
(WASHINGTON, ngày 24 tháng 2, Reuters) – Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ khiếu nại của hãng tin Associated Press (AP) nhằm khôi phục lại quyền hoạt động của hãng tin, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm họ vì không chịu dùng tên mới thay cho “Gulf of Mexico” trong các bản tin.
Thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang Trevor McFadden, người được Trump bổ nhiệm, đã từ chối yêu cầu của AP về việc ra lệnh cấm tạm thời để khôi phục ngay lập tức quyền hoạt động cho các phóng viên của mình ở Phòng Bầu Dục (Oval Office), phản lực cơ Air Force One, cùng các sự kiện quan trọng của Bạch Ốc.
Theo McFadden, lệnh cấm AP lần này không giống những vụ kiện trước đây, trong đó tòa án từng ngăn cản chính phủ thu hồi quyền hoạt động của giới báo chí. Ông cho rằng Oval Office và Air Force One là những khu vực có tính riêng tư của Tổng thống, nên Tổng thống có quyền quyết định ai được vào.
“Tôi chưa thấy AP có đủ cơ sở để giành chiến thắng trong vụ kiện này,” McFadden tuyên bố trong phiên tòa. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng Tòa Bạch Ốc đã có dấu hiệu phân biệt đối xử với AP chỉ vì cách họ đưa tin, và “điều đó thực sự có vẻ không ổn.”
Ngay sau phán quyết của tòa án, Bạch Ốc tuyên bố rằng quyền được gặp và “đặt câu hỏi cho Tổng thống là một đặc quyền dành cho các nhà báo, chứ không phải là quyền lợi bất khả xâm phạm được luật pháp đảm bảo.”
Trong khi đó, phát ngôn viên của AP khẳng định hãng tin sẽ “tiếp tục tranh đấu bảo vệ quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận của công chúng,” đồng thời phản đối bất kỳ hình thức trả đũa nào từ phía chính phủ.
Hôm thứ Sáu (21/2), AP đã nộp đơn kiện ba viên chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc, cáo buộc rằng lệnh cấm của chính quyền Trump đã vi phạm Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo AP, chính quyền Trump đã lạm quyền khi hạn chế quyền tự do báo chí, đồng thời tìm cách ép buộc các nhà báo phải sử dụng các từ ngữ do chính phủ quy định khi đưa tin.
“Hiến pháp Hoa Kỳ ngăn cấm Tổng thống hoặc bất kỳ viên chức chính phủ nào ép buộc các nhà báo hoặc bất kỳ ai phải sử dụng những từ ngữ do chính phủ quy định khi loan tin,” Charles Tobin, luật sư đại diện cho AP, phát biểu trong phiên tòa.
Đáp lại, các luật sư đại diện cho chính quyền Trump lập luận rằng AP không có quyền hiến định đối với cái được gọi là “đặc quyền phỏng vấn Tổng thống.”
“Hiến pháp Hoa Kỳ không có chỗ nào nói là họ có đặc quyền được gặp và phỏng vấn Tổng thống muôn đời,” Brian Hudak, luật sư Bộ Tư pháp đại diện cho các viên chức chính quyền Trump, tuyên bố.
Ba viên chức Bạch Ốc bị AP kiện bao gồm: Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Susan Wiles, Phó Chánh Văn Phòng Taylor Budowich và Trưởng Phòng Báo Chí Karoline Leavitt. Tuần trước, khi được hỏi về vụ kiện, Leavitt cho hay: “Chúng tôi tin rằng mình đã làm đúng.” Trong khi đó, Wiles và Budowich từ chối bình luận về vụ kiện.
Vụ kiện này bắt nguồn từ một sắc lệnh hành pháp mà Trump ký vào tháng trước, chỉ đạo Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ đổi tên “Vịnh Mexico” (Gulf of Mexico) thành “Vịnh Hoa Kỳ” (Gulf of America). AP cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng tên gọi truyền thống của vùng vịnh này trong các bản tin, nhưng vẫn sẽ loan tin về nỗ lực đổi tên của Trump một cách khách quan.
Đáp lại, Tòa Bạch Ốc đã ban hành lệnh cấm, không cho các phóng viên của AP được gặp và phỏng vấn Trump cùng các viên chức cấp cao của Bạch Ốc. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà báo AP không thể trực tiếp theo dõi hay đưa tin về những quyết sách quan trọng của chính quyền.
Lệnh cấm của Bạch Ốc đã gây ra làn sóng phản đối trong giới báo chí. Hiệp hội Phóng viên Bạch Ốc (White House Correspondents’ Association) đã đệ trình một bản tóm tắt pháp lý (legal brief) với những lập luận ủng hộ AP, cho rằng hành động của chính quyền Trump “tạo ra tác động răn đe, khiến báo chí e ngại khi loan tin về Tổng thống, bóp méo sự thật truyền tải đến công chúng.” Hãng tin Reuters cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với AP, khẳng định rằng báo chí cần có quyền tự do đưa tin và không nên bị chính phủ can thiệp.