Dù buổi họp tuần rồi giữa Trump và Zelensky hoàn toàn thất bại và được xem là rơi vào bế tắc, phương tây và Kyiv vẫn kỳ vọng vẫn còn con đường để mở lại đối thoại cho thỏa thuận này vì đây vẫn là một bước đệm để giữ được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến với Nga.
Mặc dù thỏa thuận này không bao gồm yêu cầu trước đây của Trump về việc Hoa Kỳ được hưởng nguồn khoáng sản hiếm và quan trọng của Ukraine, trị giá lên đến 500 tỷ MK, nhưng nó vẫn mang lại một lợi ích quan trọng: giúp Washington đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản thiết yếu cho nền kinh tế thế kỷ 21 – những tài nguyên mà lâu nay Hoa Kỳ phải phụ thuộc nhiều vào các quốc gia khác, đặc biệt là TQ.
Các loại khoáng sản hiếm như gallium có vai trò then chốt trong công nghệ quốc phòng tiên tiến, nhưng lại rất khan hiếm tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, TQ – nhà cung cấp gallium hàng đầu thế giới – đã lợi dụng nguồn tài nguyên này làm quân bài mặc cả với Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã cấm xuất cảng khoáng sản hiếm sang Hoa Kỳ nhằm đáp trả việc Washington áp thuế cao hơn đối với hàng hóa TQ.
Không chỉ riêng gallium, nhiều khoáng sản khác cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân sự, từ sản xuất phi đạn, linh kiện điện tử cho đến các phương tiện chạy bằng điện. Ukraine được cho là có 22 trong số 34 loại khoáng sản mà Liên Âu (EU) đánh giá là thiết yếu đối với nền kinh tế và quốc phòng.
Vấn đề đối với Hoa Kỳ là TQ hiện đang chiếm phần lớn nguồn cung cấp một số khoáng sản quan trọng. Vì vậy, Trump coi việc kết thúc chiến tranh Ukraine là cơ hội để Hoa Kỳ tìm kiếm các nguồn tài nguyên thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào TQ; như vậy, Washington sẽ dễ dàng theo đuổi chính sách đối đầu mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có vẻ như Trump đã không lường trước rằng TQ sẽ nhanh chóng đáp trả chính sách thuế quan của Washington bằng cách siết chặt xuất cảng các khoáng sản quan trọng.
Trong ngành công nghiệp quốc phòng, gallium được đánh giá cao nhờ tính ổn định và độ bền vượt trội. Đây là nguyên tố quan trọng trong việc phát triển hệ thống radar, liên lạc vệ tinh và các hệ thống tác chiến điện tử (electronic warfare systems). Ngoài ra, gallium còn là thành phần không thể thiếu trong các mô-đun đa chip (multi-chip modules) được sử dụng trong hệ thống điều hướng và kiểm soát không lưu.
Bên cạnh gallium, Ukraine còn sở hữu trữ lượng lớn graphite, một nguyên tố quan trọng trong sản xuất xe điện và lò phản ứng hạt nhân. Ukraine cũng chiếm khoảng một phần ba trữ lượng lithium của Âu Châu (lithium là nguyên liệu dùng trong ngành sản xuất pin).
Không chỉ Ukraine, Trump cũng để mắt đến Greenland. Với nguồn tài nguyên phong phú, Greenland có thể trở thành giải pháp thay thế giúp Hoa Kỳ giảm sự phụ thuộc vào các khoáng sản trong tay TQ.
Vì sao TQ lại quan trọng đến vậy?
Mối lo ngại về TQ không chỉ ảnh hưởng đến cách Trump điều hành nền kinh tế mà còn tác động đến các chính sách đối ngoại của ông, đặc biệt là trong mối quan hệ với Nga. Một trong những vấn đề khiến Trump trăn trở nhất chính là mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa TQ và Nga.
Hiện nay, TQ hiển nhiên là bên chi phối trong liên minh Trung – Nga, và sự hợp tác giữa hai bên đang mở rộng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự, kinh tế đến công nghệ. Điều này khiến Trump cho rằng cần có một chiến lược đối phó mạnh mẽ nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Chính quyền của ông đã tìm cách phá vỡ liên minh này bằng cách mềm mỏng hơn với Nga, một nước đi khiến giới lãnh đạo châu Âu không khỏi sửng sốt.
Nhưng lý do quan trọng nhất khiến Trump quyết tâm đối đầu với TQ chính là sự cạnh tranh kinh tế. Trump từ lâu đã xem TQ là đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ, là rào cản ngăn ông thực hiện tham vọng “Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại.”
Trong mắt Trump, TQ đang làm tổn hại đến nền kinh tế Hoa Kỳ thông qua các chính sách mậu dịch không công bằng, sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào chuỗi cung ứng TQ và các chiến lược địa lý chính trị của Bắc Kinh. Một cố vấn kinh tế của ông cho rằng các công ty, xí nghiệp Mỹ đang bị thiệt thòi do sự thao túng của chính phủ TQ, tình trạng đánh cắp công nghệ và sự mất cân bằng nghiêm trọng trong mậu dịch song phương.
Để giải quyết vấn đề này, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan lên hàng trăm tỷ MK hàng nhập cảng từ TQ, với mục tiêu tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty, xí nghiệp nội địa. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Trump còn muốn đánh vào nền kinh tế xuất cảng của TQ, khiến các công ty nước này gặp nhiều khó khăn hơn khi bán hàng tại thị trường Mỹ. Chính sách thuế quan của Trump không chỉ nhắm vào TQ mà còn được cân nhắc áp dụng đối với Âu Châu, nhằm tái định hình cán cân thương mại toàn cầu.
Khi quyết định đánh thuế trên quy mô lớn, Trump đang tìm cách thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cũng tin rằng việc kết thúc cuộc chiến ở Ukraine sẽ giúp Washington tập trung nguồn lực vào việc đối phó với Bắc Kinh.
Ngoài ra, Trump còn sử dụng vấn đề fentanyl để làm lý do cho các chính sách thuế quan của mình. Các nhà máy TQ đang sản xuất fentanyl hàng loạt và tuồn vào Hoa Kỳ qua nhiều kênh khác nhau, khiến cuộc khủng hoảng ma túy tại Mỹ ngày càng nghiêm trọng. Để đối phó, Trump đã đề ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn và áp thuế cao hơn đối với các công ty TQ bị nghi ngờ có liên quan.
Sau khi Bắc Kinh phản đòn bằng cách cắt nguồn cung cấp khoáng sản, Trump buộc phải tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và đạt được một thỏa thuận khai thác tài nguyên với Kyiv trước khi nền kinh tế Hoa Kỳ thấm đòn. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ giúp Washington có được một nguồn cung cấp thay thế, tự tin thực hiện các chính sách đối đầu mạnh mẽ hơn với TQ mà không phải lo ngại về hậu quả kinh tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây tuyên bố rằng Nga đã kiểm soát 20% nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Hơn nữa, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Ukraine đã không được đầu tư chỉn chu trong gần một thập niên, nên việc phát triển và khai thác các mỏ khoáng sản mới gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả khi Hoa Kỳ rót vốn vào lĩnh vực này, các nhà đầu tư có thể phải mất nhiều năm mới thu được lợi nhuận.
Vì vậy, ngay cả khi thỏa thuận với Ukraine diễn ra êm xuôi, Trump vẫn sẽ phải đợi một thời gian dài trước khi nguồn khoáng sản của Ukraine có thể đáp ứng nhu cầu chiến lược của Hoa Kỳ.
Nguồn: “Why Trump really wants Ukraine’s minerals – China has put theirs off limits” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn