Năm năm trước, tại Reflecting Pool này, từng ghi dấu một vết nhơ cho nền dân chủ Mỹ bằng cuộc bạo loạn tấn công vào Quốc Hội, và người thua cuộc năm đó gọi là “ngày của tình yêu.” Năm năm sau, vào đúng ngày 17/2/2025, ngày lễ President’s Day, Reflecting Pool là nơi diễn ra một trong 50 cuộc biểu tình trên khắp 50 tiểu bang để nói lên thông điệp chung: “No King Day.”
Từ khoảng một tuần trước, phong trào 50501 Movement đã loan báo về cuộc biểu tình trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, tin nhắn, thư điện tử, kêu gọi người dân xuống đường vào đúng ngày President Day. Tuy vẫn không hội tụ số người kỷ lục như cuộc biểu tình Women’s March năm 2016, nhưng 50501 ngày hôm nay là một tiếng vang lớn, ít nhất là trong thời điểm này, khi người dân phải thét lên: “Where is Congress? Do your job” – Quốc Hội, đang ở đâu? Hãy thực thi trách nhiệm của mình!
Năm 1971, Tổng Thống Richard Nixon ký thành sắc lệnh hành pháp để tôn vinh các vị tổng thống Hoa Kỳ và cũng tạo cơ hội cho nhân viên liên bang được hưởng ba ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, President’s Day, có một ý nghĩa đặc biệt chung cho toàn dân Hoa Kỳ, đó là ngày kỷ niệm thể hiện lòng yêu nước.
Không khí của ngày President’s Day ở Washington DC năm nay không như những năm trước. Không có những hàng xe tải nhỏ bán thức nhanh cho khách bộ hành. Đường phố ở thủ đô không tấp nập người qua lại. Người dân rảo bước nhanh đi về những khu “đầu não” của chính phủ Hoa Kỳ không phải để chiêm ngưỡng và trân trọng, vì trên tay họ là những biểu ngữ phản đối chính quyền tại nhiệm.
Từ phía ngoài đường Independent Ave đã có thể thấy chung quanh bờ hồ Reflection Pool rợp bóng người. Khi đến gần, đã có khoảng chừng trên dưới ngàn người đang tập trung bên ngoài Capitol Hill. Họ đi thành vòng tròn quanh hồ, trật tự, không la hét, chỉ là những tiếng hô vang theo khẩu lệnh phản đối Elon Musk và Donald Trump đang phá hủy chính phủ Hoa Kỳ.
Cô bé nhỏ khoảng chừng 7 tuổi, giật nhẹ tay áo của người phụ nữ đi bên cạnh: “Xin lỗi, vì sao bà mang bộ xương trên vai vậy?” Cô gái này quá bé nhỏ để đọc được dòng chữ “RIP American Democracy 1776-2024” trên lưng của bộ xương.
Người phụ nữ thoáng ngần ngại, nhưng bà cũng kịp tìm ra câu trả lời cho cô bé: “Bởi vì tôi khóc cho nền dân chủ của đất nước chúng ta đã không còn. Rất nhiều người đã hy sinh để cho chúng ta có tự do, công bằng. Nhưng bây giờ, điều đó đã không còn.”
Có thể cô gái nhỏ sẽ không hiểu hết câu trả lời ấy. Nhưng nhiều năm nữa, nếu hình ảnh này vẫn còn trong ký ức của cô, chắc chắn cô sẽ hiểu. Đi ngang qua tòa Quốc Hội bên phải, người phụ nữ rẽ đoàn, bước lên những bậc tam cấp. Tòa nhà mái vòm trắng uy nghi của Mỹ ở phía sau lưng đổ bóng xuống dưới chân bà. Nhiều ống kính truyền thông hướng về đó. Trước ngực của bộ xương là dòng chữ lớn Grow Spine Congress – Vùng Lên Đi, Quốc Hội.
Đoàn người cứ thế đi tiếp. Nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu đưa lên cao: President’s Day Not Ditator’s Day – Ngày Tổng Thống, Không Phải Ngày Độc Tài; Fascist In Chief – Lãnh Đạo Phát-xít; Dictators Lead Weak Men – Chỉ có người yếu đuối mới bị cai trị bởi những kẻ độc tài; The Richest Men In The World Is Stealing From You – Những kẻ giàu nhất thế giới đang lấy cắp của bạn; No King – Không có vua; Trump Must Go – Phải truất phế Trump; Trash Your Tesla – Quăng Tesla của bạn vào thùng rác đi; Federal Workers Serve America – Nhân viên liên bang phục vụ nước Mỹ; Elon Out, We Do Not Fear You – Truất phế Elon, chúng tôi không sợ ông…
Rất nhiều sự phẫn nộ đã được gióng lên quanh bờ hồ Reflection Pool, trước tòa Quốc Hội, trong ngày President’s Day. Trong đoàn người hôm nay, không thiếu những vị cao niên. Một phụ nữ cao gầy, tay cầm hình nộm Donald Trump trong bộ quần áo của chú hề. Sự sáng tạo của bà làm cho một khu vực của bờ hồ trở nên vui nhộn.
Tôi hỏi, “trong cuộc đời bà, đã bao giờ bà trải qua thời gian như thế này chưa?”
“Ồ, tôi sống đủ lâu để biết rằng, đây là điều chưa từng xảy ra trên đất nước Hoa Kỳ,” vừa nói, bà vừa chỉ vào hình nộm đang cầm trên tay.
Trên 50 tiểu bang của nước Mỹ hôm nay, Georgia, Chicago, Ohio, Washington, Oklahoma, Arizona…dù xanh hay đỏ, nơi nào cũng đều diễn ra cuộc biểu tình chống lại những gì chính quyền Trump-Musk đang thực hiện. Theo truyền thông thì con số tùy mỗi nơi, từ vài trăm đến vài ngài. Nếu nói rằng đây là một cuộc biểu tình lớn, thì không phải. Vì nó chưa thể so sánh với những cuộc biểu có tổ chức quy mô như những năm trước của Black Live Matters hoặc Women’s March. Đoàn người đi vòng quanh Reflection Pool trước Capitol Hill là những người dân không thể im lặng trước chế độ độc tài đang phá hủy nền dân chủ. Họ không thể im lặng dửng dưng trước những kẻ ngông cuồng đang sỉ nhục sự đóng góp của họ cho đất nước. Nơi bậc tam cấp cạnh bờ hồ, có ba thanh niên trẻ trân trọng gấp lá quốc kỳ mà họ mang theo để biểu tình. Họ gấp theo đúng tiêu chuẩn 13 lần để vinh danh 13 thuộc địa ban đầu đã tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh.
Cả ngàn người hôm nay đến trước Capitol Hill ở Washington DC đều có chung tiếng nói – tiếng nói của sự phẫn nộ. Họ là những người dân nhỏ bé, những công chức liên bang, những vị cao niên đã sống qua nhiều đời tổng thống, những đứa trẻ đi theo cha mẹ để ghi vào ký ức một dấu mốc lịch sử hỗn loạn. Không có bất kỳ một lãnh đạo của đảng Dân Chủ nào xuất hiện trong đoàn người. Nhớ năm nào, trong nhóm người xuống đường cũng tại Washington DC biểu tình Black Lives Matter, có Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney. Chẳng trách mà người biểu tình cứ hô vang “Where is Congress? Do your job.”
Mỗi người một biểu ngữ, một hình ảnh. Họ cứ thế đi thành vòng. Những vòng tròn tiếp nối không có lối ra. Lòng người đã có. Hơn bao giờ hết, người dân cần một tiếng còi hiệu, để vòng tròn này nhân lên thành một trăm, một ngàn vòng tròn khác, trước khi quá muộn.
Gần 3 giờ chiều. Đoàn người thưa dần. Vòng tròn cũng đứt đoạn. Càng về chiều, gió càng mạnh. Tấm bảng trên tay người phụ nữ tóc bạc trắng đang rời đoàn người để băng qua đường run rẩy. Một tấm bảng nhỏ khác bị gió thổi tung vào bụi cỏ khô.
Dù sao, đây cũng là một tia hy vọng cho “sức mạnh của một bó đũa.”
Kalynh Ngô