
Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức đã sử dụng cụm từ "vận mệnh hiển nhiên" (manifest destiny) để kêu gọi nước Mỹ cắm cờ trên sao Hỏa. Đây là một thuật ngữ có từ thế kỷ 19, mô tả niềm tin vào “chủ nghĩa đặc biệt” (exceptionalism) của người Mỹ; và quyền thiêng liêng được mở rộng bờ cõi sang các vùng đất ở Bắc Mỹ, nơi người da đỏ bản địa và người Mexico sinh sống. Ảnh: istockphoto.
Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức đã sử dụng cụm từ "vận mệnh hiển nhiên" (manifest destiny) để kêu gọi nước Mỹ cắm cờ trên sao Hỏa. Đây là một thuật ngữ có từ thế kỷ 19, mô tả niềm tin vào “chủ nghĩa đặc biệt” (exceptionalism) của người Mỹ; và quyền thiêng liêng được mở rộng bờ cõi sang các vùng đất ở Bắc Mỹ, nơi người da đỏ bản địa và người Mexico sinh sống. Ảnh: istockphoto.
Trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, tổng thống Donald Trump sử dụng cụm từ "vận mệnh hiển nhiên" (manifest destiny) để kêu gọi nước Mỹ cắm cờ trên sao Hỏa. Đây là một thuật ngữ có từ thế kỷ 19, mô tả niềm tin vào “chủ nghĩa đặc biệt” (exceptionalism) của người Mỹ; và quyền thiêng liêng được mở rộng bờ cõi sang các vùng đất ở Bắc Mỹ, nơi người da đỏ bản địa và người Mexico sinh sống.
Trong vòng chưa đầy một tháng sau khi trở lại Tòa Bạch Ốc, ông Trump làm khơi dậy hình ảnh một “đế quốc Mỹ” ở thế kỷ 21, khi lập lại ý định Hoa Kỳ mua lại Greenland của Đan Mạch; biến Canada thành "tiểu bang thứ 51"; đe dọa sẽ "lấy lại" kênh đào Panama; và gần đây nhất là gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp quản Gaza. Chủ nghĩa đế quốc không còn là một phần công khai trong sách lược quốc gia của Hoa Kỳ kể từ thời Teddy Roosevelt.
Một bài bình luận đăng trang trang mạng npr.org ngày 7 tháng 2, 2025 có trích dẫn lời của Michael O'Hanlon, thành viên cấp cao tại Brookings Institute: "…Thật thú vị khi thấy thuật ngữ này quay trở lại; khái niệm mở rộng bờ cõi là một trong những kinh nghiệm cốt lõi của dân tộc Mỹ...” Nhưng đó là trong bối cảnh thế giới của hai thế kỷ trước. Liệu ngày nay ông Trump có thể biến lời nói của mình thành hành động?
Trở lại với nguồn gốc của thuật ngữ "vận mệnh hiển nhiên." Vào năm 1845, James K. Polk đã thắng cử tổng thống Hoa Kỳ dựa trên một nền tảng bành trướng rõ ràng: mua lại California và các vùng đất khác ở Tây Nam; sáp nhập Cộng Hòa Texas khi đó còn độc lập; và giải quyết tranh chấp với Anh để giành quyền kiểm soát Lãnh thổ Oregon. Thuật ngữ “vận mệnh hiển nhiên” được nhà báo John O'Sullivan đặt ra vào năm đó, trong một bài bình luận ca ngợi việc sáp nhập Texas và hướng tới California, khi đó vẫn thuộc về Mexico.
Nói chung, thuật ngữ này là một dạng chủ nghĩa ngoại lệ của người Mỹ, coi sự bành trướng lãnh thổ từ Đông sang Tây lục địa Bắc Mỹ là nhiệm vụ thiệng liêng bắt buộc để tồn tại và phát triển.
Thuật ngữ này có mô tả phong cách ngoại giao của Trump không? Theo một số chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ, có vẻ như ông Trump và những người ủng hộ đang nghiêm túc cho rằng đây là thời kỳ mở rộng lãnh thổ mới của Hoa Kỳ.
Khi nói về Canada, Greenland và Panama, ông Trump cũng gợi lại một nguồn gốc lịch sử khác của “vận mệnh hiển nhiên”: Học Thuyết Monroe, lần đầu tiên được Tổng thống James Monroe đưa ra vào năm 1823, như một lời cảnh báo đối với các cường quốc châu Âu không được can thiệp vào các vấn đề của Tây Bán Cầu. Học thuyết Monroe như một lý do biện minh đầu tiên cho việc sáp nhập Texas: ngăn chặn vùng đất này trở thành "đồng minh hoặc vùng phụ thuộc vào một quốc gia nước ngoài nào đó mạnh hơn Hoa Kỳ. Tương tự sau đó là cho cuộc chiến với Mexico (1846-1848). Năm 1867, Tổng Thống Andrew Johnson cũng trích dẫn nó như một lý do chính đáng để mua Alaska. Học thuyết Monroe về mặt lịch sử là cách Hoa Kỳ xác định phạm vi ảnh hưởng của mình về mặt lãnh thổ. Đến cuối thế kỷ 19, Học Thuyết Monroe còn có hàm ý mạnh mẽ hơn. Nó được hiểu ngầm rằng toàn bộ Tây Bán Cầu là khu vực phải chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump còn có một sự tương đồng lịch sử khác với những người tiền nhiệm trong thế kỷ 19, đó là sử dụng thuế quan, đe dọa áp thuế một cách hung hăng. Vào năm 1853, một đội tàu chiến Hoa Kỳ có mặt tại Vịnh Tokyo, với mục đích bắt nạt Nhật Bản, buộc phải mở cửa cảng cho hoạt động thương mại của Hoa Kỳ. Chiến thuật này được gọi là "ngoại giao pháo hạm", và được Tổng Thống Theodore Roosevelt định hình lại thành châm ngôn "cây gậy lớn", là sách lược kết hợp đe dọa vũ lực để đạt được những mục tiêu trên trường quốc tế.
Ông Trump dường như đang tái tạo chính sách ngoại giao “cây gậy lớn” ở châu Mỹ cho thế kỷ 21. Nhưng khi làm như vậy, ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Ngày nay, Hoa Kỳ không có quyền lực vô song ở Tây Bán Cầu như thời thời Teddy Roosevelt. Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh; và ở nhiều quốc gia Nam Mỹ, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang có vai trò mạnh mẽ.
Cũng cần lưu ý là chíến lược bành trướng của Trump lại mâu thuẫn với một chiến lược khác mà ông đã theo đuổi từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên: chủ nghĩa biệt lập, kêu gọi Hoa Kỳ rút khỏi các cuộc xung đột thế giới; và cáo buộc các đồng minh quân sự của Hoa Kỳ không đóng góp công bằng phần chi phí của họ. Quan niệm của Trump về NATO là một ví dụ.
Một vấn đề khác: nếu Trump thực hiện chủ nghĩa bành trướng của mình, Hoa Kỳ sẽ trở thành kẻ bị tẩy chay trên trường quốc tế. Nếu Hoa Kỳ sử dụng vũ lực quân sự để chiếm Kênh đào Panama hoặc Greenland... thế giới sẽ xếp ông ta cùng một loại như Vladimir Putin.
Vì thế, có thể ông Trump cũng chỉ hung hăng trên cửa miệng. Nhưng việc liên tục đưa ra những lời bình luận hiếu chiến rồi sau đó rút lại cũng có lúc sẽ gặp khó khăn. Khi Trump nói rằng sẽ áp thuế 25% đối với Colombia, nhưng sau đó lại chấp nhận việc nối lại các chuyến bay trục xuất, rồi tuyên bố chiến thắng trong đàm phán, các nhà phân tích cho rằng giống như chuyện cậu bé chăn cừu nói dối. Các quốc gia khác rồi cũng nhận ra điều này, cho nên những lời đe dọa kiểu bắt nạt đó sẽ mất dần tác dụng.
Ông Trump cũng đang cố xây dựng cho mình hình ảnh là một nhà lãnh đạo khó đoán được ý định. Theo Page, một cựu đại sứ Hoa Kỳ, việc “không thể đoán trước” cũng có thể trở thành một vấn đề lâu dài. Ví dụ, bà chỉ ra Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) và hiệp định kế nhiệm, Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) đã được đàm phán và ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Làm sao Hoa Kỳ có thể đe dọa hai đối tác bằng thuế quan khi chính mình đã ký thỏa thuận thương mại với họ? Nếu Trump làm như vậy, điều đó có nghĩa là những chính quyền tiếp theo có thể đi ngược lại bất kỳ chính sách và thỏa thuận nào của chính phủ tiền nhiệm.
Việt Báo biên dịch bài gốc
Gửi ý kiến của bạn