh vỡ trái tim tôi thành những hạt pha lê được nuôi sáng bằng lời thơ dâng hiến...
 
Và một khi đã thấy biết (tri kiến) như thế, khi đã reo vui như thế, thì người ta sống với yêu thương, sống trong yêu thương, sống vì yêu thương:
 
Yêu thương nhé” “nói cùng lá cứ sống hết mình xanh”, “yêu thương ơi xin thức dậy cùng người…” “yêu thương ơi khoảnh khắc xum vầy đơn sơ thế xin một lần được cất cánh bay”.
 
Rồi tự dặn với lòng: “yêu thương ơi chút lòng riêng xin chắt chiu nghe… “Cho dẫu chiều rồi phai nắng...” (Yêu thương ơi)
 
Nếu có tìm tôi. Xin trông chờ mảnh sáng sao băng. Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm lời tình tự... Nếu có tìm tôi. Xin theo dấu sáng đom đóm quyện hương bờ dậu quê nhà. (...). Cho tôi đôi cánh hoa bay về miền đồng lúa chín vàng. Ngôi làng không bận lòng gì hơn là sống bình yên. Có con tầu đi về chở chuyên hội ngộ. Mỗi tiếng cửa mở ra là một tiếng reo sum vầy. Mỗi bếp lửa là mỗi báo tin mùa màng no đủ. Nếu có tìm tôi...Trên bước gió mở ngàn khơi nơi cuối cùng là phương Đông ấm một mặt trời… (Khoảnh khắc giấc mơ).
 
Hoang mang thế nhưng rồi, như một nhà thơ từng viết: Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy! Khánh Minh thì “Tôi đi tìm những trang bản thảo, mảnh đất tị nạn bình yên của tôi. Nơi có trò chơi trốn tìm dưới ánh chớp những chùm sao đang va vào nhau vang dội. Âm thanh ẩn mật là chiếc chìa khóa cuối cùng tôi phải mở, cõi thách thức cảm xúc phục sinh.
 Tôi nhặt được một trang bản thảo lem luốc đầy vết xóa và tôi nghe tiếng tim mình còn hồi hộp đập…” (Trong cơn bệnh).
 
Phải, “Còn hồi hộp đập” nghĩa là còn sẽ nhặt nhạnh thêm.
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” thôi mà! Phải không?
 
-- Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 30.10.2024)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc chiến Việt Nam đã khép lại từ nửa thế kỷ trước nhưng những hệ lụy vẫn còn ghi khắc trong đời sống, tâm trí và ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở quê hương lẫn hải ngoại. Ký ức đau thương lẫn khát vọng xây dựng tương lai đã trở thành chủ đề trung tâm trong nhiều tác phẩm văn học, tuyển tập truyện ngắn "The Colors of April" do Quan Manh Ha và Cab Tran biên tập là một ví dụ điển hình.
Khi về già, bạn mắc bệnh mất trí nhớ, rồi mất phương hướng, sau đó mất ngôn ngữ. Nếu bạn sống thật lâu, như một ngọn núi, các chuẩn tắc đạo lý do con người đặt ra sẽ mất sau cùng. Và theo thứ tự như vậy. Trước cửa một tiệm cà phê gần khu vực tưởng niệm sự kiện 911, gần nền của tòa tháp đôi đổ sập, xuôi về phía hiệu sách cũ Strand ở Broadway, nơi tôi mua được một tập thơ của Gerald Stern, tôi gặp anh Siu Kpa, người Gia rai sáu mươi tuổi, và vợ anh. Anak Gia rai, con của Gia rai. Hay Giơ rai, Jarai, Jrarai, Chơ rai đều được, cả hai nói tiếng Việt, nhưng anh nói giỏi hơn. Thật ra chị là người Ba na, nghe phát âm như Bơ na, hay Bờ na, hay Bà nà, cũng là Ba na dưới núi, Ba na trên núi, Bơ Nâm, Bơ Môn. Cả hai đều mất trí nhớ nhưng theo hướng ngược chiều nhau.
Nhà văn Phạm Quốc Bảo trong tuần qua vừa ấn hành tuyển tập Cuốn Lên Bức Mành. Một tác phẩm ghi lại những suy nghĩ của một người đang giữa lứa tuổi 80s từ hải ngoại về những gì còn lưu giữ sau một đời làm báo và viết truyện. Từng trang chữ của ông là cô đọng những cảm xúc của một người không tự cho mình sống một ngày nào mà không nghĩ tới quê nhà. Tuyển tập nhiều bài viết Cuốn Lên Bức Mành gồm ba phần: Hồi ức, Tản mạn, Thơ. Nơi đây, chúng ta gọi ấn phẩm này là cuốn sách sau 50 năm, vì Phần 2 còn được tác giả ghi là: Nửa Thế Kỷ Ngoái Lại. Thực tế, chiều dài của sách là hơn một thế kỷ rưỡi, vì có kể về ông ngoại tác giả là cụ Bùi Văn Giảng (1871-1934). Với chiều dài thời gian như thế, và với cảm xúc của thời điểm 50 năm, tác phẩm của Phạm Quốc Bảo có những trầm lắng rất là tịch mịch của lịch sử. Nơi đây chúng ta sẽ giới thiệu một số điểm trong tuyển tập.
Khi đọc được khoảng một phần ba quyển hồi ký “Việt Nam của con – Việt Nam của cha”, trong tôi thôi thúc mãnh liệt một suy nghĩ: đã đến lúc tôi cũng nên ngồi xuống để viết một quyển sách của chính mình trước khi quá trễ, hay nói đúng hơn là trước khi đầu óc tôi bắt đầu quên lãng nhiều cột mốc, nhiều câu chuyện, đặc biệt là nhiều cảm xúc đã từng có trong tôi, từng xảy ra trong đời tôi, kể từ lúc đặt chân đến đất nước này, nơi vừa gần gũi lại vừa lạ lẫm với tôi cho đến tận bây giờ.
“Việt Nam Của Con, Việt Nam Của Cha” (nguyên bản ‘My Vietnam, Your Vietnam’) không chỉ là tự truyện của cha và con, kể lại hành trình đi tìm nguồn cội của tác giả, Christina Võ, mà còn là cách cô “hòa giải” – chữa lành vết thương giữa hai thế hệ – giữa cô và người cha, ông Nghĩa Võ, một bác sĩ quân y VNCH, cũng là đồng tác giả.
Không rõ do một cơ duyên nào mà ba người ấy – ba nhà thơ nữ, ba tâm hồn, ba định mệnh, ba trải nghiệm, ba cuộc đời, ba ngọn suối nguồn thơ ca lại rủ nhau về hợp lưu tụ hội trong một tuyển thơ đặc sắc, hiếm có...
Tác giả của cuốn sách này, Bác sĩ Ngô Thế Vinh, là một trong những nhân vật hàng đầu trong đời sống văn học ở Nam Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, và đã từng quen biết với tất cả những nhân vật mà ông phác thảo. Bác sĩ Vinh là bác sĩ chuyên ngành nội khoa tại một Trung Tâm Y Khoa Long Beach, Nam California. Ông cũng là một tác giả không biết mỏi mệt, với các tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, các sách bình luận văn hóa (như cuốn này) và các bài tường trình khảo sát. Đặc biệt, ông đã đích thân thực hiện chuyến đi điền dã theo suốt chiều dài 4.800 km của sông Mekong và đã viết hai cuốn sách nói về sự tồn vong của con sông này, một con sông lớn của thế giới và là mạch sống của hơn 70 triệu người sống dọc theo hai bờ con sông và nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Người Hát là tập thơ đầu tiên của Bùi Mai Hạnh. Một tập thơ đặc sắc. Một trong những chủ đề là những quan tâm xã hội được nhìn dưới khía cạnh trữ tình, sự bình đẳng, tự do, và các mối quan hệ giữa người và người. Thơ chị không trừu tượng, không có những ý tưởng tổng quát, mà chứa đầy sự kiện, các chi tiết. Có một truyền thống văn hóa và tinh thần ở đó, trong những bài thơ có tính hiện đại và đương đại của chị. Thơ Bùi Mai Hạnh trực tiếp mô tả, trong khi hàm chứa những yếu tố triết lý lặng lẽ. Mối quan hệ của chị với người khác, trong tình bạn, trong tình yêu, là những mối quan hệ sâu đậm, mạnh, khó khăn. Tất cả các đề tài đều có thể có mặt: sự chống trả quyết liệt đối với số phận, sự đề kháng xã hội, sự sợ hãi và hèn yếu, tất cả có mặt trong thơ Hạnh.
Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa - đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp...
Những Ngày Thơ Ấu của Võ Phú là cánh cửa mở ra thế giới tuổi thơ, tựa một bản giao hưởng của nỗi nhớ, nhưng cùng lúc chính là tiếng vọng của văn học Việt Nam hải ngoại, vốn từ lâu vẫn luôn phải đối diện với những câu hỏi không dễ trả lời: Chúng ta viết gì? Viết cho ai? Và viết bằng ngôn ngữ nào?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.