
Vào ngày 24/2 vừa qua, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này vào dịp Nga xâm lăng Ukraine đúng ba năm trước.
Nghị quyết LHQ, do Ukraine và Liên Hiệp Âu châu soạn thảo, yêu cầu Nga phải rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine ngay lập tức, được 93 nước ủng hộ, 18 nước chống, 65 nước bỏ phiếu trắng, và 17 nước vắng mặt trong số 193 hội viên.
Khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết của Ukraine, hội trường đã nổ ra tràng pháo tay lớn.
Mariana Betsa,Thứ Trưởng Ngoại Giao Ukraine, phát biểu trước Đại Hội Đồng: “Đây là khoảnh khắc của sự thật, một khoảnh khắc lịch sử, một khoảnh khắc sẽ định hình tương lai của Ukraine và thế giới tự do.”
Nicolas de Rivière, Đại Sứ Pháp cho biết “Đất nước của ông ủng hộ một nền hòa bình công bằng, và không phải là sự đầu hàng của nạn nhân. Sẽ không có hòa bình và an ninh ở bất cứ đâu nếu những hành vi xâm lược được đền đáp và nếu luật rừng chiến thắng.”
Nghị quyết do Đại Hội Đồng LHQ thông qua không mang tính ràng buộc. Điều này có nghĩa là nghị quyết LHQ không có hiệu lực pháp lý nhưng được coi là sự thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế.
Bản tin của Người Việt Kiev cho biết thêm “Nghị quyết cũng tái khẳng định nhu cầu chấm dứt chiến tranh trong năm nay và tăng gấp đôi các nỗ lực ngoại giao để giảm thiểu nguy cơ leo thang và đạt được hòa bình công bằng và lâu dài tại Ukraina theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.”
Theo báo Washington Post, Hoa Kỳ đã áp lực Ukraine hủy bỏ dự thảo nghị quyết của nước này nhưng Ukraine cương quyết giữ vững lập trường. Ngoài Ukraine, Hoa Kỳ còn áp lực nhiều nước khác chống lại nghị quyết do LHQ đưa ra để biểu quyết trước Đại Hội Đồng, nhưng kết quả chỉ có 18 nước chống kể cả Hoa Kỳ và Nga.
Vì không thuyết phục được Ukraine, Hoa Kỳ đã tự soạn thảo và bỏ phiếu cho một nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, kêu gọi chấm dứt xung đột, nhưng không có lời chỉ trích nào đối với Nga, không đòi hỏi Nga rút quân ra khỏi những vùng đã chiếm của Ukraine mà chỉ chú trọng đến việc chấm dứt chiến tranh. Hội Đồng Bảo An đã thông qua nghị quyết này với số phiếu 10 trên 0 với năm phiếu vắng mặt. Hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ là Anh và Pháp đã bỏ phiếu trắng thay vì dùng quyền phủ quyết sau khi những nỗ lực sửa đổi văn bản của họ bị bác bỏ.
Vài ngày trước, Tổng thống Trump đã gọi Volodymyr Zelensky, Tổng Thống Ukraine, là một "kẻ độc tài" và tuyên bố sai sự thật rằng Ukraine đã bắt đầu chiến tranh.
Thượng Nghị Sĩ John Curtis (Cộng Hòa, Utah) cho biết trên X rằng ông "rất lo lắng" về cuộc bỏ phiếu "đặt chúng ta vào cùng phe với Nga và Triều Tiên. Họ không phải là bạn của chúng ta. Thái độ này là sự thay đổi đáng kể so với lý tưởng của người Mỹ về tự do và dân chủ.”
Thượng Nghị Sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ, Rhode Island) hôm thứ Hai đã gọi sự phản đối của Hoa Kỳ đối với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine là "một sự ô nhục".
Ông nói "Cuộc bỏ phiếu này là một sự ô nhục. Sự phản bội vô nghĩa của Trump đối với các liên minh đã giữ cho người Mỹ an toàn kể từ Thế chiến II và lòng trung thành của ông ta với kẻ xâm lược giết người Putin là mối đe dọa an ninh quốc gia".
Cựu lãnh tụ đa số tại Thượng viện Mitch McConnell (Công Hòa, Kentucky) hôm thứ Hai cho rằng việc Tổng Thống Trump từ chối buộc tội Nga là kẻ xâm lược duy nhất gây ra cuộc chiến ở Ukraine "phản ánh sự hiểu lầm nghiêm trọng về bản chất của các cuộc đàm phán và đòn bẩy".
Ông cũng cảnh báo rằng “Mỹ có quyền tìm cách chấm dứt cuộc chiến này, nhưng một kết thúc không thể kiềm chế tham vọng của Nga, đảm bảo chủ quyền của Ukraine hoặc củng cố uy tín của Mỹ với đồng minh và cả đối thủ thì không phải là kết thúc.”
Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ, California) cho biết rằng cuộc bỏ phiếu "trái ngược với sự ủng hộ lâu dài của chúng ta đối với nền dân chủ."
Richard Gowan, Giám Đốc Của Liên Hiệp Quốc về Khủng Hoảng Quốc Tế, cơ sở nghiên cứu và giám sát các cuộc xung đột vũ trang, cho biết Liên Hiệp Quốc chưa từng chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc như vậy giữa Hoa Kỳ và Châu Âu kể từ sau cuộc chiến tranh ở Iraq, và sự chia rẽ hiện tại mang tính rõ ràng hơn vì nó liên quan đến an ninh của Châu Âu.
Joachim-Friedrich Merz, một lãnh tụ của Đảng Christian Democratic Union, Đức Quốc, sẽ trở thành Thủ Tướng Đức, lên tiếng chỉ trích Donald Trump là tay sai của Putin. Ông tuyên bố “Tôi đang trao đổi chặt chẽ với nhiều nguyên thủ quốc gia trong LHAC, vì đối với tôi, ưu tiên hàng đầu là củng cố châu Âu càng nhanh càng tốt để chúng ta có thể giành được độc lập với Hoa Kỳ, từng bước một.”
Ông nói tiếp “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải nói điều gì đó như thế trên TV, nhưng sau những tuyên bố mới nhất của Donald Trump vào tuần trước, rõ ràng là người Mỹ - hay nói cách khác là những người Mỹ này, chính quyền này - phần lớn không quan tâm đến số phận của châu Âu theo cách này hay cách khác!”
Nguy hiểm hơn nữa là Trump chủ trương cải thiện bang giao lâu dài với chính thể độc tài chuyên chế Nga, theo đó Hoa Kỳ đang cứu xét bãi bỏ cấm vận do chính quyền Biden áp đặt để trừng phạt Nga xâm lược Ukraine từ tháng 2, 2022. Trump đã đồng ý thỏa mãn Putin ba đòi hỏi để chấm dứt chiến tranh. Một là Nga có quyền giữ những vùng đã chiếm được của Ukraine. Thứ hai, quân Ukraine phải rút khỏi Kursk để trả lại vùng này cho Nga, Ba là Ukraine không được gia nhập NATO. Đòi hỏi thứ tư của Nga chính là chấm dứt lệnh cấm vận.
Do hậu quả của cấm vận, nền kinh tế của Nga đang trì trệ, và lạm phát đã tăng vọt. Nhiều sản phẩm và linh kiện không có sẵn. Hơn một nghìn công ty nước ngoài đã hạn chế hoạt động của họ tại Nga. Nhiều nước đã đóng băng $300 tỷ tài sản của Nga, cấm nước này tham gia vào hầu hết hệ thống tài chính toàn cầu và hạn chế những gì nước này có thể mua và bán.
Trump có thể đề nghị dỡ bỏ lệnh trừng phạt để thuyết phục Nga thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Nhưng ông sẽ không thể hành động một mình. Theo một phân tách của New York Times, tài sản bị đóng băng của Nga được nắm giữ bởi một số quốc gia. Hai phần ba ở châu Âu và một số nhà lãnh đạo cho biết số tiền này nên được dùng để tái thiết Ukraine. Liên Minh Châu Âu, trước đây là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, cũng có thể duy trì lệnh cấm đối với hầu hết các giao dịch thương mại và nhiên liệu.
Trump đã bôi nhọ nước Mỹ khi ra lệnh chống nghị quyết LHQ lên án cuộc xâm lăng của Nga đứng về phe với Belarus, Hungary, Bắc Triều Tiên, và Do Thái. Trump đã thất bại thê thảm khi Nghị quyết của Ukraine được 93 quốc gia hộ so với 18 nước chống.
Ngay cả Canada, Ireland, Bắc Âu, những nước Baltic nhỏ, Úc và cả Nhật cũng sắn tay áo vào giúp Ukriane bảo vệ lãnh thổ cùng với Liên Hiệp Âu Châu. Trump mưu toan buộc Ukraine đầu hàng Nga xâm lăng là một điều vô cùng nhục nhã cho Mỹ. Trước đây, Âu châu luôn luôn nhớ ơn nước Mỹ đã hai lần giải cứu họ trong Thế Chiến I & II. Trump sẽ gặp khó khăn vì sự chống đối ngay trong nội bộ nước Mỹ và sẽ thất bại trước sự đoàn kết của Âu Châu.
Nguyễn Quốc Khải
THAM KHẢO
(1) Karen DeYoung, 9031 John Hudson and Siobhán O'Grady, “U.S. votes against U.N. resolution condemning Russia for Ukraine war.” Washington Post, February 24, 2025.
(2) Elizabeth Crisp, “These 17 countries voted with US against Ukraine UN resolution.” The Hill, February 24, 2025.
(3) Farnaz Fassihi, “U.S. and European Allies Split Sharply at the U.N. Over Ukraine,” New York Times, February 24, 2025.
(4) Người Việt Kiev, “Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ủng hộ nghị quyết lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống Ukraina: Hoa Kỳ và Nga bỏ phiếu chống.” February 24, 2025.
(5) James Landale, “US sides with Russia in UN resolutions on Ukraine.” BBC, February 25, 2025.
(6) Patricia Cohen, “Sanctions Against Russia.” New York Times, February 20, 2025.