Ảnh: Vợ chồng cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ biểu diễn của GYPSY (Ảnh: Twitter Harris Democrat)
Cuối tuần qua, ở nhà hát Majestic, New York tràn ngập tiếng vỗ tay khi cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff bước vào. Đoạn video đăng trên broadwayworld và danh khoản Twitter Latina for Kamala cho thấy, vợ chồng cựu phó tổng thống đến thưởng lãm buổi nhạc kịch GYPSY của đạo diễn sáu lần đoạt giải Tony George C. Wolfe. Khi cả hai bước vào, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hô vang “Kamala” cho đến khi dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc mở đầu của GYPSY. Cuối buổi biểu diễn, Harris và Emhoff đứng lên, gửi tràng pháo tay dài cho nghệ sĩ Audra McDonald và các bạn diễn.
Chỉ vài ngày trước đó, bà Deborah Rutter, giám đốc của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy – John F. Kennedy Center for the Performing Arts, thường được gọi là Kennedy Center, bị sa thải. Thay thế bà, không ai khác hơn chính là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump.
Quyết định sa thải diễn ra nhanh chóng trong một cuộc điện thoại, khi bà Deborah Rutter đang họp với đội ngũ nhân viên dưới tầng hầm của Kennedy Center. Trước đó, Trump đã sa thải hàng loạt thành viên hội đồng quản trị để đưa vào những đồng minh của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư Pháp Pam Bondi, Đệ Nhị Phu Nhân Usha Vance, cựu Bộ trưởng Giao Thông Elaine Chao. Hội đồng quản trị mới đã không chần chừ, bầu tổng thống lên làm chủ tịch của Kennedy Center – điều chưa từng có tiền lệ.
Kennedy Center là “cái nôi nghệ thuật” của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, được biết đến như một đài tưởng niệm sống động dành cho cố Tổng thống John F. Kennedy, người đã thúc đẩy nghệ thuật như một phần quan trọng của bản sắc Mỹ. Với khán phòng Opera House; Concert Hall, Eisenhower Theater, Terrace Theater, Family Theater, và Millennium Stage, The REACH, mỗi một nhà hát dùng để biểu diễn một thể loại nghệ thuật khác nhau, từ nhạc thính phòng, nhạc kịch, cho đến các buổi diễn tập cho mục đích giáo dục.
Đối với bà Deborah Rutter, Kennedy Center là “ngọn hải đăng cho nghệ thuật trên khắp nước Mỹ.” Bà nói với NPR: “Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, đạt được rất nhiều thành tựu trong thập kỷ qua để thực sự mở rộng nhiều chương trình, mời gọi các loại hình nghệ thuật và nghệ sĩ đến với sân khấu của chúng tôi. Khán giả đến với Kennedy Center ngày càng nhiều là nhờ như thế. Tôi cầu nguyện cho điều đó có thể được duy trì. Nhưng đó lại chính là mối quan tâm lớn nhất của tôi.”
Không quan tâm sao được, khi tân chủ tịch của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy, người kinh doanh bất động sản và sòng bài, tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nói với truyền thông trên chuyên cơ Air Force One ngày ông ta đến New Orleans xem Super Bowl LIX: “Tôi có thông tin báo lại rằng (Kennedy Center) rất tệ.” Chính vì vậy nên, “Không. Tôi đã không muốn đến đó xem. Chẳng có gì để tôi phải xem.” Đó là câu trả lời cho câu hỏi của một phóng viên, “tổng thống đã xem bất kỳ buổi biểu diễn nào ở đó chưa?”
Cựu chủ tịch của Kennedy Center là tỷ phú David Rubenstein, do Tổng tống George W. Bush bổ nhiệm năm 2004. Ông là một nhà từ thiện nổi tiếng trong việc quyên góp tiền để phục chế các hiện vật của lịch sử Hoa Kỳ, đóng góp cho Viện Smithsonian. Ông cũng là chủ tịch của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia. Chính tỷ phú Rubenstein là người đã phỏng vấn Donald Trump năm 2014 tại Economic Club of Washington, chỉ sáu tháng trước khi Trump mở đầu chiến dịch tranh cử, làm ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Trong buổi phỏng vấn đó, Trump đã khẳng định “rất nghiêm túc trong ý định tranh cử 2016.”
Không ai không biết, trước khi Donald Trump bước vào con đường chính trị ngày nay thì ông ta đã dùng ngành công nghiệp giải trí để đầu tư sự nghiệp trong nhiều thập kỷ, bao gồm nhiều vai trò khác nhau. Từ talk-show, khách mời trong phim ảnh, các giải đấu vật, cho đến nhà sản xuất chương trình. Vai trò đa diện của Donald Trump trong các lĩnh vực đó không có gì khác hơn là thu về lợi nhuận. Thực tế là Donald Trump cũng từng thành công. Cùng với gia sản $413 triệu đô-la thừa hưởng từ người cha quá cố, Trump nghiễm nhiên là một quý tộc giàu có, được thế giới biết đến là tỷ phú Donald Trump. Dinh thự Mar-a-lago của Trump dát vàng khắp nơi, từ sảnh lễ tân cho đến phòng ngủ.
Thực tế là Donald Trump sống đời quý tộc. Không như lão Giuốc-Đanh (Monsieur Jourdain) của đại văn hào Pháp Jean-Baptiste Poquelin, nhờ tài sản cha mẹ để lại mà trở nên giàu có. Khao khát muốn trở thành nhà quý tộc, lão kiếm hai tên hầu nhưng chẳng biết sai bảo chúng làm gì. Lão mời thầy về dạy nhạc, dạy múa. Để ra dáng nhà quý phái, lão phải mặc bộ áo dài để nghe nhạc. Hàng tuần Giuốc-Đanh đều tổ chức một buổi hòa nhạc tại nhà vì lão được biết những người sang trọng đều làm như vậy. Bác phó may mang tới cho Giuốc-Đanh bộ lễ phục may hoa ngược, khiến lão tức giận. Nhưng khi nghe giải thích rằng quý tộc đều mặc như vậy, lão tỏ vẻ rất hài lòng. Giuốc-Đanh cùng bộ quần áo mới với đám quân hầu của mình. Bà vợ ngạc nhiên trước những trò hề của chồng, tìm mọi cách can ngăn nhưng đều vô ích.
Rõ ràng mười mươi lão Giuốc-Đanh là “quý tộc giả,” còn Donald Trump là “quý tộc thật” – nếu hiểu theo nghĩa đen. Donald Trump cũng là người “yêu ánh đèn sân khấu” – nhưng chỉ là ánh đèn phản chiếu soi rọi chính gương mặt của mình.
Nguồn gốc của nghệ thuật có từ hàng chục ngàn năm trước, như một cách căn bản để con người thể hiện bản thân, giao tiếp và hiểu được thế giới. Nghệ thuật đã phát triển qua các nền văn hóa và khoảng thời gian, qua nhiều hình thức, thể loại. Lĩnh hội nghệ thuật, đòi hỏi không chỉ trái tim, mà còn ở tri thức. Trái tim cho sự đồng cảm. Tri thức cho sự nhận xét. Cả hai đều không tìm thấy ở Donald Trump.
Jonathan Guthrie của Financial Times mô tả ông ta là một “ám ảnh ái kỷ,” một dạng người quá yêu mình rồi từ đó đánh giá quá cao năng lực của mình, thiếu sự đồng cảm, chối bỏ bằng chứng và đánh đổi rủi ro của người khác. Những đặc điểm này thường dẫn đến các cuộc đàm phán đầy thách thức và coi thường giải pháp hợp tác hòa bình. Dạng người này sẽ không chấp nhận sự khác biệt, mà ngược lại, họ phán xét người khác dựa trên chủ nghĩa cá nhân cực hữu của chính mình. Dạng người này, sẽ ngồi nghe một bản giao hưởng với lon Coke trên tay, hoặc xem một vở nhạc kịch như xem những đồng token nhảy múa, hoặc nhìn chiếc mặt nạ của Phantom Of The Opera như miếng giấy tô màu bị lỗi.
Khi đặt mình vào vị trí chủ tịch của Kennedy Center, Trump tuyên bố nơi này sẽ không còn các chương trình “drag show” hoặc “tuyên truyền chống lại nước Mỹ” nữa, mà “chỉ những thứ tốt nhất.” Đáp lại điều này, cựu giám đốc Deborah Rutter nói với NPR:
“Tôi là một theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi là một người tin tưởng vào tác phẩm của nghệ sĩ. Tôi không phải là người tuyên truyền. Tôi không phải là một chính trị gia. Nghệ thuật tự nói lên điều đó. Nghệ thuật đôi khi không khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhưng nó đang kể câu chuyện về con người chúng ta và tất cả các nghệ sĩ, như tất cả người Mỹ, đều có quyền tự do ngôn luận.”
Theo bà Rutter, rất nhiều người đã đến xem các buổi biểu diễn ở Kennedy Center vì họ được chào đón ở nơi ấy. Bà thật sự lo lắng làm thế nào có thể duy trì những gì trung tâm đã làm để thực sự mở rộng cánh cửa và bảo đảm rằng Kennedy Center không chỉ chào đón tất cả mọi người, mà còn nhìn thấy chính họ, lắng nghe câu chuyện của họ trên sân khấu?
Qua nhiều thập niên, Kennedy Center không chỉ là trung tâm biểu diễn nghệ thuật địa phương nữa. Nó là hình ảnh đại diện cho nước Mỹ với thế giới, mời gọi thế giới đến với thủ đô Hoa Kỳ để nơi này trở thành ngôi nhà cho tất cả các nền nghệ thuật. Nhưng chỉ ngay sau khi Kennedy Center có chủ tịch mới, nghệ sĩ Renée Fleming, người có giọng ‘soprano’ nổi tiếng, đã thông báo cô sẽ từ chức cố vấn nghệ thuật. Diễn viên và đạo diễn Issa Rae cho biết cô sẽ hủy bỏ chương trình “An Evening with Issa Rae” đã bán hết vé ở Kennedy Center trong tháng tới.
Rae viết trong một bài đăng trên Instagram: “Do những gì tôi tin là vi phạm các giá trị của một tổ chức luôn trung thành tôn vinh các nghệ sĩ của mọi loại hình nghệ thuật, tôi đã quyết định hủy bỏ sự tham dự của mình tại địa điểm này.” Rae cho biết người mua vé sẽ được hoàn trả tiền.
Trở lại với New York city, cuối tuần qua, cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris lại có thêm một ngày đắm mình vào khuôn nhạc và chuyển động kỳ diệu của “A Wonderful World: The Louis Armstrong Musical” trên sân khấu Broadway với sự đón tiếp nồng hậu của các nghệ sĩ. Còn tổng thống đương nhiệm Donald Trump thì sao?
Sau cùng thì người ta có thể tống giam người ca sĩ, nhưng không thể giam cầm bài hát*. Trung tâm nghệ thuật quốc gia Kennedy Center có thể tạm thời lọt vào tay buôn, nhưng tinh thần nghệ thuật và những con người thực sự làm nên văn hóa sẽ không bao giờ lẫn lộn bộ trang phục của Giuốc-đanh với giá trị nghệ thuật đích thực.
Kalynh Ngô
* "You can cage the singer but not the song." — Harry Belafonte
Nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam, cũng là 50 năm xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại, Khoa Lịch sử trường Đại học California, Irvine tổ chức một chuỗi sự kiện trong 3-ngày: từ ngày 7 tới ngày 9 tháng Năm năm 2025.
Thương nhớ. Cảm động. Ngậm Ngùi. Và ước mơ một ngày quê nhà sẽ có dân chủ, khi đó Sài Gòn sẽ được hồi phục tên cũ. Đêm nhạc Trần Chí Phúc với chủ đề Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm vào chiều Thứ Bảy 19/4/2025 đã chạm rất ngọt ngào và cay đắng vào trái tim của những người con Sài Gòn.
“Năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là cột mốc 50 năm kể từ ngày những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ kiên cường, dựng xây và tái định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Trong suốt hành trình đó, nghệ thuật kể chuyện đã đóng một vai trò thiết yếu—lưu giữ lịch sử, mở rộng tương lai, và thắt chặt cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được mang đến cho quý vị VietBook Fest năm nay—không chỉ một lễ hội sách, mà một không gian để kết nối, đối thoại và tôn vinh Bản Sắc Người Việt 50 Năm.”
Ngày Thứ Bảy 29 tháng 3 năm 2025 tại Citadel Art Gallery, một buổi Ra Mắt Thơ kèm thêm Triển Lãm đã được tổ chức rầm rộ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khách thưởng ngoạn. Buổi hội ngộ văn học, nghệ thuật hy hữu này có sự góp mặt của nhiều tác giả với nhiều hình thái nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn, thơ, sách, và âm nhạc. Gần 200 quan khách hiện diện đã làm bầu không khí nghệ thuật bừng sáng.
Sự ra đi lặng lẽ của họa sĩ Nguyễn Đồng là một một dư vang trầm mặc trong ký ức nghệ thuật Miền Nam – một miền nghệ thuật từng sống động, tự do, nơi mà hội họa được đặt ngang hàng với văn học, triết học, và cả chính trị. Ông không những là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mà còn là nhân chứng của một nền văn hóa từng rực rỡ trước khi bị chôn vùi dưới lớp bụi chiến tranh và chính trị hóa nghệ thuật.
Buổi ra mắt tuyển tập "Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương – Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt" cho thấy sự đóng góp, quý trọng của nhiều nhà văn, nhà thơ đối với nhà thơ nữ này. Độ dày sách này là 544 trang, dày gấp nhiều lần các thi tập trước kia của nhà thơ nữ này. Nơi đây cũng lưu giữ những ký họa, tranh bìa, thủ bút, thơ tặng, bình luận từ hơn 40 văn nghệ sĩ cho Nguyễn Thị Khánh Minh, trong đó có các tên tuổi lớn như Thầy Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Đinh Cường, Đinh Trường Chinh, Trịnh Cung, Trương Đình Uyên, Lê Thánh Thư, Đỗ Hồng Ngọc, và nhiều người khác.
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975).
Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước..
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát:
Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.)
Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những
trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả.
Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.
LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.
*** Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện,
Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.
Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.
Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.
Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.
Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.
Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.
Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.
Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.
Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.
Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.
Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.
Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.
Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.
Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.
Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu. Derek Trần
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.