
(WASHINGTON, ngày 26 tháng 2, Reuters) – Tòa Bạch Ốc đã từ chối cấp quyền hoạt động cho các phóng viên của Reuters và một số hãng tin lớn khác trong cuộc họp nội các đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, tuân theo chính sách mới của chính phủ về kiểm soát phạm vi hoạt động của báo chí.
Theo đó, một nhiếp ảnh gia của Associated Press (AP), cùng ba phóng viên từ các tờ báo Reuters, HuffPost và Der Tagesspiegel của Đức đã bị cấm tham dự. Ngược lại, các ekip truyền hình từ ABC và Newsmax, cùng các phóng viên của Axios, The Blaze, Bloomberg News và NPR lại được phép tham dự và đưa tin về sự kiện.
Hôm thứ Ba (25/2), chính quyền Trump đã thông báo rằng Tòa Bạch Ốc sẽ trực tiếp quyết định những cơ quan truyền thông nào được phép tham gia đưa tin về Tổng thống trong các không gian nhỏ, chẳng hạn như Phòng Bầu Dục (Oval Office).
Trưởng Phòng Báo Chí Bạch Ốc Karoline Leavitt cho biết các tổ chức truyền thông truyền thống vẫn có thể tiếp tục đưa tin về Tổng thống Trump hàng ngày, nhưng danh sách các phóng viên được phép hoạt động trong những không gian nhỏ hơn sẽ có thay đổi.
Trước đây, việc này do Hiệp hội Phóng viên Tòa Bạch Ốc (WHCA) lo liệu. WHCA điều phối nhóm phóng viên luân phiên để đảm bảo tính khách quan và công bằng cho các hãng truyền thông. Trong nhiều thập niên, Reuters, một hãng thông tấn quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn, đã luôn là thành viên trong nhóm này.
Tuy nhiên, với chính sách mới, Tòa Bạch Ốc sẽ trực tiếp lựa chọn những hãng truyền thông được phép tham gia, thay vì tuân theo cơ chế luân phiên của WHCA.
Ba hãng thông tấn lớn nhất thường trực trong nhóm phóng viên Tòa Bạch Ốc – AP, Bloomberg và Reuters – đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố chung để phản đối chính sách mới.
“Chúng tôi đã nỗ lực suốt nhiều năm để đảm bảo rằng các thông tin chính xác, công bằng và kịp thời về Tổng thống được truyền tải đến đông đảo công chúng thuộc mọi khuynh hướng chính trị, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới. Phần lớn thông tin về Tòa Bạch Ốc mà người dân đọc được qua các kênh truyền thông địa phương thực chất đều đến từ các hãng thông tấn này.”
Tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Trong một nền dân chủ, điều tối quan trọng là công chúng phải có quyền được biết các thông tin về chính phủ của họ thông qua một nền báo chí độc lập và tự do.”
Ngay sau khi quyết định của Tòa Bạch Ốc được công bố, HuffPost đã lên tiếng chỉ trích, gọi hành động này là vi phạm quyền tự do báo chí theo Tu Chính Án Thứ Nhất. Cùng ngày, Hiệp hội Phóng viên Tòa Bạch Ốc (WHCA) cũng ra thông cáo phản đối chính sách mới. Trong khi đó, tờ Der Tagesspiegel chưa đưa ra bình luận chính thức.
Việc cấm cửa một số hãng tin được cho là bắt nguồn từ xung đột trước đó giữa chính quyền Trump và Associated Press (AP). Cụ thể, Bạch Ốc đã loại AP khỏi nhóm phóng viên Tòa Bạch Ốc vì hãng này từ chối sử dụng cái tên “Gulf of America” thay cho “Gulf of Mexico.” Đồng thời, AP cũng không chịu cập nhật cẩm nang biên tập của mình để thay đổi cách gọi tên địa danh theo ý Trump.
Leavitt nhấn mạnh rằng năm kênh truyền hình lớn vẫn sẽ tiếp tục giữ ghế luân phiên trong nhóm phóng viên Tòa Bạch Ốc, nhưng chính quyền cũng đang lên kế hoạch bổ sung các nền tảng phát trực tuyến (streaming services) vào danh sách các đơn vị truyền thông được phép đưa tin.
Ngoài ra, các phóng viên báo giấy và đài phát thanh vẫn sẽ được phép tham gia, nhưng danh sách này sẽ mở rộng để bao gồm thêm một số hãng tin mới và các chương trình phát thanh khác.