
(WASHINGTON/TAIPEI, ngày 17 tháng 2, Reuters) – Đài Loan đang cân nhắc mua một lượng vũ khí trị giá hàng tỷ MK từ Hoa Kỳ, với hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp họ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền Trump khi TQ tiếp tục gia tăng áp lực quân sự.
Theo ba nguồn tin ẩn danh am hiểu về vấn đề này, Đài Bắc đang thương thảo với Washington nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.
Một trong các nguồn tin cho biết gói vũ khí này không chỉ đơn thuần là một thương vụ quân sự mà còn thể hiện cam kết của Đài Loan đối với khả năng tự vệ của chính mình trước các mối đe dọa an ninh.
Theo nguồn tin thứ hai, thương vụ này sẽ bao gồm các loại vũ khí hiện đại như phi đạn viễn khiển (cruise missiles) phòng thủ bờ biển và hệ thống HIMARS. Nguồn tin này cũng nhấn mạnh: “Thương vụ này sẽ khó mà có giá dưới 8 tỷ MK. Đoán chừng giá cả sẽ nằm trong khoảng từ 7 đến 10 tỷ MK.”
Tòa Bạch Ốc hiện chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Mike Waltz trước đó đã bày tỏ mong muốn đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí cho Đài Loan.
Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Đài Loan từ chối bình luận về các thương vụ mua sắm vũ khí nhưng khẳng định rằng trọng tâm hàng đầu của họ là củng cố năng lực phòng thủ trước những mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Bộ cho biết: “Bất kỳ loại vũ khí và trang thiết bị nào có thể giúp củng cố quân đội đều được đưa ra xem xét để đấu thầu.”
TQ từ lâu vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và khẳng định sẽ dùng mọi cách, kể cả vũ lực, để đưa hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Đài Loan kiên quyết bác bỏ yêu sách của TQ, khẳng định rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của họ.
Quan hệ giữa Trump và Đài Loan
Trong chiến dịch tranh cử, Trump từng khiến Đài Loan lo lắng khi cáo buộc hòn đảo này đã “cướp” đi công nghiệp chất bán dẫn (semiconductor) của Hoa Kỳ. Hồi đầu tháng, ông còn đe dọa áp thuế đối với chất bán dẫn nhập cảng.
Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng trong mậu dịch, chính quyền Trump vẫn ngoại giao qua lại với Đài Loan. Ngày 7 tháng 2, Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã đưa ra tuyên bố chung (joint statement), phản đối mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan bằng vũ lực hoặc cưỡng ép.
Ngoài ra, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xóa đi tuyên bố trên trang web chính thức rằng Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Việc này đã được chính phủ Đài Loan hoan nghênh, trong khi Bắc Kinh lập tức phản đối và yêu cầu Washington “sửa chữa sai lầm” này.
Trước những thách thức về an ninh, Đài Loan dự kiến sẽ đề ra một ngân sách quốc phòng đặc biệt nhằm hiện đại hóa quân đội và nâng cao khả năng tự vệ. Các khoản đầu tư trọng điểm bao gồm đạn dược có tính chính xác cao, hệ thống phòng không, hệ thống chỉ huy - kiểm soát, trang thiết bị cho lực lượng dự bị và công nghệ chống máy bay điều khiển từ xa (drone).
Trong nhiệm kỳ 2017-2021, Trump đã thúc đẩy việc bán vũ khí thường xuyên cho Đài Loan, bao gồm những hợp đồng trị giá hàng tỷ MK cho các chiến đấu cơ F-16. Chính quyền Biden sau đó vẫn tiếp tục chính sách này, nhưng quy mô của các thương vụ thường nhỏ hơn so với thời Trump.
Các viên chức Đài Loan vẫn lạc quan về sự ủng hộ của chính quyền Trump, nhưng cũng không khỏi lo ngại về việc các chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế hòn đảo.
Đài Bắc tin rằng Trump không có ý định “đánh đổi” lợi ích của Đài Loan trong một “thỏa thuận lớn” với Tập Cận Bình. Một nguồn tin cho hay Trump quan tâm đến việc áp thuế lên ngành công nghiệp semiconductor nhiều hơn là bán đứng Đài Loan.
Một dấu hiệu khác cho thấy cam kết của Washington đối với Đài Bắc là việc Raymond Greene, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đài Loan, sẽ không bị “mất ghế” dù nhiều vị trí ngoại giao khác của Hoa Kỳ đang có sự thay đổi lớn.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng Greene vẫn sẽ là Giám đốc American Institute tại Đài Loan – cơ quan được xem là ĐSQ không chính thức của Hoa Kỳ tại Đài Bắc.